24/05/2017, 13:06

Phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh ngữ văn 8

Phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh – Tình yêu quê hương là tình cảm sâu nặng, thiêng liêng trong mỗi một con người bởi Có thể bứt con người lìa khỏi quê hương nhưng không thể bứt quê hương lìa khỏi con người. Quê hương mỗi người chỉ một Như là chỉ một mẹ thôi Quê hương nếu ai không nhớ ...

Phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh – Tình yêu quê hương là tình cảm sâu nặng, thiêng liêng trong mỗi một con người bởi Có thể bứt con người lìa khỏi quê hương nhưng không thể bứt quê hương lìa khỏi con người. Quê hương mỗi người chỉ một Như là chỉ một mẹ thôi Quê hương nếu ai không nhớ Sẽ không lớn nổi thành người (Quê hương – Đỗ Trung Quân) Sinh ra từ một miền quê, thi sĩ nào chẳng từng tha thiết, đắm say với miền quê yêu dấu của mình. Chẳng ...

– Tình yêu quê hương là tình cảm sâu nặng, thiêng liêng trong mỗi một con người bởi Có thể bứt con người lìa khỏi quê hương nhưng không thể bứt quê hương lìa khỏi con người.

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
(Quê hương – Đỗ Trung Quân)

Sinh ra từ một miền quê, thi sĩ nào chẳng từng tha thiết, đắm say với miền quê yêu dấu của mình. Chẳng thế mà dù có đi đâu về đâu Tế Hanh vẫn tha thiết nhớ về làng tôi ở qua một thi phẩm được coi là mảnh hồn trong trẻo nhất mà nhà thơ có được trước Cách mạng tháng Tám: Quê hương (1939).
Chàng trai mười tám tuổi ấy xa quê, từ đất cố đô nhớ về:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông

Hai câu mở đầu với giọng kể, lời thơ tự sự mở ra không gian sóng nước với dáng hình quê hương phảng phất cơn gió biển làm sóng nước bồng bềnh, mênh mông trời nước vùng cửa sông gần biển. Thơ viết trong nỗi nhớ, đó là thơ hồi tưởng. Trong ký ức của nhà thơ hình ảnh quê hương sáng bừng, lung linh trong ánh nắng buổi ban mai:

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Câu thơ ngắt nhịp 3/2/3 vừa có họa, vừa có nhạc: Bầu trời trong sáng, gió biển thổi nhẹ, sóng vỗ lao xao, ánh hồng rạng rỡ, lòng người phơi phới nhẹ nhõm, gợi ta nhớ đến câu thơ của Tố Hữu có nắng, có gió, có sóng khi về thăm quê mẹ nuôi xưa: Gió lộng xôn xao, sóng biển đưa đưa.

phan tich bai tho nho con song que huong cua te hanh

Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người, nhớ quê hương nhà thơ nhớ nhất hình ảnh con người, con thuyền, cánh buồm trong thời khắc ra khơi buổi ban mai tươi sáng:

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân tráng bao la thâu góp gió…

Đây là những câu thơ miêu tả, ý thơ khỏe khoắn, hình ảnh thơ lãng mạn. Câu thơ cũng giống như mặt biển dập dềnh, con thuyền ra khơi nhịp nhàng cùng với những con sóng chao lên, liệng xuống. Hình ảnh trung tâm của đoạn thơ là hình ảnh con thuyền, có những nét rất lạ:

Chiếc thuyền nhẹ, hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Con thuyền được so sánh như con tuấn mã: con ngựa trẻ khỏe, phi nhanh như lướt nhẹ trên mặt nước, bay lên cùng gió lướt, sóng xô, con thuyền cũng trẻ trung, cường tráng như những trai làng, con thuyền dường như cũng mang theo khuôn mặt, sức sống, niềm vui của họ.

Qua hình ảnh so sánh ấy khiến dân trai tráng, những con người lao động bình thường bỗng trở thành những tao nhân, mặc khách, ra khơi đánh cá mà như nhẹ cất buồm thơ lướt sóng nước trường giang.

Trên nền kể và tả ấy, xuất hiện hai câu thơ mang vẻ đẹp bất ngờ:

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân tráng bao la thâu góp gió…

Cánh buồm, vô tri vô giác, một vật thể hữu hình được ví với mảnh hồn làng, cái trừu tượng, vô hình. Đây là một cách ví von, liên tưởng khá độc đáo.

Như vậy cái bình dị được so sánh với cái thiêng liêng. Phải chăng bằng tấm tình gắn bó với quê hương mình, Tế Hanh đã linh hồn hóa cánh buồm ấy, để cánh buồn cũng thấm đẫm hồn quê hương.

Mỗi một miền quê bao giờ cũng mang một linh hồn riêng. Người xa quê thường cảm nhận rất rõ điều đó, có khi đó là hương vị thổ ngơi của bát canh rau muống, cà dầm tương, là giếng nước, gốc đa, hoa gạo tháng ba nở đỏ đầu làng… Với Tế Hanh, chàng trai đang tuổi học trò xa quê hương, lại thấy hình ảnh chiếc buồm ra khơi hình như mang hơi thở, nhịp đập, hồn vía của quê hương. Có một mảnh hồn làng neo đậu mãi trong tâm hồn thi sĩ qua một cánh buồm giương. Đây là cách cảm nhận tinh tế, chính xác của nhà thơ. Vì cánh buồm ấy mang theo niềm vui, nỗi buồn, sự sống của một làng chài vùng cửa sông gần biển. Cánh buồm, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, làm ăn của dân làng; cánh buồm giương là cánh buồm ra khơi mang theo niềm vui, niềm hy vọng, ước mơ no ấm cho dân làng. Cánh buồm ấy là một phần không thể thiếu, gắn bó thân thuộc với người dân vạn chài.

Chẳng thế mà nhà thơ Hoàng Trung Thông trong bài thơ Những cánh buồm đã mơ ước rất lãng mạn qua ước nguyện của chú bé con trên biển khơi vô tận :

Cha mượn cho con buồm trắng nhé
Để con đi

Nói đến cánh buồm no gió khiến cho Câu hát căng buồm cùng gió khơi để con thuyền Lướt giữa mây cao với biển bàng là cánh buồm phơi phới, lãng mạn. Cánh buồm Rướn thân trắng bao la thâu góp gió: cánh buồm được so sánh ngầm giống như chàng trai vạm vỡ, đang ưỡn căng lồng ngực rộng mênh mông sức trẻ, thu gió đại dương vào lòng, bay bổng lên cùng sóng nước. Thật đúng là: Cái hay của thơ khó diễn giải thành lời (Lê Quang Hưng).

Có thiết tha, đằm thắm với quê hương thì tác giả mới tạo nên được những vần thơ lãng mạn như thế.

Bức tranh của làng chài ra khơi trong nỗi nhớ nhưng khỏe khoắn, trong trẻo, phơi phới. Tiếng thơ ấy thật khác lạ với dàn đồng ca sầu của thơ mới ngày ấy.
Vẫn cánh buồm ấy, vẫn con thuyền ấy, ngày hôm sau đầy cá trở về. Nỗi nhớ làm cho kỉ niệm hiện ra như trong thực tại với khung cảnh thật náo nức, tươi vui:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe

Câu thơ Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe như một lời cảm tạ đất trời. Câu thơ rất thực nhưng đặt vào công việc đầy nhọc nhằn, nguy hiểm của những người ngư dân trước đây lại mang trong đó một ý nghĩa thiêng liêng, rất tiêu biểu cho đời sống tâm linh của một làng chài ven biển.

Hình ảnh dân trai tráng, dân chài lưới hiện lên thật đẹp.

Qua ngôn ngữ thơ giàu giá trị tạo hình, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của con người lao động ven biển hiện lên như bức tượng đồng nâu, rắn chắc với làn da ngăm rám nắng, cả thân hình nồng thở vị xa xăm.

Vị xa xăm là một phát hiện tinh tế của nhà thơ. Phải là người con của vạn chài mội có được cảm nhận ấy. Nhà thơ dã chuyển đổi cảm giác mùi vị (ngửi, nếm được) cụ thể thành trừu tượng. Vị xa xăm là hương vị đặc biệt không cảm nhận được bằng giác quan, không thể định hình, cũng không thể gọi tên: vị của gió, của sóng, của đại dương nồng nàn trên thân hình người đi biển. Sau những giờ khắc vật lộn với sóng, gió xa khơi, những chàng trai trở về.

Dường như họ mang theo hơi thở, mùi vị của biển cả. Họ chính là những sinh thể được tách ra từ cuộc sống đại dương. Họ là những đứa con của biển. Biển đã sinh ra họ và làm đẹp thêm cho họ.

Vẫn những con thuyền ấy, lúc ra khơi nhẹ, hăng như con tuấn mã, đầy khí thế hào hứng, phấn khích, giờ trở về lại trở nên hiền lành, lặng lẽ:

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Con thuyền ở đây được nhân hóa như một sinh thể sông động, nằm yên lặng như thể đang nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày vật lộn với sóng, gió, biển khơi. Cụm từ im bến mỏi thật cô đúc, vừa nói được sự nghỉ ngơi, thư giãn của con thuyền, vừa nói được vẻ yên lặng nơi bến đỗ. Chính vì trạng thái con thuyền, sinh thể có hồn kia đang nằm, lặng lẽ, suy tư giống như một nhà hiền triết nên mới nghe vị muối mặn của biển khơi đang râm ran chuyển động trong cơ thể mình. Từ nghe cảm nhận bằng tai nhưng ở đây lại: nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ nghe đã mang ý nghĩa mới mẻ, độc đáo.

Trong thơ Nguyễn Trãi hơn một lần ta đã gặp hình ảnh con thuyền im nơi bến đỗ: Con thuyền gối bãi suốt ngày ngơi, ở đây ta lại gặp con thuyền dường như cũng yên lặng đến tuyệt đối nhưng lại mang vị xa xăm khi chất muối thấm dần trong thớ vỏ qua câu thơ của Tế Hanh. Dư vị của chuyến ra khơi với sóng, gió, nước trời chỉ còn chập chờn trong tưởng tượng dịu êm qua dáng hình con thuyền nơi bến đỗ.

Đây thực sự là những câu thơ cất lên từ một hồn thơ gắn bó với làng biển quê hương tha thiết.

Kết thúc bài thơ, thi sĩ như bừng tỉnh trở về với hiện thực để cồn lên nỗi nhớ da diết. Nỗi nhớ đọng lại trong lòng nhà thơ với màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, hai sắc độ, hai gam màu xanh của nước biển, trắng của cá, của cánh buồm làm nên màu sắc lung linh trong miền nhớ của nhà thơ. Và cả hương vị nữa: hương vị mặn mòi của biển. Mùi nồng mặn quá đó là hương vị của biển, vị mặn của mồ hôi ướt lưng trần dãi dầu mía nắng của cha, thấm đẫm trên cái áo cánh nâu với bờ vai đã rách sờn của mẹ. Cài mùi nồng mặn ấy dù có đi đến tận chân trời góc bể nào, con vẫn không quên.

Bài thơ trong trẻo từ đầu đến cuối. Lời thơ giản dị, mộc mạc, hình ảnh khỏe khoắn, đậm đà tình biển, tình quê. Thật đúng là mảnh hồn trong trẻo mà nhà thơ có được trước Cách mạng tháng Tám.. Đọc bài thơ, ta càng thấu hiểu:

Xa quê hương mới hiểu người biệt xứ
Trên đời này thà mất đi nhiều thứ
Không đau gì bằng nỗi thiếu quê hương.

Theo: Ngọ Thị Quỳnh

0