26/10/2018, 17:58

Phân tích bài thơ Mùa Xuân Nho Nhỏ của nhà thơ Thanh Hải tuyệt hay

Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải Bài làm: Xuân về ước vọng thuở thời son Diễm tuyệt đài trang dáng vẻ tròn Ái mặn nồng trao tình nghĩa cỏn Hương ngào ngạt tỏa sắc đời non ...

 

Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải

Bài làm:

Xuân về ước vọng thuở thời son

Diễm tuyệt đài trang dáng vẻ tròn

Ái mặn nồng trao tình nghĩa cỏn

Hương ngào ngạt tỏa sắc đời non

       Mùa xuân về mang bao nhiêu ước vọng, là mùa hội tụ cái đẹp căng tràn sức sống với buổi bình minh êm ngọt, những chồi lá biếc xanh, tiếng chim vui làm tổ… Đối với người nghệ sĩ, có lẽ đề tài về mùa xuân là một chủ đề lớn để các nhà thơ, nhà văn khai phá và đưa vào nền văn học những trang sách lỗi lạc mọi thời. Ta đã từng biết đến “mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính, “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, “Xuân “ của Chế Lan Viên, và giờ, khi đến với dòng thơ Thanh Hải, ta bắt gặp bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” thân thương, gần gũi như một lời tâm niệm chân thành, lời gửi gắm thiết tha của nhà thơ với lời thơ đi cùng năm tháng.

         Bài thơ được nhà thơ Thanh Hải sáng tác lúc đang đối mặt với tử thần để cứu vãn từng hơi thở, từng phút giây cuối cùng. Ranh giới giữa sự sống và cái chết đối với ông bây giờ đang rấ mong manh, trong tâm trí bệnh tật dày vò khiến thân thể nặng nề nhưng hồn thơ Thanh Hải vẫn rất bay bổng, sáng tạo, mang một ước vọng cống hiến cho đời tha thiết và tình yêu cuộc sống sâu sắc. Bài thơ mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên bình dị, mang nhiều màu sắc và âm thanh quen thuộc trong cuộc sống.

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

         Xứ Huế vào mùa xuân với “dòng sông xanh” và “bông hoa tím biếc” thơ mộng. Với nét bút phóng khoáng, lời thơ nhẹ nhàng, tràn đầy cảm xúc, nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên cùng những hình ảnh bình dị, dân dã mà gợi cảm sâu sắc. Sắc xanh êm ả của dòng sông được nhà thơ chấm phá thêm một sắc “tím” nồng hậu, tươi tắn, rực rỡ của cảnh sắc mùa xuân, giản dị và rất đậm chất Huế. Động từ “mọc” được đưa lên đầu câu như đang gây một ấn tượng mạnh để gợi tả nên vẻ đẹp của sức sống mạnh mẽ đang chảy trôi theo dòng sông lặng tờ và bông hoa duyên dáng, giàu sức gợi. Mùa xuân đang tràn ngập sự tươi mới, tác giả không hề chỉ rõ bông hoa ấy thuộc loại nào, nhưng ta chỉ có thể phỏng đoán được rằng, đó có thể là bông hoa lục bình hoặc một bông hoa súng, hoa bèo mang sắc tím trên “dòng sông xanh”. Cảnh vật tự nhiên hài hòa, sống động mang sắc đẹp thanh dịu, mát mẻ, say đắm lòng người mà thiên nhiên ban tặng cho cuộc sống. Khung cảnh tiết xuân đang bừng dậy với muôn vàn sức sống. Không chỉ có màu sắc mà ở đây còn được tái hiện cả âm thanh để bức tranh càng thêm đủ âm vị. Tiếng hót của “con chim chiền chiện” đã mở ra một không gian ngày xuân cao vút, trong lành. Với từ cảm thán “ơi” và câu hỏi “hót chi mà ngang trời” được đưa vào thơ với giọng điệu ngọt ngào và đậm vị của tiếng nói người Huế. Câu thơ ấy gợi nên một điệu dịu nhẹ, thân thương với cảm xúc đắm say đến ngỡ ngàng trước một mùa xuân giàu chất thơ, tràn ngập sức sống. Đứng trước một mùa xuân tươi mới, không gian thoáng đãng, thi nhân không thể kìm nỗi lòng mình mà “đưa tay tôi hứng” những “giọt long lanh rơi” để cảm nhận đầy đủ những nét xuân rực rỡ và trong lành. Nàng xuân êm dịu đang làm tâm hồn nhà thơ thổn thức, được gợi ta bằng những câu thơ giàu chất tượng hình, đẹp đẽ. Những lời thơ như lời hát, được diễn tả một cách tự nhiên, giản dị với những xúc cảm rõ nét. “Giọt long lanh rơi” ấy có phải là giọt sương, giọt nắng, giọt mưa hay đó lại là giọt âm véo von của “con chim chiền chiện”. Tác giả như muốn “hứng” lấy tất cả mọi thứ của mùa xuân dù đó chỉ là những thứ vô hình, chỉ cảm nhận được bằng thị giác, thính giác. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được nhà thơ Thanh Hải sử dụng tài tình và thật tinh tế qua những tưởng tượng phong phú. Những hình ảnh của tự nhiên như đã ngưng tụ lại thành hình, thành khối mang sắc màu “long lanh” và tươi mới của mùa xuân.


Phân tích bài thơ Mùa Xuân Nho Nhỏ của nhà thơ Thanh Hải tuyệt hay

Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

     Người xưa từng nói: “thi trung hữu họa”, “thi trung hữu nhạc”, “thi trung hữu tình”. Quả thực vậy, trong những dòng thơ Thanh Hải đã cho ta thấy một mùa xuân xứ Huế thơ mộng, quyến rũ lòng người với cảnh sắc tươi đẹp, tiếng nhạc du dương và cả những tình cảm lớn lao của chủ thể đối với quê hương, đất nước

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao

        Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân tươi vui của đất nước, mùa xuân lớn của cách mạng đã được thể hiện qua những dòng thơ êm dịu. Từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời. Thanh Hải lại liên tưởng đến mùa xuân của đất nước với sự sống tràn đầy. Các điệp từ “mùa xuân”,”lộc”, “người” như mở ra một khung cảnh rộng lớn, gợi nên vẻ mộc mạc, chân thật của mùa xuân quê hương. Khung cảnh xuân gắn liền với công cuộc chiến đấu và cuộc sống lao động của nhân dân, đó là hiện thực thời cuộc lúc bấy giờ. Mùa xuân tạo nên sức sống, còn “lộc” tượng trưng cho cho vẻ đẹp thuần khiết cua mùa xuân và sức sống mãnh liệt của đất nước. Cặp hình ảnh sóng đôi giữa “người cầm súng” với “người ra đồng” được viết vào trong thơ cũng là dụng ý của tác giả khi ông muốn nói lên sự song hành của những con người đứng trên tiền tuyến và những người lao động ở hậu phương. Mỗi người một nhiệm vụ nhưng đều chung mục tiêu bảo về đất nước. Nhịp thơ bỗng hào hừng, hối hả như một dàn hợp xướng mùa xuân với nghệ thuật điệp ngữ “tất cả”, “hối hả”, “xôn xao” để làm nổi bật lên không khí háo hức, rực sôi , khẩn trương khi bước vào xuân. Niềm xúc cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên được Thanh Hải diễn tả qua cái nhìn sâu sắc, tự hào

 

Ðất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Ðất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

      Giai điệu đặc trưng của bản hợp xướng mùa xuân chính là sự hào hùng, hối hả trong không khí náo nức khi đất nước bước sang mùa xuân mới. Thanh Hải đã rất tự hào về “đất nước bốn nghìn năm” lịch sử “vất vả và gian lao”. Với nghệ thuật nhân hóa, nhà thơ ví đất nước như người mẹ hiền tần tảo, chịu bao gian khổ để làm cho  nên sự trường tồn vĩnh cửu cho Tổ quốc muôn đời. Để đổi lại sự trường tồn “ngàn năm”, nhân dân ta đã phải thấm bao nỗi khổ và mất mát đau thương, đổ biết bao máu xương da thịt để dựng nên nền Cộng hòa hừng thịnh. Dù có lúc thăng trầm, nhưng hình ảnh đất nước vẫn luôn sáng ngời “như vì sao/ Cứ đi lên phía trước”. Sức mạnh ấy được kết thành “vì sao” như một làn sóng mạnh quật ngã mọi thử thách, đến đâu cũng không khuất phục. Hình ảnh so sánh ấy là một nét đẹp trừu tượng trong hình hài Tổ quốc và là hình tượng bất tử của dân tộc Việt Nam mọi thời.

    “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững

Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa

Trong và thực sáng hai bờ lý tưởng

Sống hiên ngang và nhân ái chan hòa”

        Âm thanh mùa xuân đất nước đang vang lên trong cuộc sống tác giả, trong hồn thơ người thi sĩ. Đó là tiếng động trong ngần, tươi thắm bộc lộ lên cảm xúc và ước nguyện của Thanh Hải:

Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

       Lẽ sống của nhà thơ luôn căng tràn, đem đến cho người đọc giai điệu ngọt ngào, êm ái. Điệp từ “ta” được lặp lại thể hiện một ước nguyện chân thực, thành khẩn của tác giả. Ông muốn hóa thân thành “con chim hót”, “một cành hoa”, “nhập vào hòa ca” – đó là những hóa thân cao đẹp, bình dị đến diệu kì. Nhà thơ đã lựa chọn hình ảnh thiên nhiên để bày tỏ ước nguyện của mình. Còn gì tươi mới hơn khi hình ảnh “con chim” xuất hiện với tiếng hót rộn rã làm vui cho đời, “một nhành hoa” đua sắc trong ngày xuân tươi mới. Tác giả không muốn mình là một bông hoa nhỏ bé mà là “một nhành hoa” với nhiều bông hoa đua nở. Điều đó thể hiện một lẽ sống lớn lao của nhà thơ, vừa bình dị nhưng cũng thật cao cả. Sống đẹp cho đời là một lẽ thường tình. Cái tôi riêng đã hòa lẫn với cái ta chung như khẳng định cái gắn kết giữa cá nhân và cộng đồng. Hình ảnh “nốt trầm”  đã nói lên một ước muốn tha thiết, chân thành, không chút ồn ào, không phải sự sôi nổi như ngoài kia mà tác giả chỉ muốn mình là “một nốt trầm” nhưng lại “xao xuyến”, nao lòng để góp vào bản hòa tấu chung của mùa xuân đất nước.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

      Những vần thơ sâu lắng cùng ngôn từ chính xác, tinh tế, giàu sức gợi đã làm sáng rõ những ước vọng của Thanh Hải. Là một con chim, một nhành hoa, một nốt trầm, “một mùa xuân nho nhỏ” để “lặng lẽ dâng cho đời”, góp sức vào xây dựng đất nước mai sau. Đó là một khát vọng sống cao đẹp, một lẽ sống bình dị nhưng mang tâm hồn cao quý. Hình ảnh mà nhà thơ gợi nê mang một nét ẩn dụ rất riêng, dầy sáng tạo, lột tả được nỗi lòng một con người đang đứng bên bờ vực của sự sống và cái chết. Mỗi một con người hãy tự hóa mình thành một mùa xuân nhỏ để dâng hiến và góp thành mùa xuân lớn cho đất nước. Cặp từ láy “nho nhỏ”, “lặng lẽ” được gợi nên với một cảm xúc chân thành, khiêm nhường. Đó là chuẩn mực cho lẽ sống đẹp, sống cao đẹp, sống là để cống hiến “dù là tuổi hai mươi/ dù là khi tóc bạc”. Không khoe khoang, không thể hiện rõ ý nguyện mà chỉ “lặng lẽ” đem năng lực của mình để phục vụ cho đời, âm thầm dâng hiến với một khát vọng có mục đích, có lý tưởng:

“Nếu là con chim chiếc lá

Con chim phải hót chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

                                         (Tố Hữu)

       Trong những ngày tháng cuối cuộc đời, Thanh Hải vẫn luôn nuôi dưỡng một lẽ sống tâm hồn cao cả với nỗi lòng của người xứ Huế thủy chung, son sắt:

Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế…

        Ngày xuân đang tràn đầy sức sống nhưng đối với nhà thơ, ông đang đứng trước ranh giới của cái chết gần kề. Dù vậy, tiếng thơ cũng là tiếng lòng, ông vẫn luôn quan niệm một lối sống đinh ninh: dẫu ở giai đoạn nào cuộc đời, ở cái độ tuổi hai mươi hay là khi đã già thì cũng phải sống thật đẹp, sống có ích cho đời, làm giàu đẹp cho đất nước. Đây là quan niệm nhân sinh, một lối sống đẹp, chân chính mà nhà thơ đang cố gắng để sống đúng với lòng mình. Có lẽ, ở những ngày đối diện với tử thần, nằm trên giường bệnh, Thanh Hải lại muốn hát lại điệu dân ca quen thuộc của xứ Huế quê hương ông để cảm nhận cái đẹp của quê hương tươi đẹp và bản sắc đặc trưng của miền đất Huế. Đoạn thơ cuối bài là những tâm tư dồn nén với tình cảm rộng mở, sâu sắc đối với quê hương, cội nguồn. Từ đó nhà thơ thêm yêu đất nước và muốn dùng những phút cuối đời hiến dâng cho đất nước muôn đời.

“Ôi đất nước bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những kiếp người đã hóa núi sông ta”

(Đất nước –  Nguyễn Khoa Điềm)

      Lời thơ như vang vọng một nỗi niềm, một lẽ sống cao đẹp với ước nguyện dâng hiến cả cuộc đời vào mùa xuân của đất nước. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là một khúc ca mang âm điệu nhẹ nhàng, truyền cảm để gửi gắm những tâm tư, tình cảm của nhà thơ Thanh Hải. Với cấu tứ thơ năm chữ, nhạc điệu trong sáng, thiết tha, gần gũi. Những dòng thơ đã khoie lên một dòng sông yêu thương, ấm áp như tiếng gọi ngàn đời của nước non, vừa mộc mạc, bình dị, chân quê, vừa hiện lên một lẽ sống cao đẹp, cống hiến hết mình trong âm thầm, lặng lẽ.

Bùi Phương Thảo

 

 
 
 
0