28/08/2018, 22:16

Phân tích bài thơ Lưu Biệt Khi Xuất Dương 

(Văn mẫu lớp 10) – Em hãy phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu (Bài văn phân tích của bạn Tạ Việt Anh lớp 10A1 trường THPT chuyên Thái Bình). BÀI LÀM Bên cạnh vai trò nhà chính trị yêu nước, Phan Bội Châu còn có vị trí quan trọng ...

(Văn mẫu lớp 10) – Em hãy phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu (Bài văn phân tích của bạn Tạ Việt Anh lớp 10A1 trường THPT chuyên Thái Bình).

BÀI LÀM

Bên cạnh vai trò nhà chính trị yêu nước, Phan Bội Châu còn có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX. Phan Bội Châu sử dụng văn chương để chiến đấu trên mặt trận tư tưởng cách mạng. Văn của ông có sức lay động quần chúng lớn lao. Bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” thể hiện sâu sắc vai trò đó:

“Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ.
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”

Bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” được sáng tác vào 2/1/1905 khi Phan Bội Châu xuất dương tại cảng Hải Phòng. Phan Bội Châu đã mượn chuyện “xuất dương” để bàn về vấn đề nam nhi. 

“Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”
 (Đã sinh làm kẻ nam nhi thì cũng phải mong có điều lạ,
Há lại để trời đất tự chuyển vần lấy sao!)

Phan Bội Châu bắt đầu bài thơ bằng quan niệm riêng về chí làm trai. Tương tự, rất nhiều thi sĩ cùng thời cũng bàn và đưa ra quan điểm riêng của mình. Ví như “Chí làm trai” của Nguyễn Công Trứ:    

“Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”

Phan Bội Châu và Nguyễn Công Trứ đều chung quan điểm về bổn phận nam nhi cần phải làm những việc lớn lao. Tuy nhiên, một điểm mới ở Phan Bội Châu đó là còn phải làm nên “hy kỳ” – “điều lạ”. Công danh mà nam nhi làm nên phải khác người thường. Cách nói “khẳng hứa” bổ sung thêm ý cho vấn đề. Tác giả muốn khẳng định: Nếu làm nam nhi mà phó mặc cho tạo hóa tự thay đổi thì không xứng làm bậc đại trượng phu. 

>>>Xem thêm: Soạn bài Lưu Biệt Khi Xuất Dương

Vậy như thế nào mới là làm nên điều lạ:
“Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ”
(Giữa khoảng trăm năm này, phải có ta chứ,
Chẳng nhẽ ngàn năm sau lại không có ai (để lại tên tuổi) ư?)

Đó là làm sao, đời người nam nhi trong “trăm năm” phải làm được việc lớn và trong “ngàn năm” phải để lại “tên tuổi” cho đời. 

phan-tich-bai-tho-luu-biet-khi-xuat-duongphan-tich-bai-tho-luu-biet-khi-xuat-duong

Phan Bội Châu tiếp tục nhìn vào thực tế để soi xét và đưa ra nhận định:

“Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.”
(“Non sông đã chết, sống chỉ nhục,
Thánh hiền đã vắng thì có đọc sách cũng ngu thôi!”)

Trong thực tế, con đường công danh hay cụ thể là việc học hành thi cử được bàn tới. Thời cuộc hiện tại đó là “non sông đã chết”. Thi sĩ khinh ghét xã hội bấy giờ khi bộ máy cai trị trở nên hèn nhát, yếu đuối. Chính vì thế, Phan Bội Châu nhận định việc đọc sách cũng chỉ như “tụng diệc si” mà thôi. Thi sĩ không phủ nhận Nho học mà đang cố gắng dùng lời lẽ cứng cỏi để thức tỉnh những sĩ trí yêu nước. Đó là, việc cấp bách lúc này không phải là ngồi đọc sách thành hiền mà là phải xoay chuyển cục diện, đồng khởi giải phóng bản thân khỏi chế độ ngu muội này. 

Phan Bội Châu thể hiện tinh thần hứng khởi, quyết tâm cao để cổ vũ các sĩ trí yêu nước khác:

“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”
(“Mong đuổi theo ngọn gió dài đi qua biển Đông,
Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên”)

Hình ảnh “Đông hải” kia chính là đích đến, những con sóng bạc kia là thử thách và vượt biển chính là việc chúng ta phải làm. Từ “nguyện” như lời thề cương quyết sống cho lý tưởng ấy, quyết vượt mọi khó khăn để làm tròn phận nam nhi.

Bài thơ chữ Hán “Lưu biệt khi xuất dương” của Phan Bội Châu có nhiều sáng tạo trong hình ảnh và ngôn từ. Đặc biệt, việc tác giả để cái “tôi” cá nhân tự do thể hiện quan niệm riêng đã xóa bỏ tính quy phạm cứng nhắc của văn học trung đại, mở đường cho thời kì văn học thơ Mới sau này. Bài thơ bàn đến tư tưởng sống tận hiến. Tuy rằng tư tưởng ấy ngày nay không còn phù hợp nhưng quan niệm sống và nhiệt huyết từ bài thơ vẫn được người đọc đón nhận, ngợi ca.


 

0