06/11/2018, 00:18

Phân tích bài thơ Khi Con Tu Hú của nhà thơ Tố Hữu tuyệt hay

Phân tích bài thơ Khi con tu hú của nhà thơ Tố Hữu Bài làm: “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất Nơi con tìm ra sức mạnh Việt Nam” Trải qua những năm tháng nô lệ đầy đau thương của đất nước bị thực dân kìm kẹp, ...

Phân tích bài thơ Khi con tu hú của nhà thơ Tố Hữu

Bài làm:

“Nơi hầm tối là nơi sáng nhất

Nơi con tìm ra sức mạnh Việt Nam”

Trải qua những năm tháng nô lệ đầy đau thương của đất nước bị thực dân kìm kẹp, nhiều chiến sĩ yêu nước của cách mạng Việt Nam đã bị bắt giam trong tù ngục. Nhưng dù hoàn cảnh sống mang một màu tối đen, trong những màn đem căm hờn vẫn vang lên tiếng lòng kiên trung, bộc lên những tiếng thơ với niềm say mê, khát khao cháy bỏng với cuộc đời làm cách mạng. Bài thơ “Khi con tu hú” của nhà thơ Tố Hữu là một tác phẩm có ý nghĩa, được sáng tác năm 1939 khi nhà thơ bị bắt giam ở nhà lao Thừa Thiên Huế được in trong tập thơ “Từ ấy” mang nặng nỗi lòng phẫn uất của người tù chính trị.

Tố Hữu là một nhà thơ lớn, là cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt nam. Con đường thơ của ông bắt đầu khi ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng và đi theo con đường cách mạng. Thơ Tố Hữu thường mang những ánh sáng và chân lý của Cộng Sản và hướng đến những vấn đề lớn trong xã hội. Trong thơ ông, người ta bắt gặp được những lý tưởng nồng nhiệt của tuổi trẻ và tâm hồn phóng khoáng, trẻ trung. Dẫu trong hoàn cảnh nào, thì chân lý cách mạng và con đường làm cách mạng cũng là lẽ sống cao đẹp của nhà thơ. Khi bị tù đày khi làm chính trị, dù đứng sau song sắt nhà tù tối mịt nhưng dường như thơ ông trào ra cả thế giới bên ngoài.

“Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần phải càng cao”

                      (Hồ Chí Minh)

Thơ phản ánh tâm hồn và hoàn cảnh của thi nhân, thơ khiến người đọc hiểu được nỗi lòng của ngườ viết. Ở trong khung cảnh giam hãm, tù đày, Tố Hữu lại mang nặng lòng về những ước vọng cháy bỏng, mê say:

Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…

Cảnh thiên nhiên mùa hè hiện ra như có một nhịp sống đang tuôn trào. Một dấu hiệu thân thuộc, dù ở trong lao ngục nhưng người chiến sĩ vẫn nghe được mọi âm thanh vọng đến. Tiếng chim tu hú vang lên trên đồng quê gọi bầy đã gọi cả mùa hè sang trong âm điệu bồi hồi, thiết tha. Đó là một điểm nhấn báo hiệu mùa hè đã thực sự đến “khi con tu hú gọi bầy”. Cảnh hè với những câu thơ gợi nên những hình ảnh thân quen đã làm xao động nhà thơ. Dẫu rằng với hoàn cảnh đang bị đày đọa trong nhà tù thực dân nhưng Tố Hữu vẫn cảm nhận được mọi sự thay đổi của thiên nhiên, “lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần”. Những âm thanh sống động, thực tế đã khiến tác giả nao lòng, thổn thức. Không chỉ có tiếng tu hú kêu mà còn có cả “tiếng ve ngân” từ vườn trái cây ngọt lịm. Động từ “râm” đã thể hiện sự sôi động, rạo rực của tiếng ve mùa hè đang vang ầm trong không gian. Mùa hè mang bao sức sống lôi cuốn tác giả, ông đã có những cảm nhận tinh tế về sự vật và thiên nhiên. Những dấu hiệu của mùa hè được Tố Hữu thể hiện rõ ràng bởi những đặc trưng:”lúa chiêm đang chín”, “trái cây ngọt”, “tiếng ve ngân”, “bắp rây vàng hạt”… đó là những biến đổi khi trời đã chuyển sang hè, cái nhịp sống mùa hè không phải là cái nắng oi bực, mà lại được tác giả gợi nên bởi những màu sắc lộng lẫy của cây trái cùng những âm thanh sống động của những con vật tượng trưng khi hè sang. Nhà thơ đang ngỡ ngàng và cảm nhận từ từ hương vị của mùa hè, âm thanh dần trở nên rạo rực, bỗng pha vào một chút vi vu của tiếng sáo diều “lượn lờ tầng không”, bay bổng trên cánh đồng quê. Hình ảnh ấy như gợi lại một kỉ niệm thuở ấu thơ khi còn cắp sách đến trường cùng bao hồi ức tươi đẹp đang dồn lên trong tâm trí người tù. Với những âm thanh nao động, rạo rực và những hình ản chân thực, đặc trưng. Tố Hữu đã khắc họa bức tranh mùa hè tươi vui, tràn đầy sức sống, ngập đều màu sắc hài hòa của thiên nhiên, cây cối, con vật. Mùa hè ấy không chỉ được gợi qua các dấu hiệu điển hình trong tự nhiên mà ngoài ra, khung cảnh ấy còn được diễn tả qua một không gian cao rộng, không gian ấy nhuộm trọn màu sắc của thiên nhiên đất trời: đó là màu vàng của “lúa chiêm” thời thời khắc thu hoạch, màu đỏ của trái cây chín với vị ngọt làm say lòng người, hay còn có màu vàng của bắp và màu đào của ánh nắng hạ, màu xanh của bầu trời cao rộng… Bức tranh ấy được phủ sắc với muôn màu tươi đẹp, những màu sắc rực rỡ đang hòa quyện, chấm điểm thêm cho khung tranh được sống động, chân thực. Cảnh sắc ngày hè đầy tươi thắm, lộng lẫy, khoáng đạt, tràn đầy nhựa sống, có đủ màu sắc, hương vị đã tạo nên một không gian đầy thơ mộng, bay bổng. Đó là những cảm xúc chân thật xuất phát từ lòng yêu quê hương, đất nước của nhà thơ với một khát vọng cháy bỏng, một tình quê vơi đầy. Phải chăng, khi mùa hè hiện ra, nỗi nhơ không nguôi như in đậm, khắc sâu trong tâm trí tác giả.

Phân tích bài thơ Khi Con Tu Hú của nhà thơ Tố Hữu tuyệt hay

Phân tích bài thơ Khi con tu hú

“Mùa hè đã tới thật rồi đây

Gió hết vi vu nắng ngập đầy

Mây trắng ngang trời thôi lả lướt

Trên cành ve cất tiếng đinh tai”

Giữa cái mùa hè nắng lửa, giữa cái im lặng của chốn lao tù im lìm đến đáng sợ đã gợi nên một khung cảnh đối lập. Những dòng thơ thể hiện tâm trạng của người Cộng Sản bắt đầu được gợi nên rõ rệt. Đó là tâm trạng ngột ngạt, bức bối khiến một con người trẻ tuổi, yêu đời trở nên căm phẫn bởi cảnh bị giam cầm trong bốn bức tường lạnh ngắt, đáng sợ.

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi.

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

Nghệ thuật đối lập đã được nhà thơ sử dụng để diễn tả hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Ở bên ngoài, mùa hè đang đến, tu hú đã gọi bầy, cảnh vật đang dần đổi thay với những dư vị, âm thanh sống động. Nhưng đối lập hoàn toàn với khung cảnh ấy, ở trong chốn lao tù chật hẹp, tù túng đang giam cầm người thi sĩ cách mạng. Nhà thơ như đang cố gắng để lắng nghe tiếng hè, “ta nghe hè dậy bên lòng”, Tố Hữu đang cảm nhận được mùa hè qua cảm giác và qua những âm thanh, sự vật để rồi “mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi”. Đó chính là tâm trạng của con người “ngột làm sao, chết mất thôi”. Với cách ngắt nhịp giữa chừng, từ ngữ mạnh, đầy ấn tượng, như muốn “đạp tan phòng” để thoát ra ngoài chứ ở đây quá “ngột” khiến tác giả không thể chịu đựng được, ông muốn bước ra để đón nhận mùa hè với những thứ đẹp đẽ.  Đặc biệt, Tố Hữu đã dùng từ cảm thán “ôi” như đang thể hiện một nỗi niềm tha thiết đối với mùa hè. Người chiến sĩ ấy đang cảm thấy khó chịu, ngột ngạt, u uất và ông đang muốn xô ngã bức tường đang giam hãm ông để hưởng thụ dư vị ngày hè sang. Đó là nỗi niềm, khao khát của một nhà thơ cách mạng, ước vọng tự do muôn đời. Tiếng tu hú ở đầu câu thơ là điềm báo cho một mùa hè đã sang, là tiếng gọi hè náo nức, nhộn nhịp, rộn ràng để mở ra những tháng hè đầy ắp sức sống, sự tự do. Tiếng chim đã hòa vào tâm trạng con người và niềm say mê cuộc sống để toát lên cái đẹp trong cảnh vật cũng như trong lòng người thi nhân. Còn ở cuối bài thơ, tiếng chim tu hú lại xuất hiện “khi con tu hú ngoài trời cứ kêu” như thiêu đốt, giục giã. Tiếng chim ấy là tiếng nói của khát vọng tự do da diết. Phải chăng, nhà thơ muốn thoát ra cùng thế giới không chỉ để hưởng thụ mùa hè mà còn để làm cách mạng, để cống hiến cho đất nước. Tiếng kêu của chim như tiếng giục lòng, sự sôi nổi trong hành trình của người Cộng Sản với ước vọng cháy bỏng, thôi thúc lòng người:”Tranh đấu, tranh đấu mãi không thôi, lấy xương máu để chọi cùng sắt lửa”. Đó cũng chính là ước nguyện dâng hiến cuộc đời mình cho cách mạng, cho nhân dân, cho đất nước muôn đời để đổi lấy tự do, hòa bình cho dân tộc, dành lại lãnh thổ.

“Ôi tổ quốc! ta yêu như máu thịt

Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng

Ôi Tổ quốc! Nếu cần ta chết:

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”

(Sao chiến thắng – Chế Lan Viên)

Bài thơ khép lại nhưng đã mở ra một hướng mới, tiếng tu hú “cứ kêu” kêu mãi cùng mùa hè. Phải chăng, lời thơ ấy như cho ta hiểu thêm về nét đẹp trong tâm hồn người chiến sĩ Cộng sản yêu nước. “Khi con tu hú” là một tác phẩm mang nhiều ý nghĩa, đó là một tâm hồn gang thép, cứng cỏi, một thế giới nội tâm phong phú với những rung động mãnh liệt với thiên nhiên và cuộc sống, một niềm khát khao tự do cháy bỏng đang dâng trào trong lồng ngực người lính trẻ. Bằng ngôn ngữ đặc sắc, giọng thơ mạnh, độc đáo, Tố  Hữu đã bộc lộ được lòng mình qua những dòng thơ mang nhiều giá trị.

Bùi Phương Thảo

0