04/06/2017, 00:30

Phân tích bài thơ "Hương Sơn phong cảnh ca" của Chu Mạnh Trinh.

Chu Mạnh Trinh (1862- 1905) tự là Cán Thần, hiệu Trúc Vân, người làng Phú Thị, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu (nay là xã Mễ Sở, huyện Văn Giang), tinh Hưng Yên, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn-1892, và làm quan đến chức án sát (ở Thái Nguyên; Hưng Yên). Ông là người tài hoa, thạo đủ cầm- kì thi hoạ. Chu ...

Chu Mạnh Trinh (1862- 1905) tự là Cán Thần, hiệu Trúc Vân, người làng Phú Thị, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu (nay là xã Mễ Sở, huyện Văn Giang), tinh Hưng Yên, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn-1892, và làm quan đến chức án sát (ở Thái Nguyên; Hưng Yên). Ông là người tài hoa, thạo đủ cầm- kì thi hoạ. Chu Mạnh Trinh nổi tiếng về thơ từ sau khi đạt giải nhất thơ Nôm trong cuộc thi vịnh Kiều ở tỉnh Hưng Yên, tháng 3 năm 1905. Tác phẩm ông đê lại không nhiều: Trúc Vân thi tập (tập thơ chữ Hán), ...

Hương Sơn phong cảnh ca được Chu Mạnh Trinh sáng tác khi ông có dịp đứng trông coi trùng tu tôn tạo quần thể danh thắng Hương Sơn. Bài thơ được viết theo thể hát nói biến cách đôi khổ (bài hát nói thường có 3 khổ, mỗi khổ có 4 câu: khổ đầu, khổ giữa, khổ cuối. Nếu không có khổ giữa, hoặc khổ giữa tách thành 2 khổ, người ta gọi là biến cách). Đây là thể thơ mang đậm bản sắc dân tộc và hội tụ được nhiều nhất những ưu điểm đồng thời hạn chế những nhược điểm về mặt thể loại so với các thể thơ Trung đại (các thể vay mượn của Trung Quốc, cũng như các thể lục bát, song thất lục bát của ta). Có thể nói, trước thơ Mới 1932-1945, hát nói là hình thức thơ tự do nhất. Và Chu Mạnh Trinh- một nhà thơ say mê cảnh đẹp, đã phát huy được sức mạnh ấy trong bài Hương Sơn phong cảnh ca.
 
Hương Sơn là dãy núi thuộc huyện Mĩ Đức, tỉnh Hà Tây. Trên núi có chùa Hương (còn gọi là Hương tích) thờ Phật Bà Quan Thế Âm. Hương Sơn vừa là danh lam, vừa là danh thắng đã nổi tiếng từ xưa. Hiện trên cửa động Hương Tích (động lớn nhất trong quần thể) còn hàng chữ khắc trên vách đá:
 
"Nam thiên đệ nhất động" (động đẹp nhất trời Nam), tương truyền là của chúa Trịnh Sâm (1767-1782) tặng.
 
Một động đẹp nhất trời Nam, một không gian thần tiên thoát tục, đến với Hương Sơn con người như được sống trong một bầu không khí vô trùng:
 
Bầu trời cảnh Bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mầy mây...
"Đệ nhất động'" hỏi rằng đây có phải?
 
Đọc bốn câu thơ, ta thấy Hương Sơn được giới thiệu ở nhiều góc độ: từ ao ước chủ quan của tác giả, từ hình ảnh thực đang bày ra trước mắt chúng ta và từ ý kiến xếp hạng của người xưa. Cách giới thiệu của tác giả, tựu chung lại là để nói điều chưa nói được: Hương Sơn rất đẹp, hứa hẹn những thú vị và hấp dẫn.
 
Ao ước đến với Hương Sơn của tác giả (và cả chúng ta nữa) không phải là ngày một ngày hai mà là bấy lâu nay, nghĩa là ao ước đã thành khao khát. Khao khát đã được đáp đền khi Hương Sơn hiện ra trước mắt chúng ta.
 
Khi chưa tận mắt chứng kiến, ta chỉ biết Hương Sơn đẹp trong tưởng tượng, và rồi trong tưởng tượng cái đẹp đó cũng không thể sánh được với cái đẹp của Hương sơn đang bày ra trước mắt chúng ta. Chính vì thế tác giả phải ngạc nhiên thốt lên: "Kìa non non, nước nước, mây mây"... Quả là một chốn bồng lai.
 
Hương Sơn không giống như một thắng cảnh bất kì nào, nghĩa là không chỉ có non nước mây trời mà là trập trùng non nước mây trời. Tác giả Chu Mạnh Trinh đã sử dụng phép lặp từ (ở tính từ gọi là láy toàn phần) tạo cho phong cảnh Hương Sơn cái đẹp trùng điệp, kì vĩ. Cách giới thiệu của tác giả thật khéo léo, thật thuyết phục, thật cuốn hút bởi vì cái hăm hở, tò mò trong mỗi con người chúng ta bị đánh thức.
 
Mặc dù chưa thật rõ đường nét, nhưng qua lời giới thiệu của tác giả, Hương Sơn đã có cái thế của một quần thể không gian nhiều tầng, hứa hẹn đang phong giữ nhiều vẻ đẹp kì vĩ ở bên trong.
 
Hương Sơn đẹp! Hương Sơn kì vĩ! Nhưng đến với Hương Sơn, ta không phải chỉ được thưởng thức một vẻ đẹp của phong cảnh mà còn được sống trong một bầu không khí thanh cao, pha chút màu tôn giáo thiêng liêng mà Chu Mạnh Trinh gọi đó là cảnh Bụt. Cảnh Bụt (Phật) luôn gắn liền với việc thờ cúng. Chính vì thế tác giả viết:
 
Thỏ thè rừng mai chim cúng trái
Lững lờ Khe Yến cá nghe kinh
 Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
 
Quả là sống trong cảnh Bụt, nhìn con chim ăn trái mai (mơ) mà tác giả tưởng tượng ra con chim đang cúng trái (cái đầu gật lên, gật xuống để mổ trái cây), nhìn con cá đang lặng lờ bơi mà tác giả nghĩ cá đang nghe kinh (im lặng để nghe). Chim cúng trái, cá nghe kinh... rồi cả không gian cũng như loãng ra trong tiếng chuông chùa không dứt (tiếng chày kình). Và, đến lượt con người (khách tang hải) lại say bởi cảnh vật, say bởi cái không gian say sưa ấy. Không khí thần tiên thoát tục đã bao trùm Hương Sơn. Cả một vùng trời đất, từ không gian đến cảnh vật, con người đều ngất ngây trong khí đạo, mùi thiền. Tác giả Hương Sơn phong cảnh ca gọi đó là cảnh Bụt. Thực ra cảnh Bụt cũng là cảnh Tiên (đẹp), người ta thường dùng nó để chỉ cái đẹp khác với cái đẹp thông thường. Nhưng Chu Mạnh Trinh không gọi là cảnh Tiên mà gọi là cảnh Bụt, vì gọi như thế vừa tránh được cái sáo mòn của chữ, lại vừa gợi được khí vị thiêng liêng phù hợp với đối tượng miêu tả; mặt khác gọi là cảnh Bụt cũng vừa thể hiện được cái đẹp vừa thể hiện được hành động từ bi cứu nhân độ thế của đạo Phật.
 
Cảnh có hồn hay hồn người đã nhập vào cảnh?
 
ở đời có cái đẹp đánh thức cái ham muốn tầm thường của con người, nhưng cũng có cái đẹp làm cho con người thánh thiện hơn lên. vẻ đẹp đó là của Hương Sơn. Con người trong cuộc sống đời trần (như khách tang hải chẳng hạn) vốn nhuộm đầy ưu tư phiền muộn và cả bụi bặm đời thường. Nhưng khi đến vói Hương Sơn tất cả sẽ đựợc rũ bõ để thành cao khiết hơn lên, thánh thiện hơn lên, bởi ở đây con người có đủ điều kiện để trở nên trong sạch:
 
Này suối giải oan, này đền cửa Võng
Này Am Phật Tích, này động Tuyết Quynh
Nhác trông lên ai khéo hoạ hình
 Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
 Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
 Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây.
 
Chỉ là một lời kể ngắn gọn trong hai câu thơ (2 câu đầu đoạn) nhưng đã khắc hoạ ấn tượng về một quần thể vừa thiên tạo, vừa nhân tạo và có đủ suối-chùa-am-động...nghĩa là có đủ tên gọi ở quần thể Hương Sơn này. Như vậy là không thể kể hết mà đã kể hết.
 
Bôn câu thơ tiếp theo tác giả tả chi tiết mà vẫn là điểm xuyết. Nhác trông nghĩa là chỉ trông thoáng qua chứ không soi xét kĩ càng, nhưng cảnh Hương Sơn vẫn long lanh cuốn hút. Câu thơ "Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây" cho ta một vẻ đẹp nhiều tầng của một quần thể hùng vĩ, tráng lệ, một vẻ đẹp của Thiên triều (cũng có thế hiểu theo nghĩa thực: đường lên Hương Sơn rất cao và gập ghềnh, uốn khúc). Tựu trung lại, cả đoạn thơ tác giả nhằm thể hiện vẻ đẹp siêu thoát của Hương Sơn; nhưng siêu thoát chứ không siêu hình. Chính vì thế ai chưa một lần đến Hương Sơn, sau khi đã thưởng thức bài thơ này rất khao khát được đến và rồi sẽ nghiệm ra vẻ đẹp để càng yêu mến Hương Sơn hơn.
 
Hương Sơn đẹp! vẻ đẹp của Hương Sơn suy rộng ra cũng là vẻ đẹp của giang sơn, đất nước:
 
Chừng giang sơn còn đợi ai đây
 Hay tạo hoá khéo tay xếp đặt ?
 
Một câu hỏi không cần câu trả lời nhưng chắc chắn ai cũng có thể trả lời được: đợi chủ nhân của nó. vẫn biết cảnh đẹp Hương Sơn chủ yếu là do thiên tạo, nhưng sao không phải là trên đất khác mà lại trên đất này- đất Việt Nam ? Chính vì thế Hương Sơn là của người Việt Nam, của giang sơn Việt- Nam. Và từ đó ta cũng có thể hiểu ra: yêu Hương Sơn là yêu giang sơn Việt Nam. Câu thơ kết thúc tác giả còn bỏ lửng: Càng trông phong cảnh càng yêu... như có ý để người đọc tự viết tiếp những từ mà tự mình cho là hợp lí nhất, ví như : nước mình chẳng hẳng hạn:
 
Chu Mạnh Trinh yêu Hương Sơn đến độ say sưa bằng tình yêu của một thi sĩ tài hoa, uyên bác. Ông có tới ba bài thơ viết về Hương Sơn, nhưng Hương Sơn phong cảnh ca có thể xem là bài hay nhất. Với tài năng nghệ thuật kiệt xuất, với tình yêu quê hương đất nươc thiết tha, ông đã phát hiện ra và truyền tả được vẻ đẹp độc đáo, thanh cao, thoát tục của danh thắng Hương Sơn. Có thể nói, viết về Hương Sơn, cho tới nay chưa ai vượt tầm Chu Mạnh Trinh.

0