03/06/2017, 22:42

Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du (Bài 6)

Thơ văn Nguyễn Du tựa như một Kim tự tháp sừng sững giữa đất trời mênh mông. Ba mặt của Kim tự tháp ấy, mỗi mặt đều mang một vẻ đẹp lạ kì. Mặt chính diện óng ánh sắc màu “Truyện Kiều", “Văn chiêu hồn”, "Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu". Mặt trái cấu trúc bằng một thứ vật liệu ...

Thơ văn Nguyễn Du tựa như một Kim tự tháp sừng sững giữa đất trời mênh mông. Ba mặt của Kim tự tháp ấy, mỗi mặt đều mang một vẻ đẹp lạ kì. Mặt chính diện óng ánh sắc màu “Truyện Kiều", “Văn chiêu hồn”, "Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu". Mặt trái cấu trúc bằng một thứ vật liệu dân dã với 'Thác lời trai phường Nón", với "Vân tế sống hai cô gái Trường Lưu”. Và mặt phải của ngôi tháp là những lớp men ngọc, những khối đá hoa cương đã được tạo, được khắc ...

 
Nếu “Truyện Kiều" là công trình nghệ thuật bậc thầy của Nguyễn Du về nỗi đau và niềm vui của những kiếp người thì thơ chữ Hán lại cho thấy một cách trực diện sự khám phá tài tình của ông về cái thế giới sâu thẳm ẩn náu trong đáy tâm hồn nhà thơ. Thi sĩ Xuân Diệu đã viết: "Chính Thơ chữ Hán chứa đựng bóng hình, đời sống, nét mặt, mái tóc, dấu chân, tâm tình, suy nghĩ của Nguyễn Du".
 
Từ những cảm nhận ấy, mỗi một chúng ta sẽ xúc động biết bao khi đọc bài thơ "Độc Tiểu Thanh kí" của Tố Như. Tiểu Thanh là ai? Đó là một cô gái "nổi danh tài sắc một thì” sống vào đầu thời Minh. Nàng lấy làm lẽ một thương gia tên Phùng. Vợ cả đánh ghen, bắt nàng "biệt cư" trong một ngôi nhà trên núi Côn Sơn cạnh Tây Hồ. Tiểu Thanh có một tập thơ nói lên cuộc đời khát khao hạnh phúc và đầy nước mắt của mình. Tiểu Thanh đau khổ mà chết giữa lúc tuổi vừa mười tám xuân xanh. Nàng chết rồi mà tập thơ của nàng vẫn bị vợ cả đem đốt, may còn sót lại một số trang, một số bài và được người ta chép lại gọi là phần Dư cảo. Thi hào Nguyễn Du trên đường đi sứ đã qua Tây Hồ, đã đến viếng mộ Tiểu Thanh và đọc tập thơ Dư cảo của nàng. Đọc hai câu trong phần đề ta cảm nhận rõ điều đó. Đúng là bài thơ "Độc Tiểu Thanh kí" nằm trong "Bắc hành tạp lục".
 
Từ lúc Tiểu Thanh sống và chết đến lúc Nguyễn Du đi sứ (1813) qua Tây Hồ đã hơn ba trăm năm. Đã có bao vật đổi sao dời, biển dâu-dâu biển. Thế mà một vài bài thơ mỏng manh của nàng Tiểu Thanh vẫn làm cho một nhà thơ phương Nam rơi lệ? Mở đầu bài thơ là cả một sự bùi ngùi thương cảm:
 
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư".
 
"Hoa uyển" và "khư" là hai khái niệm chuyển hoá đối lập. Cảnh xưa đẹp thế nay đã hoang tàn, phế tích. Chữ "tần" nghĩa là hết, là kiệt cùng. Bao trùm lên cảnh vật là một màu sắc tang thương, đau buồn. Nơi gò hoang đấy chỉ còn lại nấm mồ người bạc mệnh và một mảnh giấy tàn (nhất chỉ thư). Một mình nhà thơ đứng lặng trước cửa sổ đọc "mảnh giấy tàn" điếu người xấu số. Thương cuộc đời bể dâu cũng là thương người; thương người bạc mệnh cũng là thương mình. Xót xa và thương cảm. Đó là niềm cảm thông của khách tài tử với giai nhân bạc mệnh, của người đang sống với người đã khuất. Sau hơn ba trăm năm nàng Tiểu Thanh mất mà "mảnh giấy tàn" vẫn làm cho Nguyễn Du thổn thức, rơi lệ!
 
Hai câu trong phần thực như chứa đầy cái uất ức của Tố Như:
 
"Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư".
 
"Chi phấn" là son phấn tượng trưng cho sắc đẹp của Tiểu Thanh. Văn chương là hiện thân cho tài năng của nàng. Nguyễn Du hỏi đời và hỏi người nhưng mà là để khẳng định: Son phấn có thần, sau khi chết, người ta còn xót thương, tiếc nuối. Văn chương còn có số mệnh gì mà người ta phải bận lòng về những bài thơ còn sót lại sau khi bị đốt! Son phấn và văn chương như những chứng nhân về cuộc đời, về kiếp người oan khổ, li hận! Vì thế nên son phấn sắc đẹp thì "có thần", nó vẫn sống mãi với thời gian và lòng người như Tây Phi, Chiêu Quân, Dương Quý Phi,... Cũng như hoa tàn nhưng hương hoa, linh hồn hoa còn tỏa ngát đâu đây, sắc đẹp của giai nhân sống mãi cùng tên tuổi họ. "Thác là thế phách, còn là tinh anh". Nỗi hận và xót xa của "son phấn" chính là nỗi đau thương, nổi hận của nàng Tiểu Thanh: tuổi trẻ bị chôn vùi, sắc đẹp bị hãm hại! Văn chương là tài năng, là vẻ đẹp tinh thần của Tiểu Thanh. Văn chương vốn vô mệnh vì nó vô tri đâu có sống, chết như người. Ấy vậy mà "mảnh giấy tàn" của người bạc mệnh "vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt", chống chọi lại cái ác, vươn lên mà tồn tại làm nhức nhối người đời, xưa và nay. Nguyễn Du nói về "son phấn” và "văn chương" là để khẳng định, ngợi ca tài sắc nàng Tiểu Thanh, của mọi tài tử giai nhân trong cuộc đời dâu bể. Và chính Nguyễn Du với cảm quan của người nghệ sĩ liên tài từ "mảnh giấy tàn" mà nói lên nổi uất hận ngàn đời của Tiểu Thanh, của những hồng nhan bạc mệnh!
 
Nghĩ về sắc tài giai nhân, về cái đẹp trong cõi nhân gian, Nguyễn Du xót xa suy ngẫm về lẽ đời và tình người trong mọi điều oan trái, qua cặp câu luận:
 
"Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kì oan ngã tự cư”.
 
Sự oán hận xưa nay khó mà hỏi trời được. Đất dày, trời cao "Oan này còn một kêu trời nhưng xa" (Truyện Kiều). Nói hỏi trời vì không thể hỏi người. Và khi đã "thiên nan vấn" tức là nổi bế tắc, oan khổ đầy rẫy mọi nơi, mọi chốn. Câu thơ như một tiếng kêu thương rung động cõi đất, trời. Và nổi oan phong vận kì lạ kia, ta tự mình lại buộc lấy mình. Phong nhã, phong lưu cùng với hào hoa là vẻ đẹp, là bản sắc tinh anh của con người. Trong cõi đời đã mấy ai được phong nhã hào hoa? Phong lưu là niềm mơ ước của nhiều người. Sao Nguyễn Du lại gọi là "cái án phong lưu"? Khách phong lưu đáng lẽ được hưởng cái nhàn nhã, thảnh thơi của cuộc đời sao lại phải mang cái án oái oăm vào mình? Đúng là nghịch lí, nghịch cảnh. "Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ!".Đã bao đời nay cái án phong lưu ấy đã đeo đẳng vô số tao nhân mặc khách. Nguyễn Du đâu phải là kẻ "Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa" mà là nhập thân vào Tiểu Thanh để nói lên những điều day dứt băn khoăn bao đời nay. Khách tài tử phong lưu đã tri âm với giai nhân bạc mệnh là như vậy. Họ là tài tình, là cái đẹp, là khát vọng về cái đẹp, nên họ cảm thương nhau. Nguyễn Du đã cảm thương Dương Quý Phi (Dương Phi cố lí), đã "thổn thức" Tiểu Thanh,... với cái tâm của một khách tài tử. Thương nàng Tiểu Thanh bao nhiêu, ông càng thương mình bấy nhiêu. "Độc Tiểu Thanh kí" là khúc bi ai thương người, cũng là lời tự thương đau xót. Hai câu kết là một tiếng nấc:
 
"Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như".
 
Nguyễn Du là một bậc tài tử trong đời. Tiểu Thanh là một khách hồng nhan. Nguyễn Du tìm thấy giữa mình và người con gái ấy có những nét "đồng bệnh tương liên". Tài tử gian nan, hồng nhan bạc mệnh. Tiểu Thanh chết trong đau khổ, lưu lại với đời "nhất chỉ thư", một mảnh giấy tàn, thế mà hơn ba trăm năm sau còn có Nguyễn Du thương xót cho số phận nàng. Rồi nhà thơ tự khóc mình mà cất tiếng hỏi: Liệu sau khi ông mất, hơn ba trăm năm, trong thiên hạ còn có ai cảm thương ông? Hai câu kết này rất nổi tiếng. Ai từng đọc Nguyễn Du đều nhớ. Tôi vẫn rất thích hai câu thơ dịch của Xuân Diệu:
 
"Ba trăm năm nữa mơ màng,
Có ai thiên hạ khóc chàng Tố Như".
 
Câu thơ chứa đầy tâm sự, tâm trạng. "Một tấm lòng vẫn giấu che, bỗng lộ trong một giây phút, chệch nhẹ bức mành, mà ta trông dược cả mội thế giới con chưa nói" ("Con người Nguyễn Du trong thơ chữ Hán" - Xuân Diệu). Câu thơ như tiếng khóc xót đau cho số phận mình, ở nơi đất khách quê người trong những tháng ngày đi sứ, Tố Như càng cảm thấy mình bơ vơ, không kẻ tri âm tri kỉ, một mình ôm mối hận của kẻ tài hoa bạc mệnh: "Người đời ai khóc Tố Như chăng?".
 
Viết về Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu có câu: "Tiếng thơ ai động đất trời...". Sau khi Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử, Nguyễn Du cất tiếng nghẹn ngào:
 
“Thương thay cũng một kiếp người,
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi?".

 
Ở trong bài thơ "Độc Tiểu Thanh kí", ông lại xót xa hỏi: "Son phấn có thần chôn vẫn hận - Văn chương vô mệnh dốt còn vương?'”. Bài thơ cho ta thấy niềm thương cảm sâu xa của Tố Như đối với con người là vô cùng mênh mông. Đời người hữu hạn, nỗi đau của con người - con người bạc mệnh là vô hạn. Đọc bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí", chúng ta càng thấy rõ cái tâm của nhà thơ lớn dân tộc, càng vô cùng thấm thìa chất nhân văn trong thơ chữ Hán của Tố Như.
 

0