06/11/2018, 00:17

Phân tích bài thơ Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật tuyệt hay

Phân tích bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật Bài làm Trong tập thơ “Ra trận”, nhà thơ Tố Hữu từng viết: Hỡi Miền Bắc đó, nặng đôi vai Gánh cả non sông, vượt dặm dài ...

Phân tích bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật

Bài làm

Trong tập thơ “Ra trận”, nhà thơ Tố Hữu từng viết:

Hỡi Miền Bắc đó, nặng đôi vai

Gánh cả non sông, vượt dặm dài

Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai!

Con đường Trường Sơn đã mang bao chiến tích, mang màu sắc huyền thoại hào hùng của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vào thời điểm đó, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đậm chất anh hùng ca, sống lại khoảnh khắc gian khổ và oanh liệt của anh bộ đội cụ Hồ. Bài thơ cũng là một chứng tích lịch sử tuyệt đẹp của hậu phương đối với tiền tuyến thân thương.

Năm 1970, tập thơ “Vầng trăng quầng lửa” của nhà thơ Phạm Tiến Duật ra đời. Mang âm hưởng thơ hào hùng, vui tươi của những người chiến sĩ hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn. Bằng những thời thơ trẻ trung, sôi động, nhà thơ đã thể hiện được tình cảm yêu nước và chí khí hiên ngang của người lính. Khi nhắc đến Phạm Tiến Duật, ta biết đến đó là một gương mặt trẻ tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một tác phẩm có nhan đề dài, khái quát được nội dung bài thơ. Cứ tưởng chừng nhan đề bài thơ có những phần không cần thiết như “bài thơ về”, ta nghĩ rằng, cụm từ ấy bị thừa ra nhưng thực chất đó chính là nét độc đáo, mới lạ nhằm thu hút người đọc. Trong hiện thực chiến tranh khốc liệt, những dòng thơ càng trở nên hiên ngang, vượt qua bao khó khăn để hành quân tương trợ tiền tuyến

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Mở đầu bài thơ, hình ảnh những chiếc xe không kính hiện ra gợi nên bao gia khổ, thiếu thốn. “Không có kính không phải vì xe không có kính”, mà xe trước đây cũng từng nguyên vẹn, đầy đủ trang thiết bị, nhưng do những trận càn quét của mưa bom bão đạn, của mọi mối hiểm nguy nên “kính vỡ đi rồi”. Điệp từ “không” ở câu thơ đầu tiên như đang nhấn mạnh sự khẳng định của nhà thơ. Câu thơ đậm chất văn xuôi nhưng đầy thú vị. Người lái xe hiện ra với một tư thế hiên ngang, “ung dung buồng lái ta ngồi” đã thể hiện một phong thái khoan thai, điềm tĩnh, thong cả của người ngồi trong xe. Hai chữ “ta ngồi” và điệp từ “nhìn” được lặp lại qua giọng thơ mạnh mẽ, đĩnh đạc đã gợi tả được hình tượng oai phong, gan dạ, luôn hướng về phía trước “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. Dù bão bùng bên tai, dù bom đạn đang gầm vang suốt chặng đường nhưng vẻ tự tin, không ngại khó, can đảm vượt qua mọi thứ đã làm nên bản chất hào hùng của người chiến sĩ. Những con người ấy vẫn luôn hướng về phía trước, hướng về tương lai huy hoàng của đất nước, về ngày đánh bại kẻ thù để dành độc lập tự cho dân tộc.

Phạm Tiến Duật đã gợi tả hình tượng người lính thời chiến qua những vẻ đẹp tâm hồn thật cao cả. Ông dành trọn một khổ thơ mang nhịp điệu dồn dập để gợi nên những điều mà người chiến sĩ “nhìn thấy” trên suốt chặng đường. Đó là những hình ảnh xuất hiện trong chớp nhoáng nhưng lại được khắc họa rõ nét và đậm chất cách mạng

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái

Suốt chặng đường vận chuyển lương thực, súng đạn cho tiền tuyến miền Nam, người chiến sĩ phải băng qua đường Trường Sơn đầy gian khổ và nguy hiểm rình rập. Có gió thổi “vào xoa mắt đắng”, có “sao trời và đột ngột cánh chim”.  Tất cả như ùa vào, tràn vào thân thể con người bởi xe không có kính, không thể cản được gió, được những hiện tượng tự nhiên. Một cảm giác “đắng”, một tiếng “đột ngột” đã gây bao khó khăn cho người cầm lái, xe cứ chạy thâu đêm, chạy mãi dọc tuyến đường trong mờ mịt, không thể nhìn rõ đường mà chỉ thấy “con đường chạy thẳng vào tim”. Đó là một biện pháp nhân hóa để tăng thêm độ sinh động cho câu thơ, làm tăng sự gian khó, vất vả của những người lính. Con đường ấy chính là con đường chiến đấu, đường cách mạng, con đường “chạy thẳng vào tim”, vào hồn, là con đường của những lý lẽ sống, của tình thương, vì chữ độc lập, tự do của nhân dân, đất nước. Từ láy “nhìn thấy” đã gợi nên những điều mà người lính phải trải qua, “như sa như ùa vào buồng lái”. Tốc độ của chiếc xe đi rất nhanh để kịp vận chuyển vật chất đến chiến tuyến, khiến mọi thứ “sa” vào, “ùa” vào để nói lên rằng xe quân sự như băng trên đường, lướt nhanh hơn bom đạn, gạt bay mọi khó khăn trên cuộc hành trình.

Phân tích bài thơ Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật tuyệt hay

Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính

  Không có kính, ừ thì có bụi,

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Cuộc hành trình vận chuyển ấy đã khiến người trong xe phải đối mặt với hiểm nguy, gian khó. Nếu như khổ thơ trên, có “gió” làm cay nồng con mắt, thì ở khổ thơ tiếp theo, gian khó không dừng lại ở đó mà còn có cả “bụi” vì “không có kính”. Những chi tiết hiện thực ấy đã làm nên thơ, góp nên những nỗi khổ mà người lính phải đối mặt. Một tiếng “ừ” vang lên giữa dòng thơ nhanh, như đang thách thức mọi thứ. Người chiến sĩ chấp nhận mọi khó khăn trong tư thế chủ động, lạc quan. Một hình ảnh so sánh đầy hóm hỉnh, độc đáo “bụi phun tóc trắng như người già”. Trải qua mấy dặm đường, mái tóc xanh người lính đã bị “bụi” phủ đầy một màu trắng xóa, đáng sợ. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì người lính vẫn mang cho mình một khí thế ung dung, yêu đời “chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc”. Họ bất chấp khó khăn, bất chấp gian nguy và vượt lên hoàn cảnh với một trạng thái vô tư, tự nhiên, “châm điếu thuốc”. Cùng một nụ cười hồn nhiên, vui vẻ “ha ha” cất lên trên những gương “mặt lấn” của những người đồng đội, đồng chí.

Nếu Tố Hữu là cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam thì Phạm Tiến Duật chính là cánh chim đại bàng tung bay trên đường Trường Sơn rực lửa. Được coi như “con chim lửa, viên ngọc quý của Trường Sơn huyền thoại”. Thơ ông luôn mang một nét sôi nổi, cháy bỏng bởi những dòng thơ dồn dập, nhịp thơ nhanh, gợi cảm

Không có kính, ừ thì ướt áo

Mưa tuôn, mưa xối như ngòai trời

Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

Sau “bụi” lại đến “mưa”. “Mưa tuôn mưa xôi như ngoài trời”. Khó khăn cứ chồng chất khó khăn. Người chiến sĩ đã phải nếm  trải bao nỗi thấm khổ trên nẻ đường gian khó. Động từ “tuôn”, “xối” của mưa càng làm tăng thêm độ gian nan của người lính. Những con người ấy đã phải đối diện với thiên nhiên đầy khắc nghiệt để tiếp tục làm nhiệm vụ cách mạng, chung tay vì Tổ quốc. Nhiệt huyết ấy sục sôi không còn tính bằng con đường “lái trăm cây số” nữa, mà dường như, nó được tính bằng công sức và mồi hồi, đổ máu của con người. Vẫn một tiếng “ừ” khẳng khái được lặp lại trong  sự vô tư, hồn  nhiên của tâm hồn phơi phới, thênh thang, tràn đầy nghị lức và sẵn sàng đối diện với thử thách, bất chấp mọi gian khổ:” mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi”.

Bởi chiến tanh, bởi hiện thực tàn khốc đã khiến những chiếc xe quân sự không còn kính. Nhưng hình ảnh chiếc xe và con người vẫn luôn là hình tượng đẹp trong thơ. Sau những chặng đường đầy hiểm nguy, sau những tháng ngày đối diện với mưa bom, bão đạn, điều kiện hà khắc của thiên nhiên, họ lại gặp nhau, họ lại tái ngộ trong niềm vui gặp gỡ

Những chiếc xe từ trong bom rơi

Ðã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

 

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Những con người ấy đã chịu bao mất mát, hy sinh “những chiếc xe từ trong bom rơi/  đã về đây họp thành tiểu đội”. Vượt qua nguy hiểm bon đạn, họ trở về trong mất mát nhưng vui vẻ, trao nhau cái bắt tay tình cảm “qua cửa kính vỡ rồi”. Cái bụi mù, mưa gió hà khắc không thể cản chân người lính, sự can trường ấy đã đổi lại bằng một bữa cơm thân mật cùng đồng chí, đồng đội như một nhà, như những người anh em ruột thịt. “Bếp Hoàng Cầm” đã thổi lên ngọn lửa niềm tin và cảm xúc, của sự chan hòa tình cảm giữa những người chiến sĩ, “chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy/ võng mắc chông chênh đường xe chạy”. Xong cuộc hội ngộ, những con người ấy lại lên đường tiếp tục nhiệm vụ, đoàn xe “lại đi, lại đi” nối tiếp nhau ra tiền phương với một tâm hồn như “trời xanh thêm”, thêm niềm tin, thêm hy vọng cùng sự lạc quan, yêu đời dạt dào.

Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Khổ cuối bài thơ làm nổi bất thêm khung cảnh khốc liệt của chiến tranh. Không những “không có kính” mà những chiếc  xe ấy còn “không có đèn”, “không có mui xe, thùng xe có xước”. Khó khăn chồng chất khó khăn, chiếc xe đã bị bom đạn tàn phá nặng nề, hỏng hóc nhiều chỗ. Phép liệt kê được nhà thơ sử dụng đã liệt kê ra được những thiếu thốn về vật chất nhưng lại đầy khí tinh thần. Dù đã bị hỏng nhiều chỗ nhưng “xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước” để hỗ trợ cho tiền tuyến chống lại kẻ thù, chờ ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Trong điều kiện ấy, người chiến sĩ vẫn luôn ung dung, tự hào “chỉ cần trong xe có một trái tim”. Đó chính là hình ảnh hoán dụ thể hiện sức mạnh chiến đấu, ý chí kiên cường, dũng cảm của người lái xe trẻ vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thân yêu. “Trái tim” ấy chính là tình yêu, là trái tim đang sục sôi, căm giận kẻ thù, quyết một lòng tiến lên bảo vệ đất nước thoát khỏi cảnh xâm lăng.

“Ôi tổ quốc! ta yêu như máu thịt

Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng

Ôi Tổ quốc! Nếu cần ta chết:

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”

(Sao chiến thắng – Chế Lan Viên)

Chiến tranh đã lùi xa, nhân loại đã hòa bình từ mấy mươi năm trước. Nhưng dường như, khi nhắc về những bài hùng ca về người lính, ta vẫn cảm thấy man mác mà tự hào. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã mang đến một nét hào hùng, tươi trẻ qua hình tượng người lính với những chiếc xe quân sự thời chiến. Bằng chất hiện thực khi nói về đời sống chiến đấu gian khổ mà hào hùng của người chiến sĩ trên đường Trường Sơn cùng sự kết hợp hài hòa cảm hứng sử thi, nhà thơ đã tạo nên những hồn thơ đầy ấn tượng, sâu sắc mà tự nhiên, mộc mạc, bình dị, đầy chất bi tráng, chí khí hào hùng. Bài thơ là một nhân chứng tuyệt đẹp của hậu phương đối với tiền tuyến miền Nam oanh liệt, mang màu sắc dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ đầy hiểm nguy.

Bùi Phương Thảo

0