10/08/2018, 00:59

Phân tích 14 câu đầu trong bài thơ Tây Tiến

[Văn mẫu lớp 12] – Anh chị hãy phân tích 14 câu đầu trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. ( Bài phân tích đạt được 9 điểm của bạn Nguyễn Thị Mai). Đề bài: Phân tích 14 câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng Bài làm: Cùng năm 1948, có rất nhiều nhà thơ ...

[Văn mẫu lớp 12] – Anh chị hãy phân tích 14 câu đầu trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. ( Bài phân tích đạt được 9 điểm của bạn Nguyễn Thị Mai).

Đề bài: Phân tích 14 câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Bài làm:

Cùng năm 1948, có rất nhiều nhà thơ nhà văn đã sáng tác về hình tượng người lính trong thời đại chống Pháp như: “Đồng chí” – Chính Hữu, “Bên kia sông Đuống” – Hoàng Cầm, đoạn đầu bài thơ “Đất Nước” – Nguyễn Đình Thi, “Đôi mắt” – Nam Cao. Trong đó nổi bật và tiêu biểu hơn cả là bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng. Với 14 câu đầu Quang Dũng thể hiện rõ nỗi nhớ và chặng đường hành quân qua vùng đất Tây Bắc của đoàn quân Tây Tiến.

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! 
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi 
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi 
Mường Lát hoa về trong đêm hơi 

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm 
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời 
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống 
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi 

Anh bạn dãi dầu không bước nữa 
Gục lên súng mũ bỏ quên đời! 
Chiều chiều oai linh thác gầm thét 
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Mở đầu bài thơ là hình ảnh con sông Mã, một địa danh thuộc tỉnh Thanh Hóa , gắn liền với những kỉ niệm , những chặng đường hành quân của những lính Tây Tiến nhưng giờ đã “xa rồi”. Từ “xa rồi” thể hiện khoảng cách về không gian mỗi lúc một xa. “Tây Tiến ơi” cùng với dấu chấm than, đó là tiếng gọi tha thiết, da diết, tác giả gọi về đoàn quân Tây Tiến mà như gọi chính người bạn thân của mình. Đó chính là tiếng lòng.

Điệp từ “nhớ” xuất hiện hai lần, đó chính là nỗi nhớ về rừng, về núi với một nỗi “nhớ chơi vơi”, tác giả không dùng nhớ tha thiết, da diết , thân thương , nao lòng, cháy lòng,…mà dùng “nhớ chơi vơi”. Từ “chơi vơi” là một từ láy diễn đạt sự lưng chừng, bềnh bồng, lơ lửng, khó xác định. Điều đó rất phù hợp với không gian ở nơi đây vì lúc nào nơi đây cũng chìm ngập trong mây trời, sương khói.

Tác giả đưa hai địa danh: “Sài Khao” “Mường Lát” vào trong bài thơ nhằm làm tăng sự xa lạ “vẻ núi rừng” cho câu thơ. Hai địa danh này rất gần gũi với người dân nơi đây nhưng lại hoàn toàn xa lạ đối với đoàn quân Tây Tiến. Quang Dũng đưa vào trong câu thơ nhằm giới thiệu cho mọi người biết về vùng đất xa lạ của Tổ quốc, nơi mà những người lính Tây Tiến hành quân đi qua, từng sống và chiến đấu.

Ở Sài Khao sương dày đặc, che lấp con đường hành quân khiến đoàn quân Tây Tiến hành quân rất mỏi mệt và gian lao.

Ở Mường Lát có “hoa về” trong đêm lạnh. Điều này làm tăng lên vẻ đẹp lãng mạn – một trong những nét đặc trưng của văn học lãng mạn. Hình ảnh bông hoa đó còn tượng trưng cho đoàn quân Tây Tiến về để giải phóng Mường Lát. Đồng thời đó cũng là niềm vui như hoa của người dân Mường Lát khi đón chào đoàn quân Tây Tiến về giải phóng quê hương của họ.

phan-tich-14-cau-dau-trong-bai-tho-tay-tienphan-tich-14-cau-dau-trong-bai-tho-tay-tien

Từ “dốc” được điệp hai lần nó cho ta thấy con đường hành quân hết con dốc này lại nối tiếp đến con dốc kiamaf con dốc sau còn cao và nguy hiểm hơn con dốc trước. tác giả sử dụng hai từ láy tượng hình “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” vẽ ra một con đường hành quân đầy quanh co và khi leo lên con dốc cao nhìn xuống là một dộ sâu thăm thẳm. Câu thơ sử dụng 5/7 thanh trắc càng làm tăng thêm sự gập gềnh , trúc trắc của con đường hành quân đầy gian khó.

Khi leo lên những con dốc cai mà ở đó súng của những người lính có hể “ngửi trời”. tác giả không dùng súng đụng trời hay súng chạm trời mà sử dụng nghệ thuật nhân hóa làm người đọc hình dung sự tinh nghịch, mang đậm chất lính của Quang Dũng đồng thời làm người đọc nhớ đến câu thơ rất hay của Chính Hữu trong bài Đồng Chí “Đầu súng trăng treo”.

Điệp từ “ngàn thước” cùng với nghệ thuật đối lập “lên – xuống”, tác giả đã vẽ lên những con dốc cao và dựng đứng như mái nhà, lên ngàn thước, xuống cũng ngàn thước. Đó chính là cách nói ước lệ để chỉ sự nguy hiểm của con đường hành quân. Khi đi lên dốc, người đi sau chỉ nhìn thấy lưng và chân của người đi trước, chỉ cần người đi trước sơ sẩy thì người đi sau gặp nguy hiểm. Lên đã khó xuống dốc còn khó vfa nguy hiểm hơn. Sau những chặng đường hành quân gian lao, nguy hiểm trước mắt người lính Tây Tiến líc này là một ngôi nhà của ai đó ở Pha Luông đang chìm lấp trong màn mưa nơi xa khơi. Nơi đó có thể là nơi dừng chân lí tưởng để những người lính nghỉ ngơi, lấy lại sức để tiếp tục cho những chặng đường nguy hiểm, gian lao đang chờ họ.

Con đường hành quân gian khó, khiến những người lính phải “dãi dầu”, “không bước nữa”. Họ đã gục đầu lên súng để ngủ, để “bỏ quên đời”. Quang Dũng không nói đường hành quân gian lao, vất vả khiến những người lính phải hi sinh, mà ông dùng cách nói giảm nói tránh. Ông xem cái chết “nhẹ tựa lông hồng” xem cái chết như một giấc ngủ.

Cứ chiều tối, đêm về thiên nhiên ở đây càng trở nên hung dữ, đầy khiếp sợ, lúc nào cũng như muốn đe dọa , rình rập con người. “Thác gầm thét”như một con thú dữ, như đe dọa , “cọp trêu người”. Từ “trêu” có nghĩa là chọc ghẹo nhưng cọp chỉ có rình , vồ, chộp người chứ không hề biết chọc ghẹo hay trêu người. Từ trêu ở đây thể hiện sự hài hước, tinh nghịch, lạc quan của người lính. Ta hình dung một nụ cười  thoáng hiện trên môi của những người lính trẻ trước sự gian lao, nhọc nhằn.

Nhớ về đoàn quân Tây Tiến là nhớ đến những bữa cơm lên khói, ấm áp, đậm nghĩa tình quân dân. Tác giả dùng từ “mùa em” rất độc đáo vì ta thường nghe nói mùa nắng, mùa mưa,… chứ chưa nghe “mùa em” . “Mùa em” ở đây là mùa đặc trưng của em, nó ,àn những dấu ấn, kỉ niệm về em, nhữn người em đã dành tình cảm, sự chăm sóc của mình đối với những ngừi lính Tây Tiến để rồi khi xa họ luôn nhớ về “mùa em”. Nó giống như nhà thơ Chế  Lan Viên đã từng nói trong bài “Tiếng hát con tàu”:

“Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương”.

Tóm lại, chỉ với 14 câu thơ đầu, bài thơ Tây Tiến đã để lại dấu ấn hết sức ấn tượng trong lòng độc giả. Những gian khổ, hi của những người lính là những kỉ niệm không bao giờ có thể quên được. Với bút pháp vừa hiện thực kết hợp với lãng mạn, Quang Dũng đã diễn tả tài tình nỗi nhớ , nỗi gian truân trên con đường cũng những người lính anh dũng, sự phấn đấu,cả những  hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của dân tộc Việt Nam ta. Nhưng ở họ vẫn ánh lên nét trẻ trung, niềm tin và kiêu hãnh.

 

0