18/06/2018, 17:09

Nhà nghiên cứu văn học nhân dân phê bình nhà thơ nhân dân (Đọc lại Lý Bạch và Đỗ Phủ của Quách Mạt Nhược: Đạo đức-Chính trị-Học thuật) 郭沫若的《李白与杜甫》- 道德政治與學術之瓜葛

Quách Mạt Nhược Lê Thời Tân Xung quanh hoàn cảnh và động cơ viết Lí Bạch và Đỗ Phủ Năm 2012 là năm kỉ niệm 1300 năm ngày sinh Đỗ Phủ (12/2/712-770), kỉ niệm 120 năm ngày ...

250px-Guo_Moruo_in_1941

Quách Mạt Nhược

                                  

                                                               Lê Thời Tân

  1. Xung quanh hoàn cảnh và động cơ viết Lí Bạch và Đỗ Phủ

Năm 2012 là năm kỉ niệm 1300 năm ngày sinh Đỗ Phủ (12/2/712-770), kỉ niệm 120 năm ngày sinh của Quách Mạt Nhược (郭沫若16/11/1892-12/6/1978). Năm 2012 cũng là năm tròn 40 năm xuất bản sách Lí Bạch và Đỗ Phủ (《李白与杜甫》trong bài xin viết tắt LBVĐP) – tác phẩm học thuật cuối cùng Quách viết khi đã qua tuổi cổ lai hy. Đây cũng là tác phẩm học thuật khoa học xã hội nhân văn hiếm hoi xuất bản trong thời gian Trung Quốc tiến hành Đại cách mạng Văn hóa. Lịch sử run rủi những cơ duyên: Vào năm 1962 kỉ niệm tròn 1250 năm ngày sinh và chào mừng Đỗ Phủ trở thành danh nhân văn hóa thế giới, chính Quách là người đã viết và đọc lời khai mạc.[1] Theo ngày sinh Trung Quốc kỉ niệm Đỗ Phủ vào đầu năm và kỉ niệm Quách Mạt Nhược vào cuối năm. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung Quốc phối hợp tổ chức loạt hoạt động kỉ niệm vĩ nhân văn hóa của đất nước (Quách được xem là văn hào của Trung Quốc thế kỉ XX, núi Thái Sơn sao Bắc Đẩu của sử học và khảo cổ học Trung Quốc).[2] Hai hoạt động kỉ niệm nổi bật là tổ chức Hội thảo Quốc tế và mở cửa Nhà kỉ niệm Quách Mạt Nhược. Đây cũng là dịp để lần đầu tiên bản thảo công trình học thuật cuối cùng của Quách – tác phẩm Lí Bạch và Đỗ Phủ được mang ra triển lãm. Lí Bạch và Đỗ Phủ được nhà xuất bản quyền uy – Nhân dân Văn học Xuất bản xã xuất bản lần đầu vào tháng 11 năm 1971 đúng vào dịp tác giả của nó tròn 80 tuổi. Sách bìa đỏ chữ vàng, trang đầu in các dòng ngữ lục của Mao – “Trong xã hội có giai cấp, mỗi một người đều sống trong một địa vị giai cấp nhất định”, “Không có tư tưởng nào là không in dấu giai cấp”. Việc trích in lời Mao lên đầu các ấn phẩm cũng là chuyện phổ biến trong xuất bản thời Cách mạng Văn hóa. Vấn đề chỉ là cách chọn “ngữ lục” của sách này. Đợi cho đến khi đọc xong cuốn sách độc giả sẽ thấy được thấy tư tưởng chính trị giai cấp luận đó đã được Quách vận dụng lợi hại ra sao vào lĩnh vực nghiên cứu học thuật. Đến năm 2009 tác phẩm của Quách có tên trong Danh sách“600 cuốn sách có sức ảnh hưởng lớn nhất trong 60 năm nước Trung Quốc mới” – kết quả của hoạt động bình chọn tổ chức bởi Trung Quốc Đồ Thư Thương Báo (CBBR) và Viện Nghiên cứu Khoa học xuất bản Trung Quốc nhân kỉ niệm 60 năm Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. [3]

            Từ chỗ chỉ giới hạn ở những tranh luận trao đổi và phê bình về nội dung học thuật của cuốn sách, các nhà nghiên cứu dần tập trung vào vấn đề động cơ viết sách của Quách. Về động cơ trực tiếp của việc soạn sách, các học giả chú ý nhất tới ý cho rằng Quách viết sách này trước hết là để phụ họa sở thích của lãnh tụ. Trong Đại Cách mạng Văn hóa tệ sùng bái cá nhân lên đến đỉnh cao. Mao Trạch Đông từng nói thơ xưa thích nhất “Tam Lý” (Lí Bạch, Lý Hạ, Lí Thương Ẩn). Tài liệu lịch sử ghi chép tháng 1 năm 1958, trong hội nghị có tính cách chuẩn bị dư luận cho việc phát động phong trào Đại Nhảy Vọt (họp tại Nam Ninh) cổ vũ “cách mạng không ngừng”, Mao nói: “Chỉ  mỗi hiện thực chủ nghĩa cũng không tốt. Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị kêu kêu khóc khóc tôi không thích đọc. Lý Bạch, Lý Hạ, Lí Thương Ẩn làm chút huyễn tưởng. Đảng ta từ lúc thành lập đến nay đã mấy chục năm chưa nghiên cứu vấn đề này”.[4] Thăm di tích “Đỗ Phủ Thảo Đường” Mao cũng nói với vẻ không vui rằng thơ Đỗ Phủ là “thơ chính trị”. Mao cũng không hài lòng với việc giới học thuật quá khen Đỗ Phủ mà quan tâm ít hơn đến Lí Bạch. Lưu Đại Kiệt kể Mao cho rằng cả nghìn người chú giải thơ Đỗ Phủ trong lúc thơ Lí lại quá ít người quan tâm. Quách dường như đã lặp lại ý này của Mao trong lá thư thanh minh về dụng ý viết Lí Bạch và Đỗ Phủ. Một thông tin khác dường như cũng đã góp phần củng cố cho giả thiết Quách viết sách phụ họa vuốt đuôi thượng cấp. Năm 1979, Tiền Chung Thư  (錢鍾書Qian Zhongshu) dẫn đoàn đại biểu Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đi thăm Hoa Kì gặp lại Hạ Chí Thanh (夏志清Hsia Chih-tsing) sau 40 năm. Hạ Chí Thanh kể lại trong “Ghi chép về cuộc gặp lại Tiền Chung Thư” tại Đại học Columbia: “Quách Mạt Nhược vì sao lại viết cuốn Lí Bạch và Đỗ  Phủ tán dương Lí hạ thấp Đỗ? Tôi cứ thấy kì quái mãi. Tiền Chung Thư nói, Mao Trạch Đông đọc Đường thi thích nhất “tam Lí” – Lí Bạch, Lí Hạ, Lí Thương Ẩn mà không thích “nhà thơ nhân dân” Đỗ Phủ. Quách tuân chiều thánh chỉ viết sách này.” [5]

Nói chung, tại Đại lục tính cho đến nay liên quan đến động cơ viết Lí Bạch và Đỗ Phủ các nhà nghiên cứu đề xuất và luận chứng hàng loạt giả thiết từ thuyết nói Quách viết sách này như một sự tự mổ xẻ nhân cách bản thân, thuyết cho rằng Quách viết sách này để thỏa mãn khuynh hướng thẩm mĩ lãng mạn chủ nghĩa vốn có của mình, thuyết cho rằng viết cuốn sách như là dịp để tổng kết cuộc đời, thuyết mượn viết sách này để kí thác và tiêu giải đau buồn riêng. Có cảm tưởng họ đang phức tạp hóa hoặc nói đào sâu vấn đề một cách không cần thiết. Trong lúc tại Đài Loan và Hương Cảng, sách của Quách bị phê bình ngay từ đầu. Thực tế, làn sóng phủ định Quách hình thành ở hải ngoại (Đài Loan, Hương Cảng) từ những năm cuối thế kỉ XX kéo dài cho đến tận ngày hôm nay đã ảnh hưởng tới nghiên cứu học thuật tại Đại Lục. Theo các học giả hải ngoại, cuốn sách này có thể được cắt nghĩa giản dị là viết chỉ để a dua lãnh tụ và phụ họa cho chính trị. Một học giả Đài Loan nói rõ ràng trong cuốn sách nhan đề “Tổng luận Quách Mạt Nhược – Hình ảnh thu nhỏ của hoạt động văn hóa Trung Quốc từ thập niên 30 đến thập niên 80”: “Liên quan đến động cơ và mục đích viết cuốn Lí Bạch và Đỗ Phủ, phần lớn đều cho rằng Quách Mạt Nhược viết một cuốn sách trái với tâm ý. Cuốn sách được viết với những suy đoán tâm lí của lãnh đạo Trung Cộng, đón trước sở thích của Mao Trạch Đông, bất chấp việc tự mình nói trái lại những lời tôn trọng mà bản thân đã từng nói về Đỗ Phủ trước đó”, “Khi Đại Lục chính trị gió chuyển hướng, Quách liền đổi sang một bộ mặt và giọng điệu khác. Lí Bạch và Đỗ Phủ chính là sản phẩm của cuộc chuyển đổi đột ngột đó” (Kim Đạt Khải, Quách Mạt Nhược tổng luận: Tam thập chí bát thập niên đại Trung Cộng văn hóa đích súc ảnh, Đài Loan, Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1988).[6] Nói ngắn gọn, Quách đã xuyên tạc lịch sử và văn học vì động cơ tầm thường về mặt đạo đức. Tranh luận về  Lí Bạch và Đỗ Phủ nói riêng về Quách Mạt Nhược nói chung chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Nhưng điều có thể thống nhất là với tác phẩm học thuật này, Quách thực tế đã trở thành người  nặng lời nhất với Đỗ Phủ trong suốt hơn nghìn qua kể từ ngày đại thi hào qua đời.

Ngày càng có nhiều người tin rằng việc ra sức tìm các lí do khách quan chủ quan để biện hộ cho Quách trong trường hợp xuất bản Lí Bạch và Đỗ Phủ chỉ là những cố gắng bào chữa. Họ cho rằng tất cả các lí do đó chỉ là cái cớ của một động cơ ngoài học thuật – động cơ mà Quách buộc phải hoặc tự giác tuân theo một cách khá nhất quán – chính trị và xu thời. Do vậy sách Lí Bạch và Đỗ Phủ của Quách càng ngày càng bị chỉ trích và mỉa mai nhiều hơn. Phần đông cho rằng Quách đã làm một việc trái với tâm ý để a dua lấy lòng cấp cao, dùng học thuật làm quà dâng quyền lực. Nhiều người lấy làm tiếc rằng Quách đã viết một cuốn sách thất bại nhất để lại vết nhơ nhục cho một đời học thuật.[7] Thà Quách cứ viết mỗi thơ xướng họa hoặc viết báo hưởng ứng khẩu hiệu, hoặc đơn giản hơn cứ khen mỗi Lý Bạch là đủ hà tất cứ phải đem Đỗ Phủ ra là vật làm vật hy sinh như thế. Nặng nề hơn, có người nói Lí Bạch và Đỗ Phủ là một quái thai học thuật.[8] Trong dịp tái bản Lí Bạch và Đỗ Phủ, có học giả đã viết bài phản đối gọi sách này của Quách là “Đệ nhất lưu manh tài tử thư”.[9]

Tại Trung Quốc qua các cuộc vận động chính trị, không ít người cũng đã thay đổi lập trường “nghiên cứu” Đỗ Phủ. Nhưng Quách là kẻ chuyển hướng đột ngột nhất. Lí Bạch và Đỗ Phủ được xem là cuộc quay ngắt 180 độ trong đánh giá Đỗ Phủ của Quách Mạt Nhược.  Mọi người đều biết, năm 1962, Trung Quốc long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 1250 năm ngày sinh Đại thi hào dân tộc Đỗ Phủ – người vừa được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Quách viết bài nhan đề “Đôi sao sáng trong lịch sử thi ca”[10] khai mạc lễ kỉ niệm. Bài viết khẳng định địa vị của Đỗ Phủ trong lịch sử thơ ca Trung Hoa. Quách gọi Đỗ Phủ là “nhà thơ vĩ đại”, “nhà thơ yêu nước”, ca ngợi bậc Thi Thánh “hòa mình thành một khối với nhân dân” “cùng chung số phận với nhân dân, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân”. Nhưng tại Trung Quốc trong hoàn cảnh luôn luôn cho “cách mạng”, tất cả vì “cách mạng”,  nghiên cứu cổ điển nói chung Đỗ Phủ nói riêng luôn chịu tác động trực tiếp của hết phong trào chính trị này qua cuộc vận động tư tưởng kia. Cứ mỗi lần có một cuộc vận động chính trị là nghiên cứu Đỗ Phủ lại phải tham gia hòa xướng! Thế rồi vào lúc bếp ăn công xã không còn gì để đun nấu, trong các lò nung tự tạo gang không thành được thép thì cuộc Đại Nhảy Vọt hơn khi nào hết rất cần chút bay bổng lãng mạn để động viên tinh thần quần chúng vững bước “đuổi Mĩ vượt Anh”. Trong hoàn cảnh đó đấng thi sử hiện thực chủ nghĩa nghìn năm xưa rõ ra là kẻ không hợp thời nữa rồi. Vả chăng Quách  không thể không biết chuyện Mao thích Lí Bạch không thích Đỗ Phủ. Thành ra gẫm cái nhan đề bài bài diễn văn khai mạc  năm 1962 cũng không khó thấy Quách khi đó đã có ý hướng đón gió thời đại – kết hợp lãng mạn với hiện thực. Có thể phán đoán được phần nào hơn động cơ của Quách khi ta đặt câu hỏi tại sao một lễ kỉ niệm chính thức dành cho Đỗ Phủ – nhà thơ nhân dân hiện thực chủ nghĩa mà Quách ngay trong nhan đề bài viết cứ phải đồng thời nói kèm cả Lí Bạch – vốn đã được xếp hàng thi nhân lãng mạn chủ nghĩa? Cách mạng Văn hóa bùng phát, nghiên cứu Đỗ Phủ hầu như ngưng trệ hoàn toàn. Vương Học Thái kể lại trong bài “Nghiên cứu Đỗ Phủ trong diễn biến văn hóa thế kỉ XX” rằng vào độ cuối 1966 đầu 1967, Giang Thanh trong khi duyệt các phim sản xuất trong nước đã chỉ trích bộ phim tài liệu phục vụ lễ kỉ niêm 1250 ngày sinh đại thi hào (nhan đề “Thi nhân Đỗ Phủ”). Giang Thanh nói nhóm làm phim muốn nói bóng nói gió hiện tại và kết luận đây là tác phẩm độc hại chống chủ nghĩa xã hội. Thế là Đỗ và thơ Đỗ liền bị xem là tàn tích phong kiến. Các nhà nghiên cứu  không dám nghiên cứu Thi Thánh nữa. Trong các trường học cũng không giảng thơ Đỗ Phủ nữa. Chính trong hoàn cảnh đó dường như Quách thấy cần phải “khen Lí chê Đỗ” và cho xuất bản tác phẩm học thuật tai tiếng Lí Bạch và Đỗ Phủ. Đối với Quách, tội lỗi lớn nhất của Đỗ là đứng trên lập trường giai cấp thống trị. Thời đại Cách mạng Văn hóa, tội đó ngang tội đi cải tạo. Thực tế thì lúc đó cả xã hội người người bàn lập trường, nhà nhà nói giai cấp. Nhưng đến Quách, vấn đề lập trường giai cấp phong kiến của Đỗ mới được chứng luận tập trung đến vậy! Nhìn lại độc giả có thể thấy năm 1962 Quách khen Đỗ không quên khen Lí. Đến 1972 Quách khen Lí để chê Đỗ. Biến chuyển xem ra cũng khó lường!

  1. Phê bình Đỗ Phủ trong Lí Bạch và Đỗ Phủ của Quách Mạt Nhược

So sánh khen chê Lí Đỗ đã khởi từ thời Trung Đường. Nguyên Chẩn (779-831) trong bài minh khắc bia mộ Đỗ Phủ nói Lý tài thơ còn thua Đỗ.[11] Từ đó về sau khen Đỗ hơn Lí có Bạch Cư Dị (772-846), Hoàng Đình Kiên (1045-1105), Lục Du (1125-1210), Cố Viêm Vũ (1613-1682). Cũng có người như Hàn Dũ hay Nghiêm Vũ xem hai người ngang tài ngang sức. Từ đời Tống trở về sau cũng không ít người khen Lí chê Đỗ. Nhưng không ai phủ nhận được thực tế Đỗ Phủ ngày một được tôn sùng hơn qua các đời. Và về cơ bản chuyện tôn khen hay chê biếm cũng chỉ giới hạn ở phạm vi sáng tác. Đến thời hiện đại, riêng Quách viết hẳn cả cuốn sách biến chuyện nghiên cứu thơ ca thành chuyện mạt sát con người. Bản án tinh thần mà Quách soạn cho Đỗ Phủ kể là khá nặng. Nếu cũng những tội danh đó mà khoác lên đầu Quách thì đến cả Mao Chủ Tịch đứng ra bảo hộ sợ cũng không thoát tội phê đấu và lao cải.

Như thứ tự thể hiện ra ở nhan đề ngoài bìa sách, Đỗ Phủ được nói đến ở phần 2 của tác phẩm. Phần 2 này gồm các chương: Ý thức giai cấp của Đỗ Phủ, Quan niệm môn phiệt của Đỗ Phủ, Dục vọng công danh của Đỗ Phủ, Đời sống địa chủ của Đỗ Phủ, Niềm tin tôn giáo của Đỗ Phủ, Đỗ Phủ nghiện và chết vì rượu, Đỗ Phủ và Nghiêm Vũ, Đỗ Phủ và Sầm Tham, Đỗ Phủ và Tô Hoán. Ý  hướng “bêu xấu” Đỗ bộc lộ ra ngay từ đầu ở nhan đề nhiều chương. Thực ra một hệ thống đề mục tương tự như ở phần Đỗ Phủ cũng có thể dùng cho phần Lý Bạch. Thậm chí nhiều học giả còn thấy thái độ phê phán Đỗ Phủ bộc lộ ngay cả trong phần cuối cuốn sách – phần 3 dành để trình bày một niên phổ chung cho cả Lí lẫn Đỗ. Đặt trong so sánh với các chương về Lí Bạch ở phần 1, không khó kết luận Quách quả thực đã phê phán Đỗ một cách khá là có hệ thống. Và Quách cũng tỏ ra rất có chiến lược trong việc hạ thấp Đỗ Phủ khi khởi sự từ việc muốn tước bỏ danh hiệu “nhà thơ nhân dân” – một danh hiệu cao quý mà nước Trung Quốc mới dành cho số ít văn hào cổ điển. Quách viết: “Trước đây các học giả gọi Đỗ Phủ là “Thi Thánh”. Ngày nay các học giả gọi Đỗ Phủ là “Nhà thơ Nhân dân”. Khi gọi là “Thi Thánh” nhân dân không có ý kiến gì nhưng khi gọi là “Nhà thơ Nhân dân”, nhân dân e phải truy hỏi xem tại làm sao mà lại xưng tụng được như thế? (LBVĐP, 1971, tr.196).[12] Cuối sách nhân viết về niềm tin tôn giáo của Đỗ Phủ, Quách thậm chí còn có ý kiến với cả cách gọi “Thi Thánh” nữa. Lập luận của Quách là “Đỗ Phủ là một tín đồ Thiền Tông. Đỗ sớm tin sùng Đạo Phật và tin một cách sâu sắc cho đến tận khi chết. Gọi Đỗ là là “Thi Thánh” chẳng bằng gọi là “Thi Phật”. Chả biết đến lúc nghiên cứu Vương Duy – người mà Quách nhắc tên đầu tiên khi kể tên các nhà thơ Đường mà Quách yêu thích thì ông sẽ nói thế nào?

Việc phê phán Đỗ Phủ được bắt đầu ngay từ chương đầu tiên của phần 2 cuốn sách. Cách làm hoặc nói chiến thuật trong việc “ra đòn” đối với cổ nhân của Quách là tóm chặt lấy cái gọi là “ý thức giai cấp” để tập trung xuyên tạc chính những tác phẩm thơ vốn được coi là danh tác lưu truyền rộng rãi của Đỗ Phủ. Quách cơ hồ đã phủ nhận hoàn toàn những tác phẩm ưu tú nhất của Đỗ Phủ. Xem ra Quách đã vận dụng rất đắc lực thứ vũ khí phê phán mà thời đại Cách mạng Văn hóa đã ra công mài sắc – vũ khí “ý thức giai cấp” (tưởng cũng nên biết rằng dưới thời Cách mạng Văn hóa chứng minh được ai là địa chủ tức là đã lên được bản án chính trị cho người đó rồi). Quách tổng kết chắc nịch: “Nói tóm lại, Đỗ Phủ trên cả hai phương diện đời sống vật chất lẫn tinh thần đều sống theo kiểu địa chủ ”,  “Đỗ Phủ hoàn toàn đứng về phía giai cấp địa chủ, gia cấp thống trị. Ý thức và lập trường giai cấp đó là xương sống tư tưởng Đỗ Phủ, xuyên suốt phần lớn di sản thơ văn Đỗ Phủ” (LBVĐP, 1971, tr.276). Nhân tiện Quách cũng lớn tiếng phê bình các nhà nghiên cứu thiếu ý thức phân tích giai cấp dẫn tới việc đánh rơi mất lập trường tư tưởng khi đánh giá Đỗ Phủ. Phụng Tiên Vịnh Hoài là tác phẩm thơ kết thúc cho thời kì mười năm khốn cùng của Đỗ Phủ tại Trường An (sáng tác tháng 12/755 tức cuối Đông năm Thiên Bảo 14). Câu bất hủ trong bài “Chu môn tửu nhục xú, Lộ hữu đông tử cốt” nên là kết quả của một sự tri giác đời sống thực tế. Là một nhà sử học, Quách biết rõ tầm quan trọng của việc tìm hiểu xuất xứ tác phẩm. Vậy mà dẫn đến câu đó, Quách lại tập trung “khảo cứu” thư tịch chỉ với dụng ý chứng minh  Đỗ “sao chép” Mạnh Tử: “Hai câu này rõ ràng là thoát thai từ câu trong thiên Lương Huệ Vương: Bếp lớn có thịt béo, Chuồng to có ngựa béo, Dân có kẻ thiếu ăn, ngoài đồng có người chết đói” (LBVĐP, 1971, tr.193). Mạnh Tử là sách gối đầu giường của nho nhân, vì sao phải đợi cả nghìn năm đến Đỗ Phủ mới “thoát thai” thành câu thơ cụ thể này? Quách chả nhẽ không còn nhớ bản thân mình trong bài khai mạc lễ kỉ niệm 1250 năm ngày sinh Đỗ Phủ năm 1962 đã từng khen hai câu trên là “danh cú vang vọng thiên cổ”? Chính Quách lúc đó cũng nói không phải là người trải nghiệm cuộc sống của người dân thì không viết nổi những câu như thế! Chê hai câu thơ “sao chép” ý kinh sách xong, Quách kiếm chuyện làm khó Đỗ Phủ: “Đã nhận thức được mâu thuẫn thì phải làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn đó. Tức là nói rốt cuột anh đứng trên lập trường giai cấp nào, anh phục vụ ai?” (LBVĐP, 1971, tr.193) .

“Tam Lại”, “Tam Biệt” xưa nay được xem là những kiệt tác tiêu biểu của thơ Đỗ Phủ. Các bài thơ trong hai chùm thơ này được xem là mẫu mực của phong cách thơ ca hiện thực chủ nghĩa. Hai chùm thơ rung động bao đời bởi lòng yêu nước thương dân, tâm hồn mẫn cảm với thế cuộc. Quách tập trung phê bình các bài thơ trong hai chùm thơ này. Quách nói Tân Hôn Biệt: “miêu tả cô dâu rất khảng khái, biết đại cục và rất có khí phách trượng phu”. Nhưng miêu tả như vậy là đã lí tưởng hóa. Quách phê Đỗ viết về “bần gia nữ” bằng nhãn quan của một kẻ quen nếp sinh hoạt địa chủ. Vì rằng một “con gái nhà nghèo thực sự thì không thể rời bỏ lao động sản xuất”. Quách nói nhân vật trong bài thơ không chân thực. Đọc Vô Gia Biệt Quách nói Đỗ mới chỉ đề xuất được vấn đề chứ chứ có câu trả lời. Quách nhận định trong tình cảnh mà bài thơ mô tả người ta hoặc là “đành phải tạo phản” hoặc là “đành chịu vậy”. Quách đoán Đỗ chỉ biết “đành chịu vậy”. Quách đồng ý Tân An Lại là tác phẩm biểu thị niềm đồng tình với nhân dân, nhưng yêu cầu nhà thơ phải trả lời được câu hỏi “Ai phải chịu trách nhiệm về việc để nhân dân phải chịu tại họa như vậy? Phải làm thế nào mới cứu được họ?”. Quách nói đáng tiếc nhà thơ lại “Làm thinh và tránh né. Chỉ oán trời trách đất. Nhà thơ chỉ biết mỗi an ủi và khuyên giải những người lâm nạn”. Quách khẳng định: “Thế nên sự đồng tình của nhà thơ nói đúng ra chỉ là sự đồng tình rẻ tiền. An ủi đấy là an ủi chính mình, oán trời trách đất đấy là thoái thác trách nhiệm thay bọn gây họa cho nước gây nạn cho dân”. Thạch Hào Lại nổi tiếng là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thi sử chép việc bằng thơ. Tất cả nỗi lòng và tư tưởng của thi thánh ẩn đằm đằng sau những câu chữ trần thuật kiểu Tư Mã Thiên trong Sử Kí. Thế nhưng Quách lại chê rằng: “Nhà thơ hoàn toàn là một kẻ bàng quan vô ngôn. Thật đáng lấy làm lạ cho thái độ đó!” (LBVĐP, 1971, tr.208). Quách không thể không thừa nhận các kiệt tác trong chùm thơ “Tam Lại”, “Tam Biệt”. Quách dẫn chúng rồi phán: “Thế nhưng ngày hôm nay, khi ta phân tích từ góc độ giai cấp thì khuyết khiếm của các bài thơ đó là không thể che đậy được” (LBVĐP, 1971, tr.210). Cả những lúc không thể không khen nhưng ngay lập tức Quách vẫn tìm cớ để hạ thấp. Chẳng hạn, cũng khi nói về hai chùm thơ trên, Quách thừa nhận trong đó Vô Gia Biệt “có thể là bài hay nhất trong sáu bài… … nhất là câu kết Hà dĩ vi chưng lê? Tác giả đã nêu được vấn đề nhưng lại không đưa ra được câu trả lời!” (LBVĐP, 1971, tr.203). Đọc Tân Hôn Biệt Quách bảo Đỗ “lí tưởng hóa” tức không hiện thực! Khi Đỗ miêu tả hiện thực như trường hợp Phụng Tiên Vịnh Hoài Quách nói “sao chép” sách xưa. Khi Đỗ được cho là đã chỉ rõ được mâu thuẫn thực tế thì Quách trách nhà thơ chưa nói lên được cách giải quyết mâu thuẫn đó. Thành ra chẳng có gì là đáng ngạc nhiên khi đánh giá tổng kết về hai chùm thơ trên của Đỗ Phủ, Quách trước sau xoáy quanh vấn đề gia cấp: “Hình tượng nhân dân mà sáu bài thơ này miêu tả bất kể nam nữ già trẻ đều là hình ảnh một nhân dân được thuần hóa – một hình ảnh lọc tuyển qua cái phin lọc giai cấp. Nhân dân thuần lành đến như đàn cừu. Họ không có lấy một chút tình cảm phản kháng”. Quách lấy câu thơ “Khuyến kì tử vương mệnh” (khuyên họ chết cho vương mệnh) trong bài Cam Lâm (甘林) khái quát thành “thái độ cơ bản của Đỗ Phủ và cũng là tinh thần cơ bản của “Tam Lại”, “Tam Biệt” (LBVĐP, 1971, tr.211).

Mao Ốc Vi Thu Phong Sở Phá Ca là một danh tác của Đỗ Phủ. Quách phát huy trí tuệ sử gia và năng lực khảo cứu kết luận rằng ngôi nhà tranh đó đông ấm hè mát vì mái lợp ba lớp dày tổng cộng hơn 30 cm. Ngôi “thảo đường” có khi còn cầu kì hơn cả nhà ngói. Thế nên nếu “bị gió lớn thổi mất đi một phần mái” thì cũng đừng oán gì trời giận gì người.[13] Quách tỏ vẻ bất mãn khi Đỗ Phủ thấy bọn trẻ con nhân gió lớn ra cướp tranh “mắng trẻ nhà nghèo là “ăn cướp”:  “Đỗ Phủ kêu mình nghèo khó mà quên rằng nông dân còn nghèo khó gấp trăm lần ông ta”. Quách phân tích mấy câu kết bài thơ: “Câu thơ rõ ràng dùng từ “hàn sĩ” – tức là đang lo lắng cho hạng trí thức chưa có công danh phú quý hoặc đã có công danh nhưng chưa phú quý. Làm sao lại nói rộng ra gồm cả “dân” hoặc “dân hèn”? Trẻ em con nông dân lấy mấy tấm tranh gió thổi xuống đều bị chửi là “ăn cướp”, …. Nông dân mà còn có hy vọng ở được vào tòa nhà nghìn vạn gian ấy? Tòa nhà cả nghìn gian ấy không biết còn phải mất bao nhiêu lao dịch… … Nếu bao nhiêu tòa nhà lớn như thế thực sự hiện lên như nấm sau một đêm thì nhà thơ đã không sớm dọn vào trong đấy rồi, đâu đến nỗi sẽ chết cóng?”  (LBVĐP, 1971, tr.215) Không hiểu tại sao Quách nhất định bảo từ “hàn sĩ” không thể chỉ chung “người nghèo” nhưng lại lí giải từ “quần đồng” (đám trẻ con) thành “con cái nhà nghèo” hoặc “trẻ em con nông dân”? Lí Bạch trong bài Tặng Thôi Tư Hộ Văn Côn Quý (赠崔司户文昆季) có câu “Dục chiết nguyệt trung quế, Trì vi hàn giả tân” (muốn bẻ cành quế trên cung trăng lấy làm củi cho người cơ hàn). Tới lượt tán tụng Lí Bạch Quách cẩn thận láy lại từ “hàn sĩ”: “Lí Bạch muốn lấy củi cho “hàn giả” (xin chú ý – không phải là “hàn sĩ”) những toan lên trời chặt cây quế trên cung trăng”, LBVĐP, 1971, tr.187). Thực ra “hàn sĩ” trong bài thơ của Đỗ Phủ không cứ nhất định là chỉ “hạng trí thức chưa có công danh phú quý”. Cũng như “hàn giả” trong bài thơ của Lí Bạch cũng là chỉ “hàn sĩ” đấy thôi. Cố tình máy móc trong cắt nghĩa chỗ này nhưng lại tùy tiện trong giải thích chỗ kia – cách làm của Quách rất đáng để độc giả lấy làm ngờ về động cơ thực sự của một người vốn là nhà phê bình thơ lão luyện. Xem ra, một khi đã xã hội học dung tục thì chê đã đành là vô lối mà khen cũng chả đi đến đâu. Thử xem Quách khen Lí Bạch như thế nào. Lí Bạch viết chùm thơ nhan đề “Bồi Thị Lang thúc du Động Đình Hồ túy hậu tam thủ”. Bài thứ ba có đoạn: “Hoạch khước Quân Sơn hảo, bình phô Tương thủy lưu. Ba Lăng vô hạn tửu, Túy sát Động Đình thu”. Ý Lí Bạch so nước hồ Động Đình với rượu ngon. Chỉ cần bạt núi Quân Sơn đi là hồ Động Đình trở nên mênh mông mĩ tửu. Quách thì lại tán rằng “Bạt núi Quân Sơn” là để lấp khô nước sông Tương. Quách nói Lí Bạch ấy là “nhìn thấy nông dân khẩn hoang bên hồ bèn nghĩ đến chuyện muốn tăng diện tích canh tác” , là “suy nghĩ từ góc độ công việc làm nông”. Còn như “Ba Lăng vô hạn tửu” ấy không phải chỉ để mỗi thi nhân uống mà là để cho toàn thể dân Ba Lăng dùng nữa. Thế nên “Bạt núi Quân Sơn” – “phải nói đó mới thực sự vì nhân dân”. Đấy là tinh thần “nông nghiệp đại trại” (LBVĐP, 1971. tr 185-186). Thực tế bài thơ của Lí viết vào mùa thu (năm thứ 2 niên biệu Càn Nguyên, 759). Vào thu như chính bài thơ miêu tả “Động Đình thu thủy khoát” “Bát nguyệt hồ thủy bình”. Không thể nói đến chuyện thấy cảnh làm ruộng giữa hồ được. Quách nói “Nước trong Động Đình Hồ hay nước giữa sông Tương không thể trực tiếp biến thành rượu được” hàm ý ca ngợi Lí muốn bạt núi thêm đất để nông dân canh tác lấy ngũ cốc nấu rượu! Thực ra trong bài thơ gọi là rượu say du ngoạn cùng người trên hồ đó Lí Bạch chỉ là đang biểu đạt một tình huống lãng mạn – bạt núi cho sông chảy vào làm hồ mênh mang rượu. Cho nên, ngược lại với tán tụng suy diễn của Quách – núi Quân Sơn kia thực mà bạt đi được thì có khi dân lại mất đi chỗ canh tác mới phải.

Khen Lí chê Đỗ trong Lí Bạch và Đỗ Phủ nhiều chỗ sa vào tầm chương trích cú, suy diễn buồn cười và dung tục. Chẳng hạn Đỗ Phủ thường tự so mình với hình ảnh “tuấn mã  già” (老骥), “con chim ưng đói” (饥鹰). Quách phê “Tuy đang tự so mình với ngựa quý và chim ưng mà thực ấy là tự so bản thân với cầm thú” (LBVĐP, 1971, tr.224). Lí Bạch viết “tóc bạc ba nghìn trượng” Quách khen lãng mạn. Đỗ viết “Thông xanh hận không cao nghìn thước”, Quách phê “cây thông muốn cao đến một nghìn thước là không có thể”. Lí Bạch miêu tả con gái Giang Nam “hai chân trắng như sương móc” (Lưỡng túc bạch như sương). Đỗ có câu “Việt nữ thiên hạ bạch” (Gái nước Việt ai cũng trắng trẻo). Lí Bạch viết chả sao, Đỗ viết câu tương tự Quách bình “Đỗ Phủ cũng hoàn toàn không phải là luôn đạo mạo đứng đắn”. Cùng đều uống rượu nhưng Lí Bạch uống rượu thì có tính nhân dân. Đỗ viết Lí Bạch “Trường An thị thượng tửu gia miên” theo Quách chứng tỏ Lý gần gũi với dân nghèo thành thị! Quách nói xưa quán rượu hay viết mấy chữ “Lí Bạch thế gia” hoặc “Lí Bạch di phong” lên đèn lồng hoặc cờ phướn trước quán mà không viết tên Đỗ Phủ chứng tỏ nhân dân yêu thích Lí chứ không yêu thích Đỗ. Lí Bạch uống rượu, Quách nghiên cứu ra nhiều cái hay. Nào là “Khi Lí say chính là khi lí tỉnh táo nhất”, nào là rất nhiều thơ hay của Lí đều được viết ra sau khi say và chính nhờ uống rượu mà Lí đã thoát khỏi mê tin Đạo giáo. Quách khẳng định rượu giúp cho Lí có “tính bình dân”. Quách viết “Lí sống trong rượu chết trong rượu” hàm ý ca tụng trong lúc Đỗ Phủ thì vẫn theo lời Quách – “nghiện rượu hết đời” (những chữ trong nhan đề một chương viết về Đỗ Phủ  trong sách Lí Bạch và Đỗ Phủ).

  1. Thay cho lời kết: mối quan hệ đạo đức-chính trị-học thuật

Nghiên cứu phê bình với những là “dương” và “ức” (扬đề cao/hạ thấp抑), những là “bao biếm” (khen chê) đã thành truyền thống trong văn học Trung Quốc. Truyền thống đó phản ánh cái tâm lí văn hóa thâm căn cố đế của bộ phận khom lưng dưới gánh nặng vừa học thuật vừa chính trị. Tệ hại hơn khi những việc “dương ức” “bao biếm” đó lại được tổ chức phát động, tuyên truyền phổ cập và gắn chặt với thời sự nhãn tiền. Học thuật cá nhân biến thành hội họp đám đông, nghiên cứu phê bình biến thành sinh hoạt chính trị đạo đức! Không hiếm khi những khen chê ấy quan trọng trước hết là ở chỗ “được ai khen và bị ai chê”! Lí Bạch và Đỗ Phủ của Quách Mạt Nhược có thể là một trường hợp tượng trưng cho truyền thống đó. Đến nay đã là 1300 năm tính từ ngày sinh của Đỗ Phủ, 120 năm tính từ năm sinh của Quách Mạt Nhược, cũng là dịp kỉ niệm 40 năm ngày xuất bản cuốn sách cuối cùng viết về Đỗ Phủ của Quách Mạt Nhược. Thực đúng là dịp lớn để Trung Hoa long trọng kỉ niệm các bậc thi hào văn hào ở này tầm hội thảo quốc gia vậy. Các cuộc hội thảo đó ngoài chủ đề đã định lẽ nào không phải là dịp để nhìn lại mối quan hệ giữa đạo đức-chính trị-học thuật? Sinh thời Quách Mạt Nhược từng so mình với Goethe và giới văn hóa Trung Quốc dường như cũng chấp nhận hình dung đó. Ông Chu Dương – một đồng nghiệp công tác bên cạnh Quách có bảo với Quách: “Ông là Goethe nhưng là Goethe của Nước Trung Quốc Mới thời đại Xã hội Chủ nghĩa”.[14] Một văn nhân khác là Sa Diệp Tân thì dẫn đánh giá của Engels về Goethe để chỉ rõ Quách trong một tư cách hai mặt – công dân phàm tục và thiên tài vĩ đại.[15] Quách được tôn sùng và Quách cũng bị khinh thường. Sa gọi đó là “hai cực đọc hiểu” một chân dung tồn tại trong dân chúng xã hội cũng như trong giới gọi là phái “học viện”. Người viết bài này tự mình cũng phân vân không biết bản thân đang đọc hiểu Quách Mạt Nhược theo cực nào đây? Mặc dù vậy nhân dịp kỉ niệm 1300 năm ngày sinh Đỗ Phủ, tròn 40 năm xuất bản sách Lí Bạch và Đỗ Phủ và cũng là tròn 120 năm ngày sinh của tác giả sách này xin mạnh dạn viết một bài gọi là giới thiệu mấy lời sách cũ cùng người xưa.

      Hà Nội, 02-11/2012

Chú thích:

[1] Có người nói may Đỗ Phủ vừa khéo đến 1962 tròn 1250 năm ngày sinh. Muộn hơn hay sớm hơn 5 năm thì chắc gì các hoạt động đón nhận danh nhân văn hóa thế giới đã được tổ chức rầm rộ như thế tại Trung Quốc vào năm 1962? Đủ thấy tại Trung Quốc từ sau 1949 các sự kiện học thuật chịu sự chi phối như thế nào từ thời sự chính trị.

[2] Giải thưởng sử học Quách Mạt Nhược là giải thưởng cao quý nhất của sử học Trung Quốc.

[3] Tổ chức năm 2009. Theo danh sách công bố, về sách chính trị thấy có Mao Trạch Đông Ngữ lục, Mao Trạch Đông Tuyển tập (Nhân dân Văn học Xuất bản xã, 1965),… Về văn học nghệ thuật (chia hai phần “Văn học Cổ điển” “Văn học hiện đại” và xếp theo thứ tự thời gian xuất bản) thấy có Lí Bạch Thi tuyển, Đỗ Phủ Thi tuyển (Nhân dân Văn học Xuất bản xã, 1956). Từ 1966 tức sau khi Cách mạng Văn hóa tiến hành được một năm cho đến 1972 xuất bản Lí Bạch và Đỗ Phủ không thấy có cuốn nào.

[4]  Xem陈晋, 《文人毛泽东》, 上海人民出版社, 1997, tr.456.

[5] Xem《钱钟书研究》 (tập 2), 文化艺术出版社1990, tr.310. Bài của Hạ Chí Thanh đăng lần đầu trên 《中国时报·人间》(số phụ san ngày 16&17 tháng 6/1979) cung cấp một thông tin quan trọng về động cơ nghiên cứu của Quách. Sau 1949 Tiền là cán bộ cấp dưới công tác cùng chỗ với Quách. Đến nay vẫn không có tài liệu gì cho thấy Tiền từng có bình luận chính thức gì về Quách.

[6] Dẫn từ 金逹凱 ,《郭沫若總論: 三十至八十年代中共文化活動的縮影》, 臺灣商務印書館, 1988.

[7] Xem “郭沫若晚年的败笔: 为自保即席向江青献诗”,  新闻午报, 16/10/2006.

[8] Xem吴中胜, “学术怪胎: 郭沫若《李白与杜甫》” trên cnki.hner.cn

[9] Xin xem, Đinh Khởi Trận, “Lí Bạch dữ Đỗ Phủ – Đệ nhất lưu manh tài tử thư” (丁启阵, 《李白与杜甫》: 第一流氓才子书), công bố trên blog.sina.com.cn

[10] Nhan đề bài phát biểu khai mạc lễ kỉ niệm “诗歌史中的双子星座”. Liền đó đăng trên 《光明日报》ngày 9/6/1962.

[11] Nguyên Chẩn, “Đường Cố Kiểm Hiệu Công Bộ Ngoại Lang Đỗ Quân Mộ Hệ Minh” trong Nguyên Chẩn Tập, Trung Hoa Thư Cục, bản in 1982. Bản dịch bài minh này có thể xem trong Phan Ngọc, Đỗ Phủ Nhà Thơ Thánh (nhan đề ở các trang bìa sách này không thống nhất. Chúng tôi tạm gọi gọn lại), Nxb. VHTT-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2001.

[12] Thực tế thì đó cũng là danh hiệu “tân thời”. Điều đáng chú ý hơn ở đây là cái cái tư thế thay mặt nhân dân mà Quách bộc lộ ra khi đề xuất câu hỏi về cái danh hiệu vinh quang đó. Thực ra chiếc mũ cao cao “nhà thơ nhân dân” cũng chẳng phải mỗi Đỗ Phủ được đội. Khuất Nguyên chả cũng được gọi là “nhà thơ nhân dân” đó thôi. Nhân tiện nhắc chuyện quan hệ giữa Đỗ Phủ với Khuất Nguyên, Quách cũng chê trách thi thánh “hạ thấp Khuất Nguyên đề cao Tống Ngọc”. Lí do theo Quách là ở chỗ Đỗ có thơ điếu Tống Ngọc (《咏怀古迹》) mà không có thơ điếu Khuất Nguyên (“抑屈扬宋”, LBVĐP, 1971, tr.278-279). Thực ra thơ Đỗ không có câu nào chê Khuất Nguyên. Trong lúc đọc thơ Lí Bạch ai cũng biết câu “cười cổ nhân tự trầm”- đầu bạc tiếu cổ nhân (“投汨笑古人”). Vả chăng Lí cũng viếng Tống Ngọc bằng những câu rất cảm động “Lên gò cao thăm cảnh xưa nhớ Tống Ngọc lệ ướt đầm vạt áo” ( “高丘怀宋玉,访古一沾裳” trong bài 《宿巫山下》).

[13] Liên quan đến “thảo đường” của Đỗ Phủ hẵng xem thêm một ý kiến khác của Kenneth Rexroth – nhà thơ Mĩ. Kenneth Rexroth nói Đỗ Phủ than nghèo nhưng thực tế ngôi thảo đường của ông vẫn là một ngôi nhà đường hoàng rộng rãi. Đỗ dường như còn có thu nhập nhất định từ ruộng vườn quanh nhà nữa. Ý này có nét tương tự cách nói của Quách. Thế nhưng kết luận mà hai người rút ra là hoàn toàn trái ngược. Nhà thơ Mĩ cho rằng nhược điểm của Đỗ Phủ cũng chính là chỗ mạnh của ông, bởi vì Đỗ tỏ ra là càng “giàu nhân tính đồng thời cũng tỏ ra gần gũi với chúng ta hơn” (Dẫn lại theo Chu Sách Tung, “Luận Đỗ Phủ”, 4/1973  周策纵,《论杜甫》in trong《周策纵自选集》, 山东教育出版, 2005).

[14] Xem 吴东平,《走近现代名人的后代》, 湖北人民出版社, 2006. Chu Dương (1908-1989) viện sĩ  Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, làm việc bên cạnh Quách trong rất nhiều năm. Bị bắt lao cải ngay từ  thời gian đầu Cách mạng Văn hóa.

[15] Xem 沙叶新, “粪土当年郭沫若”, 《凤凰周刊》, Kì 20/2004. Sa Diệp Tân là nhà văn Trung Quốc đương đại, hiện sống tại Thượng Hải.

0