14/10/2018, 22:11

Ngôn ngữ trong “Giấc mơ sông Thương” của Nguyễn Phúc Thành

(ĐHVH HN) - Giấc mơ sông Thương của Nguyễn Phúc Thành là một tập thơ lục bát cách tân. Tác giả đã có nhiều chiêu thức làm mới ngôn ngữ thi ca tiếng Việt như sáng tạo từ láy mới; mở rộng phổ kết hợp cho danh từ, động từ; chuyển từ loại, đảo từ ngữ, tách ghép từ; nhân hóa, so sánh độc đáo; ...

 
(ĐHVH HN) - Giấc mơ sông Thương của Nguyễn Phúc Thành là một tập thơ lục bát cách tân. Tác giả đã có nhiều chiêu thức làm mới ngôn ngữ thi ca tiếng Việt như sáng tạo từ láy mới; mở rộng phổ kết hợp cho danh từ, động từ; chuyển từ loại, đảo từ ngữ, tách ghép từ; nhân hóa, so sánh độc đáo; sáng tạo về nhịp thơ và thanh điệu..., sử dụng các biện pháp tu từ ngữ âm như điệp phụ âm, điệp vần… làm cho câu thơ giàu tính nhạc. Liên tưởng trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Phúc Thành có biên độ rộng, chồng lấn, đa chiều nên đã góp phần tạo được nhiều kết hợp lạ mang bản quyền thương hiệu riêng của Nguyễn Phúc Thành. Tất cả những cố gắng đó của anh đều nhằm mục đích tạo nghĩa mới, tạo hình dung từ, tránh những từ mòn sáo, gây được sức hút đối với độc giả thời đại 4.0.
Từ khóa:  Thơ lục bát, ngôn ngữ văn chương, sáng tạo từ
Abstract: Giấc mơ sông Thương (Thuong River’s Dream) by Nguyễn Phúc Thành is a colletion of innovative six-eight poems (Luc bat poems). The writer has many methods to renew language of Vietnamese poetry such as creating new reduplicative words, expanding the spectrum of collocations of nouns, verbs, changing parts of speech, reversing words and phrases, splitting and combining words; personification, unique comparison; renovating rhythm of poetry and tones, etc. use phonetic rhetoric techniques such as homoeoprophoron (geminate consenants, geminate syllables, etc. to make the verses rich in music. Association in the art of creation of Nguyễn Phúc Thành is wide, overlapping, multi-dimensional. That creates many strange combinations bearing the trademark of Nguyễn Phúc Thành. All of his efforts are aimed at creating new meanings, new adjectives, avoiding cliché and attracting the readers of the 4.0 era.
 
Sông Thương là một dòng sông có tên tuổi quen thuộc, in đậm dấu ấn văn hóa Việt trong tổng số hơn 2000 con sông lớn nhỏ ở nước ta. Ca dao đã có câu: Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Bên trong bên đục em trông bên nào. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Phúc Thành lại chọn chỉ một chủ đề “Giấc mơ sông Thương” để viết những 36 bài lục bát cách tân. NPT đã có ý thức tạo ra một giọng thơ riêng biệt, không nhòe lẫn vào ai và làm mới ngôn ngữ bằng nhiều chiêu thức như: sáng tạo từ láy mới; mở rộng phổ kết hợp, trường liên tưởng cho danh từ, động từ; chuyển từ loại, đảo từ ngữ, tách ghép từ; nhân hóa, so sánh lạ, độc đáo; sử dụng các biện pháp tu từ ngữ âm như điệp phụ âm, điệp vần… làm cho câu thơ giàu tính nhạc Ngoài ra, trong một số trường hợp có sự sáng tạo về nhịp thơ và thanh điệu... Tất cả những cố gắng đó của Nguyễn Phúc Thành  đều nhằm mục đích tạo nghĩa mới, tạo liên tưởng mới, tạo hình dung từ, tránh những từ mòn sáo, gây được sức hút đối với người đọc.
  1. Sáng tạo từ láy
Có thể nói từ láy là đặc sản của ngôn ngữ nghệ thuật, là những từ mang tính hình tượng cao nhất, đồng thời cũng réo rắt nhạc điệu, sử dụng từ láy để xây dựng hình tượng thơ, nhạc thơ là một lựa chọn sáng suốt của các tác giả thơ. Tính nhạc và tính họa là hai đặc trưng cơ bản của thi ca. Từ láy lại có ưu thế là vừa tạo được tính nhạc vừa tạo được tính hình tượng mà không một đơn vị từ ngữ nào có được.
Thông hiểu những đặc điểm đó nên tần số sử dụng của các đơn vị láy trong Giấc mơ sông Thương rất cao. Chỉ khảo sát riêng phần 1 với 36 bài thơ, tác giả đã dùng 306 từ láy và từ ghép dạng láy (253 từ láy + 56 từ ghép dạng láy), trung bình khoảng 9 từ trong 1 bài.
Nếu trong tiếng Việt có 21 phụ âm đầu thể hiện bằng 25 con chữ cả đơn và đôi thì từ láy, dạng láy của NPT đã dùng đủ cả 21 phụ âm và 24 con chữ, chỉ thiếu chữ NGH (B, C/K/Q, D/ GI, Đ, G/ GH, H, K, L, M, N, R, S, T, V, X, PH, TH, TR, CH, NG/ NGH, KH (25 chữ là không kể P, vì P không làm phụ âm đầu trong tiếng Việt, nếu có chỉ là từ phiên âm: pênixilin, đèn pin, pô ảnh, bánh mì pa tê, vải pô pơ lin…).
Ngoài những từ láy, dạng láy quen thuộc thì NPT có ý thức làm mới các đơn vị láy bằng nhiều cách: đảo vị trí âm tiết hoặc biến âm hoặc thay đổi thanh điệu trong 2 âm tiết của từ láy đôi... Chẳng hạn: mượt mà = mà mượt, vần vũ = vũ vần, vật vờ = vờ vật, thừa thãi => thãi thừa, nõn nà => nà nõn, lau lách => lách lau, khờ khạo = khạo khờ, khuya khoắt => khoắt khuya, ngơ ngác => ngác ngơ, nhàu nhĩ => nhĩ nhàu, gầy guộc => guộc gầy, hững hờ => hờ hững, gầm gào => gào gầm, lầm lũi => lẫm lụi, thưa thớt => thưa thác…
  • Gieo vào em hạt khạo khờ/ Để nuôi ngà ngọc xanh bờ thanh tân
  • Mù mưa/ khăn trắng/ Tận đường/ Mẹ về gối sóng bờ Thương nhĩ nhàu
  • Thiên đình/ khăn trắng trán trời/ Tim tôi/ vờ vật/ đập lời dương gian
  • Khoắt khuya/ một vạt cũ sờn/ Giữa bờ. Giữa bụi/ Trên hòn thia lia
  • Ngác ngơ cỏ lác hai hàng/ Mộ bia đỏ mắt chang chang lưng đồi
  • Nhớ nhau ướp mặn khóe ngày/ Chân chim rạn xuống guộc gầy bến Mom
  • Một đò./ Một mẻ lưới thưa/ Em về./ Ngày ấy/ thãi thừa/ một tôi…
  • Da thơ nà nõn vào vần/ Thịt thơ xếp múi lên dần hoàng hôn
  • Bến nghèo/ thưa thác một vài/ Bóng thuyền lạc giữa đêm dài vô minh
  • Cha đi xộc xệch đường bừa/ Mẹ lẫm lụi giữa hai mùa ngô khoai
Có nhiều trường hợp, một câu lục bát dùng đến 3 đơn vị láy:
  • Bàn tay đầy đặn bãi bồi/ Năm ngón cào khuyết vầng tồi tội trăng
  • Khỏa thân trên sóng địa đàng/ Bờ Thương mà mượt đôi hàng lách lau
Ngoài ra Nguyễn Phúc Thành còn sử dụng những từ láy ít sử dụng trong thơ như ngầu ngã, bén bảng, bươm bả, bề bề, rợn rợn, điêu điêu, ràng rạc, ngu ngu, ngà ngà, hắt hắt… Thậm chí có những từ láy lạ được sáng tạo từ 2 từ láy khác: Ngắt ngơ = Ngăn ngắt + ngơ ngác/ lơ ngơ, tạo ra một nghĩa súc tích hơn. (Mẹ nằm/ đồng rạ ngắt ngơ/ Con nước quạnh quẽ/ Bụi bờ khóc ru)…
Nguyễn Phúc Thành hầu như không dùng từ láy nguyên âm (chỉ có một từ ầu ơ), ít dùng từ láy cồng kềnh chùm ba, chùm tư, không dùng những từ láy khẩu ngữ, tếu táo, bụi bặm như ú a ú ớ, ỡm ờ, õng ẹo, thủng thà thủng thẳng, tênh hênh, thum thủm, nhờn nhợn…(điều này khác với Nguyễn Duy). Vì thế, giọng thơ của Nguyễn Phúc Thành có vẻ lành hiền, mềm mại, không bỡn cợt và rất nghiêm túc.
Bên cạnh việc sáng tạo và sử dụng từ láy ở những vị trí đắc địa, tác giả Giấc mơ sông Thương còn có nhiều cách để làm mới ngôn ngữ thơ.
2. Mở rộng phổ kết hợp từ vựng
Thực ra số lượng từ vựng mà Nguyễn Phúc Thành sử dụng không nhiều, (đây không phải là trường hợp hiếm, Trịnh Công Sơn cũng thế, còn Đồng Đức Bốn thì Nguyễn Huy Thiệp nói rằng anh cũng chỉ dùng có khoảng 600 đơn vị từ  mà thôi…). Tuy nhiên, điều đặc biệt là Nguyễn Phúc Thành có khả năng liên tưởng rất rộng, đa tầng nên mặc dù có những từ anh dùng đi dùng lại khá nhiều như một ám ảnh vô thức thì vẫn được làm mới bằng những cách ghép mới lạ.
2.1. Mở rộng phổ kết hợp cho các động từ
Bình thường bổ ngữ cho các động từ, tính từ phải là những danh từ cụ thể như chải tóc, xước da, gieo mạ, nuôi con, sàng gạo, ướp thịt, vá áo, khâu cúc, đãi đỗ, vớt bèo, rách áo, lau mặt/tay, đơm cơm nhưng trong thơ Nguyễn Phúc Thành thì những bổ ngữ lại là những danh từ, cụm danh từ trừu tượng.
  • Tôi về gieo ngải vào thơ/ Để con chữ dại/ khóc/ bờ bụi đêm
  • Đời mòn. Nước mắt cạn chưa/ Tôi ngồi lau tiếng chuông chùa bến Thương
  • Nhụy em vồi vội dậy hương/ Tôi mang ướp lấy một dương gian buồn
  • Nhớ nhau ướp mặn khóe ngày/ Chân chim rạn xuống guộc gầy bến Mom
  • Em tôi vá víu trời thưa/ Khâu hàng khuy hạ vào trưa nắng gầy
  • Ngày buông ngà ngọc xuống rồi/ Tôi may áo nắng đồi mồi triền sông
  • Mẹ quỳ dưới bến sàng sao/ Đãi mặt sông/ vớt ánh nào – chị tôi?
  • Đâu rồi xống áo vào cơn/ Hàng khuy cựa rách một đơn độc chiều
  • Ngút trời/ cải đã lên ngồng/ Tôi đơm chát đắng trên đồng phù hoa
Nếu người ta “phơi áo”, “phơi khăn” thì Nguyễn Phúc Thành  “phơi tuổi”, “phơi trinh thắm”, “phơi chiều”:
  • Chị phơi tuổi héo trên cơi trầu đào
  • Thương giang. Chiều chết/ Trời chìm/ Em phơi trinh thắm trên nghìn phôi pha
  • Phơi chiều lên sợi ngô đồng/ Hoàng hôn sũng ướt dưới dòng sông Sim
Trịnh Công Sơn cũng có những kết hợp lạ với từ phơi như phơi cuộc tình (Ru ta ngậm ngùi) và phơi tình cho nắng khô mau (Tình xót xa vừa). Như vậy là cùng với nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh, Nguyễn Phúc Thành đã làm phong phú thêm cho bổ ngữ của từ phơi trong ngôn ngữ Việt.
Nếu người ta “gối đầu lên gối lụa/ lên đùi/ lên tay/ lên ngực người yêu”… thì Nguyễn Phúc Thành  lại  “gối đầu lên ngực sông Thương”, “gối ngực lên giấc quan hà”, “gối sóng sông quê”, “gối sóng bờ Thương”, “gối chiều lên mắt em”:
  • Gối đầu lên ngực sông Thương/ Em về ngủ giấc mười phương tiền đồn
  • Gối ngực lên giấc quan hà/ Mơ đôi/ gót ngọc/ nuột nà/ khua trăng…
  • Mẹ nằm gối sóng sông quê/ Cây thiền/ trút lá/ bồ đề/ xuống con
  • Mù mưa/ khăn trắng/ Tận đường/ Mẹ về gối sóng bờ Thương nhĩ nhàu
  • Gối chiều lên mắt em tôi/ Nghe mầm tóc gọi./ Bời bời tay ru
Nếu chúng ta đã quen với những cụm từ kết hợp với động từ cầm như “cầm tay”, “cầm nón quai thao”, “cầm quyển sách”… thì Nguyễn Phúc Thành lại có các kết hợp lạ như: “cầm sợi nắng thưa”, “cầm câu quan họ”, “cầm chum chúm,  “cầm chiều”, “cầm rã rượi”, “cầm thương nhớ”, “cầm tiếng nghẹn”:
  •  Ngón trần/ cầm sợi nắng thưa/ Vá lành vạt ngực tuổi chưa biết hờn
  • Chiều mòn chân bến sông Sim/ Cầm câu quan họ, tôi tìm em tôi
  • Tôi cầm chum chúm vòng ôm chật trời
  • Cầm chiều trên bến sông Thương/ Con về mót chắt đoạn đường mẹ qua
  • Một trời Kinh Bắc đã ngầu/ Tôi cầm rã rượi/ trong nhầu nhĩ đêm
  • Em cầm/ tiếng nghẹn thanh tân/ Vá xong cơn nhớ/ kín dần màu đêm
  • Ta cầm thương nhớ đầy cơn/ Chặt tay/ biếc một/ chiều mơn mởn tình
Hoàng Cầm cũng có cái cầm trừu tượng (Em cầm được cõi mưa nhung) nhưng có thể nói, đối với Nguyễn Phúc Thành, dường như tất cả những cái gì không thể “sờ thấy” mà chỉ có thể “cảm thấy” thì đều có thể cầm nắm được. Anh đã biến cái ảo thành cái thực, cái trừu tượng thành cái cụ thể, mà tri nhận những cái cụ thể bao giờ cũng dễ dàng hơn cái trừu tượng.
Nếu chúng ta đã từng quen với những kết hợp như “cởi áo” (Yêu nhau cởi áo cho nhau - Ca dao, Em cởi áo như rừng thu trút lá - Pasternak) hoặc: “cởi khăn, cởi tất, cởi váy, cởi quần, cởi cà vạt”… thì Nguyễn Phúc Thành lại có “cởi rèm đêm”, “cởi yếm đêm”, “cởi áo phù sa”, “cởi hoa”, “cởi hương” mà thậm chí còn có cả “cởi hương đêm”, có “cởi nắng” mà thậm chí là “cởi nắng ướt”:
  • Tháng năm,/ một thoáng hình như/ Bằng lăng phủ Lạng ngần ngừ cởi hoa
  • Áo đêm/ vồi vội cởi hương/ Ngực đêm chum chúm/ như dường mùa trăng.
  • Em mặc sen hạ bời bời/ Tôi cởi từng cánh rã rời hương đêm
  • Sương tàn trên phím đàn môi/ Em cởi nắng thả xuống trời sông Thương
  • Sông Thương say giấc địa đàng/ Em cởi nắng ướt chang chang vú đồi
Kết hợp từ “cởi nắng ướt” quả thực là rất đặc biệt, hình như đến thời điểm này chưa có nhà thơ Việt nào dùng như thế. Nắng đã được rất nhiều nhà thơ sáng tạo ra hàng 100 kết hợp nắng khác nhau [2, tr. 53- 59]. Chỉ xin dẫn thêm vài ví dụ khác:
  • Hè thon cong thân nắng cựa mình (Lê Đạt).
  • Còng lưng đẩy nắng đi/ Còng lưng đẩy gió đi (Mai Văn Phấn)
  • Nắng lảo đảo/ mái hiên say nghiêng ngả (Phan Huyền Thư),
  • Trong vũ điệu nắng/ Trong tiết tấu mưa/ Từ nơi khởi nguyên/ Lửa mọc mầm theo đường cong thân thể (Vi Thùy Linh)
  • Tiếng ve xé nát đôi bờ/ Chợ Thương để nắng bơ phờ trên sông (Đồng Đức Bốn)
Trong thơ Nguyễn Bính, kết hợp từ nắng đã biến thành… nước:  Hà Nội cơ hồ rộn tiếng ve/ Nắng dâng làm lụt cả trưa hè nhưng có lẽ trong bản quyền từ điển thơ Việt thì kết hợp lạ “nắng ướt”, “cởi nắng ướt” “nắng đã liêu xiêu (Này em nắng đã liêu xiêu/ Vùng non đã dậy hương Kiều xuống thơ) đã thuộc về Nguyễn Phúc Thành.
  1. Mở rộng phổ kết hợp cho các danh từ
Nếu chúng ta đã quen với những kết hợp như “mầm thóc”, “mầm đậu nành”, “mầm rau”… thì Nguyễn Phúc Thành có “mầm xuân”, “mầm tóc”, “mầm tôi”, “mầm em”, “mầm cựa nghẹn chồi”, “mầm đau biêng biếc”:
  • Gối chiều lên mắt em tôi/ Nghe mầm tóc gọi./ Bời bời tay ru
  • Lưng còng,/ trĩu xuống canh thâu/ Mầm đau biêng biếc/ ngả đầu vào đêm
  • Xuân thì mùa đã phổng phao/ Mầm em/ rưng rức/ nhú vào thơ trinh
Kết hợp từ ngữ độc đáo là để tạo hình ảnh, tạo liên tưởng. Trong trường nghĩa của những từ như phổng phao, mầm, em, nhú, trinh, thơ thì câu thơ này có gợi liên tưởng không? Tôi nghĩ là có, rất phồn thực và cũng rất đẹp, bởi thơ là đẹp, mà lại là thơ trinh. Nhân đây, có lẽ người đọc cũng sẽ nhớ tới một câu thơ mà Xuân Diệu từng phê phán kịch liệt: Ta yêu lắm cửa sông mình thắm đỏ/ suốt bốn mùa phù sa. Ông nói: “người viết đã quá vô ý tứ… Ai là người Việt Nam mà chẳng biết hai chữ “cửa mình” là gì, khi hạ chữ ‘cửa mình” ở trong cùng một câu với hai chữ “thắm đỏ” thì lại càng phải chú ý, không được phép vô ý tứ…”
Từ vạt sẽ là bình thường trong những kết hợp như vạt áo, vạt yếm tiên/mềm/ sồi, vạt đất, vạt ruộng, vạt trái dừa… nhưng sẽ là bất thường trong những sáng tạo như vạt cũ sờn, vạt nước ngầu, vạt ngực, vạt trời, vạt nắng thưa, vạt mưa, vạt tù, vạt thơm, vạt da mồi nhúm nhăn, vạt đui mù nhân gian…
  • Vá lành vạt ngực/ tuổi chưa biết hờn
  • Mẹ ngồi kéo mẻ lưới tù/ Đời quăng xuống vạt đui mù nhân gian
  • Cho bươm bả rách vạt tù/ Yếm xiềng xích thở./ Tôi mù mù đêm
Vạt tù phải chăng là cái vạt yếm xiềng xích bộ ngực người thiếu nữ, có gì gợi liên tưởng với hình tượng Thị Mầu muốn bung xé xiềng xích đến bươm bả để giải phóng: Những khát vọng nằm sâu trong mỗi trái tim người/ Được sống đúng với lòng mình thực chất/ Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức/ Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Mầu. (Anh Ngọc)
Nếu Trịnh Công Sơn có cụm từ ru em từng ngón xuân nồng; Vi Thùy Linh có ngón hồng đồng trinh, ngón ngón em dài trắng (Bơi trên lưng anh mải miết ngón ngón em dài trắng); Hoàng Cầm có ngón cụt (Ngón cụt thói quen rờ ngực yếm); Đỗ Trọng Khơi có mười ngón vô thường (Di cư mười ngón vô thường/ Tiếng chim đã mỏng, mùi hương sắp tàn)… thì Nguyễn Phúc Thành có ru em mười ngón tình sâu, ngoài ra còn có mười ngón thiên thần, ngón chàm, bầy ngón, ngón trần,  nghìn ngón xưa Chúng tôi cũng chưa lí giải được tại sao sự ám ảnh vô thức về đốtngón trong thơ Nguyễn Phúc Thành lại nhiều đến lạ lùng, đáng ngạc nhiên như thế.
Từ bầy của Nguyễn Phúc Thành cũng là một kết hợp rất đặc biệt, được sử dụng nhiều đến mức đáng ngạc nhiên. Theo nghĩa từ điển, từ bầy được giải thích như sau: (1): “Đám đông động vật cùng loài sống với nhau hoặc tạm thời tập hợp tại một chỗ: bầy gia súc, chim lạc bầy (2): Đám đông người (hàm ý khinh), lũ: Bọn du côn kéo đến cả bầy”. [4, tr. 53]
Bên cạnh những kết hợp quen thuộc như bầy trâu, bầy côn trùng thì Nguyễn Phúc Thành còn có nhưng kết hợp lạ lẫm sau: Đó là: bầy nhân gian, bầy rơm rạ, bầy gân, bầy tối mịt mù, bầy hạt muối, bầy thóc, bầy chấm phẩy, bầy ngón, bầy chữ, bầy râu ngô, bầy thây ma, bầy bơ vơ…
  • Mẹ già nằm giữa cội cây/ Mắt chiều đã rủ xuống bầy nhân gian
  • Mẹ nằm/ mặc cả thiên thu/ Tôi cùng rơm rạ hoang vu một bầy
  • Tôi chăn bầy tối mịt mù/ trên đồng nhũ cỏ/ gieo từ ngực đêm
  • Mẹ ơi/ lưng cháo thì gầy/ Hạt muối mằn mặn/ một bầy bên nhau
  • Đòng đòng ngậm sữa vú làng/ Anh đi bầy thóc nằm than đầy đồng
  • Một đàn con chữ khóc hờn/ một bầy chấm phẩy/ xác chờm dòng hoang
  • Hoa sữa/ run rẩy bàn tay/ Thịt da tháng chín/ ru bầy ngón trôi
  • Bến Mom/ giờ vẫn guộc gầy/ Râu ngô thoi thóp một bầy phơi sương
  • Thấy lâu đài cát nguy nga/ Thấy thiên đường những thây ma gọi bầy
  • Màu da phơi tuổi trinh ngần/ Trên xanh xao/ cả bầy gân guộc gầy
Bầy gân là một hình ảnh ấn tượng, đó là một tập hợp những sợi gân trên mu bàn tay người phụ nữ guộc gầy, xanh xao. Thiết nghĩ không cần phải nhiều lời miêu tả sự xót thương, chỉ cần quan tâm đến chi tiết đó thôi thì tự nó đã đủ nói lên rất nhiều điều rồi.
Ngoài từ bầy, Nguyễn Phúc Thành còn thích dùng từ . Từ điển giải thích từ như sau: (1) Tập hợp người hoặc động vật cùng loài lâm thời tụ họp lại tương đối đông, không thành tổ chức. Lũ trẻ. Cả lũ kéo nhau đi chơi. Lũ chuột. (2) Tập hợp đông người có đặc điểm chung nào đó, như cùng một hoạt động xấu xa, hay cùng lứa tuổi, v.v. (thường hàm ý coi thường hoặc thân mật. Lũ giặc. Lũ chúng tôi (kng.). Lũ làng (ph.) [4, tr. 589]
Từ nghĩa từ điển đó, Nguyễn Phúc Thành đã mở rộng trường liên tưởng của mình để sáng tạo ra những kết hợp nhân hóa mới như:
  • Sông Thương nuôi lũ nắng tàn/ Bờ đê thả gió đi hoang mắt người
  • Đêm thưa để lũ tóc gầy/ Gọi nhau dậy những sớm ngày dương gian
Qua những dẫn chứng thơ của Nguyễn Phúc Thành, chúng ta có thể thấy bầy, lũ không phải chỉ là những tập hợp của người hoặc động vật cùng loài mà còn là tất cả những gì cùng loài, cùng loại. Vì thế, tôi nghĩ đối với trường hợp từ bầy, lũ, thì từ điển thơ có lẽ phải giải thích lại để có thể tập hợp đầy đủ hơn các nét nghĩa.
Bên cạnh đó, cũng bằng cách mở rộng trường liên tưởng, Nguyễn Phúc Thành còn có rất nhiều những kết hợp lạ hóa khác. Chẳng hạn, từ bầu trời, anh sáng tạo ra bầu thiên thu, bầu trăng; từ bầu ngực, bầu sữa anh liên tưởng tới bầu gái quê, từ quả tim anh nghĩ tới bầu tim, từ hình dạng quả bầu anh hình dung ra cụm từ bầu ngô, ngoài cụm từ vú mẹ, tác giả của Giấc mơ sông Thương còn có vú đêm, vú làng.  (Vi Thùy Linh cũng có vú đêm: Miệng núi miệng núi cắn vú đêm nhẫn nại; Hoàng Cầm có vú lửa, vú xuân: Hội Gióng dong chiêng/ Bé em về nằm khoanh lòng mẹ/ Nghe nghìn muôn năm sau/ xoa nắn đôi bầu vú lửa; Vú xuân đường phèn căng bưởi Nga Mi). Vì thế, vú giời, vú làng là bản quyền của Nguyễn Phúc Thành.
  • Mẹ ngồi vắt sữa xuống chiều/ Vú đêm./ Con ngậm./ Cánh diều./ Lời ru
  • Đòng đòng ngậm sữa vú làng
  • Bầu tim mẹ rách chín bề/ Sông Thương làm mộ tóc thề chị tôi
  • Em tôi thơm bầu gái quê/ Bờ xôi ruộng mật bề bề trắng trinh
Mở rộng trường liên tưởng chồng lấn, đa chiều kích là kiểu tư duy mang thương hiệu Nguyễn Phúc Thành.
Một điều đáng ghi nhận nữa là vốn từ đồng nghĩa trong thơ anh cũng khá phong phú. Chẳng hạn, để chỉ tuổi thiếu nữ mới lớn, thơ ngây, trong trắng, Nguyễn Phúc Thành dùng nhiều từ thay thế: tuổi chưa biết hờn, ngày em chưa rằm, tuổi chớm thành đôi, tuổi thề, xuân thì…
3. Chuyển (từ) loại, tách ghép từ, đảo trật từ, tỉnh lược từ ngữ  
Đây là những thủ pháp hiếm, các nhà thơ thường ít sử dụng hơn các thủ pháp khác nhưng NPT đều thử nghiệm.
Chuyển (từ) loại của từ, cũng tức là tạo ra nghĩa mới cho từ.
Em tôi ngày ấy chưa rằm/ Mà như vành vạnh trong thăm thẳm mùa
            Như vậy, từ rằm là danh từ đã được chuyển sang số từ 15.
Nhìn nhau./ Sao rụng nửa trời/ Đâu đâu cũng chạm một ngời ngợi em
Số từ chỉ có thể kết hợp với danh từ. Trong câu thơ trên, kết hợp một ngời ngợi đã biến tính từ ngời ngợi thành danh từ (chưa kể đến việc sử dụng cả thủ pháp đảo từ ngữ)
Tỉnh lược từ làm câu thơ có khả năng biến ảo, vì người đọc có thể điền vào chỗ trống những từ do mình sáng tạo và đó chính là một trong những cách tạo sinh những nét nghĩa thơ. Chúng ta chắc còn nhớ câu thơ của Đồng Đức Bốn: Ra giêng anh lại đi tìm/ Những câu quan họ của Lim ngày nào (của Lim chứ không phải hội Lim. Lim đã biến thành tên của một em Lim đáng yêu nào đấy và giọng của cả câu thơ bỗng trở nên rất tự nhiên)
  • Trẫm mình trong đám cỏ thưa/ Thấy thân đã khát/ dù vừa là nhau
Cụm từ “dù vừa là nhau” có thể hiểu là dù vừa ở cùng nhau, dù vừa ở bên nhau; dù vừa là của nhau, dù vừa là yêu nhau.
  • Tháng sáu/ bờ Thương ngọc ngà  
Người đọc có thể hiểu: bờ Thương = bờ (sông) Thương = bờ (Yêu) Thương và trong kết hợp với thương ngọc ngà phải chăng là thương vẻ đẹp ngọc ngà, thương em. (Lưu ý thêm: chữ thứ 4 trong lục bát truyền thống phải là thanh trắc nhưng ở đây lại là thanh bằng, chữ thương vì thế mà trở thành điểm nhấn).
Có thể phép tỉnh lược ở các câu thơ trên chỉ đơn thuần giúp các phát ngôn đảm bảo về mặt số lượng từ ngữ cũng như giữ đúng nhịp điệu, tiết tấu cần có nhưng rõ ràng là nó vẫn là cách tạo sinh ngữ nghĩa..
Đảo trật tự từ chính là biến một cấu trúc ngôn ngữ thông thường thành cấu trúc nghệ thuật. 
Trịnh Công Sơn cũng có những kết hợp đảo từ ngữ như: Sen hồng một nụ (Một nụ sen hồng) Quỳnh hương một đóa (Một đóa quỳnh hương), Cọng buồn cỏ khô (Cọng cỏ khô buồn)
Nguyễn Phúc Thành cũng có rất nhiều cấu trúc thông thường đã được đảo trật tự như:
  • Bàn tay đầy đặn bãi bồi/ Năm ngón cào khuyết vầng tồi tội trăng (vầng trăng tồi tội)
  • Sông Thương con nước dập dồn/ Đò ai khua vỡ cả bồn chồn đêm (đêm bồn chồn)
  • Cúc mười/ mở vạt yếm sồi/ Dải chầm chậm cởi/ Em vồi vội hương (cởi dải (yếm) chầm chậm)
  • Để ngăn ngắt giá mấy vần thơ câm (mấy vần thơ câm giá (lạnh) ngăn ngắt)
Ngoài đảo từ ngữ thì tách ghép từ ngữ cũng là một kiểu cấu trúc nghệ thuật.
Đàn trần chạm nốt tình sâu/ Thấy bùa em ngải lên màu của da
Từ bùa ngải được tách thành 2 từ đơn đã khiến câu thơ này chẳng thể nào phân tích được rành mạch cấu trúc ngữ pháp của nó. Chỉ biết rằng chính sự mơ hồ trong “ngữ pháp tiếng lòng” ấy của nhà thơ đã gợi nhiều liên tưởng quyến dụ người đọc như một thứ bùa ngải tàng trữ một sức mạnh thần diệu. Như đã biết, bùa ngải trong “Biểu tượng văn hóa thế giới” là “có năng lực truyền cho con người sức khỏe, trí khôn, sự tươi vui trong cuộc sống, những lạc thú của thân xác”. (Nhân đây, cũng cần nói thêm rằng Nguyễn Phúc Thành luôn có ý thức mong muốn thơ mình trở thành một thứ bùa ngải mê hoặc người đọc: Tôi về gieo ngải vào thơ /Để con chữ dại/ khóc/ bờ bụi đêm)
4. Các biện pháp tu từ từ vựng
Hầu như nhà thơ nào cũng sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ. Tuy nhiên, mỗi nhà thơ lại có những cách thể hiện độc đáo để làm nên phong cách riêng.
Nguyễn Phúc Thành có những nhân hóa khác lạ. Anh hầu như không nhân hóa động vật mà thường nhân hóa thiên nhiên hoặc những từ trừu tượng: Gió ngàn gào khóc đồng bằng; Một đàn con chữ khóc hờn/ Một bầy chấm phẩy/ xác chờm dòng hoang; Trăng liềm ngàn độ vắt cong mắt chờ; Khóc ai đục cả nửa mình sông ơi; Sông ru em ngủ giữa thăm thẳm mùa; Sông nằm mặc cả trời cao; da thơ, thịt thơ…
Phép so sánh tu từ tuy không được Nguyễn Phúc Thành sử dụng nhiều nhưng lại khá lạ. Vế B trong cấu trúc so sánh của anh không phải là những sự vật, hình ảnh khuôn sáo, cũ mòn mà thường rất trừu tượng, không cụ thể, ít người phát hiện ra. Tuy nhiên, người đọc vẫn cảm thấy được nét nghĩa gợi ra sự giống nhau giữa 2 đối tượng ấy, dù đôi khi mơ hồ.
  • Em tôi ngày ấy chưa rằm/ Mà như vành vạnh trong thăm thẳm mùa
  • Em về/ như bóng trăng rằm/ trong phồn thực của thinh câm cát cồn
  • Sông Thương như chiếc cũi đêm/ Giam đầy/ mắt mẹ/ màu đen/ đôi dòng
  • Dòng Thương như dải thiên cầm (đàn trời)/ em thì lặng gió/ tôi lầm lụi mưa
  • Tôi như/ thú đói vào cơn/ Say bầu trăng ngủ/ dập dờn trên tay
  • Đêm chum chúm/ ngực mười ba/ Tôi như mười tám/ tuổi ngà ngà điên
  • Tôi như/ nắng chớm đầu thềm/ Phơi môi/quan họ/ hong trên/ cơi trầu
  • Mưa như kinh kệ gào gầm/ Trời như khóc tự xa xăm khóc về
  • Cải trắng/ như cải chưa chồng/ Em trinh/như bến/ đò không bóng đò
  •  
Chúng ta có lẽ đã quen với từ ngữ: tấm lụa, cây lụa (Thân em như tấm lụa đào - Ca dao; Lòng trẻ còn như cây lụa trắng/ Mẹ già chưa bán chợ làng xa - Nguyễn Bính) nhưng khi Nguyễn Phúc Thành so sánh em với đọt lụa mà lại là đọt lụa trinh ngần thì quả là đặc biệt:
  • Em như đọt lụa trinh ngần/ Một trời da thịt vũ vần bến Thương
Đọt là ngọn thân hay cành cây còn non nên đã chỉ dẫn liên tưởng tới từ trinh ngần là rất hợp lý, gợi cảm (trinh tiếttrắng/ trong ngần), nhưng câu 8 bổ sung nghĩa cho vế B mới thực sự gợi cảm: sự dâng hiến hết mình “vũ vần” thật đáng trân trọng. Ai bảo câu thơ này không tràn đầy nhục tính?
Câu thơ sau đây lại vừa so sánh, vừa nhân hóa:
  • Tay đêm chạm đáy lưng ong/ Tôi như đò góa phải lòng bến Thương.
 Đò/ thuyềnbến là mối quan hệ gắn bó, quen thuộc của “đôi ta” trong ca dao nhưng đã được Nguyễn Phúc Thành làm mới bằng nhân hóa đò góa. Hãy thử tưởng tượng sự dồn nén bao ngày của một người góa bụa sẽ bùng lên mãnh liệt biết chừng nào khi gặp ý trung nhân.
Baudelaire từng viết: “Có những mùi hương… dịu dàng như tiếng kèn và xanh thắm như nội cỏ”, vì thế, cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi NPT viết:
  • Đâu rồi hỡi những cũ càng/ Da em – trăng muộn/ Mắt – hàng cau non
So sánh trong câu thơ trên bị tỉnh lược mất từ so sánh như. Người đọc dễ dàng liên tưởng được nét trắng sáng giữa da em với ánh trăng muộn, nhưng giữa mắt em với hàng cau non có gì giống nhau? Mới đọc chúng ta sẽ cảm thấy đây là một so sánh vô lý vì giữa hai đối tượng này khó có mối liên hệ gần gũi nào. Tuy nhiên, nếu đọc kĩ ta sẽ nhận ra cái có lý, dù khá mơ hồ. Bởi trường liên tưởng của Nguyễn Phúc Thành rất rộng, nên bước đầu tiên anh liên tưởng tới hàng cau non – một hình ảnh quen thuộc của làng quê (vậy chắc chắn mắt ở đây là mắt của thôn nữ); tiếp theo anh liên tưởng tới câu ca dao: Con mắt em liếc như là dao cau (vậy chắc chắn đây là đôi mắt sắc); sau đó anh lại liên tưởng tới hàng cau nắng mới lên trong khu vườn “mướt quá xanh như ngọc” của Hàn Mặc Tử, (vậy chắc chắn đó là đôi mắt ngọc trong biếc với hàng mi dày rợp (bóng), dài mướt bởi vì anh đã từng viết Bàn mi em chải da trời). Tổng hợp lại các liên tưởng trên, ta sẽ thấy mắt – hàng cau non là đôi mắt rất đẹp của một thiếu nữ nhà quê, rất lạ, rất ám ảnh bởi sự sắc biếc, trong sáng với hàng mi dày, dài rợp mướt mát.
Có thể nói liên tưởng tương cận chính là đặc điểm phong cách trong tư duy thơ của Nguyễn Phúc Thành khi kiến tạo từ ngữ. Paustovsky từng nói: “Sự giàu có trong việc liên tưởng nói lên cái phong phú của thế giới bên trong nhà văn. Có cái phong phú đó thì ý nghĩa nào, đề tài nào cũng có thể lớn ngay lên với những nét sinh động…” [8, 186]. Nhận định đó phải chăng như một lời khen của đại văn hào Nga dành cho Nguyễn Phúc Thành vậy.
5. Nhịp điệu, thanh điệu và các biện pháp tu từ ngữ âm
Chọn một thể thơ truyền thống để viết hẳn một tập thơ trong tâm thế của con người thời đại 4.0 là một lựa chọn dũng cảm của Nguyễn Phúc Thành. Hiện nay có một số nhà thơ chủ trương không quan tâm tới vần thơ, coi lục bát là thứ thơ cũ rích nhưng tác giả Giấc mơ sông Thương lại cho rằng lục bát là thể thơ có thể chuyển tải tốt nhất cái điệu hồn của người Việt và văn hóa Việt. Vấn đề không phải ở thể thơ cũ hay mới mà là vấn đề cần viết như thế nào cho phù hợp với thính giác của con người hiện đại.
Vì là thể thơ truyền thống nên Nguyễn Phúc Thành quan tâm đến vấn đề về nhịp điệu, thanh điệu bằng trắc, đến vần thơ và tính nhạc trong thơ.
5.1. Nhịp điệu và thanh điệu trong Giấc mơ sông Thương
Có thể nói về nhịp điệu, Nguyễn Phúc Thành vẫn ưa dùng nhịp chẵn, nhịp cơ bản truyền thống của ca dao, đồng dao, ít nhịp lẻ. (Trịnh Công Sơn chủ yếu cũng dùng nhịp chẵn, Đồng dao cho người lớn của Nguyễn Trọng Tạo cũng tạo hiệu quả lớn khi dùng nhịp chẵn). 
Nhưng khi thơ anh có sự bất thường về nhịp thì lúc đó câu thơ lại tạo nên một ấn tượng, tác động mạnh đến người đọc.
Vành khăn tang/
chít trán trời/
Dòng Thương ngầu ngã/
 một/
đời đợi/
  •  
Mỗi lần xuống dòng thơ là tạo một nhịp mới. Thực ra cụm từ một đời đợi nhau bị tách ra thành ba nhịp tuy không đúng về mặt ngữ nghĩa (nhịp đúng là một đời/ đợi nhau) nhưng việc tạo nhịp bất thường ở đây lại có giá trị về mặt tu từ. Chữ một được tách thành một nhịp lẻ, nhấn mạnh sự lẻ loi đơn chiếc, chữ đời đợi có giá trị về mặt ngữ âm, nó trở thành một từ láy gần âm với từ vời vợi; (xa) vời vợi gợi ra sự chia ly đôi ngả đôi đường, âm dương cách biệt. Hơn nữa, khi dừng nhịp ở từ đợi, sự đợi chờ được nhấn mạnh hơn, đồng thời khi đọc một/ đời đợi/ nhau … rõ ràng là ta sẽ bị mất hơi nhiều hơn so với khi đọc: một đời/ đợi nhau nên cảm giác mệt mỏi bởi sự đợi chờ dài dặc cả một đời người sẽ hiện rõ hơn.
Ngoài bất thường về nhịp thì sự bất thường về vị trí thanh điệu sẽ là một điểm nhấn nếu không về nội dung thì cũng về âm điệu. Chẳng hạn câu thơ sau của Đồng Đức Bốn: Đang trưa ăn mày vào chùa/ Sư ra cho một lá bùa rồi đi... Chữ thứ 4 của câu lục lại là từ mày mang thanh bằng, cả câu lục toàn thanh bằng, đặc biệt 3 âm tiết đầu mang thanh ngang – cao, ba âm tiết sau mang 3 thanh huyền – thấp, tạo ra sự chùng xuống, giảm dần, yếu đi, nhẹ buồn như một giọng nói yếu ớt, khiến ta tưởng tượng ra sự mất dần sức lực trong từng bước đi khi đói khát của ăn mày, mặc dù tác giả không nói gì đến đói khát cả.
Câu thơ sử dụng phép so sánh sau đây của Nguyễn Phúc Thành ngoài sự bất thường về nhịp còn có sự bất thường về thanh điệu, cộng thêm sự tổng hòa của nhiều biện pháp tu từ khác nữa nên cũng tạo một ấn tượng đối với người đọc:
Em đi, ngày ấy bỗng dường/ Như hóa thạch cả dòng Thương nua già
Tuy vẫn nằm trong khuôn khổ của 14 âm tiết lục bát truyền thống nhưng đã được cách tân bởi đã phá vỡ nguyên tắc bằng trắc “nhị, tứ, lục phân minh” (chữ thứ 2 phải là thanh bằng nhưng ở câu bát lại là thanh trắc “hóa”), ba thanh trắc liền nhau toàn là thanh sắc (hóa thạch cả) vút cao ám ảnh. Thêm vào đó là sự vắt dòng (dường - như), đảo từ (già nua = nua già), đảo vị trí trạng ngữ (Ngày ấy, em đi = Em đi, ngày ấy), cộng với nhịp 2/2/2/2 truyền thống bị thay đổi ở trong câu Như hóa thạch cả dòng Thương nua già (vì chắc chắn không thể đọc là như hóa/ thạch cả). Em đi rồi, dòng sông Thương cũng buồn, thiên nhiên cũng buồn. Nếu Phan Huyền Thư có nỗi buồn đông cứng thì Nguyễn Phúc Thành lại có nỗi buồn hóa thạch.
5.2. Các biện pháp tu từ ngữ âm như điệp phụ âm đầu và điệp vần trong Giấc mơ sông Thương
Chúng ta chắc không quên những câu thơ tạo ấn tượng thính giác, giàu tính nhạc như:
  • Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang  (Hàn Mặc Tử)
  • Em về trắng đầy cong khung nhớ/ Mưa mấy mùa mây mấy độ thu (Lê Đạt)
  • Nắng tần ngần trên nón trắng chênh chao/ Nghe gót bước biết lòng biêng biếc lắm (Thi Hoàng)
  • Mần răng ra rứa, ví dù/ Mần ri thế nọ tít mù thế kia (Bùi Giáng)
  • Lắm loài súng sính sinh sôi/ Nòi tình thui thủi một đời/ MỘT KHÔNG. (Hoàng Cầm)
  • Lá bàng đang đỏ ngọn cây/ Sếu giang mang lạnh đang bay ngang trời (Tố Hữu)
  • Say sưa sen đường thơ/ Thơ trắng gặm trăng ngực trắng.
  • Động đường đêm đong đưa/ Em đi về Anh phía ấm (Vi Thùy Linh)…
  • Một con kim kỉm kìm kim/ Một con đom đóm đi tìm gì rơi (Nguyễn Thế Hoàng Linh)
  • ….
Vì vậy, những câu thơ điệp phụ âm, điệp vần giàu tính nhạc trong Giấc mơ sông Thương cũng thực sự ấn tượng:
            Có nhiều câu điệp phụ âm đầu:
  • Trong phồn thực của thinh câm cát cồn
  • Tình lên lưng lửng nốt đàn/ Sông Thương ngậy sóng địa đàng thịt da
  • Chiều chần chật cựa trong mầm cỏ cây
  • Mầm đêm ngau ngáu nghiến mình dưới sen
  • Một đời đen đúa/ thấy tồi tội chân
Nhưng câu thơ sau mới thật là ấn tượng:
Mũi sào đau đáy dòng Thương/ Đò em đắm giữa đóa tường vi đen
Năm âm đầu đ được lặp lại trong một cặp lục bát đã tạo được âm hưởng đặc biệt. Nó khiến ch
0