06/05/2018, 10:04

Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam – Văn mẫu hay lớp 12

Xem nhanh nội dung Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Thái Bình Chiến tranh đã lùi xa nhưng di hoạ mà nó để lại vẫn hàng ngày hàng giờ làm bao người Việt Nam đau đớn. Trước tình hình ấy, cả nước đã lập quỹ giúp đỡ các nạn nhân chất ...

Xem nhanh nội dung

Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Thái Bình

Chiến tranh đã lùi xa nhưng di hoạ mà nó để lại vẫn hàng ngày hàng giờ làm bao người Việt Nam đau đớn. Trước tình hình ấy, cả nước đã lập quỹ giúp đỡ các nạn nhân chất độc màu da cam nhằm phần nào cải thiện cuộc sống và xoa dịu nỗi đau của họ.

Chất độc màu da cam mà đế quốc Mỹ đã rải xuống các cánh rừng Việt Nam thời chiến tranh đã tạo nên nỗi kinh hoàng cho thế hệ sau của những người đã từng sống ờ những khu vực đó. Những đứa trẻ vô tội, tật nguyền dị dạng, vừa chào đời đã phải lìa đời hoặc nếu sống được thì sức khoẻ, trí tuệ thậm chí cả hình hài đều không bình thường… Những sinh linh quái dị tội nghiệp ấy trở thành nỗi ám ảnh, đau đớn đến tê tái của người thân, gia đình và toàn xã hội.

Nguyên nhân nào dẫn đến thảm hoạ ấy? Chính là do sự vô nhân đạo của giới cầm quyển ở một đất nước đã từng tuyên bố về quyền con người trước toàn thế giới. Để thực hiện âm mưu xâm lược của mình, đế quốc Mỹ đã không từ một thủ đoạn nào kể cả việc vi phạm quyền làm người của những trẻ thơ vô tội. Những bọc nước, cục thịt, quái thai hoặc những sinh thể điên dại, vô tri vô giác do chất độc màu da cam không chỉ khiến cho gia đình đau đớn về tinh thần, khốn khổ về vật chất mà còn là gánh nặng cho toàn xã hội… Những vết thương không mảnh đạn mà đeo bám dai dẳng mãi mãi không lành. Đó chính là tội ác tày trời mà chiến tranh đã gây ra .

Trước tình hình đó nhiều chương trình ủng hộ những nạn nhân chất độc màu da cam đã được tổ chức. Biết bao người đã khóc thương cho những số phận bất hạnh, biết bao chữ ký đã được thu thập để ủng hộ cuộc đấu tranh bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh. Ngày đầu tiên, Mỹ rải chất độc chết người này xuống Việt Nam: 10-8-1961 đã trở thành ngày "Vì nạn nhân chất độc màu da cam". Cả nước Việt Nam đã lập quĩ giúp đỡ các nạn nhân khốn khổ. Đó là việc làm cần thiết để giúp đỡ họ phần nào cải thiện cuộc sống và xoa dịu nỗi đau. Nhiều em bé tật nguyền, côi cút đã được chăm sóc, nhiều tổ chức chính quyền, doanh nghiệp, cá nhân đã xây dựng nhà tình nghĩa, tặng xe lăn, tiền, quà, thăm hỏi và giúp đỡ các nạn nhân. Nhiều nhóm tình nguyện viên được thành lập để làm việc tại các trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam… Dầu biết rằng tất cả những giúp đỡ đó không thế bù đắp được những mất mát, đau đớn của họ song đó thực sự là hành động đền ơn đáp nghĩa, phù hợp với truyền thống"tương thản tương ái", "uống nước nhớ nguồn" của dân Việt Nam ta.

Việt Nam đã cố gắng để xoa dịu nỗi đau chiến tranh, song "ơn phải trả, oán phải đền". Chính phủ Mỹ và 37 công ty hoá chất đã cung cấp chất độc này cho quân đội Mĩ cũng phải chịu trách nhiệm về sự vô nhân đạo của mình .

Nỗi đau của những nạn nhân da cam là một nỗi ám ảnh dai dẳng, việc giúp họ cần phải làm thường xuyên và liên tục. Bời vậy, mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc về vấn đề này, tích cực học tập, phấn đâu xây dựng xã hội tốt đẹp ở đó mọi người đều được đảm bào quyền sống và quyền hạnh phúc.

Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam – Bài làm 2

Nhà văn hào Victor Hugo từng nói: " Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác". Qủa thực, chiến tranh đã qua đi hơn nửa thập kỷ nhưng những tội ác mà nó để lại vẫn luôn còn hiện hữu trong đời sống con người, không ngoại trừ những con người Việt Nam. Chất độc màu da cam là một trong những tội ác kinh hoàng mà chiến tranh để lại cho người dân Việt, để lại hậu quả nặng nề cho những nạn nhân.

Vậy: " chất độc màu da cam là gì?" Chất độc màu da cam là loại thuốc diệt cỏ cực mạnh được Mỹ sản xuất, sử dụng để mục đích tàn phá các cánh rừng Trường Sơn để làm lộ con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa và căn cứ của ta. Chất độc này phá hoại mùa màng của ta trong chiến tranh chống Mỹ. Thành phần chính của chất độc là điôxin. Những nạn nhân của chất độc màu da cam gồm lính Mỹ và đồng minh, người dân thường, quân dân Việt Nam nhiễm phải chất độc qua đường hô hấp. Hiện nay hiện có năm triệu người là nạn nhân của chất độc này nhưng phần lớn đều là người Việt Nam.

Về thực trạng Việt Nam có hơn bốn triệu nạn nhân mắc các căn bệnh hiểm nghèo đều là do hậu quả của chất độc màu da cam như ung thư, phụ nữ đẻ non hoặc sinh con bị quái thai như sứt môi, hở hàm ếch, thiếu chân tay, tâm thần, bại liệt hay dị dạng,…Đã có trường hợp trong một gia đình có từ 3 – 5 người con bị nhiễm độc. Họ đang đòi công lý trong cuộc đấu tranh nhọc nhằn giai dẳng và Mỹ chưa chịu đền bù khi khiến hàng chục vạn người chết. Hàng vạn trẻ em chịu tật nguyền suốt đời.

Tội ác của lính Mỹ khi reo rắc nỗi sợ hãi mang tên " Chất độc màu da cam" đã gây ra hậu quả nặng nề. Những người dân Việt không may lại nhiễm chất độc màu da cam thời đánh Mỹ sẽ có tính chất di truyền sinh ra con bị biến dị, mất năng lực hành vi dân sự và thậm chí bị vô sinh. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới sự duy trì, phát triển nòi giống của đất nước. Các nhà khoa học kết luận rằng chất độc màu da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khỏe con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người bị phôi nhiễm. Thậm chí, cả những trẻ em sống trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học cũng có biểu hiện tâm lý. Chất điôxin đã ảnh hưởng về di truyền sinh thái đặc biệt gây ra tình trạng sẩy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh ở phụ nữ bị nhiễm. Tác động của chất độc cơ thể lên tới 100 năm. Bên cạnh đó, những người bị nhiễm chất độc màu da cam bị khuyết tật, ung thư… Thậm chí là mất năng lực hành vi dân sự sẽ ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của đất nước, trở thành nỗi đau, gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Vậy nên, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng, thành lập quỹ cho nạn nhân chất độc màu da cam. Các tổ chức, xã hội tiếp tục đấu tranh đòi công lý với các công ty hóa chất để được bồi thường. Chúng ta đã tận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Các cá nhân đồng cảm, sẻ chia bằng việc làm thiết thực.

Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam – Bài làm 3

Chiến tranh kết thúc đã hơn ba mươi năm song hậu quả của nó vẫn còn đeo đẳng mãi trong cuộc sống của bao người. Chỉ có những dân tộc đã từng phải trải qua đau thương, mất mát của chiến tranh mới hiểu hết được điều đó. Chiến tranh với những di hoạ mà nó để lại vần hàng ngày, hàng giờ làm bao người Việt Nam đau đớn, đặc biệt là những nạn nhân chất độc màu da cam.

Trong những năm 60 – 70 của thế kỉ XX, quân Mĩ đã rải hàng nghìn tấn chất độc màu da cam – chất độc thuộc nhóm 1 – xuống Việt Nam nhằm tìm ra các căn cứ bí mật của Quân đội Việt Nam. Thành phần chính của nhóm chất độc này là đi-o-xin. Trong suốt cuộc chiến, quân Mĩ đã rải xuống Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất độc màu da cam, 45 triệu lít được bí mật trải xuống miền Nam, gần biên giới giáp với Campuchia. Chất độc này đã biến những vùng đất phì nhiêu, màu mỡ thành các vùng đất chết. Tác hại của chất làm rụng lá cây là làm tăng tỉ lệ đột biến gen ở các vùng bị rải chất độc này. Những đứa trẻ vô tội, tật nguyền, dị dạng, vừa chào đời đã phải lìa đời hoặc nếu sống được thì sức khoẻ, trí tuệ cũng đều không bình thường… Những sinh linh quái dị và vô tội ấy trở thành nỗi ám ảnh, đau đớn đến tê tái của người thân, gia đình và của toàn xã hội. Hiện nay có khoảng 4,8 triệu người nhiễm chất độc màu da cam, trong số đó 3 triệu người trực tiếp bị ảnh hưởng của chất độc này. Con số những người tật nguyền do ảnh hưởng từ ông bà, bố mẹ còn cao hơn nữa.

Thảm họa chất độc màu da cam xảy ra chính là do sự vô nhân đạo của giới cầm quyền ở một đất nước đã từng tuyên bố về quyền con người trước toàn thế giới. Để thực hiện âm mưu xâm lược của mình, đế quốc Mĩ đã không từ một thủ đoạn nào kể cả việc vi phạm quyền làm người của những trẻ thơ vô tội. Những bọc nước, cục thịt, quái thai hoặc những sinh thế điên dại, vô tri vô giác do chất độc màu da cam không chỉ khiến cho gia đình đau đớn về tinh thần, khốn khổ về vật chất mà còn là gánh nặng cho toàn xã hội… Những vết thương không mảnh đạn mà vẫn đeo bám dai dẳng mãi không lành ám ảnh cuộc sống của con người. Đó chính là tội ác tày trời không thể phủ nhận mà chiến tranh đã gây ra.

Trước tình hình đó, nhiều chương trình ủng hộ những nạn nhân chất độc màu da cam đã được tổ chức. Biết bao người đã khóc thương cho những số phận bất hạnh, biết bao chữ kí đã được thu thập để ủng hộ cuộc đấu tranh đòi bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh. Ngày đầu tiên Mĩ rải chất độc chết người này xuống Việt Nam: 10-8-1961 đã trở thành ngày “Vì nạn nhân chất độc màu da cam". Quỹ ủng hộ giúp đỡ các nạn nhân khốn khổ đã thành lập. Đó là việc làm cần thiết mà cộng đồng có thể giúp đờ họ phần nào cải thiện cuộc sống và xoa dịu nỗi đau.

Nhiều em bé tật nguyền, côi cút đã được chăm sóc, nhiều tổ chức chính quyền, doanh nghiệp, cá nhân đã xây dựng nhà tình nghĩa, tặng xe lăn, tiền, quà, thăm hỏi và giúp đỡ các nạn nhân. Nhiều nhóm tình nguyện viên được thành lập để làm việc tại các trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam… Dẫu biết rằng tất cả những giúp đỡ đó không thể bù đắp được những mất mát, đau đớn của họ song đó thực sự là hành động đền ơn đáp nghĩa, phù hợp với truyền thông “tương thân tương ái”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta.

Trên dải đất hình chữ "S" vẫn còn rất nhiều nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Quân đội Mĩ đã rải không biết bao nhiêu chất độc trên đất nước của chúng ta. Đất nước chúng ta đã gồng mình chịu đựng biết bao nhiêu là bom, là đạn của quân thù cho đến ngày toàn thắng. Nhưng giờ đây chúng ta đang bước vào một cuộc chiến mới. Cuộc chiến giành lại công lí cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc đi-ô-xin. Nỗi đau da cam đã âm ĩ hàng chục năm nay. Nó đã để lại biết bao nhiêu vết thương không thể nói thành lời. Những đứa trẻ – thế hệ tương lai của đất nước đang phải gánh chịu nỗi đau quá lớn về thể xác… Vì công lí, vì những nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, xin mọi người hãy lên tiếng… Việt Nam đã cố gắng để xóa dịu nỗi đau chiến tranh và Chính phủ Mĩ cùng với ba mươi bảy công ti hoá chất đã cung cấp chất độc này cho quân đội Mĩ cũng phải chịu trách nhiệm về sự vô nhân đạo của mình. Cuộc đấu tranh đòi bồi thường cho các nạn nhân chất độc màu da cam vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Chúng ta hi vọng một ngày không xa, công lí sẽ đến với những nạn nhân khôn khổ ấy.

Nỗi đau của những nạn nhân da cam là một nỗi ám ảnh dai dẳng, việc giúp đỡ họ cần phải làm thường xuyên và liên tục. Bởi vậy mồi người học sinh ngồi trên ghế nhà trường càng cần nhận thức sâu sắc về vấn đề này, tích cực học tập, phân đấu xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam – Bài làm 4

  • Lập dàn ý:

1. Mở bài: Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam

– Giới thiệu, dẫn dắt người đọc về hiện tượng chất độc màu da cam.

– Nêu suy nghĩ cụ thể của em.

2. Thân bài: Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam:

+ Một vài thực trạng của nước ta về vấn nạn này

+ Nỗi đau của những người trong cuộc:

– Sự đau đớn về thể xác và tinh thần của các nạn nhân chất độc màu da cam, nhất là các em nhỏ được sinh ra khi bố hoặc mẹ bị nhiễm chất độc màu da cam.

– Chiến tranh đã kết thúc từ lâu nhưng nó vẫn còn để lại những hậu quả rất đau lòng, nhất là đối với cha mẹ các nạn nhân.

– Sự khó khăn về kinh tế cũng ngày càng hành hạ họ.

 + Thái độ của chúng ta:

– Lên án kẻ thù đã gây ra những hậu quả to lớn cho con người, tổ quốc ta. Đó chính là đế quốc Mĩ.

– Phê phán thái độ thờ ơ của mọi người, nhất là khi chúng ta mang ơn cha mẹ các nạn nhân đó đã không quản ngại hi sinh để có nền độc lập cho chúng ta hưởng thụ như ngày nay.

+ Những kiến nghị cụ thể:

– Cần có biện pháp cụ thể từ phía nhà nước để có chế độ hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân

– Mỗi người chúng ta cần có trách nhiệm lập ra các quỹ giúp nạn nhân chất độc da cam; các quỹ, hội cần có các hoạt động đấu tranh đòi quyền lợi cho những nạn nhân…?

3. Kết bài: 

– Đất nước ta không thể nào bình yên khi hàng ngày, hàng giờ vẫn có những con người bị ảnh hưởng của hậu quả chiến tranh để lại, khi mà những thảm họa chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Cần có suy nghĩ và việc làm cụ thể của bản thân để giúp ích cho xã hội trong việc phát triển đất nước và tăng cường các hoạt động tình nguyện để giúp ích cho các nạn nhân chất độc da cam.

Thu Thủy (Tổng hợp)

Từ khóa tìm kiếm

0