21/02/2018, 09:51

Nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi”(Tạ Duy Anh)

Đề bài: Nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” (Tạ Duy Anh) Bài làm Tạ Duy Anh là một trong những tên tuổi làm nên tiếng vang cho văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Giọng văn trẻ trung, hiện đại cùng lối viết gần gũi, các tác phẩm của Tạ Duy ...

Đề bài: Nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” (Tạ Duy Anh)

Bài làm

Tạ Duy Anh là một trong những tên tuổi làm nên tiếng vang cho văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Giọng văn trẻ trung, hiện đại cùng lối viết gần gũi, các tác phẩm của Tạ Duy Anh được đông đảo bạn đọc đón nhận. Trong đó có Bức tranh của em gái tôi – truyện ngắn thế hiện rõ nét bút pháp nghệ thuật tài hoa của tác giả trong việc xây dựng tâm lý nhân vật và lối kể đầy lôi cuốn.

Qua hai trang truyện, người đọc không chỉ ấn tượng với nội dung mà còn đặc biệt chú ý tới hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Đó là bút pháp xây dựng tâm lý nhân vật sống động, chân thực. Lấy nhân vật người anh làm trung tâm, hàng loạt tình huống cùng nút thắt được dựng nên nhằm phát triển cốt truyện. Hay nói cách khác, toàn bộ diễn biến câu truyện cũng là diễn biến tâm trạng người anh.

Trước tiên, Duy dùng thái độ bề trên, tự cho mình là người lớn mỗi khi đối diện với em gái mình. Người anh gọi em là Mèo. Khi em lục lọi đồ hay bôi bẩn lên mặt, lấy nhọ nồi làm màu vẽ, anh tỏ ra khó chịu nhưng chỉ coi đó là những trò đùa vụn vặt của trẻ con thường nghịch. Khi ấy chưa ai phát hiện, chưa ai biết đến tài năng của bé Mèo. Đây cũng là tâm lý rất bình thường của anh em trong nhà đối với nhau. Hầu như ta thường thể hiện ra thái độ không xem trọng những gì trẻ nhỏ làm ra cùng tâm lý không chấp trẻ con. Có thể thấy được Tạ Duy Anh đã phác họa nên hình ảnh một người anh trên trang giấy thật như ngoài đời thực vậy.

Mọi chuyện dần thay đổi kể từ khi tài năng hội họa của bé Mèo được phát hiện. Vốn là người anh cả trong gia đình, luôn nghĩ mình là trọng điểm trong sự chú ý của bốmẹ thì bỗng một ngày, ai cũng xoay xung quanh Mèo, quan tâm đặc biệt đến đứa em mà anh vốn không đề cao. Hôm ấy là ngày chú Lê Tiến – bạn của gia đình đến chơi. Tình cờ nhìn thấy những bức vẽ Mèo lén vẽ, chú đã rất bất ngờ và thông báo cho bốmẹ của hai anh em được biết. Từ đây, Mèo gần như dành trọn sự quan tâm của bố mẹ. Cái nhìn của Duy đối với người em cũng khác đi theo hướng tiêu cực. Duy bỗng thấy mình lạc lõng, rơi ra khỏi vòng tay yêu thương của bố mẹ, nằm ngoài lề sự quan tâm của mọi người. Nếu như bé Mèo ngày càng được đầu tư, chăm chút cho tài năng vừa hé mở thì Duy cảm thấy mình ngày càng mờ nhạt đi. Cậu thấy vai trò của mình trong gia đình đang bị phai mờ dần, thậm chí là lung lay chuẩn bị sụp đổ. Chính từ suy nghĩ như vậy nên tâm lý của Duy cũng dần đổi thay. Cậu không thân thiết, quan tâm hay tâm sự, càu nhàu, bộc lộ cảm xúc thật của mình với bé Mèo như trước. Chỉ cần Mèo gây ra một lỗi nhỏ thôi cũng khiến Duy phát cáu, lập tức mắng em mà không cần biết đến sai hay đúng. Trừ Duy, cả bố và mẹ đều vui mừng ra mặt. Bố mẹ đầu tư cho Mèo nhiều hơn. Bé cũng có thể thoải mái vẽ tranh thay vì vẽ lén lút như trước. Sự mặc cảm, tự ti lớn dần lên trong cậu, giống như bóng đêm đang nuốt đi ánh sáng. Trước kia cậu thấy em mình thật ngây ngô thì nay, cậu cho rằng em đang cố gây sự, chọc tức mình. Rồi có lần cậu lén xem tranh vẽ sau đó không nén nối tiếng thở dài. Cảm giác này đeo bám không buông, khiến Duy có thể gục khóc bất cứ lúc nào. Tạ Duy Anh thực sự là nhà văn dành cho lứa tuổi thiếu niên. Cách nhà văn miêu tả tâm lý của cậu thiếu niên Duy cho thấy sự tỉ mỉ trong quan sát và thấu hiểu sâu sắc tâm lý tuổi “ẩm ương” của tác giả. Không khác gì một nhà tâm lý học, Tạ Duy Anh cở bỏ từng lớp mặt nạ của nhân vật, cho ta thấy được thế giới nội tâm phong phú của nhân vật nhưng cũng hết sức thật khi ta cho nhân vật đi ra khỏi trang sách, coi nhân vật như người thật ngoài đởi. Tâm lý tự ti, mặc cảm của Duy là điều không thể tránh khỏi với bất cứ ai, đặc biệt là lứa tuổi nhạy cảm như Duy.

Những tưởng câu truyện sẽ mãi ngập chìm trong cảm xúc khó chịu của Duy thì một chi tiết quan trọng được tác giả đưa vào. Chi tiết ấy không khác gì bản lề của một cánh cửa. Nó khép lại thế giới nội tâm của sự ích kỷ, bì tị, tự ti, mở ra một thế giới mới với bao cảm xúc mới mẻ. Đó là bức tranh vẽ đoạt giải nhất trong Hội trại tranh quốc tế mà bé Mèo tham gia. Duy chẳng hề vui vẻ chút nào bởi tài năng của cô bé càng tỏa sáng, cậu sẽ lại càng thấy mình nhỏ bé, vô dụng hơn nữa. Vậy nhưng em gái lại muốn cậu đi cho bằng được. Chen qua đám đông, đứng trước bức tranh đoạt giải của em, cậu ngỡ ngàng đến không biết nói gì hơn. Nhân vật chính của bức tranh là một cậu bé đang nhìn ngắm thế giới qua ô cửa sổ. Thần thái của cậu như tỏa sáng cùng đôi mắt mơ mộng. Không có bất cứ sự tự ti hay ghen tị nào ở cậu. Cậu bé trong tranh ấy hoàn hảo như một thiên sứ. Nó khiến cậu ngạc nhiên, rồi hãnh diện với vẻ đẹp của mình trong tranh. Nhưng tâm trạng Duy không chỉ dừng lại ở đó. Ngay sau cảm giác hãnh diện là nỗi xấu hổ ập tới. “Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư?” Cậu đưa ra câu hỏi nhưng không trả lời. Một câu hỏi bỏ ngỏ nhưng câu trả lời đã hoàn toàn tường minh. Nó cho thấy sự tự thức tỉnh của nhân vật. Duy nhận ra lỗi lầm của mình, nhận ra cái sai trong cách cư xử của mình đối với em gái. Cậu thật nhỏ bé trước tình yêu trong sáng, độ lượng của em mình. Bức tranh, hay đúng hơn là tấm lòng thiện lương của cô em gái không khác gì tấm gương phản chiếu tâm hồn Duy, giúp cậu tự nhìn nhận cái sai, sửa sai và trưởng thành.

Góp phần không nhỏ cho thành công của nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật trong truyện là ngôi kể. Không phải ngôi thứ hai hay thứ ba, nhà văn tài năng Tạ Duy Anh lựa chọn ngôi kể thứ nhất. Ngôi kể thứ nhất luôn mang tính chủ quan nhưng đồng thời, nó mang đến tính chân thật cho câu chuyện. Lời kể của nhân vật tôi như lời bộc bạch, giúp bộc lộ tâm trạng, diễn biến tâm lý một cách tự nhiên, không gò bó, gượng ép. Điểm nhìn được đặt ở nhân vật Duy vừa giúp độc giả thấy được nét đẹp tâm hồn của người em gái, vừa cảm nhận sâu sắc từng thay đổi tâm lý của nhân vật.

Ngôi kể và nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật đã thể hiện chủ đề của câu truyện Bức tranh của em gái tôi, mang lại cho người đọc những bài học sâu sắc đậm tính nhân văn. Không có gì cần bàn cãi khi tác phẩm này của Tạ Duy Anh đạt giải cao nhất trong cuộc thi viết Tương lai vẫy gọi do báo Thiếu niên tiền phong tổ chức.

0