18/06/2018, 11:04

MS250 – Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Đề bài: Hãy phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Bài làm Xan tư khốp Sê đan đã từng viết: “Nghệ thuật nằm ngoài định luật băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.”. Thật đúng là như vậy! Và bài thơ “Tây Tiến” cũng nằm trong số đó. Quang ...

Đề bài: Hãy phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Bài làm

Xan tư khốp Sê đan đã từng viết: “Nghệ thuật nằm ngoài định luật băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.”. Thật đúng là như vậy! Và bài thơ “Tây Tiến” cũng nằm trong số đó. Quang Dũng là một nghệ sĩ tài ba: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Ông đã trưởng thành trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông có một hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, lịch lãm và tài hoa. Tiêu biểu cho hồn thơ lãng mạn ấy là bài thơ “Tây Tiến”. Bài thơ là nỗi nhớ về đơn vị cũ của nhà thơ.

Tây Tiến là đơn vị bộ đội được thành lập năm 1947. Lực lượng tham gia là học sinh, sinh viên, trí thức của đất Hà Thành. Nhiệm vụ của đoàn binh Tây Tiến phối hợp với bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt – Lào đánh tiêu hao lực lượng của địch, hoạt động trong một địa bàn rất rộng từ Châu Mai, Châu Mộc đến Sầm Nứa (Lào) rồi vòng về phía tây Thanh Hóa. Lính Tây Tiến chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, thiếu thốn thuốc men, đạn dược, quân tư trang lại thêm sốt rét rừng hoành hành dữ dội nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời. Hoạt động được một thời gian, đoàn binh Tây Tiến trở về Hòa Bình thành lập trung đoàn 52. Khi ấy Quang Dũng là đại đội trưởng, sau đó ông chuyển sang đơn vị khác tại làng Phù Lưu Chanh, trong nỗi nhớ đồng chí, đồng đội đến cồn cào da diết ông đã viết “Tây Tiến” vào năm 1948. Bài thơ lúc đầu có tên là “Nhớ Tây Tiến” sau đổi thành “Tây Tiến” và in trong tập “Mây đầu ô”.

Với cảm hứng lãng mạn nhuốm màu sắc bi hùng, bi tráng, Quang Dũng đã khắc họa thành công bức tượng đài nghệ thuật và hình tượng người lính Tây Tiến trên nền thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, dữ dội đồng thời là nỗi lòng của nhà thơ khi hướng về đồng chí, đồng đội, về miền đất đã từng sống, chiến đấu và gắn bó. Chạy dọc bài thơ là nỗi nhớ, nỗi nhớ dõi theo từng con đường hành quân, nỗi nhớ vượt qua không gian xuyên suốt thời gian. Và rồi men theo dòng cảm xúc ấy, người đọc sẽ thấm thía hơn một thời Tây Tiến.

Bức tranh thiên nhiên, núi rừng Tây Bắc với những chặng đường hành quân:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Bài thơ cất lên bằng tiếng gọi tha thiết đắm sâu vào tâm hồn người đọc. “Tây Tiến ơi” như chứa đựng cả một trời thương nhớ với bao bâng khuâng, hụt hẫng, nuối tiếc. Âm “ơi” như ngân vang vọng ra từ vách đá của núi rừng Tây Bắc, ngân vang trải dài đến đâu mang theo tâm tư, tình cảm của Quang Dũng lan ngấm thấm tràn đến đó. Sông Mã, Tây Tiến đã “xa rồi”, xa cả về không gian, thời gian nhưng những gì thuộc về Tây Tiến vẫn còn sống, neo đậu, khắc tạc nơi sâu thẳm cõi lòng nhà thơ. Dòng sông Mã lồng vào tiếng gọi Tây Tiến thể hiện sự gắn bó như không thể tách rời bởi đó là dòng sông đã từng chia ngọt sẻ bùi, cùng Tây Tiến một thời tắm nắng, gội mưa và cũng là dòng sông đã từng đưa tiễn người lính về với đất mẹ. Dường như dòng cảm xúc không thể kìm nén đã bật lên thành nỗi nhớ. Từ “nhớ” được láy lại hai lần trong một câu thơ như nốt nhạc trầm chở nặng tâm tư. Nỗi nhớ được cụ thể hóa qua từ láy “chơi vơi” giàu sức gợi tả. “Chơi vơi” diễn đạt đến “độ chín” của nỗi nhớ, nhớ đến đau đáu, dằng dặc, triền miên, nỗi nhớ như những đợt sóng liên tiếp gối đầu nhau vô hồi vô hạn. Nó cồn cào, da diết, choáng ngợp cả tâm hồn. Từ nỗi nhớ của Quang Dũng gợi ta nhớ về nhân vật trữ tình trong ca dao:

“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa như ngồi đống than”

Nỗi nhớ trong ca dao đến đỏ lòng, sốt ruột, còn nỗi nhớ của Quang Dũng dành cho đồng đội cứ lặng lẽ, chảy trôi đến vô chừng. Từ nỗi nhớ ấy, bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ cứ dần dần hiện lên.

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Sài Khao, Mường Lát là những địa danh, những bản làng xa xôi hẻo lánh, heo hút, lạnh lẽo – nơi mà lính Tây Tiến đã từng hành quân hay có khoảnh khắc dừng chân ngơi nghỉ. Dù xa xôi nhưng vẫn cắt hình rõ rệt trong những ai đã một sống cùng Tây Tiến. Tây Bắc là thế – chỉ một cái tên thôi cũng đủ làm ta xúc động rồi, hơn nữa, ngạn ngữ Hi Lạp có câu: “Mảnh đất lưu giữ được tâm hồn con người khi ở đó chôn cất một người thân hoặc gửi gắm một phần trái tim họ” hay Chế Lan Viên đã từng chiêm nghiệm:

 “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”

Vì thế mà mỗi miền đất không chỉ gắn với Tây Tiến mà còn gắn bó máu thịt với cuộc đời Quang Dũng. Sài Khao – mảnh đất lắm sương nhiều khói, sương che đường đi, sương phủ kín bóng người, sương như tấm áo choàng lảng bảng, từng con sông, ngọn suối sườn đèo. Ta nghe đâu đây giữa núi rừng hiểm trở cheo leo có hơi thở mệt mỏi của những chàng trai đất Hà thành, nhọc nhằn trên những chặng đường chông chênh. Thế mà trái tim nhạy cảm, tình yêu tha thiết với đất và người Tây Bắc, họ như nghe được hơi thở, nhịp đập trên đất Mường Lát khi màn đêm buông xuống. Quang Dũng như một phóng viên lia ống kính để mở ra trước mắt người đọc một thước phim núi non hùng vĩ, hiểm trở, cheo leo:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”

Giọng thơ bỗng trở nên gân guốc, rắn rỏi, dồn dập, góp phần nhấn mạnh vào địa thế hiểm trở, đồng thời giúp người đọc cảm nhận bước chân chắc nịch của đoàn binh Tây Tiến in hằn trên sỏi đá. Một loạt những từ láy giàu chất tạo hình “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” mở ra trước mắt một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở, núi non trùng trùng điệp điệp. Điệp từ “dốc” láy lại hai lần trong một câu thơ góp phần thể hiện đắc địa một địa thế cheo leo, chênh vênh, lắm thác, nhiều ghềnh. Thì ra Tây Bắc là nơi ngự trị của núi cao, dốc sâu, vực thẳm, rừng dày, dốc cứ dốc, đèo cứ đèo, núi cao chót vót, vực sâu thăm thẳm khôn xiết. Từ câu thơ của Quang Dũng gợi ta nhớ về những câu thơ họa dốc, thác của

“Đây cao vòi vọi dốc ông Mạnh

Đây ầm ầm đổ thác không tên

Có luồng cây vút tuyệt đường chim”

Khi miêu tả thiên nhiên, Quang Dũng sử dụng nhiều thanh trắc phối hợp với giọng thơ rắn rỏi hòa cùng những từ giàu chất tạo hình để đẩy Tây Bắc lên tới đỉnh cao của chênh vênh, cheo leo trở thành mối thử thách lớn đối với con người. Vậy nên đoàn binh Tây Tiến hành quân là chặng đường chinh phục thiên nhiên, chinh phục khó khăn và trên hết là chinh phục chính mình. Thật vậy, đối với con người không có đỉnh cao nào là không chinh phục được, để rồi lính Tây Tiến khi khúc xạ dưới lăng kính tâm hồn đầy lãng mạn của Quang Dũng, họ trở nên kì vĩ hơn: “Súng ngửi trời” – đây là một cách cảm nhận rất ngộ nghĩnh, tân kỳ và mang đậm chất lính. Một chút tếu táo của người lính giữa chốn đèo cao càng làm cho họ trở nên đẹp đẽ hơn như minh chứng cho ý chí vượt trội, cho sức mạnh phi thường, cho khát khao chinh phục. Thật đúng là:

“Đèo cao thì mặc đèo cao

Trèo lên tới đỉnh ta cao hơn đèo”

Đặc biệt câu thơ “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” như bẻ đôi bởi cách ngắt nhịp 4/3 tạo thành tiểu đối giữa “cao” và “sâu”, giữa “lên” và “xuống”, dường như câu thơ có sự chuyển động căng đầy ra hai phía: Núi cao chất ngất lưng trời, vực sâu khôn cùng để lại khoảng trống về một Tây Bắc dữ dội, huyền bí như một ẩn số đối với con người. Câu thơ chắt lọc từ “Chinh phụ ngâm khúc” – Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm:

“Hình khe thế núi gần xa

Đứt đôi lại nối, thấp đà lại cao”

Tây Bắc – địa danh nào, cảnh vật nấy, nhà thơ viết về Tây Bắc bằng nỗi nhớ mà gợi được cả cái thần, cái hồn của cảnh – điều đó xuất phát từ một trái tim nặng nghĩa nặng tình với đất và người nơi đây. Để lấy lại cân bằng cảm xúc cho người đọc, Quang Dũng đã hạ bút với câu thơ toàn thanh bằng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

Tây Bắc được nhà thơ quan sát ở nhiều góc độ, ngước mắt nhìn lên, núi cao lưng trời, đưa ánh mắt nhìn xuống, vực sâu hun hút, phóng xa tầm mắt trong làn mưa rừng sương núi có cảm giác như những ngôi nhà Pha Luông đang bồng bềnh trôi giữa trốn xa khơi. Cảnh vật bỗng trở nên nửa hư, nửa thực, chập chờn như trong cõi mộng. Chất lãng mạn phủ kín cảnh vật. Đó là sản phẩm của một họa sĩ ẩn trong tâm hồn một thi sĩ. Tây Bắc không chỉ hùng vĩ mà còn rất huyền bí.

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

“Chiều chiều”, “Đêm đêm” là những từ láy chỉ thời gian có ý nghĩa chuyển giao liên tục cũng là liên tiếp những khó khăn mà lính Tây Tiến phải đối mặt. Ban ngày lội suối, trèo đèo, băng rừng vượt núi; chiều về rùng mình ghê sợ trước sự trỗi dậy của thác nước, tiếng gầm thét của thác đổ như oai linh, trỗi dậy, ngự trị, trùm phủ cả núi rừng; đêm đến phải đối mặt với chim kêu, vượn hú, thú dữ hoành hành, dường như trên đất Mường Hịch vẫn còn lởn vởn đâu đây dấu chân cọp dữ. Xoa dịu đi cảm giác sợ hãi về một Tây Bắc dữ dằn là hai câu thơ nhiều thanh bằng lại ấm tình quân dân:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Trong hàng trăm hàng nghìn nỗi nhớ Quang Dũng đặc biệt dành một phần trái tim mình cho đất Mai Châu khi bước vào mùa mới. Quên sao được cảm giác ấm tình quân dân bên các bản làng khi dừng chân ngơi nghỉ. Chẳng thế mà giọng thơ êm đềm tha thiết như khúc nhạc tâm tình gợi nhớ gợi thương, như mãi vấn vương một nỗi niềm. Thử hỏi rằng mùi hương nếp xôi có gì mà sao làm bồn chồn, thao thức tâm hồn Quang Dũng đến vậy? Đơn giản lắm! Đó là hương vị tích tụ từ sự mặn mòi của đất, từ những giọt mồ hôi mặn chát của con người, từ thần khí thiêng liêng của xứ sở anh hùng. Hơn nữa, hương nếp xôi còn hòa trộn cả tình người ấm áp, keo sơn. Vì thế mà theo suốt cuộc đời những ai đã một thời sống cùng Tây Tiến, hương nếp xôi đã trở thành nhịp cầu nối bắc quá khứ, hiện tại và tương lai để thêm một lần nhà thơ được trở về với Mai Châu, được sống với những kỉ niệm của một thời chinh chiến. Còn lại sau một chặng đường dài hành quân người đọc không nghe hơi thở mệt mỏi, chẳng nghe một lời than vãn mà chỉ thấy dìu dịu, ngọt lành trong hương nếp xôi, trong tình người thắm nghĩa. Hoàng Cầm khi xa rời Kinh Bắc mang theo “lúa nếp thơm nồng”, Nguyễn Đình Thi rời xa Hà Nội mang theo mùi hương cốm mới, còn Quang Dũng xa Tây Bắc nhớ lắm “hương nếp xôi” – Đây là điểm gặp gỡ với Chế Lan Viên:

“Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch

Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương”

Ta hiểu vì sao Tô Hoài hơn một lần tâm sự: “Đất Tây Bắc để thương để nhớ cho tôi nhiều lắm”. Tiếp tục với dòng cảm xúc của Quang Dũng, người đọc nhận ra giữa không gian núi rừng heo hút, giữa cái thăm thẳm của chốn đại ngàn vẫn hiện lên vẻ đẹp chân dung người lính Tây Tiến:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

Biết bao khó khăn, gian khổ của lính Tây Tiến được Quang Dũng dồn nén vào từ “dãi dầu” thể hiện sự từng trải nám sạm nắng mưa, dạn dày sương gió. Thế nhưng vẫn phớt lờ, coi thường hiểm nguy, coi thường cái chết “bỏ quên đời”, thì ra họ là những chàng trai giàu đức hi sinh, coi cái chết nhẹ, chỉ như khoảnh khắc thiếp đi vì mệt mỏi mà thôi. Nhà thơ đã thổi bùng lên ánh sáng của lí tưởng anh hùng, của khát vọng diệt thù, của đấng nam nhi với chí làm trai.

“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

Gieo thái dương nhẹ tựa hồng mao”

Đoạn thơ thể hiện bút pháp tài hoa, lãng mạn, cái nhìn tinh tế, sâu sắc của một họa sĩ kết hợp với cảm xúc yêu mến nhớ nhung chân thành, Quang Dũng đã làm sống dậy một thời chinh chiến gian khổ giữa núi rừng hùng vĩ hoang sơ.

Những nét vẽ gân guốc, mạnh bạo, giọng thơ rắn rỏi với nhiều thanh trắc đã lùi dần, nhường chỗ cho những nét vẽ tinh tế, mềm mại, uyển chuyển để mở ra một thế giới mới của Tây Bắc. Tây Bắc không chỉ cheo leo, hiểm trở, lắm thác, nhiều ghềnh mà Tây Bắc còn rất diễm lệ, có sức hấp dẫn lôi cuốn bởi cảnh thơ mộng, người duyên dáng vì thế mà làm nên giọng thơ ngọt ngào như chất men say, lại du dương chất nhạc hòa cùng cảm xúc lãng mạn:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Cả không gian đang im lìm, lòng người lắng lại trong sự chờ đợi để được hòa mình vào đêm văn nghệ ấm tình quân dân. Với những chi tiết tả thực kết hợp với cái nhìn lãng mạn, nhà thơ đã tái hiện đêm sinh hoạt văn hóa nơi rẻo cao vùng núi đẹp như một câu chuyện cổ tích làm say sưa, ngả nghiêng lòng người. Động từ “bừng” diễn tả sự chuyển biến mau lẹ, đột ngột, một sự đổi thay kì diệu bừng lên ánh sáng, xua tan đi màn đêm tăm tối của một góc rừng, sưởi ấm không gian, xua tan sương sa lạnh giá của một miền sơn cước, đồng thời đổi thay tâm trạng của đoàn binh Tây Tiến. Bởi sau một chặng đường dài, không có một lời than vãn, một hơi thở mệt mỏi mà là niềm vui, hồ hởi, phấn khởi. Quang Dũng thật khéo léo khi sử dụng từ “bừng” đem đến một luồng sinh khí mới, hơi thở, nhịp đập của sự sống, của niềm vui, của tình người chứa chan, của chất men say say người say cảnh. Trước đây, Tố Hữu cũng sử dụng từ “bừng” để đánh dấu bước ngoặt cuộc đời, khi có ánh sáng lí tưởng cách mạng chiếu rọi vào tâm hồn… Còn Quang Dũng sử dụng từ “bừng” diễn tả đêm văn nghệ thật giàu cảm xúc giàu chất thơ. Đêm văn nghệ quần chúng ấy đã trở thành đêm “hội” lung linh ánh sáng, lóng lánh sắc màu, rộn rã âm thanh và náo nức lòng người. Đặc biệt, lửa đuốc bập bùng mang hơi thở văn hóa của đồng bào biên cương khi qua lăng kính tâm hồn nhà thơ đã trở thành “hội đuốc hoa”. “Đuốc hoa” vốn là từ cổ chỉ ngọn nến thắp sáng trong đêm tân hôn, lúc này trở thành ánh sáng của đêm hội, đêm văn nghệ, khung cảnh hiện lên vừa cổ kính, vừa hiện đại để lính Tây Tiến như được bước vào thế giới của huyền thoại để được hòa mình trong cái đẹp đầy bí ẩn của đất và người xứ lạ phương xa. “Kìa” là biểu hiện của sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi có sự xuất hiện của những cô gái người dân tộc Thái với xiêm y lộng lẫy. Họ đến đêm hội bằng niềm đam mê, bằng vẻ đẹp ban sơ của những con người sinh ra, lớn lên trên xứ sở đại ngàn. Giọng thơ êm đềm tha thiết đọng lại ở từ “em” nghe thật ân cần, chất chứa bao tình. Vậy là những thiếu nữ dân tộc Thái trở thành nơi ngưng đọng ánh mắt, tâm hồn của những chàng trai Hà thành lãng mạn hào hoa, nhạy cảm trước cái đẹp, khao khát kiếm tìm hạt ngọc trong tâm hồn Tây Bắc. Có lẽ núi rừng cũng thức trọn đêm để cùng người lính say sưa ngả nghiêng trong tiếng khén, nhịp phách. Giữa ánh sáng lung linh của “đuốc hoa”, những thiếu nữ đẹp như Hằng Nga lạc giữa vườn cổ tích, như sơn nữ giữa rừng già trầm mặc, như thiên thần trong sử thi. Tây Bắc là thế, biết níu giữ chân ai đã một lần đến, biết đánh thức khát khao… Từ tình yêu dành cho đất và người Tây Bắc nên những câu thơ của Quang Dũng có sự hóa thân của một tài năng, có sự hiện hình của chất họa; có giai điệu của chất nhạc, có vẻ đẹp e ấp, tình tứ duyên dáng của con người, có cái kín đáo, e lệ của thiếu nữ miền sơn cước. Giữa “man điệu” – giai điệu xứ lạ phương xa con người càng trở nên đẹp đẽ hơn, thiếu nữ càng trở nên kín đáo, dịu dàng hơn trong từng nhịp bước của vũ điệu Lăm-vông đậm chất văn hóa của núi rừng. Khúc nhạc của nẻo cao vùng núi như lan ngấm thấm tràn, lan tỏa đến vùng miền đất bạn Lào xa xôi để xây đắp nên hồn thơ Quang Dũng lãng mạn, tài hoa, phóng khoáng. Ai đã một lần sống cùng Tây Tiến, được hòa mình vào đêm văn nghệ, tâm hồn đều hóa thành thi sĩ.

Chỉ với bốn câu thơ Quang Dũng đã vẽ nên một bức tranh vừa phong phú về đường nét vừa đa dạng về âm thanh, vừa làm sống dậy bản sắc, phong tục, tập quán của đồng bào rừng núi, vừa gợi lên vẻ đẹp tâm hồn lạc quan, yêu đời của người lính Tây Tiến đồng thời thêm một lần nhận ra tình quân dân thắm thiết mặn nồng. Cảm nhận về đoạn thơ này, Xuân Diệu viết: “Đọc đoạn thơ ta như được ngâm nhạc trong miệng, chẳng hiểu sao thứ nhạc ngân nga trầm bổng của núi rừng Tây Bắc cứ len lỏi thấm sâu vào lòng người.”.

Nếu đêm văn nghệ đem đến cho người đọc một không khí say mê thì cảnh sông nước Châu Mộc lại gieo một cảm giác buồn man mác bâng khuâng khi đối mặt với không gian hoang dại mênh mang:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Đất Châu Mộc vào một buổi chiều sương năm ấy đã trở thành điểm hẹn của nỗi nhớ – nhớ buổi chiều hành quân đến xứ sở lắm sương nhiều khói. Sương giăng mắc khắp chốn muôn nơi, sương che lấp đường đi, che khuất bóng người, sương như tấm áo choàng lảng bảng trùm phủ từng con sông, ngọn suối, sườn đèo. Có lẽ sương khói của thời gian không đủ để nhòa đi sương khói của Châu Mộc bởi: “Kỉ niệm chẳng là gì khi thời gian vội xóa – Nhưng sẽ là tất cả khi luôn nhớ về nhau”. Trong kí ức của Quang Dũng miền đất Châu Mộc luôn luôn ấm nóng cho dù cái địa danh xa xôi cách trở, hoang sơ, lạnh lẽo mênh mang như bờ tiền sử. Một loạt những từ hỏi: “có thấy”, “có nhớ” cứ thế trỗi dậy như những lời tự vấn, hỏi chính mình, hỏi để đánh thức một vùng kỉ niệm, hỏi để dặn lòng mình, hỏi để thêm một lần được sống cùng đồng chí, đồng đội, sống với miền đất đã từng đặt chân để nhận ra rằng: “Nơi nào quả lòng chẳng lại yêu thương”. Ấn tượng về Châu Mộc không chỉ là sương khói mà còn là ngàn lau trắng xóa, nở rộ làm nên đặc trưng của đất biên giới. Lúc này sương giăng, hồn lau cứ xôn xao trong nỗi niềm nhà thơ tạo cảm giác bâng khuâng xa vắng phảng phất một nỗi buồn. Lau trắng chiếm lĩnh cả tâm hồn để rồi xao xác, xào xạc mãi trong tâm hồn những ai đã từng đến rồi đi. Ví như Hoàng Hữu:

“Người xa phơ phất hồn lau gió

Thổi trắng chân trời như khói pha”

Quang Dũng không chỉ miêu tả cảnh mà còn gợi được linh hồn của cảnh. Điều đó chỉ có thể có thể có ở một người nhạy cảm, lắng nghe từng hơi thở của đất trời, tạo vật. Chẳng thế mà giữa khung cảnh sông nước mênh mang vẫn thấp thoáng đâu đây bóng dáng con người thật mềm mại, duyên dáng trên chiếc thuyền “độc mộc”. Đó là bóng dáng của những cô gái dân tộc Thái – sự xuất hiện của họ làm cho nỗi nhớ trở nên vời vợi hơn, đầm ấm hơn. Phải chăng là sơn nữ đã một thời chở lính Tây Tiến qua sông làm nhiệm vụ, hay là bóng dáng của người mà lính Tây Tiến một thời trộm nhớ, thầm thương. Con người như đang làm duyên với cảnh, tôn lên cái thần, cái hồn của cảnh. Đây là nét chấm phá nghệ thuật độc đáo làm nên sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên – một mối giao cảm. Có người từng nói: “Cảnh dù đẹp đến đâu mà không xuất hiện tín hiệu của cuộc sống con người thì cũng là cảnh chết”. Để rồi đến lượt mình, cảnh làm duyên với người – nét tinh tế ấy được Quang Dũng họa trong vẻ “đong đưa” của những bông hoa dại ven suối. “Đong đưa” chứ không phải “đung đưa”, “đong đưa” làm cho hoa tự nhiên có nét cử chỉ, điệu bộ, duyên dáng như thiếu nữ. Dòng nước lũ chảy trôi để lại đôi bờ cỏ cây lau sậy, đặc biệt là những bông hoa dại ven suối như khẽ vươn mình để làm duyên với nước, làm duyên với người. Từ ý thơ của Quang Dũng gợi ta nhớ về bông hoa tím giữa dòng sông xanh trong thơ Thanh Hải. Nếu như Hương Giang là tấm gương để hoa tím soi mình, khoe mình thì trong thơ Quang Dũng những bông hoa dại – đẹp nguyên sơ của núi rừng – không chỉ làm duyên với dòng sông mênh mang mà còn làm duyên với con người. Bức tranh sông nước thật đăng đối, hài hòa chẳng khác gì một bức tranh thủy mặc dưới bàn tay họa sĩ tài ba.

Bốn câu thơ là một bức họa thật đơn giản nhưng toàn bích, vừa tinh tế mềm mại, vừa duyên dáng, thơ mộng và đắm say. Đằng sau bức tranh ấy là khoảng trời riêng dành cho nỗi nhớ, cảnh thế, tình thế làm sao mà không nhớ, không yêu cho được?

Người lính cụ Hồ đã trở thành bến đậu nghệ thuật, điểm dừng chân khơi nguồn cho sức sáng tạo không bao giờ vơi cạn trong trái tim người nghệ sĩ. Vẫn còn đó hình ảnh anh bộ đội áo vải chân không đi lùng giặc đánh trong thơ Tố Hữu hay người lính miệng cười buốt giá chân không giày trong thơ Chính Hữu. Và rồi Quang Dũng đã làm nên “Tây Tiến” – một bài ca không bao giờ quên, bài ca ấy đã thắp sáng lên ngọn lửa của lí tưởng, bài ca soi sáng rạng ngời chân dung người lính cụ Hồ và cũng là bài ca neo đậu trong sâu thẳm trái tim người dân đất Việt mỗi khi tìm về lịch sử. Quang Dũng đã tinh lọc những nét khái quát nhất, tiêu biểu nhất để tạc dựng một bức tượng đài nghệ thuật bất hủ về hình tượng người lính Tây Tiến. Bức tượng đài ấy viết lên bằng cảm hứng lãng mạn nhuốm màu sắc bi hùng, bi tráng chứ không hề bi thương, bi lụy. Chân dung người lính Tây Tiến được nhà thơ khắc họa bằng những nét vẽ gân guốc, kì lạ, khác thường:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Cái lạ hóa, gân guốc bắt nguồn từ hiện thực, thực đến từng chi tiết, biểu hiện qua cụm từ “không mọc tóc”. Thoáng đầu, người đọc cứ ngỡ họ là những “quái đản”, những khổng lồ không tim. Nhưng không! Đây là hậu quả của căn bệnh sốt rét rừng tác oai, tác quái đến mức rụng hết tóc đầu, biến họ trở thành những anh “vệ trọc”. Từ hiện thực nghiệt ngã ấy, ta nhận ra cái dữ dội khốc liệt của chiến tranh và tội ác của thực dân Pháp, đồng thời nhận ra ý chí vượt trội của những chàng trai đất Hà thành ngày đêm đối mặt với bom rền đạn réo, vật lộn với sốt rét để giành giật lấy sự sống. Mặc dù vậy nhưng từ giọng thơ ta vẫn nhận ra khẩu khí của người lính cụ Hồ phớt lờ, coi thường cái chết. Căn bệnh sốt rét đã hơn một lần xuất hiện trong thơ, Chính Hữu viết:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”

Còn hình ảnh anh vệ quốc quân trong thơ Tố Hữu thì:

“Giọt giọt mồ hôi rơi

Trên má anh vàng nghệ”

Dường như những dằn vặt, khổ đau vì sốt rét được Chính Hữu, Tố Hữu nén vào ngôn từ để vơi đi vẻ tiều tụy. Còn Quang Dũng không hề né tránh, che đậy mà hiện thực trần trụi của cuộc kháng chiến chống Pháp được khúc xạ qua bút pháp lãng mạn trở thành cách nói riêng mang khẩu khí, mang chất lính. Nói như tiến sĩ Đoàn Hương thì: “Thơ có sức hấp dẫn bởi vị muối của đời – suy cho cùng cái vị mặn ấy chính là hiện thực.”. Vậy nên hiện thực mặn chát của cuộc kháng chiến chống Pháp được Quang Dũng tái hiện nổi hình, nổi sắc trong thơ. Từ vẻ bên ngoài của người lính Tây Tiến gợi ta nhớ về hình ảnh quân đội nhà Trần bừng sáng hào khí Đông A: “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”. Thật vậy cho dù đầu rụng hết tóc, da dẻ xanh xao vàng vọt lên màu bệnh tật: “quân xanh màu lá” nhưng lính Tây Tiến vẫn giữ được vẻ uy nghi lẫm liệt như hùm hổ chốn rừng thiêng, như chúa tể sơn lâm “dữ oai hùm”. Bao nhiêu sức mạnh nôi lực, vẻ cam trường của người lính như dồn nén vào câu chữ để tôn lên sức mạnh kì diệu của con người bắt nguồn từ lòng yêu nước đang rần rật chảy trong từng đường gân, thớ thịt của những chàng trai Hà thành. Quang Dũng đã phát huy triệt để hiệu quả của biện pháp đối lập giữa vẻ bề ngoài và nội tâm, nhìn vẻ ngoài người lính vừa tiều tụy, vừa cam trường, vừa mang khí phách của một hiệp sĩ, vừa như những người khổng lồ không có trái tim. Thế nhưng đó chỉ là lớp vỏ bao bọc hạt ngọc tâm hồn – tâm hồn hào hoa, lịch lãm, lãng mạn và giàu đức hi sinh:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Ánh “mắt trừng” chứa đầy cảm xúc, đầy nội tâm. Phải chăng đó là ánh mắt căm phẫn, uất nghẹn như muốn nuốt chửng kẻ thù xâm lăng, cũng có thể là ánh mắt đau đáu hướng về quê hương, ánh mắt bồn chồn, thao thức thăm thẳm suy tư nặng trĩu nỗi niềm. Đằng sau ánh mắt ấy là cả một niềm khao khát, mang theo giấc mộng chiến thắng, hứa hẹn ngày trở về, đôi khi giữa ánh mắt xa xăm, rạo rực, khắc khoải xen lẫn giấc mơ về Hà Nội, nhớ Hà Nội – dải đất thiêng ngàn năm văn hiến, nhớ Hà Nội bởi:

“Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa

Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm”

Những ai đã từng sống và gắn bó với Hà Nội khi đi xa đều vương vương một nỗi buồn, đều mang theo một nỗi nhớ; nhớ phố cổ thâm nghiêm, nhớ lá vàng rơi trên vai người thiếu nữ, lá vàng đậu trên rèm cửa. Ai đó lại xao xác trong tâm hồn bởi tiếng rao đêm hay Nguyễn Đình Thi nhớ nhiều và thật nhiều “mùi hương cốm mới” mỗi độ thu về. Còn người lính Tây Tiến xa Hà Nội mang theo “dáng kiều thơm”. Một cách cảm nhận thật nho nhã, lịch lãm, nỗi nhớ trở nên vời vợi hơn, đằm thắm, ngọt ngào, da diết hơn. Dáng kiều thơm – bóng dáng của những thiếu nữ Hà thành dịu dàng trong tà áo dài duyên dáng bên Tây Hồ. Phải chăng đó là bóng hồng, bóng liễu đã một thời để nhớ, để thương. Vì thế mà nỗi nhớ còn đượm mùi sách vở, tôn lên vẻ lịch lãm của người Hà Nội:

 “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

Đây không phải là cái “mộng rơi mộng rớt” của những trí thức tiểu tư sản mà là vẻ đẹp tâm hồn rất hào hoa, lịch lãm, lãng mạn của những chàng trai “xếp bút nghiêm lên đường bảo vệ Tổ quốc”. Do đó chính nỗi nhớ về thiếu nữ Hà thành đã tiếp thêm sức mạnh để người lính cất cánh bay lên, chiến đấu, chiến thắng trở về. Đây không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp tâm hồn lính Tây Tiến mà còn là phẩm chất của người lính cụ Hồ thời chống Pháp. Ví như người lính trong thơ Nguyễn Đình Thi: “Những đêm dài hành quân nung nấu – Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”. Hay Chính Hữu tưởng tượng nơi quê nhà: “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.

Quang Dũng viết về lính Tây Tiến không chỉ bằng chất liệu hiện thực mà bằng nguồn cảm hứng lãng mạn bay bổng, bằng sự lí tưởng hóa để rồi hơn một lần ta nhận ra lính trong thơ ông không chỉ lãng mạn mà còn giàu đức hi sinh:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Giọng thơ bỗng nhiên lắng xuống da diết hơn, đắm sâu vào cõi lòng người đọc, dấy lên nỗi mất mát tang tóc đau thương được dồn nén trong từ “rải rác”. Thật vậy! Trên những chặng đường hành quân bao đồng chí, đồng đội của Quang Dũng ngã xuống, gửi thân xác mình nơi khe suối sườn đèo, cứ thế nỗi đau triền miên, nỗi đau này chưa vơi, nước mắt này chưa ráo thì nỗi đau khác đã tới cọ cứa vào trái tim những người còn sống. Một loạt những từ Hán Việt: “biên cương”, “mồ”, “viễn xứ” được sử dụng để trang trọng hóa, cổ kính, vĩnh hằng và bất tử hóa đức hi sinh của lính Tây Tiến. Có biết đâu những nấm mồ xanh cỏ, nơi ải nước xa xôi, hoang vu, lạnh lẽo mãi trở thành mộ chí tôn nghiêm mà đời đời Tổ quốc ngợi ca, ngưỡng vọng. Người xưa có câu: “Cổ lai chinh chiến kí người hồi – Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về” – Đó là hiện thực tất yếu từ ngàn đời nay, đặc biệt trong thời đại Hồ Chí Minh nối tiếp trang sử truyền thống cha ông càng không thể làm ngơ trước họa xâm lăng. Lính Tây Tiến cũng vậy, họ nằm xuống nhưng không mất đi mà hóa thành hồn thiêng sông núi để sống muôn đời với dân tộc Việt anh hùng. Nói như Nguyễn Khoa Điềm thì “không ai nhớ mặt đặt tên nhưng họ đã làm ra đất nước”. Từ câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” gợi ta nhớ về người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm”- Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm:

“Hồn tử sẽ gió ù ù thổi

Một chinh phu trăng dõi dõi theo

Chinh phu tử sĩ mấy người

Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn”

Nếu như tử sĩ, chinh phu nằm lại chiến trường trong sự lãng quên vì chiến tranh phi nghĩa thì lính Tây Tiến ngã xuống – đức hi sinh thầm lặng ấy mãi mãi in dấu trong lịch sử, trong trái tim mỗi thế hệ. Nhà thơ tiếp tục khắc họa đứ hi sinh của đồng chí đồng đội – những con người sẵn sàng hiến dâng cuộc đời và tuổi thanh xuân của mình cho non sông đất nước: “chẳng tiếc đời xanh”. Ý thơ vút lên từ giọng điệu trầm hùng bộc lộ ý chí tư thế, tâm thế của lính Tây Tiến vào chiến trường làm nhiệm vụ hiến dâng cuộc đời mà không mảy may nuối tiếc cho dù họ là học sinh, sinh viên, trí thức ở tuổi hai mươi lắm ước mơ, nhiều khát vọng:

“Hai mươi tuổi tim đang dào dạt máu

Hai mươi tuổi hồn quay trong gió bão”

Thế mà khi nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc trong giờ phút lâm nguy, họ sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; lấy máu mình tô thắm cho lá cờ Tổ quốc, xương trắng rơi, máu đào rỏ để gìn giữ hoa độc lập, trái tự do. Âm hưởng của câu thơ đưa ta trở về với hào khí thời kì chống Pháp để âm vang đâu đây lời bài hát: “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi – Nào có chi đâu ngày trở về”. Với cái nhìn lãng mạn, nhuốm màu sắc bi hùng bi tráng, người lính trong thơ Quang Dũng còn mang dáng dấp của tráng sĩ thời chiến quốc cương quyết, dứt khoát ra đi vì nghĩa lớn.

Cuộc kháng chiến chống Pháp đầy cam go, khốc liệt với bao mất mát, đau thương, song chính lí tưởng anh hùng của những con người sẵn sàng xả thân như lính Tây Tiến đã làm nên dáng hình Tổ quốc để rồi ta thấm thía hơn lời dặn của Đặng Thùy Trâm: “ Có một ngày nào đó, bạn nắm tay người thân đi trên một con đường chớ quên rằng dưới chân mình là đá sỏi, là hòn đất thấm máu cha ông. Có một ngày nào đó, bạn cùng người thân ngắm nhìn một vì sao trên trời, sẽ có lúc vì sao ấy màu đỏ – màu máu của biết bao người đã xếp ước mơ vào balo rồi nằm yên trong lòng đất mẹ.”. Lính Tây Tiến là những người như thế.

Đoạn thơ khép lại một lần nữa tô đậm đức hi sinh của những chàng trai đất Hà thành được Quang Dũng thể hiện qua âm hưởng thơ trầm hùng, bi tráng:

“Áo bào thanh chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Quang Dũng đã có lần tâm sự: “Lính Tây Tiến ngã xuống, manh chiếu không đủ che thân, đồng chí, đồng đội vào những bản làng xa xôi để xin chiếu, khi hiểu rõ mục đích của việc sử dụng chiếu, già làng không cầm được nước mắt, họ cùng nhau đan những phên nứa cho các anh bó gối thi hài đồng đội”. Vậy là “áo bào” được lý tưởng hóa – một hình ảnh tượng trưng để xua đi cái bi thương, bi lụy, lấy lại cái bi hùng, tráng lệ, đồng thời để trang trọng, vĩnh hằng, bất tử hóa. Áo bào vốn được dùng cho vua chúa xưa để khơi gợi con người mang trong mình lí tưởng đẹp. Trong những năm bom rơi đạn nổ, chất lãng mạn, bay bổng vượt lên trên hết thảy trở thành nơi trú ngụ của những tâm hồn đẹp. Vậy nên hình ảnh “áo bào” trong câu thơ như một liều thuốc xoa dịu nỗi đớn đau, an ủi vong hồn người đã khuất.

Cụm từ “về đất” là cách nói giảm, nói tránh, gợi sự thanh thản, coi như các anh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó để về tựu nghĩa anh hùng như An Dương Vương sau khi đắp lũy xây thành, phân biệt rạch ròi việc nước tình nhà để rồi cùng Rùa Vàng về với biển khơi; như Thánh Gióng năm xưa nhổ tre đại phá giặc Ân rồi cưỡi ngựa bay về trời để bao ánh mắt ngước lên đầy ngưỡng vọng. Hôm nay, lính Tây Tiến về với đất mẹ, đất mẹ sinh ra anh, đất cũng mở rộng vòng tay đón các anh về trong tình yêu thương, đùm bọc, nâng đỡ và sẻ chia. Vâng! Cho dù khâm liệm bằng manh chiếu, phên nứa nhưng các anh sẽ được sưởi ấm bằng chính tình yêu của mảnh đất mà: “Mẹ Âu Cơ đã đi một vòng Trái Đất – Và chọn hình tia chớp để sinh con”. Quang Dũng đã khơi gợi những tình cảm sâu xa đến tận đáy lòng người đọc để thấm thía hơn những người con đã hi sinh hóa hình Tổ quốc.

Tiễn đưa các anh về với đất mẹ không phải là những giọt nước mắt bi ai, não nuột của đồng chí, đồng đội, dường như nước mắt đã lặn vào trong, đọng thành khối chôn chặt nơi sâu thẳm trái tim đồng đội – những người còn sống: “Tiễn anh không nước mắt – Mà lòng đau như cắt”. Đưa tiễn người lính là tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã, như khúc nhạc trầm hùng mà thiên nhiên tấu lên xua tan bi thương. Dường như tất cả nội lực của câu thơ được dồn vào từ “gầm” nghe như tiếng khóc, tiếng nấc nghẹn ngào của thiên nhiên sự hóa thân của lính Tây Tiến vào sông núi. Có lẽ đức hi sinh của các anh đã vang thấu đến tận trời cao, thấm sâu vào lòng đất mẹ, động địa cả núi rừng Tây Bắc. Vì thế mà sông Mã “độc hành” tiễn đưa. Một lần nữa Quang Dũng bất tử một thời Tây Tiến bởi chừng nào dòng sông Mã còn tồn tại trên dải đất hình chữ S này, thì chừng ấy những gì thuộc về Tây Tiến vẫn còn neo đậu, còn sống, khắc tạc trong lòng bao thế hệ. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau dòng sông Mã khi dữ dội, khi hiền hòa và tha thiết chảy, chảy đến đâu, mang theo một thời Tây Tiến đến đó. Tố Hữu viết:

“Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hóa thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người như chân lý sinh ra”

Lính Tây Tiến là thế đó, họ đã làm nên lịch sử, họ đã trở thành bất tử và chính họ đã viết lên bài ca cuộc đời của những con người biết hi sinh vì Tổ quốc.

Đoạn thơ tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn của Quang Dũng, tô đậm những nét phi thường, sử dụng triệt để thủ pháp tương phản giữa hình thức và nội tâm, giữa hiện thực khốc liệt với tư thế kiêu hùng kết hợp với cách sử dụng từ Hán Việt, nghệ thuật nói giảm nói tránh, cường điệu… Tất cả đủ sức tạc dựng bức tượng đài nghệ thuật về hình tượng người lính Tây Tiến tiêu biểu cho anh bộ đội cụ Hồ thời kỳ chống Pháp. Cảm nhận về bài thơ “Tây Tiến”, Giang Nam viết:

“Tây Tiến biên cương mờ lửa khói

Quân đi lớp lớp động cây rừng

Và con người ấy, bài thơ ấy

Vẫn sống muôn đời với núi sông.”.

Đỗ Thị Minh Hiền 

Lớp 11D – Trường THPT Trực Ninh , Nam Định

0