20/05/2018, 00:04

MS244 – Kể lại những kỉ niệm vui buồn tuổi thơ em

Đề bài: Kể lại những kỉ niệm vui buồn tuổi thơ em Bài làm Ngày ấy bạn và tôi đã từng…. Bước ra phòng thi với tâm trạng nhẹ nhõm, thế là đã kết thúc kỳ thi Học Kỳ 2. Trước mắt tôi là hoa dầu rơi đầy cổng trường, những cánh hoa dầu quay trong gió như rằng ...

Đề bài: Kể lại những kỉ niệm vui buồn tuổi thơ em

Bài làm

Ngày ấy bạn và tôi đã từng….

Bước ra phòng thi với tâm trạng nhẹ nhõm, thế là đã kết thúc kỳ thi Học Kỳ 2. Trước mắt tôi là hoa dầu rơi đầy cổng trường, những cánh hoa dầu quay trong gió như rằng thời gian đang quay.

Nhớ lại hồi thời còn bé, thích lắm hoa dầu, cứ thảy cho nó bay lên cao chỉ để nhìn thấy nó từ từ xoay và chạm đất. Không hiểu sao ngày ấy ngây thơ quá, thấy hoa dầu là lật đật nhặt lên chơi, còn giờ thấy hoa dầu thì mới nhận ra hè đã về. Những cơn mưa đầu mùa cũng đang đến, đã bước sang mùa mưa rồi còn gì? Mùi hơi đất bốc lên trong cơn mưa nghe sao mà da diết, nghe như có cái gì đó vừa lạ vừa quen, như mới hôm qua nhưng đã mãi là quá khứ!… Mưa rồi thì lại đợi nước ngập, tôi thả chiếc thuyền giấy mang bao tâm tình tuổi nhỏ để rồi đượm buồn khi những con thuyền bằng giấy ấy dần bị mưa thấm ướt, mềm nhũn. Có khi nước ngập vào nhà, cả xóm, mọi người tất bật dựng đồ đạc lên cao và ra sức tát nước. Vì nước ngập nên cứ tát thì nước lại tràn vào, ba mẹ tôi phải dùng đồ vớt nước vào thùng sau khi đã lấy tấm ván che trước cửa ngăn nước bớt tràn vào. Còn lũ chúng tôi thì đứng trên cầu thang nhìn thích thú, mặc sức đùa giỡn qua lại, nghịch nước trong nhà. Thế rồi ngồi ăn cơm, thời tiết thì se lạnh, cả nhà quay quần bên nhau, tiếng ti vi nho nhỏ về vô vàn tin tức, chỉ thế thôi cũng đủ làm cho con người ta một cảm giác ấm áp đến lạ…

Hồi đó, chẳng hiểu sao mà nhà thường cúp điện, đó là khi đã hơi lớn chứ thời còn bé thì mỗi lần như vậy tôi lại đứng yên tại chỗ, không cử động, nhúc nhích và cố róng cho to: “Ba ơi! Ba ơi, con sợ!!!” cho đến khi “người hùng” của tôi đến cứu. Ngày ấy ba như là siêu anh hùng vậy, diệt gián, diệt chuột, điều gì ba cũng làm tất vì vợ, vì con…. Nhưng giờ ba không còn là người hùng nữa mà là cả cuộc đời của chúng ta. Lò mò trong bóng đêm tìm đèn cầy, thắp lên. Cả gia đình không thể làm gì cả, cơm thì chưa nấu, vội lấy bếp ga ra làm để kịp bữa tối , chúng tôi lấy làm khoái chí vì có lí do để không học bài. Cả nhà sau khi ăn cơm lại ngồi với nhau kể chuyện xa xưa, từ khi chưa có chúng tôi và rất nhiều những câu chuyện “hồi đó”của ba mẹ. Bạn có còn nhớ cây quạt được đan bằng nan tre? Hết tay trái rồi tay phải ba tôi vẫn hì hục quạt, còn tôi, nằm chui rúc trong lòng ba cho vừa hơi mát. Tôi luôn đánh vào quạt những khi ba ngủ quên hay mỏi tay, thế là ba lại tiếp tục quạt. Giờ cúp điện, đâu còn hình ảnh cây đèn cầy được chúng tôi trêu chọc, cố thổi cho nó sắp tắt mới thôi, hay ngồi ngắm say sưa đóm lửa huyền ảo với cảnh vật tựa như đang rung chuyển xung quanh nó, xung quanh một đóm lửa màu xanh, vàng và hồng hòa quyện vào nhau rồi chợt giật mình khi nghe tiếng mẹ quát. Còn đâu là chiếc quạt tay mà thay vào đó là thứ ánh sáng phát ra từ điện thoại, là những chiếc quạt chạy bằng pin…

Kỷ niệm lại ùa về, tôi nhớ căn nhà lá được làm từ hai chiếc ghế quay đối nhau, để một tấm ván bắc ngang qua và lớp mền phủ quanh làm mái. Tôi nhớ tôi đã từng có quán ăn thật to, có thực đơn, có khách hàng thân thiết (là ba, là mẹ, là chị em trong gia đình…). Tôi nhớ mình đã vui biết nhường nào khi ba làm cho “chiếc nón kỳ diệu” hay thắng cuộc khi chơicờ cá ngựa, lô tô…mà quên mất cả giờ nghỉ trưa. Ngày sinh nhật vui lắm, có đầy đủ anh em trong nhà, tổ chức bên nội, bên ngoại. Món quà mà tôi quý nhất là “chiếc xe thần kì” ba mẹ mua cho vào ngày sinh nhật lần thứ sáu.

Rồi bà gánh, người như là bà tiên của bọn chúng tôi. Mỗi chiều tầm năm đến sáu giờ bà lại gánh hàng đi bán, vào xóm tôi, kể cả ngày mưa ngày nắng. Về món hàng thì khỏi nói, bánh kẹo, đồ chơi, dụng cụ học tập, mọi thứ bà đều có nhưng đa dạng nhất vẫn là đồ chơi. Từ con dấu, viên bi, “cây búttàng hình”, tất cả như là một thế giới khác, đẹp và mới lạ vô cùng. Tôi và chúng bạn mua không sót một ngày, cái cảm giác mong đợi bà gánh đến nó hồi hộp và rất thú vị. Có phải chăng bâygiờ mọi thứ dường như đều là sẵn có, chỉ cần ta muốn thì sẽ mua được ngay vì thế nên ta dần quên đi cái hạnh phúc của sự chờ đợi? Ngày nào cũng thế, chúng tôi cứ thấp thỏm tự hỏi với lòng mình rằng: “Hôm nay liệu bà gánh có đến? Hôm nay bà gánh có món đồ chơi nào mới không?” .Bà gánh ấy đã đi mất rồi, bà đi theo ký ức của chúng ta, đi theo thời gian về nơi mà ta gọi là “tuổi thơ” và sẽ chẳng bao giờ quay lại nữa. Tôi đã nhìn thấy bà gánh ở đâu đó nhưng họ lại đạp xe mà chẳng thấy cái gánh đâu cả. Những món đồ chơi đơn sơ giờ cũng được đổi mới và hiện đại hơn. Bà gánh thật sự đã đi đồng nghĩa với chúng ta đã lớn, tuổi thơ cũng đã bị thời gian vùi lấp mất rồi!…

Nhớ đến cái cân sức khỏe, một thời lẫy lừng, giờ còn đâu?Ngày ấy bạn được “chuẩn đoán” như thế nào? Là “thân hình hơi béo một tí” hay “thân hình hơi gầy một tí”? Ngày ấy bạn đã từng đứng trên cán cân đó và hồi hộp đợi cái hình tròn trên cao dần đi xuống chạm vào đầu mình? Bạn đã từng mong ngóng khi tiếng nhạc phát ra báo hiệu một chú cân sức khỏe đang đến?Giờ thì mất hết rồi, không giống như bà gánh, là thay đổi hình thức, cái cân sức khỏe ấy đã mãi đi xa và không còn nữa. Vẫn thấy bóng dáng nó ở đâu đấy, trong một xó xỉnh mờ ảo của ký ức chăng?

Còn cà-lem , đâu đâu cũng có, nhất là bánh mì kem. Thường thì vào hè ta mới có dịp để ăn “xả láng”. Mỗi khi nghe tiếng “leng keng” là lại vội vàng chạy lấy hoặc xin tiền ba mẹ. Ngày nào cũng vậy, mang ổ bánh mì nhét đầy kem ngồi trước cây quạt đứng, bật số lớn nhất và tận hưởng cảm giác tuyệt vời giữa ngày hè oi bức! Kem thì là món hàng ký ức sống lâu nhất, nó vẫn tồn tại, vẫn là chú bán kem ấy… nhưng sao bây giờ cái cảm giác của chúng ta đã không còn như xưa nữa? Vẫn vội vã chạy lấy tiền đấy nhưng không vui bằng hồi đó, không còn mân mê thùng kem để xem hôm nay chú ấy bán hương gì nữa! Kem thì vẫn còn nhưng hình như chúng ta đã lớn, đã già thật rồi! Hay chúng ta lại thích ăn ở những quán kem sang trọng, đắt tiền khác?

Chuyến đi về tuổi thơ đã hết. Khi nó kết thúc, khi ta bước xuống sân ga tuổi thơ tức là đã trở về thực tại, là tôi mười bảy tuổi chứ chẳng còn là một cô bé hồn nhiên với bao kỷ niệm tưởng chừng như là vô hạn, là vĩnh cửu. Chúng ta đều vậy, lại phải quay về bàn ghế, tập vở, với một mớ bài tập và công việc cần làm. Ngoài bậc thềm, tôi đang ngắm mưa, là cơn mưa đầu mùa, là mùi đất xông lên và là hiện tại. Ở đâu đó tôi nhớ đến ba đang hát bài hát “Mưa rừng” quen thuộc, là những bài ca dân gian mẹ vẫn hay ru đưa chúng tôi vào giấc ngủ say trong không khí ấm áp vô cùng. Chợt nhớ trong cơn mưa mình đứng bên cửa sổ, nhìn ra, ngân nga bài thơ “Mẹ vẫn chưa về” mà giờ mới nhận ra cái tên thật sự của bài thơ ấy là “Mưa” của Phạm Hổ. Và rồi, chợt ùa về, trong vô thức, nước mắt tôi rơi, rơi cùng với những câu thơ của Robert Ivanovich Rozhdestvensky trong tác phẩm: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”:

“Nhưng chúng tôi không trở lại

Đừng chờ!

Trái Đất nhiều đường

Từ thành phố Tuổi Thơ

Chúng tôi lớn đi xa…

Hãy tin!

Và thứ lỗi!”

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 1 tháng 5 năm 2018

Một ngày mưa đầu mùa, “chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Bùi Nguyễn Nhật Khanh

Lớp 10A13 – Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Tp HCM

0