20/03/2018, 23:31

MS206 – Thuyết minh bài Phú sông Bạch Đằng của tác giả Trương Hán Siêu

Đề bài: Thuyết minh bài "Phú sông Bạch Đằng" của tác giả Trương Hán Siêu Bài làm Trương hán Siêu vốn là môn khách của Trần Hưng Đạo – với tài thao lược và học vấn uyên thâm, ông đã thổi hồn vào thơ văn của mình một niềm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta với ...

Đề bài: Thuyết minh bài "Phú sông Bạch Đằng" của tác giả Trương Hán Siêu

Bài làm

Trương hán Siêu vốn là môn khách của Trần Hưng Đạo – với tài thao lược và học vấn uyên thâm, ông đã thổi hồn vào thơ văn của mình một niềm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta với những chiến công hiển hách thể hiện ý chí, tinh thần dân tộc. Một truyền thống, một nét đẹp của dân tộc ta qua bao triều đại dựng nước và giữ nước. Đặc biệt là trận đánh quân Nguyên Mông của Hưng Đạo Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trên sông Bạch Đằng là một ví dụ điển hình mà trong chiến công đó có sự đóng góp không hề nhỏ của ông. Và ông đã là người vẽ nên khúc tráng bi hào "Phú sông Bạch Đằng" hay còn gọi là "Bạch Đằng giang phú". Là một trong những bài phú tiêu biểu của văn chương Việt Nam của một quá khứ hào hùng và cả một lòng tự hào dân tộc.

Phú sông Bạch Đằng mang đậm những đặc trưng cơ bản của thể phú, được làm theo lối phú cổ thể gồm bốn đoạn: đoạn mở, đoạn giải thích, đoạn bình luận và đoạn kết.

Trong Phú sông bạch Đằng, sông Bạch Đằng hiện lên tỏa hơi nóng để trở thành biểu tượng của tư thế Việt Nam. nó đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn, nhà thơ sáng tác ra những tác phẩm bất hủ. Và không thể không kể đến Bạch Đằng hùng vĩ trong thơ Nguyễn Trãi:

"Ngạc chặt kình băm non lởm chởm

Gươm chìm giáo gãy bãi lô nhô"

(Cửa biển Bạch Đằng)

Hay Bạch Đằng đượm cảm hứng hoài cổ trong Nguyễn Mộng Tuân: "Ngắm sông Bạch Đằng bát ngát, nhớ Hưng Đạo oai phong…..Ráng mây đỏ tưởng chừng máu tanh nhuộm thắm. Đầu lâu gào gió, nghe như ốc thảm thu ngân".

Còn trong Phú sông Bạch Đằng, Trương Hán Siêu nói đến sông Bạch Đằng với vẻ đẹp hùng vĩ, một nét đẹp hào hùng, dũng mãnh của những chiến công Bạch Đằng, một quá khứ oanh liệt của dân tộc ta và cũng một phần nào đó để hậu thế củng cố niềm tin trong hiện tại.

Chính đây, chỉ có sự hồn nhiên vô tư, hồn nhiên của cảnh vật mới tạm xua đi nỗi buồn vướng vít trong lòng ông. Ông trải hồn dạo chơi thiên nhiên trong tâm trạng của khách, nơi chiến địa xưa với những hoài bão lớn lao. Bằng các địa danh lấy từ Trung Quốc:

"Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương,

Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt,

Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,

Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết.

Đầm Van Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,"

Chỉ đi qua bằng trí tưởng tượng nhưng nó cũng gợi lên trong ông một nổi lòng canh cánh. Và rồi ông đã trở về với những địa danh đất Việt:

"Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều

Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều."

Giờ đây hình ảnh ấy hiện lên không chỉ hùng vĩ hay hoành tráng mà còn chứa đầy thơ mộng:

"Bát ngát sóng kình muôn dặm,

Thướt tha đôi trĩ một màu.

Nước trời:  một sắc, phong cảnh: ba thu,

Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu.

Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô,

Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu.

Thương nỗi anh hùng đâu vắng ta,

Tiếc thay dấu vết luống còn lưu!

Hình ảnh huy hoàng đó vụt tắt thay vào đó là sự ảm đạm, hiu hắt của thực tại. Trương Hán Siêu đã quay về với niềm vui, niềm tự hào nhưng rồi không giấu nổi những buồn đau, tiếc nuối về một thời oanh liệt xưa, nay đã lùi vào dĩ vãng. Giờ đây hồn thơ của ông phải trở về với một kẻ sĩ thiết tha với đất nước, với lịch sử dân tộc.

Rồi ông đã gặp các bô lão, bằng sự nhiệt tình và hiếu khách, ông được nghe các bô lão kể về trận đánh hào hùng năm xưa.

"Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới,

Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói."

Bằng giọng văn hùng hồn đã nói lên được sự chuẩn bị binh lực cho một trận đấu quyết liệt. cùng với sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình, Trương Hán Siêu một lần nữa vẽ ra một trận chiến gay go, ác liệt, để rồi trở thành một trận "kinh thiên, động địa"

"Trận đánh được thua chửa phân,

Chiến lũy bắc nam chống đối.

Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,

Bầu trời đất chừ sắp đổi."

Cùng với âm mưu thế cường mưu ma chước quỷ của địch:

"Kìa: Tất Liệt thế cường, Lưu Cung chước dối,

Những tưởng gieo roi một lần,

Quét sạch nam bang bốn cõi!'

Chính vì thế nhân dân ta không chỉ đối đầu về binh lực mà còn đối đầu về ý chí, đối đầu về lòng yêu nước, về sức mạnh của chính nghĩa. Với sự miêu tả tài tình Trương Hán Siêu đã đưa ta vào cái khí ngút trời của dân tộc, đắm mình trong giây phút của lịch sử, của sự chiến thắng để rồi suy ngẫm về chiến thắng lớn lao ấy.

"Tuy nhiên từ có vũ trụ, đã có giang san.

Quả là: trời đất cho nơi hiểm trở,

Cũng nhờ: nhân tài giữ cuộc điện an."

Quả đúng là thế: "Thiên tài, địa lợi, nhân hòa" là những yếu tố không nhỏ để góp chung vào sự chiến thắng vang dội này. Và chiến thắng ấy nhằm khẳng định sức mạnh của con người, con người có đức cao:

"Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng

Bởi đại vương coi thế giặc nhàn"

Tất cả đều cho thấy chiến thắng của ta là tất yếu của lịch sử. Ngay cả khi cam go, vận mệnh đất nước "nghìn cân treo sợi tóc" thì người chỉ huy vẫn đủ sáng suốt, đủ bình tĩnh và đủ dũng cảm để cùng nhân dân làm nên chiến thắng. Từ những cảm hứng mang giá trị nhân văn, tầm triết lí sâu sắc, Trương Hán Siêu đã khẳng định được sức mạnh, vị trí con người trong thời Trần.

Đoạn cuối của bài phú là lời ca của khách nối tiếp các bô lão với sự buồn đau tiếc nuối. Nhưng đằng sau đó là một giọng văn hùng hồn, dõng dạc như một bản tuyên ngôn về chân lí.

"Những người bất nghĩa tiêu vong

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh".

Ở đây chân lí được khẳng định lại một lần nữa. Muốn xây dựng một nhà nước vững mạnh, thiên hạ thái bình thì người lãnh đạo phải "cốt mình đức cao".

"Anh minh hai vị thánh quân,

Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.

Giặc tan muôn thuở thăng bình.

Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao."

Ca ngợi sự anh minh của hai vị thánh quân nhưng đồng thời cũng ca ngợi chiến tích trên sông Bạch Đằng nhiều lần đánh tan quân xâm lược đem lại thái bình cho đất nước. Như vậy, một lần nữa tác giả đã nêu cao vai trò địa lí của con người, thể hiện niềm tự hào dân tộc và tư tưởng nhân văn cao đẹp. Và cũng ở đây sông Bạch Đằng lại trở thành một cõi thơ, thành nơi quyến rũ bao lòng người, là nơi khắc lên trái tim con người một niềm tự hào dân tộc.

Phú sông Bạch Đằng không chỉ nêu cao tư tưởng nhân văn mà còn là đỉnh cao của nghệ thuật. Với cách sử dụng thể phú tự do, không bị gò bó và nghiêm luật kết hợp giữa tự sự và trữ tình, có khả năng bộc lộ cảm xúc phong phú, đa dạng đã thắp lên một niềm tự hào dân tộc sâu sắc. Kết cấu chặt chẽ, thủ pháp liên ngâm kết hợp văn và thơ, lối diễn đạt khoa trương đã khắc họa được sinh động bài văn.

Phú sông Bạch Đằng đã trở thành một tác phẩm bất hủ của nhân loại, nó đã thắp sáng trong tâm hồn con người đất Việt một niềm tự hào dân tộc, là bản hào ca làm sáng chói tư tưởng nhân nghĩa. Và cũng chính là hồi chuông cảnh báo đẻ nhắc lại một quá khứ hào hùng, để nhân loại lấy đó mà cố gắng.

Nguyễn Thị Phương Thủy

Lớp 10A2 – Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Gia Lai


Từ khóa tìm kiếm:

  • https vietvanhoctro com
0