05/06/2017, 00:04

Lòng yêu nước của Nguyễn Khuyến biểu lộ trong thơ văn của ông như thế nào? Hãy phân tích và dẫn chứng.

Khoảng hậu bán thế kỷ thứ 19, lịch sử nước ta đã trải qua một biến cố vô cùng quan trọng, đó là việc nước ta bị Pháp xâm chiếm và đô hộ. Nước mất, làm con dân ai chẳng đau lòng. Nhất là giai cấp sĩ phu từ xưa vẫn tự hào lãnh trách nhiệm dìu dắt quốc dân, đến đây, phải đau đớn nhận thấy sự bất lực ...

Khoảng hậu bán thế kỷ thứ 19, lịch sử nước ta đã trải qua một biến cố vô cùng quan trọng, đó là việc nước ta bị Pháp xâm chiếm và đô hộ. Nước mất, làm con dân ai chẳng đau lòng. Nhất là giai cấp sĩ phu từ xưa vẫn tự hào lãnh trách nhiệm dìu dắt quốc dân, đến đây, phải đau đớn nhận thấy sự bất lực và vô dụng của mình, nhiều người đành rút về ẩn cư và đem tấm lòng với đất nước gởi vào lắm áng văn giá trị. Một trường hợp tiêu biểu là Nguyễn Khuyến. Thi văn ông có khá nhiều bài diễn tả ...


Yêu nước ấy là muốn cho nước được độc lập, được vinh quang. Nước mất chủ quyền, dân tộc sống trong vòng nô lệ ngoại bang. Người đã biết nghĩ đến nước không khỏi cảm thấy tủi đau. Nguyễn Khuyến đã mượn tiếng cuốc kêu đêm hè để biểu lộ tình cảm ấy. Ông viết:

Khoắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sâu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.


Nghe cuốc kêu mà tưởng như máu chảy hồn tan là bởi tiếng cuốc rung gợi trong tâm hồn tác giả lắm nỗi xót xa. Nhưng Nguyễn Khuyến không phải chỉ là người dân tầm thường. Ông là bậc sĩ phu đã đạt tới bậc cao tuyệt vời của danh vọng sĩ phu, do đó mà ông tự coi như có trách nhiệm lớn đối với dân, với nước. Ông từng than thở cho mình, cho sự bất lực của giai cấp mình:

Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.


Điều ông có thể tự an ủi ấy là thái độ bất hợp tác của ông đối với địch. Không ham địa vị giàu sang, không chịu những phĩnh phờ lừa gạt của thực dân và tay sai, ông đã treo ấn từ quan, trở về sống đạm bạc, nghèo thiếu ở nông thôn, để nêu cao tiết tháo bất khuất. Thái độ ấy ông cũng thường hay mượn vần thơ giải tỏa, để tự hiện bạch. Khi thì ông tự ví mình với một “mẹ mốc” tuy nhan sắc tuyệt trần, nhưng giả điên giả dại, tự bôi tấm váy nhơ, cho không ai chú ý, để có thể yên thân mà dành cả tâm tư cho chồng con xa vắng:

So danh giá ai bằng mẹ Mốc.
Ngoài hình hài gấm vóc chẳng thêm ra
Tấm hồng nhan đem bôi lấm xóa nhòa
Làm thế để cho qua mắt tục.


Khi thì ông tự ví mình như một sương phụ nghèo đói bị người ta cám dỗ bằng đủ mai mối, mồi bả, nhưng vẫn kiên trinh ở vậy vẫn một dạ trung thành với kỷ niệm người cố phu. Đó là ý nghĩa bài Gái góa.

Vốn xưa cha mẹ dặn lời
Từ hôn chi để kè cười người chế
Mụ hỏi mụ thương chỉ thương thế
Thương thì hay nhưng kế không hay
Thương thì gạo vải cho vay
Lấy chồng thì gái già này xin van


Nhưng những cảm nghĩ của Nguyễn Khuyến về đất nước, về thời cuộc không phải chỉ giam hãm ở một thái độ thụ động, tự mình mình biết, tự mình mình hay, bộc lộ ra bằng những lời thở than hay biện bạch đối với chính mình. Ông còn hướng ra ngoài, hướng ra cái xã hội lố lăng, những nhân vật đê tiện mà cuộc đô hộ của ngoại nhân đẻ ra. Ở đây ông ra khỏi lối thơ tâm sự và lấy giọng trào lộng để mỉa mai, chế diễu hay cảnh cáo. Yêu nước tất nhiên là phải ghét bọn qụân thù kéo đến cướp nước. Ác cảm của ông đối với người Pháp tỏ rõ trong nhiều câu chuyện còn truyền tụng. Như một lần, đến chơi nhà một người bạn, người này vừa tiễn một viên công sứ Pháp ra cửa, ông tấm tức ứng khẩu:

Hốt đáo nhĩ môn phùng nhi cấu.

Đời bấy giờ gọi Pháp là quỷ, nhà nho khinh bỉ coi họ như một loài “cẩu” hung hãn, phải đề phòng. Nhưng nghĩ lại, ngoại nhân đáng ghét, song còn đáng ghét hơn nữa là bọn tay sai ngoại nhân, được chúng bôi mặt vẽ mày cho ra đảm đang những công vụ quốc gia, khoe khoang hách dịch với đồng bào. Bọn này không xa lạ gì lắm với tác giả, có kẻ xuất thân ngay trong hàng khoa cử. Tác giả đã chế riễu cái khoa danh cuối mùa của họ.

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời.


hoặc mỉa mai thói tham lam vơ vét của họ:

Bây giờ đã trót trầy da trán
Ngày trước đi đâu mất máy lông


Bây giờ có viên án sát hình như được thực dân ủy cho dò la và mua chuộc đám chí sĩ Việt Nam, thường hay lui tới thăm hỏi Nguyễn Khuyến, lại trong lúc lai vãng tống tặng, hay sinh tài câu thi vần phú. Nhân dịp quan An gởi biếu một chậu hoa trà, cụ Tam Nguyên liền có bài thơ tạ như sau:

Bác lại cho ta một chậu trà
Ta say ta chả biết mùi hoa
Da mồi tóc bạc ta già vậy
Áo tía đai vàng bác đấy a 
Mưa bụi những kinh phường xỏ lá
Gió may lại sợ đứa giơi già
Xưa nay ta vẫn xem bằng mũi
Đếch thấy mùi thơm một chút khà


Tác giả đã tự cho là một mẹ mốc, đã tự phô trương mình là một anh lòa, vậy thì những “dính chung, chu tử” của cái “Tân trào” kia đối với tác giả còn có hương vị gì hấp dẫn nữa. Nghĩ mà giận ông án sát mê muội, thật đáng cụ văng tục cho một tiếng “đếch”. Nếu ông hiểu được cụ đã nguyện “sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết, mảnh gương trinh bằng vặc quyết không nhơ”, thì đâu ông còn dám múa lưỡi khoe khôn với cụ!

Ghét Tây, ghét bọn quan lại làm tôi tớ cho Tây, Nguyễn Khuyến còn ghét nữa những tục lệ lố lăng mà họ xướng ra, như những ngày hội Tây, hội Phá ngục Bát ti, hội Đình chiến... đều là những kỷ niệm trong lịch sử Pháp, nào có liên quan gì đến ta đâu. Vậy mà họ bày ra hội hè linh đình, với những trò vui thô bỉ như liếm chảo, đập nồi. Dân chúng vô tình tham dự hết mình. Tất cả hể hả trong bầu không khí vui sướng. Nguyễn Khuyến đứng nhìn mà tủi cho quốc thể, đau cho quốc hồn, giận lây cả đám quần chúng vô tâm:

Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui the bao nhiêu nhục bấy nhiêu


Thật là một lời cảnh cáo nghiêm khắc, một tiếng gọi hồn nước thiết tha mà đau đớn hướng vào những ai còn biết nghĩ, biết thương.

Ngoài ra, những bài tâm sự hay trào phúng, ta cũng còn có thể thấy lòng yêu nước của Nguyễn Khuyến trong nhiều bài thơ nông thôn của ông. Yêu nước, đối với ông không phải chỉ là than thở giận hờn trước thời cuộc đất nước. Yêu nước đối với Nguyễn Khuyến cũng còn là, trở về một giọng thơ thanh thản hơn, nhận xét và ca tụng những vẻ đẹp của đất nước, yêu nước ấy là yêu cảnh sắc quê hương. Quê hương ta phần lớn là nông thôn với quang cảnh đơn sơ thân thuộc những lũy tre, những mái tranh, những ngõ đất, những ao nước... Nguyễn Khuyến đem tất cả những vật liệu ấy vào thi phẩm. Đọc những vần thơ mùa thu của ông như:

Sóng nước theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo


hay:

Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm khuya đốm lập lòe
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe


Ta cảm thấy một rung động nhẹ nhàng, thanh tao. Tác giả đã thi vị hóa cảnh quê của chúng, làm cho chúng ta cũng cảm thấy yêu mến quê hương hơn.

Và yêu nước đối với Nguyễn Khuyến cũng còn là yêu lớp người nền tảng của đất nước, lớp dân quê, dân cày, đã hai sương một nắng sản xuất và đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Ông đã cúi xuống phản ánh sinh hoạt của họ. Dân quê ta đa sô là tiểu nông bần nông đã phải sống chật vật, eo hẹp như thế nào, ông đã nói lên trong bài Làm ruộng:

Phần thuế quan thu phần trả nợ
Nửa công đứa ở nửa thuê bò
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa
Chợ búa giàu chè chả dám mua...


Và những trận lụt tai hại, thêm vào chính sách cao thuế nặng của thực dân đã làm cho nông thôn ta lo lắng- buồn đau như thế nào, ông đã nói lên trong nhiều bài khác:

Quai Mễ Thanh Liêm đã lỡ rồi
Vùng ta thôi củng lụt mà thôi
Gạo năm ba bát cơ còn kém
Thuế một hai nguyên dáng chửa đòi...


Như vậy ta thấy, qua thi văn Nguyễn Khuyến, tác giả đã chứng tỏ một tấm lòng yêu nước chân thành. Nguyền Khuyến đã không hổ danh một vị ông Tam Nguyên, đại biểu cho giai cấp sĩ phu trong lúc quốc phá gia vong. Ngày nay đọc lại những vần thơ trong đó biểu lộ, khi thì nồng nàn hiển hiện khi thì bóng gió xa xôi, lòng tác giả thiết tha rung động với non sông, với dân tộc trong cơn bĩ cực, ta càng thấy yêu mến nhà nho và nhà thơ nổi danh của làng Yên Đổ.

0