khái niệm, quyền kế thừa theo di chúc

* Khái niệm di chúc và quyền của người lập di chúc: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có các quyền sau đây: Chỉ định người thừa kế , truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. Ví dụ: trong di chúc của ông A để ...

* Khái niệm di chúc và quyền của người lập di chúc:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có các quyền sau đây:

Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. Ví dụ: trong di chúc của ông A để lại cho con trai là C được hưởng ½ di sản, truất quyền thừa kế của người con là H. Như vậy, ½ di sản của ông A được chia theo pháp luật thì H không có quyền hưởng (khoản 3 Điều 676).
Phân định phần di sản cho từng người thừa kế (ví dụ: 1/2 di sản, 1/3 di sản, 50 triệu đồng, 500m2 quyền sử dụng đất ở,…). Trong thực tế có trường hợp người lập di chúc chỉ chỉ định người thừa kế mà không phân định di sản cho họ thì mỗi người được hưởng ngang nhau.
Dành một phần trong di sản để di tặng, thờ cúng: di tặng là việc người lập di chúc dành một phần tài sản trong khối di sản của mình để tặng cho người khác. Khác với người thừa kế thì người nhận di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản do người chết để lại thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người chết. Bộ luật dân sự cũng quy định người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng.
Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc đã lập.
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Điều 669 BLDS).
Bộ luật dân sự quy định những người sau đây vẫn hưởng di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu như di sản được chia theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng hoặc chỉ cho hưởng ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối hưởng di sản hoặc không có quyền hưởng di sản theo Điều 642 và khoản 1 Điều 643 BLDS: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con đã thành niên không có khả năng lao động.
Ví dụ: Ông A kết hôn hợp pháp với bà B và có hai người con là C và K (đã đủ 18 tuổi và có công việc ổn định). Ông A lập di chúc hợp pháp cho người cháu họ là M hưởng toàn bộ di sản là 900 triệu đồng. Vấn đề đặt ra là vợ và con của ông A có quyền gì hay không?
Trước hết phải khẳng định di chúc do ông A lập là hợp pháp, có quyền để lại di sản cho bất kỳ cá nhân tổ chức nào. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật có bà B (là vợ) phải được hưởng không phụ thuộc vào nội dung di chúc ít nhất là 2/3 suất nếu di sản chia theo pháp pháp luật. Xác định 2/3 một suất nếu di sản chia theo pháp luật (nếu ở đây chỉ để tính 2/3 suất mà thôi vì ông A đã lập di chúc). Bà B được hưởng không phụ thuộc vào nội dung di chúc là 200 triệu đồng. Chị M chỉ được hưởng theo di chúc là 700 triệu đồng (hai người con của ông A không thuộc đối tượng quy định tại Điều 669)
* Hình thức và nội dung của di chúc:
 Hình thức của di chúc: Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.
Đối với di chúc bằng văn bản (di chúc viết) bao gồm các hình thức sau:
Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc.
Di chúc bằng văn bản có người làm chứng được lập trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng.
Di chúc có công chứng của tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng).
Di chúc bằng văn bản phải thể hiện các nội dung sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ tên và nơi cư trú của người lập di chúc;  Họ tên cơ quan, tổ chức, người hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản;  Việc chỉ định thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
Di chúc không được viết tắt hoặc bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc để tránh trường hợp tự ý thay đổi nội dung di chúc bằng việc đánh tráo các trang không có chữ ký hoặc điểm chỉ trái với ý chí của người lập di chúc.
Di chúc miệng được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác (tai nạn, rủi ro,…) mà không thể lập di chúc bằng văn bản. Di chúc miệng coi là hợp pháp khi đảm bảo các điều kiện sau: Phải là sự thể hiện ý chí cuối cùng của người để lại di sản trước mặt ít nhất hai người làm chứng;  Hai người làm chứng ngay sau đó ghi chép lại nội dung và ký tên hoặc điểm chỉ vào bản ghi nội dung đó; Người làm chứng không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 654 BLDS.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày di chúc miệng thì di chúc phải được công chứng. Di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm mở thừa kế).

0