06/05/2018, 08:47

Kể lại sự việc em lỡ gây ra khiến bố mẹ buồn phiền – Văn mẫu hay lớp 7

Xem nhanh nội dung Kể lại sự việc em lỡ gây ra khiến bố mẹ buồn phiền – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Hà Giang Từ trước đến nay bố mẹ vẫn luôn hài lòng vì những gì mà mà em làm. Nhưng có một lần, em đã khiến cho bố mẹ buồn lòng và lo lắng. Mỗi khi nhớ đến việc ...

Xem nhanh nội dung

Kể lại sự việc em lỡ gây ra khiến bố mẹ buồn phiền – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Hà Giang

Từ trước đến nay bố mẹ vẫn luôn hài lòng vì những gì mà mà em làm. Nhưng có một lần, em đã khiến cho bố mẹ buồn lòng và lo lắng. Mỗi khi nhớ đến việc làm đó, em lại cảm thấy xấu hổ và tự hứa với bản thân mình rằng sẽ cố gắng không để bố mẹ phải buồn phiền khi nghĩ về mình nữa.

Hôm đó, vào một buổi trưa hè oi bức, cái nắng miền Trung như đổ lửa khiến cho gương mặt ai cũng mệt mỏi. Bố mẹ và em gái đều đi nghỉ ngơi, chiều bố mẹ còn đi làm, và nhiệm vụ của em là trông chừng em gái. Em gái em mới được 3 tuổi nên phải có người trông, vì chẳng may em đi lạc đâu không ai biết.

Em đã nhận trách nhiệm trông chừng em gái nhưng trưa hôm đó thằng Tý ở lớp đã rủ em đi bắn chim. Em quên mất trách nhiệm mà bố mẹ đã giao, nên hí hửng nhận lời thằng Tý đi bắn chim. Trong đầu chẳng mảy may nghĩ đến lời bố mẹ đã nói. Có lẽ đứa bé lớp 6 lúc ấy còn mải chơi hơn là nghe theo lời của bố mẹ.

Em ngồi sau xe đạp của thằng Tý sang làng bên cạnh, ở bên đó có một cái đồi lớn, rất nhiều cây và nhiều chim. Em đã bị hút hồn với khung cảnh nơi đây và say mê với trò bắn chim cùng thằng Tý. Hai đứa hì hục, rượt đuổi nhau trên đồi để bắn chim. Em bắn trượt mấy phát nhưng cũng bắn được mấy con chim. Thằng Tý bảo chim này mà nướng với lá bưởi thì thơm ngon lắm. Chỉ nghĩ đến được ăn thịt chim nướng lá bưởi do bố làm mà em đã thấy thích thú.

Bống nhớ đến bố, em mới cuồng cuồng nhớ ra việc bố mẹ giao trọng trách trông em. Em cuống quýt nói với thằng Tý và hai thằng hồng hộc đạp xe về nhà. Về tới nhà thì đã 3h chiều. Em thấy bố mẹ ngồi ở cửa, gương mặt vừa lo lắng, vừa tức giận. Khi thấy em và thằng Tý đứng trước cổng, mẹ em quát “Đi đâu mà bây giờ mới về, không nghe bố mẹ dặn gì sao”. Trong lúc mẹ nói thì bố vẫn im lặng. Em sợ nhất những lúc bố im lặng.

Thằng Tý thấy không khí căng thẳng nên đã bỏ mấy con chim bắn được và đạp xe nhanh về nhà. Em vẫn đứng trơ ra đó, rồi chầm chậm bước vào nhà.

Bố vẫn giữ gương mặt đó, bố tức giận vì những gì bố mẹ dặn mà em lại không nhớ đến, chỉ mải chơi. Vì em mải chơi mà bố mẹ đã lỡ mất việc quan trọng. Mẹ cứ quát em mãi, cuối cùng bố cũng cất tiếng, rất nhẹ nhưng lại có sức nặng “Lần sau bố mẹ dặn gì thì nhớ lấy, con đi thế lỡ có chuyện gì thì làm sao. Con cũng lớn rồi, đừng để bố mẹ lo lắng như thế nữa”.

Nghe lời bố nói, em chỉ cúi mặt, nước mắt ngắn dài cứ chảy ròng ròng trên má. Mẹ bảo nín đi, bố cũng bảo đừng khóc nữa. Lần sau đừng làm bố mẹ phiền lòng và lo lắng như thế nữa.

Em biết bố mẹ đã không còn giận nữa nhưng em rất xấu hổ và tự vấn lương tâm trong suốt buổi tối hôm đó. Em hứa từ nay sẽ không mải chơi, không làm phiền lòng bố mẹ nhiều như vậy nữa. Vì em yêu bố mẹ.

Kể lại sự việc em lỡ gây ra khiến bố mẹ buồn phiền – Bài làm 2

Tình thương yêu của ông bà, cha mẹ đối với con cháu là vô bờ bến. Đó là những người đã có thể yêu thương, tha thứ, bảo vệ tôi, giúp đỡ tôi những lúc tôi gặp khó khăn nhất. Vậy mà tôi nỡ gây ra một việc khiến bố mẹ buồn lòng. Tôi rất hối hận mặc dù câu chuyện xảy ra đã lâu rồi…

Tôi là con út trong gia đình nên rất được cưng chiều, và dĩ nhiên từ nhỏ tôi dã có ngay ý nghĩ: “Tôi sinh ra đương nhiên phải được cưng chiều, được phục vụ”. Vào một ngày nọ, tôi vừa đi học về thì gặp ngay một bà cụ ngồi trong nhà dang nói chuyện với bố mẹ tôi. Người cụ toát ra một vẻ gì đó rất nhà quê, cổ hủ, áo quần cũ kĩ, thô kệch với giỏ xách chứa toàn trái cây. Nhìn qua tôi cũng biết là mới ở quê lên và có ngay ý coi thường. Nhưng tôi giật mình, bố mẹ đã gọi tôi ra chào bà nội. Thật lòng tôi không ngờ đây lại là bà nội của tôi. Tôi lý nhí chào bà rồi lên lầu, không ngoái nhìn lại.

Từ khi bà lên ở nhà tôi, mọi hoạt động trong nhà đều bị xáo trộn, thường là ngày nào cũng phải nghe ba mẹ “mở máy hát”: “Con phải nhường cái này cho bà, không được mở nhạc để bà ngủ, con phải…, con phải…”. Tôi chán lắm rồi, ở nhà như bị giam. Vì thế tôi ghét cay ghét đắng bà.

Một buổi chiều, trời nắng đẹp, con nhỏ bạn gọi diện cho tôi bảo: “Ê, Thi, đi ăn kem không, tao vừa biết chỗ này ngon lắm.”, sẵn lúc không có gì làm ở nhà, tôi liền đồng ý ngay. Nhưng thật đau lòng, ba mẹ không ở nhà, làm sao có tiền đi chơi, chẳng lẽ phải xin “bà già nhà quê” đó. Không, tôi kiên quyết không chịu. Ngay lúc đó, tôi nảy ra ý hay là lấy tiền của ba mẹ vậy, chắc họ không biết đâu. Cũng may, khi vào phòng, ở trước mặt tôi, trên cái bàn còn nguyên một tờ giấy năm chục ngàn mới tinh. Tôi liền lấy ngay số tiền đó đi chơi. Cuối cùng, tôi cũng có một buổi đi chơi tuyệt vời với đám bạn.

Khi về, vừa bước vào cửa, tôi đã nghe thấy tiếng mẹ hỏi: “Anh có thấy tờ năm chục để ở bàn không?”. Tôi hoảng hốt, nhưng vẫn cứ thản nhiên bước vào như không có chuyện gì xảy ra. Khi mẹ hỏi, tôi liền nói: “Con không biết mẹ mất tiền, con không lấy vì từ chiều tới giờ, con đi chơi với bạn. À hình như ở nhà còn bà nội và cô giúp việc…”. Nhưng bố mẹ tôi mắng át: “Im! Con chớ có lộn xộn!”. 

Bà từ trong buồng bước ra và lên tiếng: “Thôi đừng trách cứ nhau nữa, đúng là mẹ lấy đó”. Bỗng nhiên cô giúp việc lên tiếng: “Từ chiều tới giờ, bà đau lưng nằm trong buồng, con xoa bóp cho bà, chỉ thấy em Thi từ trong phòng cô cậu bước ra”. Tôi lạnh xương sống. Bô" tôi lạnh lùng quay lại hỏi: “Thi, hôm nay ba mẹ đi hết, không hề cho con tiền, lấy đâu tiền mà con đi chơi với bạn!”. Tôi giật mình ấp úng không nói nên lời. Bấy giờ mẹ tôi mới lên tiếng: “Thôi rồi, là con rồi, mẹ thất vọng về con quá, chính mình lấy mà không tự nhận, mẹ buồn vì con đã gian dối, buồn vì con đã nói hỗn với bà…”.

Đôi chân tôi run run rồi quỵ xuống, mắt tôi rưng rưng, nước mắt chảy dài. Tôi không khóc cho kẻ bị phát hiện mà tôi khóc vì lời mẹ nói, nó như hàng trăm  mũi kim đâm chích vào tim tôi. Đến khi tôi nhận ra thì thật muộn màng, tôi đã bán rẻ lòng tin của mình chỉ trong một phút lầm lỡ.

Bỗng có một bàn tay dịu dàng, ấm áp ôm lấy tôi và giọng nói nhẹ nhàng, thiết tha của bà: “Thôi đừng khóc nữa, cháu biết lỗi là tốt rồi”. Rồi bà quay lại nói: “Thi à, bà tuy nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng tự trọng. Bà rất yêu cháu, yêu rất nhiều”. Lần này, tôi òa khóc thật sự, cứ như một người vừa lạc trong rừng giờ mới thấy ánh mặt trời. Ôi, đôi mắt bà sao nhân từ thế, lòng bà sao nhân hậu thế. Người bà của tôi đây sao, người thật hiền hậu và bao dung. Tôi yêu bà biết bao nhiêu! Vừa ôm bà, tôi vừa khóc: “Bà ơi, cháu có lỗi với bà”.

Sau đó vòng tay của ba mẹ ấm áp đến nao lòng. Có lẽ, ba mẹ đã tha thứ cho tôi. Tình thương bây giờ đầy ắp cả căn nhà khiến cô giúp việc cũng bật khóc.

Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy rất hối hận. Đừng nên làm những điều dại dột với những người thân yêu của mình, các bạn nhé!

Kể lại sự việc em lỡ gây ra khiến bố mẹ buồn phiền – Bài làm 3

Nhà tôi có hai chi em, tôi là chị còn em trai kém tôi 3 tuổi. Bố mẹ rất chiều em trai tôi, và nhiều lần thiên vị cho em tôi mà trách mắng tôi. Cũng chính vì điều đó mà tôi đâm ra đố kị và hay tranh dành với em, và đã có lần tôi làm bố mẹ đau laongf vì chuyện của hai chị em.

Hàng ngày nếu hai chị em tôi cùng ở nhà thì kiểu gì cũng xảy ra chuyện tranh cãi nhau. Nếu hai chi em tranh nhau đồ gì mẹ tôi sẽ bảo:

– Con là con gái, lại là chị thì cần phải nhường nhịn, chứ ai lại chấp với em từng li từng tí vậy. Với lại em nó vẫn còn bé, tính nó trẻ con hay trêu chọc, con đừng chấp. 

Mẹ nói thế làm tôi bực hơn, lúc đó tôi chỉ nghĩ được là mẹ quá thiên vị cho em, không thương tôi bằng em. Cho tới một hôm, có một chuyện xảy ra. Sáng sớm hôm ấy, tôi moi tiền ở con lợn ra 10.000 đồng, định bụng chiều sẽ khao lũ bạn vì tôi vừa được điểm cao trong kì thi 8 tuần. Tôi cẩn thận cất tiền vào một chỗ rồi vội vã đi học bài. Đến trưa, trước khi đi nấu cơm, tôi kiểm lại tiền để chốc nữa sẽ đi qua chợ mua các thứ mang tới lớp. Nhưng tiền tôi để ở bao kiểm tra đã không cánh mà bay. Tôi sửng sốt dốc cả bao kiểm tra ra, cẩn thận tìm lại một lần nữa, rồi tôi tìm khắp cả trong cặp vẫn chẳng thấy đâu. Rõ ràng tôi đã bỏ tiền vào trong cặp mà, hay là… hay là em tôi nó đã lấy. Đúng rồi, nhà chỉ có hai chị em mà nó thì học ở trên gác xép, nơi tôi để cặp, còn tôi học ở dưới nhà. Vậy không nó thì còn ai vào đây, với lại chẳng lẽ tiền nó có cánh mà bay ra khỏi túi tôi à? 

Nghĩ thế, tôi vội vã chạy lên, tức tối quát: 

– Hùng! Em lấy tiền của chị phải không? 

– Không… em… em… 

– Mày nói dối. Gớm, là một lớp trưởng ở trường tỏ vẻ gương mẫu mà không ngờ về nhà mày lại thế. Xấu ơi là xấu. Tao tưởng bố mẹ chiều mày vì mày ngoan, học giỏi. Ngoan mà đi lấy trộm tiền của người khác. 

Tôi mắng như tát nước vào mặt nó, mắng nó với tất cả sự bực tức, ghen tị bấy lâu nay. Còn nó, nó chợt cúi xuống bàn bật khóc, mắt đỏ hoe. Mặc kệ, tôi vẫn nói, lòng tôi thầm nghĩ: “Nước mắt cá sấu ấy mà”. 

– Tiền đâu, đưa đây cho tao! 

Trưa hôm ấy, khi bố tôi về tôi đã ấm ức kể hết với bố: Nào là nó đã lấy tiền của tôi, tôi bảo nó còn chối và không đưa cho tôi. Bố tôi nghe vậy chắc giận lắm vì lâu nay bố vẫn nghiêm khắc với khuyết điểm. Bố gọi nó xuống rồi hỏi nó, vẻ giận dữ: 

– Hùng! Tại sao con lại lấy tiền của chị? 

– Con không lấy… không lấy mà bố – Nó lấm lét nhìn bố giọng có vẻ oan ức lắm. 

– Không lấy thì ai vào đấy?

Đứng ở trong bếp tôi cũng thấy thương nó một ít nhưng vì sự ghen tức với nó bấy lâu nên tội lại thấy rất hả hê. Vừa lúc ấy mẹ tôi đi làm về, mẹ khẽ hỏi tôi: 

– Có chuyện gì mà bố con có vẻ mặt không vui vậy. 

– Dạ, bởi em Hùng lấy tiền của con, bố giận nên đánh cho em một trận. – Vậy à? 

Thế rồi mẹ vội vã dựa xe ngoài sân để vào nhà. Mẹ bỗng gọi tôi: 

– Thanh ơi có phải tiền của con đây không? Tờ 10.000 đồng mới cứng rơi ở ngoài sân đây này. 

Tôi giật mình và chợt nhớ lại: “Ừ nhỉ! Bây giờ mình mới nhớ ra, lúc đó mình kẹp tiền vào quyển vở rồi ra sân học bài đã đánh rơi, thế mà mình cứ đinh ninh rằng ở trong bao kiểm tra”. Và tôi chợt nhớ lại mình đã nói với em thế nào, đã hả hê vô cùng khi em bị đánh. Một sự hối hận dâng lên trong tôi. Tôi vội vã chạy lên nhìn đứa em trai bé bỏng của tôi và nói lời xin lỗi. Em tôi đã không những trách mắng gì tôi mà còn chạy lại ôm lấy tôi. Tôi cảm thấy ăn năn vô cùng, xấu hổ với em vô cùng.

Kể từ lần đó tôi đã thay đổi thái độ đối với em tôi. Hai chị em chúng tôi rất yêu thương nhau, tôi nào cũng nô đùa với nhau một lúc rồi mỗi đứa lại ngồi vào bàn học riêng. Cũng từ lần đó mà tôi lại nhận ra em trai tôi tuy nhỏ nhưng đã có tấm lòng cao thượng, tôi lại càng xấu hổ và tự đó tôi đã thay đổi để làm một người chị gương mẫu, yêu thương em hơn.

Kể lại sự việc em lỡ gây ra khiến bố mẹ buồn phiền – Bài làm 4

Đọc sách, tôi rất thích một câu nói của nhà văn người Úc: "Không có gì là hoàn hảo, có chăng chỉ là sự đề cao mà thôi". Đúng, thử hỏi trong chúng ta có ai dám tự nói mình chưa mắc lỗi dù chỉ một lần không?

Tôi cũng vậy, có lẽ tôi không thể quên lỗi lầm mình gây ra hôm đó, khiến người tôi yêu quý nhất – mẹ tôi, buồn lòng…

Hôm ấy, đất dát vàng ánh nắng, trời mát dịu, gió khẽ hôn lên má những người đi đường. Nhưng nó sẽ là ngày tuyệt đẹp, nếu tôi không có bài kiểm tra khoa học tệ hại đến như vậy, hậu quả của việc không chịu ôn bài. Về nhà, tôi bước nhẹ lên cầu thang mà chân nặng trĩu lại. Tôi buồn và lo vô cùng, nhất là khi gặp mẹ, người tôi nói rất chắc chắn vào tối qua: "Con học bài kỹ lắm rồi".

Mẹ đâu biết khi mẹ lên nhà ông bà, ba đi công tác, tôi chỉ ngồi vào bàn máy tính chứ nào có ngồi vào bàn học, bởi tôi đinh ninh rằng cô sẽ không kiểm tra, vì tôi được mười điểm bài trước, nào ngờ cô cho làm bài kiểm tra mười lăm phút. Chả lẽ bây giờ lại nói với mẹ: "Con chưa học bài hôm qua" sao? Không, nhất định không.

Đứng trước cửa, tôi bỗng nảy ra một ý "Mình thử nói dối mẹ xem sao". Nghĩ như vậy, tôi mở cửa bước vào nhà. Mẹ tôi từ trong bếp chạy ra. Nhìn mẹ, tôi chào lí nhí "Con chào mẹ". Như đoán biết được phần nào, mẹ tôi hỏi: "Có việc gì thế con"? Tôi đưa mẹ bài kiểm tra, nói ra vẻ ấm ức: Con bị đau tay, không tập trung làm bài được nên viết không kịp”… Mẹ tôi nhìn, tôi cố tránh hướng khác. Bỗng mẹ thở dài! “Con thay quần áo rồi tắm rửa đi!”.

Tôi "dạ" khẽ rồi đi nhanh vào phòng tắm và nghĩ thầm: "Ổn rồi, mọi việc thế là xong". Tôi tưởng chuyện như thế là kết thúc, nhưng tôi đã lầm. Sau ngày hôm đó, mẹ tôi cứ như người mất hồn, có lúc mẹ rửa bát chưa sạch, lại còn quên cắm nồi cơm điện. Thậm chí mẹ còn quên tắt đèn điện, điều mà lúc nào mẹ cũng nhắc tôi. Mẹ tôi ít cười và nói chuyện hơn. Đêm đêm, mẹ cứ trở mình không ngủ được.

Bỗng dưng, tôi cảm thấy như mẹ đã biết tôi nói dối. Tôi hối hận khi nói dối mẹ. Nhưng tôi vẫn chưa đủ can đảm để xin lỗi mẹ. Hay nói cách khác, tôi vẫn chưa thừa nhận lỗi lầm của mình. Sáng một hôm, tôi dậy rất sớm, sớm đến nỗi ở ngoài cửa sổ sương đêm vẫn đang chảy "róc rách" trên kẽ lá.

Nhìn mẹ, mẹ vẫn đang ngủ say. Nhưng tôi đoán là mẹ mới chỉ ngủ được mà thôi. Tôi nghĩ: Quyển "Truyện về con người" chưa đọc, mình đọc thử xem". Nghĩ vậy, tôi lấy cuốn sách đó và giở trang đầu ra đọc. Phải chăng ông trời đã giúp tôi lấy cuốn sách đó để đọc câu chuyện "lỗi lầm" chăng ! "…

Khi Thượng đế tạo ra con người, Ngài đã gắn cho họ hai cái túi vô hình, một túi chứa lỗi lầm của mọi người đeo trước ngực, còn cái túi kia đeo ở sau lưng chứa lỗi lầm của mình, nên con người thường không nhìn thấy lỗi của mình". Tôi suy ngẫm: "Mình không thấy lỗi lầm của mình sao?". Tôi nghĩ rất lâu, bất chợt mẹ tôi mở mắt, đi xuống giường. Nhìn mẹ, tự nhiên tôi đi đến một quyết định: Đợi mẹ vào phòng tắm, rồi lấy một mảnh giấy nắn nót đề vài chữ.

Mẹ tôi bước ra, tôi để mảnh giấy trên bàn rồi chạy ù vào phòng tắm. Tôi đánh răng rửa mặt xong, đi ra và… chuẩn bị ăn bữa sáng ngon lành do mẹ làm. Và thật lạ, mảnh giấy ghi chữ: "Con xin lỗi mẹ" đã biến đâu mất, thay vào đó là một chiếc khăn thơm tình mẹ và cốc nước cam. Tôi cười, nụ cười mãn nguyện vì mẹ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi.

Đến bây giờ đã ba năm trôi qua, mảnh giấy đó vẫn nằm yên trong tủ đồ của mẹ. Tôi yêu mẹ vô cùng, và tự nhủ sẽ không bao giờ để mẹ buồn nữa. Tôi cũng rút ra được bài học quý báu: Khi bạn biết xin lỗi bố mẹ, bạn sẽ có nhiều hơn một thứ bạn vẫn đang có, đó là tình thương.

"Từ thuở sinh ra tình mẫu tử Giờ đây, sau nhiều năm trôi qua, tôi mới có đủ dũng khí để nhớ về trường Marie Curie, nhớ về những năm tháng êm đềm của tuổi học trò qua kỷ niệm về một lần mắc lỗi – lần đầu tiên và cũng là duy nhất nhưng đủ để khiến tôi phải hổ thẹn đến tận bây giờ.[Chu Dương Minh].

Ngày đó, tôi chỉ là một con nhóc lớp 8 ngốc nghếch, dại dột. Hằng ngày tôi đạp xe tới trường và nhận từ tay chú Thành bảo vệ một tấm vé xe. Tôi rất sợ bị mất vé vì nếu làm mất vé sẽ bị ghi tên vào sổ “đen”. Bây giờ nghĩ lại tôi không khỏi bật cười vì sự ngớ ngẩn của mình. Cuốn sổ bìa da màu đen đó chẳng qua chỉ là sổ ghi công tác của chú bảo vệ nhưng tôi cứ ngỡ đó là sổ đen ghi tên học sinh cá biệt và nếu bị ghi tên nhiều lần thì sẽ bị phạt nặng, thậm chí bị đuổi khỏi trường.

Một buổi chiều, giờ tan học, tôi lục khắp túi áo, túi quần, đổ tung mọi thứ trong cặp sách ra nhưng vẫn không tìm thấy vé xe của ngày hôm ấy. Tôi hoảng hốt thực sự vì đây là lần thứ hai tôi làm mất vé xe mà lại cùng trong một tuần nữa chứ. Tôi lục lại cặp sách một lần nữa nhưng thay vì tìm thấy tấm vé xe hôm đó, tôi lại tìm thấy tấm vé mà tôi ngỡ đã đánh mất buổi trước. Một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu… tôi có thể dùng tấm vé này để thay thế cho tấm vé hôm nay, chỉ cần sửa ngày tháng là xong.

– Cháu này đứng lại – tiếng chú Thành làm tôi giật nảy mình, mặt cắt không còn hạt máu. – Cháu đem xe lại kia, lát nữa nói chuyện.

Dựng xe trong một góc lán, tôi thấy từng phút trôi qua dài như hàng thế kỷ với bao nỗi sợ hãi, hối hận mỗi lúc một tăng. Người cuối cùng lấy xe ra là tôi. Tôi lếch thếch dắt chiếc xe đạp lại phía chú, không dám ngẩng đầu như mọi ngày nữa. Cô Thơ – Phó trưởng ban quản lý học sinh đi lại hỏi:

– Có chuyện gì thế?

– Học sinh này dùng vé giả! – Chú Thành đáp, giọng không giấu nổi bực mình rồi đưa tấm vé cho cô Thơ xem. Tôi muốn khóc nhưng không phải vì sợ nữa mà vì thẹn. Cô Thơ nhìn tôi, tôi không dám ngẩng mặt nhìn cô nhưng tôi biết thế vì tôi cảm thấy ánh mắt cô đốt trên da thịt nóng ran.

– Đây là em Phương Thu, lớp 8I của cô Liên – Cô bảo chú Thành, giọng buồn buồn. – Tôi bảo lãnh cho em ấy. Rồi cô bảo tôi:

– Em về làm bản tường trình gửi cô chủ nhiệm và đừng bao giờ tái phạm nữa. Dối trá là xấu lắm. – Cô nói nhẹ nhàng nhưng từng từ, từng chữ như cứa sâu vào lòng tôi. Tôi lí nhí:

– Vâng ạ.

Chiều hôm đó, tôi không đi chơi như mọi khi mà chui vào phòng trùm chăn kín mít. Tôi nhắm mắt nhưng không thể ngủ được, nỗi sợ hãi lấn át tâm hồn tôi. Chỉ nay mai thôi, chuyện này sẽ được nêu ra trước toàn trường, ai ai cũng sẽ biết tôi là một kẻ dối trá. Bố mẹ tôi sẽ ra sao khi biết mình sinh ra một đứa con dối trá? Và còn lớp tôi nữa, tôi có làm cô chủ nhiệm và bạn bè phải xấu hổ vì “dây dưa” với một đứa hư hỏng như tôi? “Phải cứu vãn cái gì còn có thể cứu vãn! Mình là người bỏ đi rồi nhưng không được làm ảnh hưởng thêm tới ai nữa!”. Tôi vùng dậy, bắt đầu viết ba bản kiểm điểm, một gửi cô Thơ, một gửi cô chủ nhiệm và một gửi chú Thành, trong đó tôi tường trình lại toàn bộ sự việc. Tôi nhận lỗi nhưng không xin tha thứ vì trong thâm tâm tôi hiểu tội tôi to lắm… Tôi chỉ xin đừng nêu việc này trước toàn trường để cô giáo chủ nhiệm và bạn bè không phải xấu hổ vì tôi, để danh dự của một tập thể lớp đứng đầu khối không bị bôi bẩn. Còn về phần mình, tôi sẵn sàng nhận án kỷ luật cao nhất: buộc thôi học.

Những ngày tiếp theo sau đó tôi sống trong sự thấp thỏm chờ đợi cái án kỷ luật nhưng mãi không thấy. Dường như mọi người đã quên hẳn lỗi lầm của tôi. Một ngày cuối năm, khi chia tay với chúng tôi, cô Thơ nói:

– Tập thể lớp của các em tuy rất hiếu động, nghịch ngợm nhưng cô nhận thấy sự đoàn kết yêu thương nhau và sự hết lòng với tập thể lớp của mỗi cá nhân.

Cô ngừng lời ở đó và mỉm cười với tôi. Nụ cười kín đáo chứa đựng thông điệp: các thầy cô và chú Thành đã tha thứ cho tôi rồi.

Đã ba năm trôi qua, mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn tự hỏi nếu ngày đó không có sự bao dung, rộng lượng của cô Thơ, cô chủ nhiệm và cả chú Thành nữa thì tôi sẽ ra sao? Có thể tôi chỉ phải chịu một án kỷ luật nhẹ, có thể là nêu tên trước toàn trường… chỉ thế thôi cũng quá đủ cho một dấu chấm hết đối với một học sinh ngoan ngoãn. Một ai đó đã nói: “Đình chỉ học, buộc thôi học… án kỷ luật nặng nhẹ khác nhau nhưng đều làm một học sinh tuột dốc nhanh hơn mà thôi”. Sự bao dung của các cô và chú đã ngăn không cho tôi tự coi mình là người bỏ đi để mà tự do tuột dốc, để giờ đây tôi luôn cố gắng phấn đấu trở thành con người trung thực và để câu chuyện này mãi là lần mắc lỗi đầu tiên và duy nhất của tôi.

Thu Thủy (Tổng hợp)

 

Từ khóa tìm kiếm

0