06/05/2018, 10:35

Kể lại một việc tốt mà em đã làm hay đã chứng kiến ở trường – Văn mẫu hay lớp 5

Xem nhanh nội dung Kể lại một việc tốt mà em đã làm hay đã chứng kiến ở trường – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh An Giang Hôm qua. em đã làm được một việc thầy hiệu trưởng rất hài lòng. Vào giờ chơi, em ...

Xem nhanh nội dung

Kể lại một việc tốt mà em đã làm hay đã chứng kiến ở trường – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh An Giang

Hôm qua. em đã làm được một việc thầy hiệu trưởng rất hài lòng.

Vào giờ chơi, em và bạn Minh cặp kè nhau đi dạo trước hành lang các lớp. Chợt, chúng em thấy bốn năm em nhỏ lớp một đang tụm lại làm gì đó chẳng biết. Nhìn ra thì hai em đang chăm chú vẽ hình bông hoa lên tường phòng học. Các em đứng ngoài cũng phụ hoạ theo. Em lấy phấn xanh, em lấy phấn vàng tô thêm vào ra chiều thích thú lắm.

Thấy các em vui vẻ như thế, em cũng hơi đắn đo, nhưng rồi, em phải đến vỗ vai một đứa mà nói rằng:

–    Tại sao các em vẽ lên tường? Làm dơ tường hết.

Bạn Minh khuyên:

–    Mấy em bôi đi, kẻo chút nữa cô rầy đấy!

Các em nghe vậy, lật đật lấy bông phấn lau túi bụi mà có sạch đâu. Em mới lấy giẻ nhúng nước lau phụ.

Đang lúc ấy thì thầy hiệu trưởng đủng đỉnh đi lại. Nghe em kể hết sự việc, thầy nói: “Các con thật xứng đáng là đàn anh của mấy em nhỏ”.

Được khen, hai đứa em nhìn nhau mà lòng lâng lâng sung sướng.

Kể lại một việc tốt mà em đã làm hay đã chứng kiến ở trường – Bài làm 2

Như thường lệ, sáng hôm ấy, tôi tung tăng cắp sách đến trường để làm trực nhật. Đang thong dong, bỗng tôi nhìn thấy một vật gì trên đường. Tôi chạy tới ngó xem. A! Đó là một ví da. Vì vội, tôi nhét luôn vào cặp.

Lớp vẫn còn vắng. Tôi ngồi vào chỗ, lấy ví ra, nhét vào ngăn bàn. Mân mê cái ví đẹp, tôi chợt tò mò, không biết trong ví có gì nhỉ. Nghĩ vậy, tôi liền mỏ ví ra. Ôi! Nhiều tiền quá! Những xấp một trăm nghìn mới cứng hiện ra trước mặt tôi. Tôi run và lo sợ. Tôi thầm nghĩ: “Ai mà ẩu thế nhỉ! Từng này tiền mà để mất!” Cả buổi học hôm đó tôi không thể tập trung nghe giảng được. Tôi cứ chăm chú được chốc lát thì cái ví lại hiện ra. Cuối buổi học, tôi đi về mà lòng ngổn ngang những ước muốn, những ý nghĩ. Tôi muốn nhiều thứ lắm: nào là để dành tiền vào heo đất, nào là mua truyện tranh, mua quần áo mới và đồ dùng học tập. Bỗng, tôi thấy mình như có tội. Tôi nên mua hay nên trả lại đây. Tôi đứng sững người lại đắn đo một lát rồi nghĩ: “Chắc người mất ví này buồn lắm”. Thế rồi, tôi quyết định chạy đến đồn công an khai báo. Đồn công an là một ngôi nhà nhỏ ở góc chợ. Tuy bé nhưng đồ đạc trong phòng xếp gọn gàng, ngay ngắn. Ngồi làm việc là một chú công an chừng ba mươi tuổi. Khi tôi rụt rè bước vào, chú ngẩng mặt lên. Đôi mắt chú sáng ngời, mỉm cười hỏi:

– Có chuyện gì vậy cháu!

Lời nói âu yếm của chú làm bao âu lo trong tôi tan biến hết. Tôi lễ phép trình bày mọi chuyện. Lúc đó, có một cô gái hớt hơ hớt hải chạy vào. Mồ hôi nhễ nhại, cô kể lể với chú, mắt rớm lệ. Tôi cầm ví lên hỏi:

– Có phải ví này không cô?

Cô mừng rỡ, nét mặt hân hoan cảm ơn tôi. Cô còn cho tiền nhưng tôi đã nói:

– Không, cháu không nhận đâu cô ạ. Chỉ cần cô nhận lại được cái ví là cháu vui rồi. Nhặt được của rơi trả lại người mất là trách nhiệm của một đội viên, cô ạ.

Tôi chào chú công an ra về. Tôi đi rồi mà cô gái vẫn đứng nhìn theo, mắt ngơ ngác. Còn tôi cảm thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm: Tôi đã làm được việc có ích.

Cho đến giờ, mỗi lần nghe những câu chuyện nói về tấm gương người tốt việc tốt tôi lại nhớ đến lần đó. Và tôi lại mỉm cười. Kỉ niệm đó sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi.

Kể lại một việc tốt mà em đã làm hay đã chứng kiến ở trường – Bài làm 3

Lâu nay, cả lớp em đều gọi bạn Lâm là “Lâm tồ”. Nhưng trong sự việc mà em chứng kiến ở trường sáng nay. Lâm hoàn toàn không “tồ” chút nào cả. Chắc từ nay, em gọi bạn ấy là “Lâm tuyệt vời” mới đúng.

Sáng nay, em đến trường hơi sớm. Vừa tới cổng là em gặp bạn Lâm. Chúng em cùng đi vào. Qua cổng, chúng em đi nép theo hành lang để lên cầu thang ở phía cuối dãy nhà. Một nửa sân trường bị rào chắn vì dãy nhà phía đối diện đang được xây dựng thêm tầng lầu. Nhà trường -đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần lệnh cấm học sinh vượt qua rào chắn để đề phòng tai nạn.

Thợ xây dựng khi đó cũng đã bắt đầu làm việc, đang chuyển gạch, vữa được đưa từ dưới đất lên cao trong những xô sắt buộc dây kéo bằng ròng rọc. Gạch chất đầy xô khiến dây kéo căng và ròng rọc kêu lên kin kít. Em nhìn thấy hai cậu học sinh lớp Hai đi bên trong rào chắn, tinh nghịch nhảy qua những đống cát và leo qua đống gạch. Em bảo Lâm:

–     Hai đứa nhỏ kia nghịch quá. Đi thế mà gạch nó rớt cho một viên xuống đầu thì chỉ có chết.

Lâm quay nhìn rồi nói:

–     Nguy hiểm thật! Để mình gọi chúng nó lại.

Vừa nói xong thì Lâm đã vút lao đi. Chưa kịp hiểu ra sao, em đã nghe một tiếng xoảng đến rợn người.

Em nghe tiếng người xôn xao, tiếng những bước chân chạy rầm rập. Rồi là những câu nói:

–     May quá!

–     Trời ơi, thật khủng khiếp!

–     May quá! May quá!

Em chạy tới, len qua mấy người phía trước. Em thấy Lâm đang chống tay ngồi dậy. Ngay trước mặt Lâm, hai cậu học trò lớp Hai nằm sóng xoài cũng đang ngóc đầu lên, hai tay bịt lấy đầu, mặt tái xanh, mắt nhìn như lạc đi. Phía sau Lâm, cách chừng một bước, cái xô sắt bẹp nằm giữa những viên gạch đổ tung tóe.

Em đến đỡ Lâm đứng dậy. Em hỏi nhỏ:

–      Lâm có sao không?

–      Hình như hơi đau ở chỗ gót chân thôi.

Những người khác cũng đến đỡ hai chú bé kia dậy. Em dìu Lâm đi về phía lớp. Em lại hỏi:

–      Sao mà Lâm biết kịp?

–      Mình nhìn thấy sợi dây đã bị đứt một nửa. Lúc ấy, mình không kịp gọi chúng nó.

Thật may cho hai cậu bé và cũng may cho Lâm, Lâm đã kịp đẩy hai đứa ra và Lâm cũng thoát chỗ gạch rơi vừa đúng một bước chân.

Không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có hành động dũng cảm kịp thời của Lâm.

Lúc đó các bạn cùng lớp em đến trường khá đông. Ai cũng đến với Lâm một cách thân thiết. Mắt bạn nào cũng biểu lộ sự cảm động và tự hào.

Kể lại một việc tốt mà em đã làm hay đã chứng kiến ở trường – Bài làm 4

Đến bây giờ, dù hai đứa học hai trường khác nhau nhưng tôi vẫn đến nhà và chơi với Sinh. Tôi rất cảm phục Sinh vì những việc mà Sinh đã làm cho Mai – người hàng xóm và cũng là bạn học của tôi và Sinh hồi tiểu học.

Ngày ấy tôi lên lớp Năm. Lớp tôi học có nhiều bạn chuyển đến lắm, nên lớp không được đoàn kết. Giờ ra chơi, ai mới chuyển đến, không quen biết bạn thì phải chơi một mình, còn những người học lớp cũ thì có bạn cũ để chơi. Tôi chơi thân với Mai từ hồi học mẫu giáo. Hai đứa nhà đều gần nhau, bố mẹ lại là bạn thân nên tôi coi Mai như em. Gia đình hai nhà khá giả nên tôi và Mai được đi học thêm ở nhiều nơi và tham gia nhiều câu lạc bộ thể thao, văn hóa. Lúc nào hai đứa cũng liền với nhau. Trong số những bạn mới vào lớp có bạn tên là Sinh, vừa ở quê ra. Chắc vì hay đi chơi nên da bạn đen nhưng khỏe. Sinh lầm lì, ít giao tiếp nhưng học rất giỏi và có tài. Sinh biết đánh đàn oóc-gan. Cứ đến giờ hát là Sinh lên đánh đàn, lại hát mẫu cho cả lớp. Chúng tôi phục Sinh lắm. Một lần tôi và Mai ra Hồ Tây chơi. Thấy nước mát, Mai đi xuống những bậc thang dưới hồ múc nước rửa tay. Mai cuối xuống bỗng trượt chân ngã. “Mai không biết bơi”. Tôi nhớ ra. Tôi định trèo xuống, bơi cứu Mai thì chân tôi bị chuột rút. Tôi sợ quá, kêu to: “Cứu, cứu với, có người chết đuối”. Chưa kêu hết câu, tôi thấy có bóng đen lao xuống nước. Tôi lết ra, Sinh, đúng cậu ấy. Sinh dìu Mai vào bờ. Mai ngất đi. Tôi phải hô hấp nhân tạo cho Mai và hét to: “Đi gọi bác sĩ”. Sinh vù đi. Năm phút sau, bác sĩ đến… Mai nằm khóc, bố mẹ Mai cũng thế. Tôi ngồi nắm chặt tay Mai. Mẹ Mai dựa đầu vào vai bố Mai nấc lên từng tiếng rõ rệt. Bác sĩ đã cố hết sức, nhưng cánh tay phải của Mai đã vĩnh viễn không cử động được. Từ đó Mai lầm lì, mặc cảm với chính mình. Chỉ có tôi và Sinh – ân nhân của Mai – là có thể lại gần Mai. Làm sao Mai có thể đi học? Tôi hỏi Sinh, Sinh trả lời ngay: Tập viết lại bằng tay trái. Hằng ngày, dưới sự hướng dẫn của Sinh và góp ý của tôi, Mai phải tập viết. Năm tháng trôi mau, Mai phục hồi nhanh chóng và chẳng bao lâu đã thích ứng với hoàn cảnh. Tôi luôn bên Mai an ủi và Sinh luôn có mặt kịp thời, khi có kẻ nào chế giễu Mai hay trêu chọc hai chúng tôi. Mai vui dần lên, cười nhiều hơn và học vẫn giỏi như xưa. Cho đến cuối năm học, tôi và Sinh được nêu gương tốt toàn trường. Tất nhiên cả ba đứa đều là học sinh xuất sắc. Vài hôm sau đó, Sinh hớt hải chạy đến nhà Mai, vui mừng giơ tờ giấy vẫy vẫy, hét to: “Có tin mừng, Mai, Lan ơi!”. Tôi giật giấy, đọc lướt nhanh và hét lên: “Mai ơi, Bác sĩ bảo nếu cố gắng luyện tập, tay phải của cậu sẽ cử động được đấy”. Khỏi nói bạn cũng biết sự vui mừng của tôi và Mai, cả Sinh nữa. Tôi cảm ơn Sinh, cảm ơn bác sĩ là ba Sinh. Mai cố bóp tay, động tác đơn giản nhất. Rồi dần dà, Sinh cho Mai tập gập tay, cử động ngón tay và cuối cùng là cầm bút viết. Mai đã thành công.

Qua năm lớp 6, Mai đã hoàn tất bình phục. Bây giờ, tuy không học cùng Mai, Sinh nữa, nhưng tôi sẽ nhớ mãi kỷ niệm đẹp của ba đứa chúng tôi. 

Thu Thủy (Tổng hợp)

0