06/02/2018, 15:18

Kể lại chuyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, tưởng tượng một đoạn kết khác với tác giả dân gian

Thục phán An Dương Vương – vua nước Âu Lạc xây thành ở Việt Thường. Nhưng lạ thay, hễ đắp tới đâu thì thành lở tới đó. Vua bèn làm lễ cầu đảo bách thần. Hôm sau, có xứ Thanh Giang là một con Rùa Vàng đến từ phương Đông nổi lên giúp vua xây thành. Thành xây hơn nửa tháng thì xong. Thành rộng ...


Thục phán An Dương Vương – vua nước Âu Lạc xây thành ở Việt Thường. Nhưng lạ thay, hễ đắp tới đâu thì thành lở tới đó. Vua bèn làm lễ cầu đảo bách thần. Hôm sau, có xứ Thanh Giang là một con Rùa Vàng đến từ phương Đông nổi lên giúp vua xây thành. Thành xây hơn nửa tháng thì xong. Thành rộng hơn ngàn trượng, có hình xoắn ốc nên được gọi là Loa Thành.

Thành xây xong, Rùa Vàng ở lại ba năm rồi từ biệt nhà vua. Trước khi ra về, Thần Kim Quy còn tặng cho chiếc vuốt để làm lẫy nỏ thần. Nỏ thần làm xong được gọi là “Linh quang Kim Quy thần cơ”. Nhờ có nỏ thần, An Dương Vương đánh bại quân Triệu Đà khi chúng sang xâm lược.

Triệu Đà lập kế cầu hôn con gái An Dương Vương là Mị Châu cho Trọng Thủy con mình. Nhà vua vô tình đồng ý. Trọng Thủy dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm đổi mất lẫy thần mang về phương Bắc. Trước khi từ biệt Mị Châu, Trọng Thủy hỏi: “Nay ta trở về không biết khi nào mới trở lại. Nếu sau này có biến thì biết làm sao để nhận ra nhau?”. Mị Châu đáp: “Thiếp có tấm áo lông ngỗng, sau này đi tới đâu thiếp sẽ rải lông ngỗng tới đó”.

Ít lâu sau, Triệu Đà phát binh đánh Âu Lạc. Nghe tin, nhà vua vẫn ung dung đánh cờ mà rằng: “Đà không sợ nỏ thần sao!?”. Giặc đánh tới nơi, nhà vua mang nỏ ra bắn thì thấy không hiệu nghiệm. Mất nỏ thần, An Dương Vương thua trận, cùng Mị Châu chạy về phuoeng Nam. Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng mà đuổi theo nhà vua. Nhà vua chạy về phía biển, đường cùng bèn gọi sứ Thanh Giang. Thần Kim Quy hiện lên hét lớn: “Giặc ở đằng sau phía nhà vua đó!”. An Dương Vương tuốt gươm chém Mị Châu. Nàng khấn rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha thì chết sẽ biến thành cát bụi. Ngược lại nếu bằng lòng trung hiếu mầ bị kẻ khác dối lừa thì chết sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Nàng chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. An Dương Vương theo Rùa Vàng xuống biển.

Trọng Thủy đến nơi thấy xác Mị Châu nằm đó tang thương đau xót. Chàng ôm lấy vợ khóc thảm thiết ba ngày ba đêm ngồi ngất lịm đi.

Khi chàng tỉnh dậy thì bàng hoàng nhận ra  mình đang ở giữa mênh mông biển nước. Xung quanh lúc ấy chỉ có nước và những đàn cá tung tăng bơi lội.

Trọng Thủy ngơ ngác dấn bước đi miễn cưỡng và không phương hướng. Vừa đi ra khỏi đám san hô, chàng bị bốn năm hình quân quái lạ mình người đầu tôm cá từ đâu kéo đến trói chặt đưa đi. Trọng Thủy được đưa đến một cung điện nguy nga lộng lẫy. Những ngôi nhà tráng lệ sáng trưng màu ngọc, có đầy đủ lính canh và người hầu ra vào tấp nập. Qua bốn năm lần cửa canh như thế, Trọng Thủy bị bắt vào quỳ ở trong đại điện. Một tên lính trong nhóm người kia cũng quỳ xuống và thưa:

– Thưa công chúa! Bọn thuộc hạ bắt được tên này ở ngoài cổng điện. Xem chừng hắn đến đây có ý gian tà, xin công chúa đưa ra xét tội.

Người ngồi trên kia lên tiếng. Trọng Thủy nghe thấy quen quen nhưng mặt người kia che kín nên chàng không nhìn rõ. 

– Này, anh kia! Anh từ đâu tới mà lạc đến đây?

– Dạ, bẩm! Tôi người trần, vì đau xót người vợ đã vì tôi mà chết oan nên ôm nàng trên bờ biển. Nào ngờ sương gió cuốn hồn tôi đến tận nơi đây.

– Vậy anh tên gì?

– Tôi là Trọng Thủy, là con trai của Triệu Đà Vương.

– Ta nghe nói ở trên trần, ngươi gây ra nhiều tội ác cho nhân dân Âu Lạc, khiến họ vô cùng oán thán. Điều đó có đúng hay không?

Trọng Thủy vô cùng ngạc nhiên. Không ngờ một người vô cùng xa lạ lại biết ngọn nghành chuyện của mình. Biết là không thể chối, Trọng Thủy bèn viện lí do:

– Thực tình tôi cũng làm theo ý của vua cha.

– Nhà ngươi lại còn định chối tội hay sao? Người ngồi trên điện kia nổi nóng. Nhà ngươi vờ sang Âu Lạc cầu hòa, xin cưới công chúa Mị Châu để chờ cơ hội trộm nỏ thần đã là một tội. Tàn bạo hơn, ngươi lại cho quân sang giày xéo bờ cõi nước Nam làm cho muôn dân kêu gào trong đau khổ. Không những thế, nhà ngươi còn nhẫn tâm bức chết vua Âu Lạc, bức chết người vợ thủy chung mà ngây thơ dại dột của mình. Với bằng ấy tội danh, nhà ngươi còn muốn đổ lỗi cho ai?

Trọng Thủy tái mặt, không biết người ngồi trên điện là ai. Nhưng sợ quá, chàng cúi đầu nhận tội:

– Thưa công chúa! Tôi biết mình mang tội lớn nhưng tôi một lòng yêu quý Mị Châu, ngày đêm mong ngóng được gặp nàng để bày tỏ lỗi lòng ân hận.

– Bây giờ nhà ngươi mới hối hận thì giải quyết được gì đâu?

– Tôi biết vậy. Nhưng Mị Châu vì rất yêu thương tôi mà nghe tôi tất cả. Tôi yêu thương nàng thật, tôi đã lừa dối trái tim trong trắng của nàng nên tôi day dứt lắm. Đến khi nàng mất đi rồi thì tôi mới biết dù có là vua Âu Lạc nhưng nếu mất Mị Châu, cuộc sống của tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tôi rất muốn gặp nàng để ít nhất để nói với nàng sự hối hận của tôi.

– Trọng Thủy! Hãy ngẩng mặt lên và xem ta là ai?

– Nàng là…Mị Châu!

– Vâng, Thiếp đúng là Mị Châu. Sau khi thiếp chết đi, vua Thủy Tề đã rất thương tình mà nhận thiếp làm con gái. Vì thế thiếp mới được ở nơi đây.

– Mị Châu! Ta xin lỗi nàng. Vì ta mà nàng phải chịu bao nhiêu đau khổ. Bấy lâu nay ta chỉ ước được gặp nàng. Ta sẵn lòng bỏ đi tất cả để được cùng nàng sống trong hạnh phúc. Hãy tha thứ cho ta.

– Thiếp mừng vì chàng đã tìm ra lỗi lầm. Nhưng chúng ta không thể sống với nhau. Nếu làm như vậy, người đời sẽ nhạo báng chúng ta mãi mãi. Không được sống với nhau coi như là sự trừng phạt xứng đáng với những lỗi lầm quá lớn của chúng ta ở trên hạ giới. Thiếp đã đợi ngày này từ rất lâu rồi và chỉ để chỉ nói với chàng một câu thôi: hãy sống sao cho tốt những ngày sắp tới để bù đắp cho những gì chúng ta đã gây ra.

Mị Châu vừa nói dứt câu thì cả cung điện nguy nga bỗng biến ngay đâu mất. Xung quanh vắng lặng chỉ còn trơ lại một mình Trọng Thủy. Chàng ân hận mà lặng câm không nói được. Vết nhơ mà chàng đã gây ra có lẽ chỉ nước biển Đông xô dạt ngàn đời mới xóa được.

Từ khóa tìm kiếm

0