18/06/2018, 17:08

Hồ Quý Ly – Đấng minh quân cải cách hay kẻ gian hùng

Vở tuồng Hồ Quý Ly, Nhà Hát Lớn Hà Nội Lê Chí Hiếu Vốn dĩ dòng chảy của lịch sử Việt Nam theo tư tưởng nho giáo không đánh giá các triều đại mà ông vua đầu tiên của những triều đại ấy không cam phận tôi đòiđoạt lấy ngôi vị một cách chẳng êm thấm là các triều đại chính thống, chính ...

hoquyly02_axkv.jpg

Vở tuồng Hồ Quý Ly, Nhà Hát Lớn Hà Nội

Lê Chí Hiếu

Vốn dĩ dòng chảy của lịch sử Việt Nam theo tư tưởng nho giáo không đánh giá các triều đại mà ông vua đầu tiên của những triều đại ấy không cam phận tôi đòiđoạt lấy ngôi vị một cách chẳng êm thấm là các triều đại chính thống, chính vậy trong Toàn Thư mới có mục phụ(thêm) vào ví thử như Dương Nhật Lễ ở nhà Trần, Lê Nghi Dân ở nhà Lê hay nặng hơn là tiếng ngụy được đặt cho ba triều đại ngụy Hồ, ngụy Mạc, ngụy Tây Sơn. Cái tên ngụy chết mãi cho các chế độ thua cuộc về sau trong lịch sử đương đại.

Các ông Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dungbị phê phán như những kẻ trộm cắp cưỡng đoạt ngôi báu với nhiều tội trạng trong phần sử cũ. Các ông Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đại diện cho thứ giặc ngụy cần phải tiêu diệt cho tiệt gốc rễ trong sử nhà Nguyễn.

 Ba triều đại bị coi là ngụy ấy bị đánhtơi tả trong sử cũ, được nâng, hạ bình công xét tội trong sử mới. Chuyện ấy chắc còn phải bàn nhiều nhưng có một điều khá rõ ấy là về mặt đối ngoại với chính quốc phương Bắc, mỗi triều đại lại một cách giải quyết riêng lẻ, có thành có bại tựu chung nó trở thành những bài học cho chúng ta tới tận ngày nay.

Chống cự rồi bị tiêu diệt, xin hàng, ngoại giao, đút lót, thuần phục để giữ được quyền lực hay vừa đánh vừa hàng, vừa ngoại giao vừa đút lót để tranh thủ quãng nghỉ ổn định sức mạnh cũng đã được phân tích rõ ràng.

Mỗi ông vua đầu tiên khai quốc cho mỗi triều đại ấy lại có những số phận khác nhau. Ông Thái Thượng Hoàng Hồ Quý Ly cùng với vua con Hán Thương chết thảm trên đất khách trong cảnh ngục tù. Ông Thái Thượng Hoàng Mạc Đăng Dung có thể chết viên mãn tại Dương Kinh quê mình bởi triều đại của ông còn kéo dài thêm nhiều năm sau nữa. Hai ông vua anh, vua em dù cho phải chia nhau thiên hạ thì cũng được chết trên ngôi cao Hoàng Đế của mình.

 Thời hiện đại trong không khí thoát Trung cuồng nhiệt, trong con mắt nghiên cứu bởi nhiều nguồn sử liệu phong phú làm cho những ai yêu sử, thích sử đều tìm cách đánh giá lại những thân phận hoàng gia đã trở thành cát bụi ấy.Hồ Quý Ly ( Lê Quý Ly) ông vua đầu của Đại Ngu( Đại Việt) là một trong những trường hợp như vậy.

Về mặt xuất thân ông Lê Quý Ly, chúng tôi nhận thấy rất nhiều nét đặc biệt. Đối với nhà Trần, triều đại mà ông phụng sự thì ông thuộc về phần ngoại thích. Quý Ly lọt được vào triều bởi những bà cô ruột được nạp Phi rồi ở ngôi Thái Hậu khi mà tập tục hôn nhân ruột thịt đã làm cho gen của dòng họ này thái hoá nghiêm trọng. Nhưng chúng tôi cũng không phủ nhận cái thế lực họ Lê xứ Thanh của dòng họ mà Quý Ly là một thành viên. Ông Đại Hành Hoàng Đế của nhà tiền Lê mặc dù phần quê gốc còn nhiều tranh cãi nhưng rõ ràng cũng giống như cha ông Hồ Quý Ly, ông được dòng họ Lê ở Thanh Hoá nhận làm con nuôi. Thời kỳ của các ông hào trưởng quyền lực nhỏ còn phân khắp đi kèm với quyền ông vua hào trưởng lớn nhất luôn có những mối ràng buộc đan xen. Dòng ông Lê Đại Hành trước đây tiếp quản đất họ Kiều, Phú Thọqua có mấy đời đã được làm thông gia với họ Lý cầm quyền tại Thăng Long.

Quyền lực các dòng họ có thể bị khuất lấp nhưng không hề mất đi bởi đặc thù triều đại Việt Nam thời Lý Trần là mối quan hệ giữa vua- ông chủ đất lớn và quần thần – các ông chủ đất nhỏ. Ông hoàng Chiêu Văn Nhật Duật lấy chính phu nhân họ Lê là người Thanh Hoá, ông tướng Lê Tần lấy vợ cũ Chiêu Hoàng của Thái Tông, ông Trần Bình Trọng chỉ huy Thánh Dực với câu nói nổi tiếng “ thà làm quỷ nước Nam còn hơn vương đất Bắc”lấy một bà công chúa goá chồng của họ Trần cũng chẳng là gốc họ Lê đó sao! Hệ thống quan lại nhà Trần vốn chỉ được coi là những kẻ giúp việc trong gia đình. Đánh Nguyên thì bàn chuyện trong nhà có thông thì mới hỏi sang các họ khác mà cái gọi là hội nghị Bình Than hay Diên Hồng là minh chứng. Hịch Tướng Sĩ chẳng dùng lời chủ nói với đày tớ trước họa có kẻ cướp sắp vào nhà chủchứ tiệt không tới chuyện quân thần như trong Khổng Giáo.

 Xuất phát điểm tốt như vậy trước những mối quan hệ huyết thống ràng buộc với họ Trần thì ông Lê Quý Ly không được dùng mới là lạ.

Nhưng để thoát khỏi cái cảnh viên quan chép sử trong nhà hay thằng bé thư nhi của Lê Văn Hưu và Trương Hán Siêu thì lại phải căn cứ vào thời điểm. Ấy chính là thời điểm mà các ông con nhà đánh cá không muốn xăm mình, không muốn chỉ đặt niềm tin vào người trong họ mà tin dùng các anh học trò mặt trắng mà Đoàn Ngữ Hải là một điển hình thì thực sự Lê Quý Ly mới có đất dụng võ, hiển nhiên khác với các trường hợp bị ruồng bỏ khi Nghệ Tông dành lại được nước từ thằng cháu giả Nhật Lễ muốntrở về thói cũ dùng người trong họ thì Lê Quý Ly đã lại đứng kề bên trong hàng thân thuộc bởi ông đã kịp làm rể họ Trần lấy vợ goá của một Thân Vương, người sinh ra Hồ(Lê) Hán Thương ông vua thứ hai của Đại Ngu sau này.

I.

Bước chân vào chính trường nhà họ Trần với địa vị của người nhà, dần dần Lê Quý Ly bước tới những nấc thanh cao nhất của danh vọng, nhưng bồi cao cho nấc thanh ấy có phải là chiến công? Cái đó, lại phải xem xét cho thấu đáo, xét về mặt học thức thì Lê (Hồ) Quý Ly, Trần( Đỗ) Khắc Chung, Đoàn Ngữ Hải… là những người làm quan tắt, nghĩa là lập được công lao khi chưa đỗ đạt gì nhưng khác với Ngữ Hải và Khắc Chunglập công cho chủ khi là quân canh kho gạo muối, là anh khoá sinh trọ học, với Quý Ly trạng đầu có nhẽ chỉ mang tính chất của con cháu trong nhà tham gia việc giúp cho anh họ. Bởixét về mặt huyết thống thì hai người cô của Quý Ly là mẹ đẻ của hai vua Nghệ Tông, Duệ Tông nhà Trần mà gắng sức giúp anh cùng đòi ngôi báu.

Có được nền tảng như vậy, ngay khi lên ngôi Nghệ Tông đã bắt đầu tin dùng Quý Ly như một kiểu thân tín, tâm phúc. Những lần đụng độ với quân Chăm có thể giúp cho ông kinh nghiệm trận mạc chứ chưa thấy việc chứng tỏ tài năng quân sự của mình. Trong công cuộc góp công vào việc đưa Cung Định Vương- Nghệ Tông lên ngôi cũng vậy. Theo Toàn Thư chỉ thấy tiếng nói của Thiên Ninh công chúa và Cung Tuyên Vương Trần Kính, Thượng Vị Hầu Trần Nguyên Đán… là quan trọng, nhưng cũng có thể trong đám quân tướng gia nhân dưới quyền dưới ấp đó có sự góp mặt của Lê Quý Ly?.. Dưới triều của Nghệ Tông, khi người Chăm chứng tỏ sức mạnh với ông vua kiệt hiệt Chế Bồng Nga trong những lần tấn công ra Thăng Long đến mức vua tôi nhà Trần phải bỏ chạy sang Đông Ngàn thì chỉ thấy sự xuất hiện của Cung Tuyên Vương Trần Kính, cắt đặt phòng thủ, tính đường phản công khi quân Chăm rút về.

Lần xuất hiện của Chế Bồng Nga trên đất Bắc đầu tiên ấy cũng chính là lí do mà Lê Quý Ly bắt đầu bước ra ánh sáng. Giặc tớithì tháng8 Quý Ly được cử vào Nghệ An vỗ về dân chúng ngay sau cái họa phương Nam. Tháng 9được gia phong Thượng Vị Hầu, lĩnh một công tác mang tính nghi lễ ngay tại quê gốc của mình chắc hẳn đã mang lại cho Lê Quý Ly nhiều điều thuận lợi, ngay tại đây trong thời gian ngắn chắc chỉ đủ cho ông báo công với họ gốc hay phát chẩn được vài đấu gạo nhưng dù sao nó cũng thể hiện rõ ràng về hình ảnh của một ngôi sao đang lên với áo gấm về làng.

Soi ngược về nhiều năm về trước, một ông Trần Lãm giang hồ mới sang có một đời chiếm được khu bãi bồi Bối Hải Khẩu mà trở thành một thế lực sứ quân. Họ Trần lênh đênh sông nước xuôi nam từ miền Mân Triết bên Tống sang được mấy đời mà thu được cơ nghiệp họ Lý, làm chủ Thăng Long.

Họ Hồ sang Việt đã nhiều đời từ thời Bắc Thuộc lại làm quan cai trị miền xa Trung Châu Bắc Bộ chắc hẳn qua nhiều thăng trầm của thời cuộc đã xây dựng cho mình một thế lực dù cho chưa thể khuynh loát được cả thiên hạ nhưng chắc hẳn không phải là không mạnh mẽ ở địa phương. Dấu vết của người trong họ Hồ lấy công chúa Nguyệt Đích thời nhà Lý là dẫn chứng cho cái thế lực hào mục địa phương ấy. Tới khi nó được kết hợp với thế lực họ Lê tại Thanh Hoá thì cái thế lực cũ kia càng được nhân thêm lên, việc hai bà vợ của ông Minh Tông là người họ Lê- Hồ hay một loạt những mối liên hệ khác mà chúng tôi đã liệt kê ở phần đầu bài xác nhận cho thế lực họ Lê là không nhỏ.Nó cũng cho thấy tầm nhìn của ông vua không muốn làm vua Nghệ Tông đó là củng cố thế lực phía dưới yểm trợ mình.

 Nhưng nếu chỉ có vậy thì Lê Quý Ly cùng lắm cũng chỉ đạt tới tước vị của một viên quan hàm nhất phẩm. Nhưng không, số phận mỉm cười với ông khi mà người con mạnh mẽ duy nhất của họ Trần là Duệ Tông tử trận kéo theo 12 vạn tinh binh trong một canh bạc tất tay tại thành Đồ Bàn xứ Chăm.

II.

          Duệ Tông Trần Kính vốn dĩ muốn làm một chiến tướnghết lòng phù trợ anh trai ruột xét về đàng cha, anh trai họ xét về đàng mẹ và bản thân cũng được tưởng thưởng xứng đáng. Đặt lên ngôi báu là trường hợp duy nhất được anh trai chủ động nhường ngôi cho. Nghệ Tông thực sự tin tưởng em trai mình, người em trai đã cùng với người chị gái hợp sức đòi lại ngôi báu từ tay ông cháu giả kiêm con rể mình Dương Nhật Lễ. Theo thông lệ Nghệ Tông lên Thái Thượng Hoàng nắm giữ về mặt tổ chức củng cố còn người em trai Hoàng Đế thì nắm vững quân đội trong hoàn cảnh mà Bắc, Nam đều có những biến động có thể gây bất lợi cho họ Trần.

Xét về mặt thời điểm quyết tâm đánh Chăm của Duệ Tông là đúng bởi mặt đối nội hiện tại ngôi báu đã trở về với đại thống, anh em ông không còn chịu sự chi phối của bà mẹ đích Thái Hậu Hiến Từ.

Thái Hoàng Thái Hậu Hiến Từ người họ Trần là vợ và cũng là em họ gần vua Trần Minh Tông, trên phương diện bảo thủ của hôn nhân cận huyết của họ Trần thì ngôi báu theo lệ phải thuộc về người phải có cha và mẹ là họ Trần. Minh Tông có cha vợ là ông tướng Trần Bình Trọng không thuộc họ Trần nhưng mẹ vợ ông thì lại là con ruột của Trần Thái Tông, công chúa Thuỵ Bảo, chính vì vậy hiển nhiên ông vẫn được tính. Hiến Từ đã thua ở ván bài phế lập thứ nhất khi Minh Tông nhường ngôi cho Hiến Tông, anh cùng cha cùng mẹ với Nghệ Tông sau này. Ở ván này không những Hiến Từ thua mà còn thua đau, kết quả là Đại Vương Trần Quốc Chấn cha bà – ông chú ruột của đương kim hoàng đế Minh Tông bị chính ông cháu, ông con rể giết chết. Nhưng thật may mắn cho Hiến Từ là ông Hiến Tông chết trẻ không con nối, trong lúc người chồng Thượng Hoàng Minh Tông đang bối rối thì lá bài huyết thống một lần nữa lại được đặt ra. Người con thứ do bà sinh với tư chất được cho là thông minh hơn người, hoàng tử Trần Hạo- Dụ Tông được chọn.

Dụ Tông lên ngôi khi còn nhỏ, cơ thể yếu đuối, do từ nhỏ bị ngã xuống nước lại được viên ngự y Trâu Canh đoán rằng bị vô sinh, mọi quyền hành vẫn thuộc ông Thượng Hoàng Minh Tông, mọi thứ chỉ trở nên náo loạn khi Minh Tông chết, Dụ Tông chính thức nắm quyền.

Ông vua- chủ vườn tỏi tại Thăng Long không có người kiềm chế tha hồ ăn chơi trác táng, để duy trì giống nòi hay thể hiện thói quen tình dục cận huyết của dòng họ xuất thân thuyền chài mà Toàn Thư còn nhắc tới việc để chữa bệnh vô sinh mà Dụ Tông còn thông dâm với chị gái cùng mẹ sinh công chúa Thiên Ninh, nhân vật ngự y Trâu Canh ra vào cung cấm chung chạ với cung nữ hay các công chúa, quận chúa… mà nhân vật Hà Ô Lôtrong Lĩnh Nam Chích Quái đã đề cập như một thứ điển hình trong sinh hoạt tình dục bừa bãi chốn lầu cao gác tía thời kỳ này. Mọi thứ chỉtrởnên bi đát khi Dụ Tông tối ngày đắm chìm trong tửu sắc, bài bạc. Mở sới bạc trong cung cấm, đi thuyền sang Mễ Sở đánh bạc tại nhà Trần Ngô Lang đến mức bị mất hay đặt cả ấn kiếm? để rồi khi chết, để vớt vát tính huyết thống của cả cha và mẹ đã cùng với bà Hiến Từ đặt Nhật Lễ con trai của Cung Túc Vương anh trai cùng cha cùng mẹ mình lên ngôi báu. Trường hợp Cung Túc Vương cũng là một bi kịch của thói hôn nhân cận huyết tới mức gen bị thoái hoá.

Cung Túc là con trưởng của Minh Tông, trưởng ở đây là con cả của hoàng hậu, chứ không xét về tuổi.Toàn Thư có nhắc tới việc tư chất không cao của ông Vương gia này, tư chất không cao là cách nói tránh có nhẽ Cung Túc mắc bệnh đao hoặc đần độn kết quả của việc hôn nhân cận huyết?

Câu chuyện về vợ Dương Khuông, anh nhà trò đã mang bầu từ trước sinh ra cho Cung Túc người con Nhật Lễ làm chúng ta nhớ tới câu chuyện Trần Cảnh, Trần Liễu, Chiêu Thánh thời trước. Nhật Lễ lên ngôi phong con ông chú Nghệ Tông lúc này là Cung Định Vương làm hoàng hậu có nhẽ đặt ra cho dòng dưới một sự tưởng thưởng và cũng khoá chặt đường lên ngôi của ông chú đầy uy tín này. Việc giết bà nội Hiến Từ có nhẽ nhằm thoát khỏi vòng kìm kẹp của bà để thoả chí vẫy vùng của một ông vua trẻ. Củng cố quyền lực giết chết các thân vương phản đối mà chồng, con công chúa Thiên Ninh là một điển hình có thể mang cho Nhật Lễ ảo tưởng về sức mạnh thực sự của mình. Việc ông ta muốn đổi từ họ Trần qua họ Dương có nhẽ chỉ là cái cớ để các ông chú khác khởi binh đòi lại ngôi báu của dòng họ bởi xét về mặt tổ chức thì quân đội nhà Trần ngoài quân số Thánh Dực, Thần Sách… thì sức mạnh tập chung ở đội quân gia binh của các quý tộc. Thay họ là động tới việc đổi huyết thống, đây là sự cấm kỵ trong việc chia sẻ hay tập hợp quyền lực của họ Trần. Nhật Lễ chắc hẳn không dại đụng tới điều này nếu muốn còn tồn tại. Bản thân bị lật đổ, ông ta còn được tha chết và giáng xuống làm Hôn Đức Công. Nhật Lễ do quá căm tức trước việc bị Thiếu Uý Trần Ngô Lang- ông này là tay chơi thân thiết với Dụ Tông, là tâm phúc của Nhật Lễ nhưng cũng thông mưu với Cung Định Nghệ Tông lừa dối mà bóp cổ chết ông này thì Nhật Lễ mới thực sự ký tên vào bản án tử hình dành cho mình.

Trở lại với chiến dịch bình Nam của Duệ Tông, khi mà mọi thứ đã đi vào ổn định, việc thanh toán mối nhức nhối này là việc chắc chắn phải làm.Mọi thứ được chuẩn bị chu đáo. Bỏ qua những điềm gở mà Toàn Thư có đề cập, thuyền qua Bát Tràng gặp đám ma, qua Kỳ La phải hiến tế người Phi yêu mến bà Nguyễn Thị Bích Châu – Chế Thắng Phu Nhân thì việc dừng chân luyện tập tại bãi cát dài cửa Di Luân rồi trong chớp mắt đổ bộ cảng Thị Nại đốt đồn Thạch Kiều trên đất Đồ Bàn đã mang cho Duệ Tông sự tự tin thái quá. Oai vệ trên con ngựa Nê Thông với giáp phục màu đen bên cạnh Ngự Câu Vương với giáp phục trắng, Duệ Tông ngạo nghễ tiến vào dưới cổng Đồ Bàn với quan quân sắp hàng như xâu cá để rồi khi phục binh Chế Bồng Nga ùa ra thì chở tay không kịp, Ngự Câu Vương bị bắt sống. Duệ Tông cùng một loạt đại tướng như Đỗ Lễ- người can vua cẩn trọng bị mắng mỏ là hèn nhát và bị cho mặc trang phục của phụ nữ,

Nguyễn Lạp Hoà, Hành Khiển Phạm Huyền Linh…bị giết chết. May mắn cho Hồ Quý Ly trong trận này là ông ta chịu trách nhiệm tải quân lương ở hậu quân mà thoát nạn. Từ dữ kiện đó chúng tôi nhận thấy trong triều đại của Duệ Tông xét về mặt đánh giá khả năng đối đầu quân sự thì Quý Ly không được xét vào hạng chiến tướng mặc dù việc tải lương là tối quan trọng trong các cuộc viễn chinh. Chi tiết dừng chân tại cửa Di Luân luyện binh cả tháng chắc hẳn là chờ cho lương thực mà Hồ Quý Ly kịp tải tới sau để quân đội đồng hành cùng tiến. Nhưng việc thất bại của chiến dịch cũng thể hiện tính nhanh chóng trở mặt gian hùng của Hồ Quý Ly trước một việc thất bại to lớn đã rồi.

III.

Đỗ Tử Bình là một viên quan mà số phận có nhiều thăng trầm trong sự nghiệp. Thuộc diện nho sinh mặt trắng, từng làm thị giảng, thầy dạy hoàng tử, lĩnh chức từ quan văn cho tới quan võ, chịu trách nghiệm đắp thành quản quân dân Hoá Châu, chống thế lực Chăm mới nổi. Đỗ Tử Bình bị quy trách nghiệm chính trong cái chết của Duệ Tông, ăn hớt 10 mâm vàng sống mà Chế Bồng Nga dâng lễ xin hàng, xúi giục Duệ Tông quyết chiến để dẫn tới cái chết, nắm hậu quân không cứu ứng cho vua mà bỏ chạy, tội trạng như vậy thì Đỗ Tử Bình dù có chết ngàn lần cũng không hết tội. Nhưng tội Đỗ Tử Bình liệu có to như vậy? Cái này còn nhiều ẩn số nhưng chắc hẳn người đóng cũi Đỗ Tử Bình hẳn là Hồ Quý Ly bởi chỉ có ông mới đủ quyền lực để bắt ông tướng này trong cảnh chạy trôi chết như vậy. Đỗ Tử Bình bị đóng cũi qua Thiên Trường, dân vùng thang mộc căm giận tới mức đem gạch đá ném lên thuyền chở cũi, thuyền này chắc hẳn là thuyền Hồ Quý Ly bởi sau đó vài năm người ta thấy ông cầm thuỷ binh cầm cự với Chế Bồng Nga. Có thể thấy trong cảnh ngặt nghèo như thế mà Hồ Quý Ly đã nhanh trí gông cổ Đỗ Tử Bình thì thấy ông gian hùng như thế nào. Bởi như theo quán tính của một ông vua có những xử trí chậm chạp như Nghệ Tông, quyết định gửi xe tù tới bắt Đỗ Tử Bình là hoàn toàn không thể, chưa kể đến khi Đỗ Tử Bình bị bắt về triều ông hạ chỉ trừng phạt nhưng lại tha tội chết và đồlàm lính. Trong khi nếu cứ căn cứ vào Toàn Thư thì tội của Tử Bình là lớn như thế nào!. Chắc chỉ có điên dại thì Nghệ Tông mới không xử ông ta tội chết, nhưng chắc hẳn cái gì cũng có nguyên do của nó. Trong cảnh rút chạy như vậy của đội quân chiến bại mà ông vua hiếu thắng Chế Bồng Nga sao không truy đổi tới tận cùng? Chắc hẳn cuộc rút binh của Đỗ Tử Bình vẫn quy củ cũng như cắt đặt khoá hậu cẩn thận mới ngăn được quân Chăm dừng lại sau chiến thắng vang dội như vậy. Ông ta chỉ bị đóng cũi khi Hồ Quý Ly cần một vật thế thân cho mình thoát tội bỏ chạy mà thôi. Dĩ nhiên tội bỏ chạy của Hồ Quý Ly vẫn bị xử lý, ta thấy 1377 vua Duệ Tông chết, mãi tới 1379 mới thấy Hồ Quý Ly xuất hiện, vậy hai năm đó ông đi đâu? Trong khi bị đồ làm lính năm trước,  năm sau đã thấy Đỗ Tử Bình mang quân đi chống cự Chế Bồng Nga và con rể- ông An Nam Quốc Vương phụ thuộc Chăm duy nhất Trần Húc. Dữ liệu 1379 Hồ Quý Ly được vua lấy làm Tiểu tư không kiêm Hành khu mật đại sứ như cũ chứng tỏ trước đó ông ta không còn ở chức vụ này mà bị giáng xuống, quãng thời gian này ta thấy xuất hiện việc tiến cử Nguyễn Đa Phương cộng với việcđiều chuyển vùng phòng thủ tại Thanh Hoá để ngăn cản quân Chăm,  chi tiết Quan Phục Đại Vương Húc – Ngự Câu Vương được người Chăm cử tới Nghệ An chiêu mộ dân chúng, nhều người theo giặc, cho thấy biên giới Việt Chăm hiện trồng lên nhau tới cả  Nghệ An. Trường hợp An Phủ Sứ Lê Guốc bị quân Chăm bắt tại Thăng Long, trước sự sống và cái chết  đã chọn mình thuộc về bề tôi thiên tử không bao giờ thèm khuất trước bọn man di chư hầu để rồi được truy phong tước Trung Vũ chửi giặc Thượng Vị Hầu. Lê Guốc là con Lê Quát vị cựu thần vốn họ Lê Thanh Hoá lại được coi là một trong những học trò giỏi của Chu Văn An người được phối thờ trong Khổng Miếu ( Văn Miếu) đương thời, chứng tỏ sau cái chết của Duệ Tông binh lực nhà Trần gần như trống rỗng tựa như nhà không cửa mà người Chăm thích vào lúc nào cũng được.Trong cơn biến loạn tại Thăng Long không một mảy may nhắc tới Lê Quý Ly, chắc hẳn khi này ông ta đang củng cố lại binh lực tại Thanh Hoá quê mình chứ không còn được gần gũi Nghệ Tông, Duệ Tông như trước. Có nhẽ ý tưởng Tây Đô và bộ tham mưu với một văn, một võ là khuynh đảo nhà Trần bắt đầu hình thành trong quãng này. Nó chính là kết quả của một quãng nghỉ, nhìn lại những sự kiện, tổng kết, phân tích chúng của ông Thái Tổ tương lai này. Theo Việt Sử Tiêu Án, Quý Ly từng đỗ thi Hương, lại đỗ khoa Hoành Từ nghĩa là người vừa có văn học chữ nghĩa lại biết cả văn cách, bài binh bố trận, thủa nhỏ học võ của Nguyễn Sư Tề cha của viên chiến tướng Nguyễn Đa Phương chứng tỏ nghề cung kiếm ông ta cũng thạo. Quá trình giáo dục một con người như vậy là rất căn bản và có điều kiện mà chỉ những quý tộc mới có được, điển hình ở trường hợp Trần Liễu giáo dục Trần Quốc Tuấn với ý định giành lại ngôi báu về cho dòng trưởng nhà Trần, thì ở Lê Quý Ly, mong muốn của gia đình đặt vào ông không phải nhỏ. Về chức cũ nhưng phải chia sẻ quyền lực với viên bại tướng nhưng cũng rất có văn học như Đỗ Tử Bình thì Lê Quy Ly phải làm gì ? Kết quả mà ông ta giành được cũng chính là kết quả tất yếu của hai năm ẩn mình chờ thời của một con rồng mới.

IV.

Lịch sử chính thống, không thấy đề cập tới những việc làm của Hồ Quý Ly từ cuối năm 1377- 1378, những hoạt động của ông sau giai đoạn đó lại nổi bật,vụt sáng. Sau thất bại của Đỗ Tử Bình năm 1378, quân Chăm vào Thăng Long, chắc hẳn trong thế không còn người để mà tin tưởng Thượng Hoàng Nghệ Tông phải nhớ tới người anh em họ thân tín Hồ Quý Ly.

Theo dữ kiện Toàn Thư khi Phế Đế lên ngôi thay cha, ông hoàng trẻ tuổi đã có một loạt thay thế nhằm củng cố quyền lực tập hợp quanh mình, các chỉ huy quân đội thường trực được thay đổi.Đỗ Tử Bình được dùng lại có thể thấy Nghệ Tông đã gần bước vào thế đường cùng trước sức mạnh của ông cháu Hoàng Đế.

Tất nhiên việc đưa người cháu, con của ông em Hoàng Đế vừa chết trận lên ngôi cũng đã mang tới cho Nghệ Tông sự chính danh trong việc đối ngoại với thế lực phương Bắc đang dần chuyển mình về thế chính thống sau một quãng dài chịu sự nô dịch của các bộ tộc du mục vùng Tiểu Á. Việc sang Trung Hoa báo tang giả thác về việc Duệ Tông đi tuần phương Nam chết đuối rồi người anh Thượng Hoàng không thu lại ngôi báu có thể có ý nghĩa chuyên chính Nho Giáo mà ngay cả Minh Triều khi đó cũng phải suy nghĩ, Thành Tổ nhà Minh chẳng đã đốt cháy Nam Kinh thiêu chết ông cháuHuệ Đế để cướp ngôi hay sao! Việc nhà Minh không quyết định tấn công Đại Việt trong lúc này đã minh chứng cho việc thực sự Trung Hoa trong thế vừa trải qua cơn binh biến cũng không nhất thiết phải biến cựu thuộc địa xa xưa này thành quận huyện để quản lý trực tiếp bằng mọi giá. Dĩ nhiên, hiện tượng trên cũng chỉ một phần nào thể hiện vị thế nước mẹ của Minh Triều đối với chư hầu chứ không nói lên toàn bộ dã tâm của họ khi ổn định được tình hình trong nước.

Chỉ tới khi việc danh không chính, ngôn không thuận của việc cướp ngôi của Hồ Quý Ly sau này mới tạo cớ cho nhà Minh quyết tâm thu lại thuộc địa nhưng đó cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm của những xô đẩy các dữ kiện lịch sử cùng diễn ra trong một thời kỳ nhất định.

Hồ Quý Ly quay lại triều đình kết hợp cùng với Đỗ Tử Bình mang quân thuỷ bộ đi chống quân Chăm, trong trận chiến này ta thấy rõ kỹ thuật phòng thủ của quân Đại Việt trên sông, đó chính là kỹ thuật đóng cọc gỗ tại cửa sông, đây có thể minh chứng cho kỹ thuật đóng cọc tại Bạch Đằng trong cuộc chiến với người Nguyên, nó thuần tuý là một kiểu phòng thủ giống như đắp luỹ trên bộ hay kiểu đăng bắt cá sau này. Trong một số cuộc khai quật vào thập niên 80 thế kỷ XX các nhà khảo cổ cũng chứng minh rõ ràng về kỹ thuật trên ( các cọc gỗ đóng theo phương thẳng đứng theo cách rung lắc, đầu hướng lên trên không hề bạt nhọn, nhằm mục đích chắn ngang các cửa sông hẹp…)

 Tại trận chiến này Hồ Quý Ly đã thể hiện sự quyết liệt với việc chém viên tướng Nguyễn Kim Ngao chỉ huy quân Thần Vũ  khi do dự không dám xông ra ngoài, việc chém một viên tướng dưới quyền giữa trận tiền là việc đã có nhiều tiền lệ nhưng riêng ở trường hợp này ta thấy nó chính là bằng chứng cho phép thử chống lại đương kim hoàng đế của ông đại thần này, chúng ta nhớ rằng Nguyễn Kim Ngao được bổ nhiệm ngay khi Phế Đế lên ngôi, có nghĩa chính Kim Ngao là vây cánh mới của ông hoàng trẻ.Ngay khi cầm quyền Phế Đế đã bổ nghiệm một loạt viên võ quan mà Toàn Thư có ghi cụ thể

“ Mậu Ngọ, Xương Phù năm thứ 2 [1378], (Minh Hồng Vũ năm thứ 11). Mùa xuân, tháng giêng, tuyển chọn vệ sĩ. [Lấy] Trần Tông Ngoạn quản quân Thiên Đinh; Trần Trung Hiếu coi quân Bảo Tiệp; Trần Thế Đăng coi quân Thần Dực; Bùi Bá Ngang coi quân Thần Sách; Bùi Hấp coi quân Thiên Uy; Hoàng Phụng Thế coi quân Thánh Dực; Lê Mật Ôn coi quân Hoa Ngạch; Đỗ Dã Ca coi quân Thị Vệ; Nguyễn Tiểu Luật coi quân Thiên Trường; Trần Na coi quân Long Tiệp; Nguyễn Kim Ngao coi quân Thần Vũ.”

Cái thủ cấp của Nguyễn Kim Ngao đã đem tới sự kinh sợ trước uy quyền của viên chủ tướng Hồ Quý Ly để rồi thúc đẩy lòng dũng cảm của quân sĩ mà chiến thắng oanh liệt trước quân Chăm sau nhiều năm. Đi xa hơn câu chuyện của viên tướng của viên tướng coi quân Thần Vũ bị chém, ta thấy thêm vị tướng không bị chém mà cùng xông ra trận khi đó là Đỗ Dã Ca coi quân Thị Vệ nghĩa là ở đây trong trận chiến tại Thanh Hoá tháng 5 năm 1380 nhà Trần đã phải dốc gần như toàn bộ binh lực của họ khi cắt cử những đội quân thân thuộc nhất thường có nghiệm vụ bảo vệ hoàng tộc ra trận. Không rõ Phế Đế có tại trận này không nhưng quả thực sau trận chiến chứng tỏ sự uy dũng tưởng như độc tôn của Hồ Quý Ly mà viên văn tướng Đỗ Tử Bình đã biết phận xin rút khỏi chính trường để bảo toàn thân phận.

Quay trở lại với số phận Đỗ Tử Bình, là người trấn thủ đất Thuận Châu, Hoá Châu vùng đất mới thu của Chăm qua cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân và Chế Mân, trên một vùng đất mới với người Việt, người Chăm sống đan xen giữa lúc thế lực phương Nam đang mạnh lên và đe doạ từng ngày thì quãng thời gian Đỗ Tử Bình cai trị vẫn cho thấy những khoảng yên bình nhất định. Từ năm 1362 ông ta đã xuất hiện duyệt binh rồi đắp thành Hoá Châu, tới năm 1367 thì cùng Trần Thế Hưng khởi binh đánh Chế Bồng Nga, chứng tỏ trong năm năm tại Hoá Châu khi đó Tử Bình đã xây dựng một bàn đạp đủ mạnh để quân Trần có thể sử dụng theo nếp cũ mà tiến đánh Chămpa theo dấu các triều đại trước, dĩ nhiên bởi sự thất bại trong khi tiến sâu vào nước người cũng giống như cuộc chiến cướp đi mạng sống ông Hoàng Đế nhà Trần mười năm sau 1377.

Kiến nghị của viên Nho tướng này khi kết thúc đời lưu đày sau thất bại mất kinh sư vào tay Chế Bồng Nga đó là phép định thuế dung( thuế thân) theo kiểu nhà Đường. Đây chắc hẳn là một trong những ý tưởng quan trọng trong lúc quốc khố trống rỗng sau những thất bạiliên tiếp. Hiển nhiên về việc này cũng chính là khuôn mẫu cho cách đánh thuế về sau, cách đánh thuế thân, thành ra Toàn Thư chỉ dành lời khen “ thuế má không nặng lên” chứ không buông lời chê trách biện pháp này của ông. Việc tính thuế mới làm tiền bắt đầu chảy về kho vua nhiều lên, ta thấy có những đợt tải tiền đồng đi dấu được ghi rõ trong Toàn Thư

“ tháng 9, sai quân dân tải tiền đồng dấu ở núi Thiên Kiện” rồi tới “ mùa đông, tháng 10, chôn giấu tiền ở khám Khả Lãng, thuộc Lạng Sơn”.

Hiệu quả trông thấy rõ ràng như thế thành ra ông ta được dùng như con dao pha trong thế ông Thượng Hoàng hết người có thực tài sai khiến.

Bản thân Nghệ Tông nặng về dùng người theo tình cảm như trường hợp Nguyễn Nhiên người đày tớ trung thành khi ông còn ở tước Vương đã khuyên Nghệ Tông tránh ra ngoài trong cơn say máu tôn thất của ông con rể Nhật Lễ. Đến khi lên ngôi vua lại dùng ngay anh hầu này vào chức Hành Khiển rồi Tả Tham Tri Chính Sự – chức phận quan trong trong triều trong khi Nguyễn Nghiên không biết chữ, chi tiết trong Toàn Thư ghi:

“ Nhiên biết chữ không nhiều, khi phê giấy tờ, vua thường viết chữ cho Nhiên xem”

 Thì đủ biết bộ máy giúp việc bên cạnh Nghệ Tông tồi tệ tới mức nào. Dĩ nhiên với việc quay lại nếp cũ tin dùng người trong Hoàng Tộc của ông ta cũng chẳng thu lại được kết quả gì. Thất bại trong việc dùng người em trai, cất nhắc con trai Ngự Câu Vương, thân hành đi đón dâu khi Ngự Câu lấy em gái họ- công chúa con Duệ Tông, (quên) dùng người họ hàng Nguyên Đán vào nhiều việc có thể là sai lầm lớn nhất chứ không phải là việc sử dụng lại Đỗ Tử Bình.

 Bởi vài năm trước khi chết Đỗ Tử Bình sau khi đã nhường lại binh quyền cho Hồ Quý Ly còn được lãnh chức Lạng Giang Kinh Lược Sứ, toàn quyền quyết định tại vùng biên giới phía Bắc giáp Trung Hoa, cũng kiêm luôn việc quản cái kho tiền mà Nghệ Tông chôn dấu tại đó. Các sự kiện trên cũng chứng tỏ một điều rõ ràng Đỗ Tử Bình không hoàn toàn là vô dụng trong bối cảnh thoái trào của một triều đại. Có thể Đỗ Tử Bình không đa năng như Hồ Quý Ly, có thể không có những tham vọng lớn nhưng thực sự trong những hoàn cảnh nhất định của thời đại thì ở một khía cạnh nào đó Đỗ Tử Bình cũng là một trong những đối trọng làm cho giảm bớt quá trình thay đổi triều đại từ Trần sang Hồ.

Trong một quãng thời gian ngắn kết quả của việc định thuế theo kiến nghị của Đỗ Tử Bình đã thành công, triều đại nhà Trần bắt đầu có những nét phục hưng mới, trong đà tiến tới của ích lợi Nho Giáo mang lại, làm cho các ông vua Trần thấy cần thiết tạo ra các lớp Nho quan tiếp nối minh chứng cho việc mở lại khoa thi Thái Học Sinh năm 1381. Để rồi, tiến thẳng tới đánh vào thành trì quốc giáo đó là Đạo Phật với việc

 “ Tháng3, sai Đại Than Quốc Sư đốc suất các tăng nhân trong nước và các tăng nhân không có độ điệp ở rừng núi, người nào khoẻ mạnh thì tạm là quân đi đánh Chiêm Thành”.

Đây là quyết sách của Nghệ Tông hay của Phế Đế? Chúng tôi nhận thấy đây có thể là quyết sách của Hồ Quý Ly, trên tinh thần Nho giáo đậm nét mà ông này đào luyện chắc hẳn hun đúc cho ông cái ý chí đánh thẳng vào Phật Giáo. Để rõ hơn, chúng tôi cùng quay chở lại thời kỳ trước khi mà những cạnh tranh quyền lực của các lực lượng Nho Phật còn chưa ngã ngũ, vua Minh Tông vẫn nắm quyền quyết định của thứ quyền lực tối thượng, sử cũ đã nhận định về ông như sau:

“Minh Tông có tư chất nhân hậu, nối nghiệp thái bình, không thay đổi phép tắc của ông cha đã định. Khi bấy giờ có người học trò dâng sớ nói rằng: “Dân gian nhiều kẻ du thủ du thực, đến tuổi già vẫn không có tên trong sổ hộ, mà lại không đóng góp phú thuế và sưu dịch”. Ngài bảo: “Nếu không như thế thì sao gọi là cảnh đời thái bình? Nhà ngươi lại muốn ta bắt chúng nó làm nên trò trống gì nữa!”. Triều thần là Lê Bá Quát và Phạm Sư Mạnh đều muốn thay đổi chế độ. Ngài nói: “Nước nhà đã có nền nếp sẵn rồi, nếu nghe mưu kế muốn cho lời mình được đắt của bạch diện thư sinh kia thì sẽ sinh rối ren đấy!”

 Điều đó cũng có nghĩa là dù rất tôn kính ông bố đã mất của mình nhưng người nắm quyền quyết định hiện tại là Nghệ Tông cũng phải chấp nhận thực tế dùng kế sách của những “ bạch diện thư sinh” mà thu hẹp cái quyền lực dựa trên tư tưởng Phật giáo mà các ông vua đầu của nhà Trần nương tựa.

  V.

Viên chiến tướng Nguyễn Đa Phương nhổ cọc xông ra đánh thẳng vào chỗ yếu hại của quân Chăm cũng chính là người được Hồ Quý Ly đề cử, lòng dũng cảm của Nguyễn Đa Phương, mưu mẹo của Phạm Cư Luận “ Phương Viên tá lự” người đời đặt cho ban tham mưu của Hồ Quý Ly sau chiến thắng này, nó chứng tỏ sự nể phục cũng như vui mừng. Đây cũng là một cách chơi chữ chứng tỏ sự hoàn thiện về vây cánh của ông, Phương là vuông, Luận đọc chệch ra là luân- bánh xe chính là tròn, sự vuông tròn hoàn thiện ấy được bật lên sau chiến thắng hiếm có sau nhiều năm thất bại, tôn cao địa vị của Hồ Quý Ly trong mắt Nghệ Tông và ngược lại là điểm trừ của Phế Đế trước ông bác Thượng Hoàng.

 Trần Phế Đế ông vua con của vị Hoàng Đế chết trận mặc dù tuổi còn trẻ nhưng thực sự là một người cứng cỏi trong việc gìn giữ ngôi báu tổ tiên trước một thế lực khác họ đang tìm cách bật lên. Ngược với Dụ Tông ông vua trẻ có thể ngoan ngoãn vầng lời khi ông Thượng Hoàng Minh Tông còn sống nhưng nhất nhất điều hành thay đổi cách cai trị cũng như cách sống khi thoát khỏi sự kìm kẹp của ông bố. Phế Đế chưa có được cái nhũn nhường của Dụ Tông, có thể ông thừa hưởng gene di truyền của người cha thích làm tướng.

( còn nữa)

0