05/06/2017, 00:01

Hãy phát biểu cảm nghĩ của em về truyền thuyết “Mỵ Châu - Trọng Thủy”

Truyền thuyết My Châu - Trọng Thủy là câu chuyện éo le, buồn thảm và có nhiều ý nghĩa: Nó vừa là bài học cảnh giác trong công cuộc bảo vệ đất nước, vừa là bi kịch nước mất nhà tan, là bi kịch tình yêu bị lợi dụng. Trước hết, đó là bài học cảnh giác trong công cuộc bảo vệ đất nước. An Dương Vương ...

Truyền thuyết My Châu - Trọng Thủy là câu chuyện éo le, buồn thảm và có nhiều ý nghĩa: Nó vừa là bài học cảnh giác trong công cuộc bảo vệ đất nước, vừa là bi kịch nước mất nhà tan, là bi kịch tình yêu bị lợi dụng.

Trước hết, đó là bài học cảnh giác trong công cuộc bảo vệ đất nước. An Dương Vương nhờ có thần Kim Quy mà xây xong Loa thành. Thần lại còn ban cả cho nỏ thần để giữ thành. Triệu Đà nhiều lần sang xâm lược đều bị An Dương Vương dùng nỏ thần đánh bại. Nhưng dã tâm xâm lược của Triệu Đà vẫn không thay đổi. Triệu Đà cho con là Trọng Thủy sang ở rể để tìm cách đánh cắp nỏ thần. An Dương Vương chắc không lạ gì mưu đồ của kẻ thù nhưng vẫn cho Trọng Thủy ở rể khác nào “nuôi ong tay áo”. Giặc kéo đến, An Dương Vương vẫn không phòng bị gì. Sự mất cảnh giác của vua đã phải trả giá bằng cảnh nước mất nhà tan.
 
Phải chăng Trọng Thủy chỉ là nạn nhân trong mưu đồ đen tối của Triệu Đà. Trọng Thủy đã hoạt động như một tên gián điệp. Đó là một việc làm đáng phỉ nhổ. Chính hắn đã lợi dụng sự cả tin, ngây thơ của Mỵ Châu để đánh tráo nỏ thần. Hắn là một tội phạm chiến tranh. Sự hối hận vì đã lừa dối tình yêu đã dẫn đến cái chết của hắn. Cái chết ấy thật đáng chết.
 
Còn nàng Mỵ Châu là một người hiền thục. Nàng lại quá tin, quá yêu Trọng Thủy đến mức vô ý trao cả bí mật quốc gia cho hắn. Nàng không ý thức được nghĩa vụ công dân của mình là bảo vệ bí mật đất nước. Tình yêu chồng quá mức đến mê muội. Khi giặc đuổi theo hai cha con mà nàng vẫn chưa nhận ra Trọng Thủy là kẻ thù, còn rắc lông ngỗng dọc đường, khác nào chỉ đường cho giặc. Câu nói của Rùa Vàng đã kết tội Mỵ Châu, dù hơi nặng nhưng có lí: “Giặc ở sau lưng nhà vua ấy”. Cái chết của Mỵ Châu là cái chết oan nên máu của nàng chảy xuống biển hóa thành ngọc trai. Viên ngọc như minh oan cho nàng.
 
Đọc truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy em thấy được tấm lòng nhân ái của tác giả dân gian. Rõ ràng An Dương Vương có tội, là mất cảnh giác để mất nước, nhưng vua vẫn có công trong việc xây dựng Loa thành nên dân gian không để cho vua chết mà để Rùa Vàng rẽ nước đưa vua xuống Thủy Cung. Trọng Thủy có tội. Mỵ Châu có tội, nhưng họ đã thật sự yêu nhau. Dân gian không để cho mối tình ấy chết nên đã tạo ra hình ảnh ngọc trai càng sáng hơn khi được rửa vào giếng nước mà Trọng Thủy chết.
 
Câu chuyện là bài học cảnh giác trước mọi mưu đồ của kẻ thù, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người thận trọng trong tình yêu.

0