02/06/2017, 23:44

Hãy chứng minh rằng bảo vệ rừng bảo vệ cuộc sống của chúng ta (Bài 1)

Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 08/12/2007 là ngày của rừng đầu tiên trên toàn thế giới nhằm nêu cao vai trò của rừng trong cuộc sống của con người. Rừng là lá phổi xanh của trái đất. Cây xanh, trong quá trình quang hợp, hấp thụ khí cacbonic và nhả ra khí ôxy cần thiết cho sự sống. Rừng có ...

Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 08/12/2007 là ngày của rừng đầu tiên trên toàn thế giới nhằm nêu cao vai trò của rừng trong cuộc sống của con người.

Rừng là lá phổi xanh của trái đất. Cây xanh, trong quá trình quang hợp, hấp thụ khí cacbonic và nhả ra khí ôxy cần thiết cho sự sống. Rừng có tác dụng làm trong sạch không khí. Tán lá cản và giữ bụi. Lá cây tiết ra nhiều loại chất kháng khuẩn có tác dụng tiêu diệt vi trùng gây bệnh trong không khí. Rừng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Trong rừng có nhiều loại cây khác nhau. Đây là nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp và dược phẩm, là nguồn gen hoang dại có giá trị trong lai tạo giống mới cho nông nghiệp và chăn nuôi. Rừng bảo vệ và cải tạo đất. Nhờ có tán lá xoè rộng như chiếc ô, nước mưa không xối thẳng xuống mặt đất, nắng không đốt cháy mặt đất, nên lớp đất trên mặt khó bị rửa trôi theo nước mưa. Rừng nuôi đất, bồi bổ cho đất. Đất rừng hầu như tự bón phân, vì cành lá rơi rụng từ cây sẽ bị phân huỷ, tạo thành các chất dinh dưỡng, làm tăng độ màu mỡ của đất. Đất phì nhiêu, tơi xốp sẽ thấm tốt, giữ nước tốt và hạn chế xói mòn. Vùng bãi triều ven biển có các rừng sú, vẹt, đước, vừa chắn sóng, vừa giữ phù sa, làm cho bờ biển không những không bị xói, mà còn được bồi đắp và tiến ra phía trước. Rừng có tác dụng điều hoà dòng chảy trong sông ngòi và dưới đất. Nước mưa rơi xuống vùng có rừng bị giữ lại nhiều hơn trong tán cây và trong đất, do đó lượng dòng chảy do mưa trong mùa lũ giảm đi. Rừng cản không cho dòng chảy mặt chảy quá nhanh, làm cho lũ xuất hiện chậm hơn, giảm mức độ đột ngột và ác liệt của từng trận lũ. Nước thấm xuống đất rừng vừa là nguồn dự trữ nuôi cây và các sinh vật sống trong đất, vừa chảy rất chậm về nuôi các sông trong thời gian không mưa. Do đó những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ giảm bớt được thiên tai hạn hán và lũ lụt. Rừng càng nằm gần đầu nguồn sông, tác dụng điều hoà dòng chảy càng lớn hơn. Rừng có giá trị lớn về du lịch. Vì rừng có nhiều phong cảnh đẹp, với nhiều loại động thực vật hoang dã, lôi cuốn sự ham hiểu biết, trí tò mò của mọi người. Khí hậu trong rừng mát mẻ, điều hoà, không khí sạch sẽ còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
 
Việt Nam năm 1943 có 13,3 triệu ha rừng, chiếm 43,8% diện tích đất, hiện nay còn 8,5 triệu ha chiếm 23,8%, trong đó 2,8 triệu ha rừng phòng hộ, 5,2 triệu ha rừng sản xuất, 0,7 triệu ha rừng đặc dụng. Tốc độ mất rừng ở Việt Nam là 200.000 ha/năm, trong đó 60.000 ha do khai hoang, 50.000 ha do cháy và 90.000 ha do khai thác gỗ quá mức. 
 
Rừng bị chặt phá trước tiên là để lấy đất làm nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, nuôi thuỷ sản, xây dựng... Những vùng đất bằng phẳng, màu mỡ bị chuyển hoá thành đất nông nghiệp còn có thể trồng trọt được lâu dài. Hiện nay, những vùng như vậy hầu như đã bị khai thác hết. Còn những vùng đất dốc, kém phì nhiêu, sau khi bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp, thường cho năng suất thấp, rất dễ và nhanh bị bạc màu, hoặc đòi hỏi phải có những đầu tư tốn kém cho tưới tiêu và cải tạo đất. Rừng ngập mặn ven biển của Việt Nam đang bị chặt phá để làm ao nuôi tôm. Rừng Tây Nguyên đang bị người dân di cư tự phát đốt phá nham nhở. 
 
 Nguyên nhân thứ hai dẫn đến mất rừng là lấy gỗ làm củi đốt. Hiện nay, ở nhiều vùng trên nước ta, củi và than củi vẫn là chất đốt chính trong gia đình và các bếp đun đang đốt khoảng 1/4 số diện tích rừng bị tàn phá hàng năm.
 
Nguyên nhân thứ ba gây mất rừng là do khai thác gỗ. Gỗ cần cho sản xuất các đồ gia dụng, sản xuất giấy... Khoa học kỹ thuật càng phát triển, người ta càng khám phá ra nhiều công dụng mới của gỗ, làm cho lượng gỗ tiêu thụ ngày càng nhiều. 
 
Nguyên nhân thứ tư gây mất rừng là do cháy. Rừng bị cháy do đốt rừng làm nương, làm bãi săn bắn, dùng lửa thiếu thận trọng trong rừng, thiên tai, chiến tranh... Trong mùa khô, tình trạng cháy rừng thường diễn ra trong nhiều ngày, nhất là khi không có đủ nước, nhân lực và phương tiện để dập tắt lửa. Các cuộc chiến tranh ở Việt Nam có sức tàn phá ghê gớm. Ở Việt Nam, từ 1945 cho đến nay mất khoảng hơn 2 triệu hecta. Nhiều vùng rừng bị chất độc hoá học tàn phá đến nay vẫn chưa mọc lại được. 
 
Do không biết quản lý và khai thác rừng hợp lý nên diện tích rừng bị thu hẹp, gây ra nhiều tác hại xấu đến môi trường tự nhiên và cuộc sống của con người. Hậu quả của việc phá rừng là làm cho lớp đất màu mỡ bị rửa trôi, khí hậu bị biến đổi, thường xuyên có lũ lụt, hạn hán xảy ra. Nhiều động và thực vật quý hiếm giảm dần, một số loài đã tuyệt chủng và một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Ở Việt Nam, nguyên nhân lũ miền Trung ngày càng lớn, đột ngột và thường xuyên xảy ra chính là do rừng bị mất quá nhiều khiến rừng không còn khả năng giữ nước. Rừng giữ nước, mất rừng làm cho sự truyền lũ càng nhanh. Nếu rừng dày, lũ phải mất một thời gian dài mới xuống đến hạ du, còn hiện tại rừng bị cạo trọc khiến các cơn lũ đi với tốc độ cao và dữ dội, nhấn chìm và phá hủy tài sản của nhân dân vùng hạ du. Năm 1999 là năm được xem là kỷ lục ở miền Trung về lũ lụt, làm trên 1.000 người chết, 52.000 ngôi nhà bị trôi, thiệt hại hơn 5.400 tỷ đồng. Năm 2006, bão Chanchu đã làm chết và mất tích 268 ngư dân. Cơn bão Xangsane làm 76 người chết và 9 đợt lũ quét làm 77 người chết và mất tích. Năm 2009, bão Ketsana và Mirinae kết hợp với lũ đặc biệt lớn làm gần 300 người chết và mất tích.
 
Trong tương lai, nếu không có chính sách bảo vệ hữu hiệu của Nhà nước thì rừng Việt Nam ngày càng bị ảnh hưởng xấu nghiêm trọng: gây lũ lụt, xói mòn đất, diện tích đất trống đồi trọc ngày càng tăng,… Quản lý và bảo vệ rừng không còn là một vấn đề mới mẻ nhưng hiện nay đó đang là một vấn đề hết sức cấp bách đối với nước ta. Nhà nước phải có những chính sách mới phù hợp nhằm thúc đẩy bảo vệ rừng và phát triển bền vững, đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị của rừng đối với cuộc sống của họ để họ tích cực tham gia vào việc bảo vệ rừng và trồng rừng.

0