25/05/2017, 09:39

Giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên – Văn mẫu lớp 7

Giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên – Văn mẫu lớp 7 4.79 (95.82%) 383 votes Giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An Trong cuộc sống, con người dễ nản chí khi gặp khó khăn thất bại. Bởi vậy, ông cha ta ngàn xưa đã khuyên nhủ ta phải ...

Giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên – Văn mẫu lớp 7 4.79 (95.82%) 383 votes Giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An Trong cuộc sống, con người dễ nản chí khi gặp khó khăn thất bại. Bởi vậy, ông cha ta ngàn xưa đã khuyên nhủ ta phải cố gắng học tập và không ngừng vươn lên, phải kiên trì, nhẫn nại ...

Giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An

Trong cuộc sống, con người dễ nản chí khi gặp khó khăn thất bại. Bởi vậy, ông cha ta ngàn xưa đã khuyên nhủ ta phải cố gắng học tập và không ngừng vươn lên, phải kiên trì, nhẫn nại mới đạt được thành công. Và câu tục ngữ “Có chí thì nên” đã được ông cha ta truyền lại cho chúng ta từ bao đời nay. Đó là bí quyết để thành công trong cuộc sống.

Câu tục ngữ này có 2 vế: “Có chí” tức là có ý chí quyết tâm, bền lòng. “Thì nên” là đạt đc kết wả thành công. Cả câu như muốn nói rằng có ý chí, nghị lực, hoài bão, lý tưởng tốt đẹp, sự kiên trì sẽ gặt hái đc nhìu thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Thiếu ý chí sẽ ko làm đc gì, dễ chán nản, buông xuôi khi gặp khó khăn.

Thực tế trong cuộc sống cho ta biết đc rất nhìu điều. Chẵng hạn như Thầy Nguyễn Ngọc Ký, từ nhỏ đã bị liệt cả 2 tay, nhưng vì lòng ham học và có ý chí, nghị lực vươn lên, Thầy đã tập viết chữ bằng chân. Nhờ sự cố gắng, kiên trì, bền bỉ mà giờ đây Thầy đã là tấm gương sáng để học trò noi theo. Hoặc như là Mạc Đĩnh Chi, nhà nghèo, phải nhờ ánh sáng của đom đóm làm đèn mà học. Nhờ sự chịu khó, kiên trì như thế mà ông đã đỗ đạt làm quan lớn giúp ích cho nhân dân. Như vậy, kiên trì, nhẫn nại là đức tính cần có của mỗi con người. Trong cuộc sống, ai mà chẵng có ước mơ, hoài bão, nhưng ước mơ sẽ vẫn mãi là ước mơ nếu ta ko kiên trì theo đuổi. Nhẫn nại luôn là động lực, là sức mạnh giúp con người vượt wa khó khăn và tiến lên phía trước.

Trái ngược với người “Có chí thì nên” là kẻ “thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Những kẻ ấy thường bi quan, ko có sự kiên trì, quyết tâm, thấy việc nặng nhọc là đùn đẩy, có suy nghĩ là ko làm đc và từ đó từ bỏ tất cả mọi thứ. Sống cho qua ngày, sống 1 cách vô nghĩa, vô dụng thì ko bao giờ chạm đến thành công. Thử hỏi, trong 1 xã hội đầy rẫy những kẻ như thế thì xã hội đó đâu còn phát triển, còn đâu mà đi lên?

Tóm lại, “có chí thì nên”, mọi người chúng ta phải biết rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, ý chí của mình ngay từ lúc nhỏ, đặc biệt là ý chí cầu tiến. Vì có như zậy nó mới trở thành nét sống đẹp trong mỗi con người.

Giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên – Bài làm 2

Muốn thành đạt trên đường đời, con người phải có ý chí, niềm tin và nghị lực. Điều này, từ nghìn xưa, nhân dân ta đã dạy rõ:

"Có chí thì nên"

Thật vậy, câu tục ngữ này đã khẳng định vai trò ý nghĩa của chí trong cuộc sống của chúng ta. Ai cũng biết chí có nghĩa là hoài bãi, lí tưởng tốt đẹp, ý chí, nghị lực sống, sự kiên trì. Chính các điều kiện vừa nói đã giúp con người thành công trong sự nghiệp.

Xét về lí, ta thấy, làm bất cứ việc gì dù lớn hay nhỏ, giản đơn hay phức tạp, nếu không có chí, không chuyên tâm, chú ý kiên trì, nhẫn nại… thì liệu có thành công được không?

Xét về thực tế, xưa nay những con người có chí biết kiên trì, nhẫn nại, bền tâm quyết chí thực hiện lí tưởng, hoài bão của mình cũng đều thành công cả.

Chúng ta hãy nhìn lại một tấm gương sáng thành đạt tiêu biểu để thấy cuộc đời họ đúng là đã thực hiện sâu sắc lời dạy của người xưa "Có chí thì nên" hay "Có công mài sắt có ngày nên kim".

Mạc Đỉnh Chi, thời nhà Trần, gia cảnh nghèo túng, bắt đom đóm bỏ vào vỏ rừng soi lên trang sách mà đọc chữ. Kiên tâm ở miệt mài học tập theo kiểu "con nhà nghèo" ấy đến khoa thi năm 1304, ông đã thi đỗ Trạng nguyên rồi trở nên một vị quan tài cao đức trọng lưu mãi tên tuổi cho muôn đời sau.

Nguyễn Văn Siêu thời nhà Nguyễn, tuy văn hay nổi tiếng nhưng chữ viết lại xấu. Vì thế ông bị đánh tụt xuống hàng thứ hai trong bảng cử nhân sau khi đỗ Trạng Nguyên. Rồi thi tiến sĩ cũng vì lí do vừa nói ông chỉ chấm đỗ trong bảng phụ. Thấy rõ tác hại của việc viết chữ xấu, Nguyễn Văn Siêu từ đó đã đêm ngày chuyên tâm khổ luyện trau dồi nét chữ của mình. Cuối cùng đã thành công. Ngày nay nét chữ tài hoa của Nguyễn Văn Siêu còn được lưu lại ở đền Ngọc Sơn Hà Nội để muôn lớp người sau đến chiêm ngưỡng và bái phục.

Gần đây, trong lao động, tấm gương của nhà nông học Lương Đỉnh Của là một bằng chứng hùng hồn. Để lai giống lúa năng suất cao, kháng sâu rầy mạnh, ông đã miệt mài bám đồng ruộng. Hàng ngày từ tờ mờ sáng, nhà nông học đã bì bõm trên những ruộng lúa để quan sát, thí nghiệm đến mãi tối mịt mới về, vất vả, mệt nhọc để mang lại ấm no cho mọi người.

Nhìn ra thế giới, ta thấy các nhà khoa học lừng danh như Pa-xtơ, Pie, Mari Quyri… là những tấm gương sáng về sự kiên trì nhẫn nại theo đuổi hoài bão và lí tưởng trong học tập và nghiên cứu.

Chính nhờ kiên tâm cặm cụi trong phòng thí nghiệm bao năm, Paxtơ đã tìm ra vi trùng là nguyên nhân của bệnh tật. Nhờ đó ông không những nghiên cứu được cách chữa con người khỏi bệnh và tìm cách cứu chữa những người bị chó dại cắn.

Cũng thế, Pi-e và Mari-Quyri cũng đã kiên tâm trải qua hàng ngàn thí nghiệm, với hàng trăm lần thất bại mới tìm ra được chất phóng xạ radium.

Có thể nói mỗi phát minh tiến bộ của nhân loại đều là kết quả của cuộc đầu tư trí tuệ nghiên cứu thử nghiệm dày công của những con người kiên tâm tri chí.

Nếu thiếu sự kiên tâm tri chí thì làm sao họ có thể vượt qua được muôn vàn khó khăn trở ngại cản ngăn trên con đường đi tới đỉnh cao của chính mình. Có thể nói thiếu ý chí, thiếu nhẫn nại vững lòng chỉ đưa con người tới buông xuôi cam chịu và thất bại.

Tóm lại, câu tục ngữ "Có thí thì nên" thật là một bài học vô cùng quý báu, từ lâu tính kiên trì, nhẫn nại mà các câu tục ngữ đề cập đã được mọi người coi là kim chỉ nam trong hành động, trong việc làm. Đây cũng chính là điều mà mỗi người chúng ta ai cũng phải suy ngẫm khi bước vào đời, khi bắt tay vào làm việc.

Giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên – Bài làm 3

Trong kho tàng cao dao tục ngữ từ đời cha ông ta để lại, câu nói nào cũng được đúc kết từ kinh nghiệm sống ngàn đời. Nó là triết lý mà mỗi người ai cũng không nên bỏ qua. Và trong cả cái kho tàng bao la đấy chúng ta không thể không nhắc tới câu tục ngữ “Có chí thì nên”. Câu tục ngữ bình thường trong hàng trăm nghìn những câu tục ngữ của Việt Nam nhưng nó lại là hành trang quý báu cho mỗi bạn trẻ trên con đường lập nghiệp. Nó ẩn chứa nhiều ý nghĩa triết lý và mang tính giáo dục con người một cách sâu sắc.

Câu tục ngữ nhằm khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của ý chí trong cuộc sống. Khi ta làm bất cứ một việc gì, nếu chúng ta có ý chí, nghị lực và sự kiên trì thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại để đi đến thành công. Ngày nay, có biết bao nhiêu người vừa mới gặp khó khăn là đã từ bỏ,đã nản chí. Thế nhưng bên cạnh đó còn có những con người có ý chí, quyết tâm để đạt mục đích chính đáng của mình. Chính họ đã nhận ra rằng: “Có chí thì nên” – một bài học giáo dục cho con trẻ rất hay của người xưa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ ngày nay. Đôi khi chính chúng ta phải nhìn nhận rằng số người thiếu sự quyết tâm, ý chí phấn đấu cầu tiến ngày càng nhiều trong xã hội. Dường như chính bản thân họ, đúng hơn là sự tự giác, tự thân vận động đã bị mất đi trong cái tiện nghi đầy đủ. Vì lẽ đó mà họ lại sống một cách an nhàn, thiếu sự nỗ lực, ý chí cầu tiến. Và sẽ tai hại hơn khi chính họ chưa được rèn luyện, dạy cách thích ứng với mọi tình huống bất ngờ xảy đến. Còn có những người lại bi quan, không có sự kiên trì, quyết tâm, thấy việc nặng nhọc trước mắt là đùn đẩy, có suy nghĩ là sẽ không làm được, từ bỏ tất cả mọi thứ. Những con người ấy chỉ nhìn sự việc qua một khía cạnh bó hẹp trong cái khuôn khổ mà họ từ tạo ra. Một cái vỏ bọc của sự bi quan. Họ chỉ thấy cái xấu, cái bất lợi trước mắt nhưng lại quên đi lợi ích lâu dài. Và cả những người mới vừa gặp thử thách đầu tiên là lại tự bỏ cuộc.

Chí là lòng quyết tâm, sự kiên trì nhẫn nại. Nó cũng là tự mình phấn đấu, vươn lên không ỷ nại vào người khác. Là chí khí là sự bền bỉ. Nên ở đây được hiểu là thành công, là đạt được thành quả như mình vẫn mong muốn nó là hệ quả hay nói cách khác nó là kết quả từ công sức, nỗ lực tự mình bỏ ra để làm việc gì đó. Câu tục ngữ ngắn gọn với bốn từ nhưng lại ẩn chứa bài học sâu sắc, nhắc nhở mọi người phải rèn luyện, bền bỉ, phải có lòng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn lên giành được chiến thắng gạt hái những thành công vang rội. Có bản lĩnh sống.

Phải rèn luyện cho bản thân tính nhẫn nại, sức chịu đựng, và đôi chân vững vàng để đứng trước mọi thử thách chông gai của cuộc sống, không bị lùi bước, gục ngã trước những thất bại mà phải luôn biết tự mình đứng dậy vươn lên.  Dù trên đường đời có gặp phải những thất bại đi nữa. Đó không phải điều đáng để buồn, có thất bại thì mới có được thành công, mới có được nghị lực để đạt được kết quả tốt nhất. Đặt niềm tin vào con đường mình đã chọn, theo đuổi nó đến cùng dù có bao nhiêu khó khăn thử thách.

Tự bản thân phải tạo cơ hội cho chính mình và thật khôn ngoan trong việc vận dụng nó. Đừng chỉ ngồi há miệng mà chờ sung, một việc làm ngu xuẩn, lãng phí thời gian. Và khi biết cách tạo ra cơ hội cho bản thân mình thì chắc hẳn người ấy sẽ có được lợi thế. Việc để có được ý chí bền bỉ cần phải dựa vào chính bản thân mỗi người. Nó dễ có, nhưng cũng dễ mất nếu như không biết gìn giữ và tu dưỡng hằng ngày. Đừng cố tạo ra áp lực cho bản thân, điều này sẽ gây phản tác dụng trong việc hình thành tính “kiên trì”. Mối quan hệ giữa “chí” và “cơ hội” là sự liên kết chặt chẽ mà một người muốn thành công có.

Tuổi trẻ ngày nay càng phải rèn rũa cho mình cái tính kiên cường, lập trường vững vàng, không để xa lầy vào các thói xấu của xã hội để tự đẩy lùi bản thân. Khi mà xã hội ngày càng phát triển, chúng ta càng phải cố gắng để thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình. Mới mong có thể góp sức xây dựng đất nước, tô đẹp cho tổ quốc.

Giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên – Bài làm 4

Sống phải có bản lĩnh. Nhờ có bản lĩnh mà ta có thể vượt qua mọi thứ thách trên đường đời và đi tới thành công. Nói về bản lĩnh sống, dân gian có câu tục ngữ thật là chí lí:

"Có chí thì nên".

"Chí" là lòng quyết tâm, sự kiên trì nhẫn nại. Chí cũng là tự mình phấn đấu, vươn lên, không ý vào người khác. Chí là chí khí, sự bền bỉ. "Nên" có nghĩa là thắng lợi, thành công, sự tốt đẹp mà ta thu được. "Có chí" là điều kiện, là nguyên nhân, "nên" là hệ quả, kết quả. Câu tục ngữ thật cô đúc, ngắn gọn chi có 4 từ mà nêu lên một bài học sâu sắc, nhắc nhở mọi người hãy rèn luyện ý chí, tinh thần bền bỉ, lòng quyết tâm để vượt qua mọi thử thách, khó khăn, vươn lên giành nhiều thắng lợi và gặt hái được nhiều thành công. Có chí tức là đã có bản lĩnh sống rất đẹp.

Không được nhầm lẫn "chí" với "trí". “Trí" là trí tuệ, lí trí, trí khôn, sự hiểu biết, trí thông minh. Nhờ học hỏi mà ta có trí. Nhờ rèn luyện trong thử thách và gian khổ mà ta có chí. Trí và chí là hai phẩm chất tốt đẹp nhất của con người. Mọi tài năng lỗi lạc xưa nay đều có chí và có trí hơn người.

."Có chí" thì mới có thể chịu đựng được, đứng vững được trước mọi thử thách khó khăn, không bị gục ngã trước thất bại tạm thời. Đi học, đi làm, sản xuất, kinh doanh, v.v… đều cần có chí. Chí càng cao sức càng bền mới đi tới thành công. Đường đời khó khăn (thế lộ nan) nên ta phải có chí. Đường xa, núi cao, dốc thẳm, sông sâu, tuyết dày… phải có chí mới vượt qua được. Đi thi là phải có chí "cá vượt Vũ Môn". Kéo pháo vào đánh Pháp ở Điện Biên, bộ đội ta đã thể hiện quyết tâm: "Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi”. “Nước chảy đá mòn", "Kiến tha lâu cũng đầy tổ", "Có công mài sắt có ngày nên kim", tất cả đều nói lên cái chí.

Tuổi trẻ chúng ta trên đường học tập, tiến quân vào mặt trận khoa học kĩ thuật cũng phải có chí mới có thể thực hiện được ước mơ hoài bão của mình, mới có thể đem tài sức góp phần xứng đáng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Học tập câu tục ngữ "Có chí thì nên" ta càng thêm thấm thía lời dạy của Bác Hồ:

"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên".

Giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên – Bài làm 5

Có ai đã từng nghe câu: "Mất niềm tin là mất tất cả". Thật đúng như vậy, niềm tin là động lực thúc đẩy chúng ta phát triển. Và để có được niềm tin rạng rỡ ấy, ý chí và nghị lực là phẩm chất cao quý cần có. Nói vè ý chí và nghị lực, nhân dân ta có rất nhiều những câu tục ngữ, câu thành ngữ ca dao đề cập tới. Nổi bật là câu "Có chí thì nên". Câu tục ngữ đề cao ý chí nghị lực trong cuộc sống và khuyên nhủ chúng ta sống cần phải có ý chí nghị lực. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu về câu tục ngữ này.

Đầu tiên chúng ta cần hiểu "chí" ở đây nghĩa là gì? "Chí" chính là nghị lực, ý chí của mỗi người , nó giúp con người có thể vượt qua những khó khăn thử thách để tiến tới đích, tiến tới thành công. Những dẫn chứng hùng hồn về ý chí nghị lực đã được tìm thấy trong mỗi người Việt. Cả một trường kỳ lịch sử đấu tranh chống bọn thực dân thối nát xâm lược, tinh thần, ý chí, nghị lực, của nhân dân ta, được phát huy cao độ. Với những đế quốc hùng mạnh như Pháp, Mĩ, chúng ta đứng trước một tình thế vô cùng nguy cấp. Song với ý chí nghị lực vượt khó, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng đứng lên chống giặc ngoại xâm giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc. Mặc dù "tượng đài tự do được xây dựng bằng máu và nước mắt" nhưng ý chí chiến đấu cao ngút trời đã mang lại chiến thắng toàn vẹn cho bên chính nghĩa là ta. Chiến thắng đó chính là chiến thắng của ý chí nghị lực. Trải qua suốt chiều dài lịch sử của những năm tháng khốc liệt ấy, ý nghĩa của câu tục ngữ vẫn hoàn toàn đúng đắn. Có biết bao tấm gương sáng vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Chẳng hạn như thầy giáo Nguyễn Ngoc Kí. Câu truyện về thầy chưa bao giờ mất đi sức hút đối với trẻ em Việt. Vốn bị liệt hai tay từ nhỏ, không thể viết nhưng ý chí, nghị lực vươn lên, cùng niềm say mê ham học, thầy đã vượt qua tất cả. Bắt đầu từ những chữ viết nghuệch ngoạc khó khăn bằng chân, thầy không nản lòng mà ngay đêm tập luyện. Cuối cùng thầy cũng đã thành công. Những chữ viết ngay ngắn thẳng hàng, đều và đẹp chính là thành quả mà thầy đạt được sau những giọt mồ hôi và nước mắt. Với ý chí nghị lực vươn lên, thầy đã trở thành một nhà giáo ưu tú, một tấm gương sáng rực của biết bao thế hệ học sinh. Chúng ta ngưỡng mộ thầy không chỉ bởi tài năng viết chữ, lòng kiên trì mà còn là ý chí, nghị lực tuyệt vời. Ý chí nghị lực luôn là cần thiết với mỗi người cho dù ở thời đại nào, lĩnh vực nào của đời sống. Trong lao động sản xuất, có rất nhiều gia đình từ nghèo đói đã vươn lên làm giàu và có một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Trong học tập có biết bao tấm gương vượt khó, vượt hoàn cảnh vươn lên trở thành một người tài, một người có ích cho xã hội. Và chị Nguyễn Thị Thảo là một ví dụ điển hình. Gia đình chị rất nghèo nhưng không vì thế mà chị nản lòng. Chị đã lấy nó làm động lực cho ý chí vươn lên của mình. Chị đã giành được học bổng, được đi du học. Và hiện tại, chị đang là giảng viên cua một trường đại học. Đó chỉ mới là một vài lĩnh vực, còn rất nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống không ít những tấm gương thể hiện nghị lực. Nhưng nói chung, họ đều là những con người vươn lên bằng ý chí nghị lực của bản thân và có được những thành quả mà mình mong muốn. 

Tuy nhiên trong thực tế không phải ai cũng có thể nhận thức được vai trò và sự cần thiết của "chí". Bên cạnh những tấm gương sáng, vẫn có một bộ phận không có ý chí vững vàng. Họ dễ bị những cám dỗ, sa chân vào những tệ nạn đẻ rồi lãnh một hậu quả mà không ai mong muốn. Bởi đúng như câu tục ngữ "có chí thì nên". Có ý chí nghị lực, ắt sẽ thành công. Ý chí nghị lực kết hợp cùng với kiên trì bền bỉ, bạn sẽ vượt qua mọi chông gai của cuộc đời. Bởi cuộc sống không phải là thảm đỏ, hoa thơm nhờ có ý chí bản thân sẽ vượt qua tất cả. Trước gian lao thử thách, con người phải có một ý chí nghị lực kiên cường. Bác Hồ – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc của Việt Nam cũng đã khẳng định về sức mạnh của ý chí nghị lực:

"Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên"

Câu tục ngữ là chân lý sống để mỗi người rèn luyện. Thế hệ trẻ chúng ta hãy bằng chính bản lĩnh, ý chí, nghị lực cùng tài năng của mình vượt lên làm chủ cuộc đời, đạt đến những đỉnh cao trong công danh và sự nghiệp. 

Giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên – Bài làm 6

Có chí thì nên chỉ là một câu tục ngữ như hàng trăm ngàn câu tục ngữ thông thường của người Việt. Nhưng theo tôi, đây là một câu tục ngữ khá đặc biệt – một câu tục ngữ rất thân thuộc đối với mỗi chúng ta và rất cần có trong hành trang mỗi bạn trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp. Nó hàm chứa rất nhiều ý nghĩa triết luận và mang tính giáo dục sâu sắc.

Lục tìm trong trí nhớ, tôi còn ngạc nhiên hơn khi phát hiện hàng chục thành ngữ tục ngữ Việt cũng nằm trong trường nghĩa này: Có cấy có trông/ có trồng có ăn; Có bột mới gột nên hồ; Có chí làm quan / có gan làm giàu; Có cứng mới đứng được đầu gió; Có dại mới nên khôn; Có đi mới đến/ có học mới hay; Có gió lung mới biết tùng bách cứng/ Có ngọn lửa lừng mới biết thức vàng cao; Có học mới biết / có đi mới đến; Có học mới có hành; Có khó có nhọc mới có lọc có rang; Có khó mới có mà ăn; Có khó mới nên; Có khôn mới nên quan, có gan mới nên giàu; Có công mài sắt có ngày nên kim,… điều thú vị là tất cả các tục ngữ đều có sự tương đồng về cấu trúc (có điệp, có đối, có vần) và đều bắt đầu bằng từ Có (Một vị từ giả thiết mang tính điều kiện). Dĩ nhiên, là dù có nhiều biến thể nhưng tựu trung ngữ nghĩa chính của các câu thành ngữ đều bắt đầu từ một triết lí mang tính nhân quả đặc sắc của người Việt: Mọi điều hay, điều tốt lành chỉ đến với ai khi họ biết cố gắng nỗ lực vượt gian khó để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.

Tuy nhiên, phải nói rằng câu tục ngữ CÓ CHÍ THÌ NÊN là một câu tục ngữ đặc biệt nhất. Ngắn gọn với 4 âm tiết, theo cấu trúc lô gích của phép kéo theo CÓ A THÌ (CÓ) B, câu tục ngữ đã giản lược tới mức triệt để mà vẫn diễn tả đầy đủ và rõ ràng một thông điệp: “Con người ta nếu có hoài bão lớn, biết nhẫn nại, kiên trì thì cuối cùng công việc chắc chắn sẽ thành công”. Chí ở đây chính là chí khí, tức là “ý muốn bền bỉ, mạnh mẽ, quyết khắc phục mọi trở ngại, thực hiện mục đích cao đẹp của cuộc sống” [Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB đà Nẵng, 2006). Chí cũng còn là chí hướng, là quyết tâm vươn tới và thực hiện hoài bão, lí tưởng, mục tiêu đích thực của cuộc đời. Người ta sống ở đời có nhiều hoàn cảnh và thân phận, nhưng lí tưởng, chí hướng là điều cần phải có. Cái đó quyết định hướng đi vào quyết định sự thành đạt, ước vọng của mỗi người. đây cũng là lời tự bạch nổi tiếng chí lí của Pavel Korchagin (trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy mà gần đây chúng ta có lần được theo dõi trên kênh truyền hình VTV1): “Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận bởi những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”. Và Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã “Khuyên thanh niên” qua một bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn – ngắn gọn như một chân lí, một châm ngôn định hướng rất rõ ràng: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.

Chí, tức là quyết tâm. Nhưng chỉ có quyết tâm thôi không đủ, chúng ta còn phải có tri thức. Tri thức là sức mạnh. Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của thông tin, khoa học kĩ thuật hiện nay, chúng ta còn phải biết trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ và hợp lí. Vì tri thức chính là “chìa khoá vàng” giúp ta mở cánh cửa chân trời khoa học, để chúng ta nhanh chóng tiếp cận với nền kinh tế tri thức hiện nay. Có quyết tâm mà lại thiếu tri thức thì chẳng khác nào anh xẩm đòi phóng xe trên đường cao tốc. đó là cách làm ăn theo kiểu “duy ý chí”, không những gây tai nạn cho mình mà còn đem tai hoạ cho người khác nữa.

Nhà bác học cổ Hi Lạp Archimède (287-212 TCN) từng nói : “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng trái đất này”. Câu nói đó hàm chứa đầy đủ quyết tâm, ý chí, sự hiểu biết và năng lực hành động hợp quy luật, khả năng tận dụng cơ hội của nhà khoa học. Sức mạnh nhiều khi sẽ được nâng lên gấp bội nhờ người ta biết kết hợp tối đa các nhân tố của “điểm rơi cần thiết”. Và khi người ta nắm bắt được quy luật, làm theo quy luật thì người ta đã tìm ra bí quyết của sự thành công. đó cũng là vấn đề về bài học giá trị mà tuổi trẻ hôm nay có thể rút ra từ thực tiễn ngàn đời của lịch sử.

Có chí thì nên, câu châm ngôn “như đinh đóng cột” ấy đặt chúng ta trước một phương châm, một kim chỉ nam định hướng cho cuộc đời mình. Câu nói giản dị như một lời khuyên, lời nhắn nhủ và hơn thế nữa, như một chân lí hiển nhiên của cuộc đời, khiến cho ai đó mỗi khi đọc lên phải tự ngẫm lại mình. Với mỗi thanh niên thời đại mới, những người đang đứng trước nhiều thử thách về năng lực trí tuệ, trước những đòi hỏi lớn về tiếp nhận tri thức mới mẻ… mà “thiếu chí” và “nhụt chí” thì hẳn là khó có thể đi tới đích mình cần trên con đường lập thân, lập nghiệp. Tôi nghĩ, chắc nhiều bạn học sinh, sinh viên còn mải chơi quên học hoặc học chưa hết sức, sẽ giật mình khi nghe ai nói tới câu tục ngữ Có chí thì nên. Nhiều khi chỉ một cái hích nhẹ thôi cũng đủ làm cho ta “tỉnh ngủ” và hăng hái nhập vào đội ngũ những con người trẻ trung giàu nhiệt huyết hôm nay với một niềm phấn chấn vẫy gọi: LÊN ĐƯỜNG.

Từ khóa tìm kiếm

  • giai thich cau tuc ngu co chi thi nen
  • văn nghị luận nói không với rượu bia
  • Giai cau tuc ngu co chi thi nen
  • tap lam van 7 giai thich cau tuc ngu có chi thì nên
  • giai thich cau tuc ngu co chi thi nen phan than bai
  • Giai bai van cau tuc ngu Co chi thi nen
  • giải thích câu có chí thì nên
  • viet mot doan van ngan co cau tuc ngu co chi thi nen hãy giải thich cau tuc ngu so
  • gjaj thjbh cau tuc ngu:Co chj thj nen
  • giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên lớp 7

Bài viết liên quan

0