04/06/2017, 00:26

Em hãy viết lại suy nghĩ của mình về mùa hạ cuối cùng của thời áo trắng (Bài 3)

“Ngày mai xa nhau rồiTrường mến thương xa rồiHè về phượng buồn tiếng ve cũng buồnNghe trong tim sao thiết tha...” Những ca từ và giai điệu thân thương ấy, đã được ngân vang đầy tha thiết, xúc động bởi nhiều thế hệ anh chị học trò cuối cấp trong những lần bế giảng năm học mà tôi từng được tham dự. ...

“Ngày mai xa nhau rồiTrường mến thương xa rồiHè về phượng buồn tiếng ve cũng buồnNghe trong tim sao thiết tha...”

Những ca từ và giai điệu thân thương ấy, đã được ngân vang đầy tha thiết, xúc động bởi nhiều thế hệ anh chị học trò cuối cấp trong những lần bế giảng năm học mà tôi từng được tham dự. Mới chỉ ngày hôm qua thôi, chúng tôi dường như còn thờ ơ với những giọt nước mắt chia tay bạn bè, thầy cô và mái trường của họ, mà trong lòng chỉ háo hức mong chờ kỳ nghỉ hè sắp tới để được vui chơi thật thoả thích khi một năm học đã đi qua. Bất giác, tôi choàng tỉnh sau những cơn mụ mị của tâm trí khi kỳ thi học kỳ cuối cùng trong cuộc đời học sinh của mình đã kết thúc. Trước mắt tôi không chỉ là hai bước ngoặt lớn sắp phải đối mặt sau 12 năm đèn sách, mà còn là nỗi buồn ấp ủ trong một niềm tiếc nuối vô hạn khi những ngày cuối cùng của thời học sinh đang vụt trôi qua, vô phương níu kéo. Ngày mai, chúng tôi phải rời xa trường lớp thân yêu thật rồi! Rồi ta sẽ đi đâu trong cõi miền sâu thẳm của tâm hồn để có thể quên đi khoảng trống đầy ắp sự hụt hẫng ấy?

Mái trường THPT Đông Hà thân yêu này là nơi tôi đã gắn bó suốt ba năm tưởng như dài lắm mà thực ra thật ngắnThêm ảnh ngủi của thời trung học. Nơi mà ngày ngày tôi cùng người bạn thân mất vài phút đi bộ trên quãng đường dài chừng 200m để đến với cánh cửa màu xanh dương quen thuộc của ngôi trường đã 35 tuổi, cũng là đến với cánh cửa mở ra những tri thức mới, những chân trời mới. Con đường đến trường với ngã tư đông người buổi ban sáng; với con dốc uốn lượn hắt nắng vàng ngày hạ hay chút lạnh phả vào mặt trong những buổi sương sớm ngày đông; với những dòng nước nhỏ tinh nghịch trong một buổi chiều mưa cùng nhau đi học thể dục; với mùi hương ngào ngạt toả ra từ những bông hoa sữa trắng muốt ngày thu; những mái tóc đen dài óng mượt sánh bước cùng tà áo dài nữ sinh thướt tha; tất cả chúng luôn được in đậm trong trí nhớ và gắn liền với hình ảnh ngôi trường cấp III đẹp đẽ. Hiện ra trước mắt tôi là một dãy nhà ba tầng mang chút cổ kính và một sân trường đầy bóng mát của cây xanh với những đường chỉ cỏ thẳng tắp xếp thành nhiều ô vuông, nhìn từ trên cao xuống như một mặt màu xanh lá của khối rubic khổng lồ. Sân sau trường cũng là những ô cỏ hình bông hoa tuyệt đẹp và dãy nhà bốn tầng được xây lên cách đây không lâu, vẫn mới tinh và rất khang trang, hiện đại. Trường yêu với một dãy nhà ba tầng khác cùng những dãy nhà trệt xinh xinh, những hàng ghế đá đủ màu sắc rải rác khắp sân trường dưới những tán cây râm mát, cùng một hội trường lớn tách biệt và một sân thể dục hoành tráng, đã để lại trong tôi cùng nhiều thế hệ học sinh một niềm vui thích xen lẫn niềm tự hào về mái trường giàu truyền thống mà mình đã được học tập và rèn luyện.

Mái trường này, trong trái tim tôi và nhiều người khác, như chính ngôi nhà thứ hai của mình vậy. Nhà thì không phải lúc nào cũng vui vẻ và bình yên, nhưng niềm vui và sự ấm áp luôn lớn hơn gấp nhiều lần so với những nỗi buồn và sự cô đơn. Không phải lúc nào ta cũng muốn trở về nhà, cũng như là đến trường vậy, nhưng đó chỉ là những lúc mà tâm trạng ta bất ổn với những rắc rối thường tình của tuổi mới lớn, và rồi mọi thứ sẽ trôi qua và ta lại thèm gắn bó với “mái nhà” của mình. Mái nhà thứ hai này của tôi là nơi những người bạn như những người anh chị em trong một đại gia đình với những tính cách, sở thích và khả năng khác nhau, nhưng hầu như đều yêu thương và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Mái nhà này còn là nơi có hơn 80 người cha, người mẹ hết lòng dạy dỗ, bảo ban cho gần 2000 đứa con đôi khi rất nghịch ngợm, ương bướng và vô tâm của mình. Họ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho những đứa con, bất kể chúng có phạm phải sai lầm hay lạc lối trên đường đời. Họ luôn dang rộng vòng tay che chở và sẵn sàng hy sinh nhiều niềm hạnh phúc cá nhân cho một sự thành công lớn với nỗ lực của nhiều con người. Có những người cha, người mẹ đã không ngại khó khăn để thức suốt đêm chấm bài kịp cho những mong ngóng của những đứa con. Người khác lại không quản mệt nhọc để hoàn thành bài học cho con mình dù đã phải đứng lớp suốt 5 tiết buổi sáng mà vẫn tổ chức dạy bù vào tiết 1, tiết 2, không cần nghỉ ngơi. Có người cha đã gần 60 tuổi đời vẫn không giảm nhiệt huyết trong từng bài giảng, người cha khác chúng tôi lại chưa từng được truyền dạy bất cứ một bài học lý thuyết nào nhưng vẫn rất cảm phục vì tài năng và sự tâm lý với con mình, có người mẹ cổ họng dù ngứa rát vẫn cố nói to để con mình nghe cho rõ, cho hiểu bài học. Dẫu đôi khi giữa những người cha, người mẹ và những đứa con có rất nhiều bất đồng trong quan điểm, dẫu vài lần người cha hơi cứng nhắc, người mẹ hơi nghiêm khắc, nhưng rồi chúng tôi vẫn tìm được tiếng nói chung, hoà hợp với nhau. Để rồi khi đạt được thành quả, tất cả đều vui sướng và hạnh phúc vì công sức nhỏ mà mình đã góp vào thành công chung, thật đáng trân trọng. Một “đại gia đình” dù không hoàn hảo nhưng thật tuyệt vời như thế, chắc hẳn sẽ khiến những cô cậu học trò chúng tôi cảm thấy tiếc nuối khi ngày chia tay đang đến gần, và sẽ rất nhớ nhung nếu sau này bước đi bằng chính đôi chân của mình trên con đường đời…

Tôi từng được cô giáo dạy Văn của mình đúc rút cho một kỹ năng sống và thấy nó quả thật đúng đối với những ai sống thiên về lý trí: “Hãy sống bằng kinh nghiệm của người khác”. Thú thật, với một cô học trò sống thiên về tình cảm như tôi thì chính những trải nghiệm mà bản thân đã trải qua mới có thể khiến tôi nhận ra mình đã sai lầm như thế nào và bỏ lỡ những gì trong cuộc đời. Quãng đời học sinh cấp III của tôi dưới mái trường này cũng không là ngoại lệ, và đến giờ tôi mới thật sự thấm thía và luyến tiếc, thì chẳng còn cơ hội nào nữa để làm lại từ đầu. Bởi đã từng có lần tôi làm thầy cô thất vọng vì không chịu cố gắng học tập, không tích cực tham gia phong trào chung mà chỉ mang tính đối phó, làm bạn bè phiền muộn vì sự ích kỷ của mình, hay bỏ lỡ những giây phút vui chơi tập thể, những kỷ niệm cùng với tập thể lớp mà mình yêu quý. Thế mà tôi vẫn không thể nhận ra mình đã làm tổn thương người khác như thế nào, cho đến tận bây giờ.

Nhưng tự dằn vặt bản thân như thế này sẽ chẳng mang lại điều gì cả, tôi tự nhủ. Tôi vẫn còn một cơ hội để làm điều gì đó có ý nghĩa cho ngôi trường mà mình rất yêu quý này, phải không? Chính vì thế, tôi đã viết nên những dòng này, như một lời tri ân chân thành đến tất cả những người mà tôi quý mến và kính trọng. Đó là Ban giám hiệu nhà trường, những người cô, người thầy đã dìu dắt tập thể lớp tôi suốt ba năm qua, những thầy cô đã đứng lớp giảng dạy cho chúng tôi, và cả những thầy cô mà tôi chưa từng một lần được nghe giảng, đặc biệt là thầy phụ trách văn phòng trường tôi. Những người thầy, người cô ấy, có lẽ tôi vẫn sẽ nhớ mãi. Tôi không chắc sau này có đủ khả năng để thành công trong sự nghiệp và trở lại trường đóng góp chút gì đó cho nơi đã dưỡng dục mình nên người. Nhưng có một điều chắc chắn là những ký ức đẹp đẽ, đáng nhớ về trường yêu, tôi sẽ mang theo bên mình, như một cái túi chứa đựng nhiều niềm vui, để mỗi khi cảm thấy cô đơn, buồn bã, tôi sẽ mở chiếc túi thần kỳ ấy ra, và những chuỗi ký ức đáng nhớ ấy của thời cấp III lần lượt hiện lên trước cửa sổ tâm hồn, rồi khiến tôi mỉm cười, dù chỉ là với chính bản thân mình!

Nào bạn ơi đến đây, cùng hát vang
Cho những ngày buồn tan biến hết
Cho thầy cô, cho mái trường
Cho bạn, và cho tôi...

Vẫn là những câu hát trong ca khúc “Kỷ niệm mái trường”, bất chợt lại ngân vang trong tôi. Có thể, ngày mai, trong lễ tri ân và bế giảng cuối cùng của đời học sinh, tôi sẽ dũng cảm một lần bước lên sân khấu lớn và hát tặng thầy cô, bè bạn những giai điệu đầy ý nghĩa này!

0