24/02/2018, 18:32

Em hãy phân tích giá trị biểu cảm của những từ láy và nét độc đáo trong cách so sánh của nhà thơ Tố Hữu trong hai khô thơ sau: “Chú bé loắt choắt Cái xác xinh xinh…”

Em hãy phân tích giá trị biểu cảm của những từ láy và nét độc đáo trong cách so sánh của nhà thơ Tố Hữu trong hai khô thơ sau: “Chú bé loắt choắt Cái xác xinh xinh Cái chân thoăn thoắt Cái đầu nghênh nghênh ...

Em hãy phân tích giá trị biểu cảm của những từ láy và nét độc đáo trong cách so sánh của nhà thơ Tố Hữu trong hai khô thơ sau:

“Chú bé loắt choắt

Cái xác xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng…”

Yêu cầu làm rõ hai ý:

–   Giá trị biểu cảm của các từ láy.

–   Nét độc đáo trong so sánh của nhà thơ Tố Hữu.

1.  Về giá trị biểu cảm:

–   Tỉ lệ từ láy khá cao trong hai khổ thơ.

–   Những từ láy làm rõ được tính cách của Lượm.

–   Những từ láy thể hiện thái độ của nhà thơ mến yêu, trân trọng đối tượng miêu tả.

–   Nhờ sử dụng từ láy đúng lúc, đúng chỗ, đúng mức, Lượm trở nên chú bé sinh động, đáng yêu.

2. Về cách so sánh:

–   Chú bé Lượm được so sánh với chim chích.

–   Con đường cách mạng được so sánh ngầm: đường vàng.

–   Nhờ so sánh chính xác và độc đáo, Lượm càng trở nên rất đáng mến yêu.

Bài làm

“Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy” (Tố Hữu). Không biết hình ảnh non tơ mà chói ngời sắc đỏ của những Trần Quốc Toản, Kim Đồng, Vừ A Dính, Lí Tự Trọng… đã thấm đượm trong Tố Hữu-con người có tâm hồn, có tấm lòng “trang trải với trăm nơi” ấy – tự bao giờ để rồi vụt sống lên, cựa quậy, kết tinh lại trong Lượm – hình tượng chú bé liên lạc trong kháng chiến chống Pháp:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Chao ôi! Chú bé Việt Nam! Một chú bé gọn thon lỏn, hơi gầy gò nhưng có gì như lanh lợi, tinh nghịch. Lượm đấy! Như con thoi trên thảm lúa xanh mơn mởn, cái vóc dáng “loát choắt” ấy vụt chạy đến rồi lại chạy đi, mang theo những cánh thư trong chiếc xắc “xinh xinh”. Bên cạnh em, dường như mọi vật đều trở nên tí hon, ngộ nghĩnh vô cùng. Chiếc xắc đựng bao tài liệu quan trọng, bao “điện khẩn” vẫn gọn nhẹ biết mấy! Nó đập đập bên hông theo từng bước chân “thoăn thoắt”. Đôi chân mảnh khảnh ấy lướt nhanh trên mặt đất, không, nó bay đi thì đúng hơn. Chân đi không bén đất nữa! Nhưng đẹp hơn tất cả vẫn là tư thế “nghênh nghênh” đầy tự hào, vui sướng, hân hoan của em. Chú bé nhỏ tí hon dường như bị sóng lúa ào ạt che lấp, chỉ còn “cái đầu” mang “ca lô đội lệch” là vẫn “nghênh nghênh”. Mai-a-côp-xki từng so sánh việc chọn chữ của nhà thơ với khai thác chất hiếm ra-đi-um:

Lấy một gam

    phải mất hàng năm lao lực

Lấy một chữ

    phải mất hàng tấn quặng ngôn từ

Giờ đây ta mới thấm thìa! Bốn câu thơ, bốn từ láy. Thật hiếm khi đội quân từ láy tinh nhuệ của tiếng Việt được huy động hùng mạnh đến thế. In sâu trong ta, hiện lên trước mắt ta một bé Lượm, một Ga-vơ-rôt nhỏ nhắn, hồn nhiên, dũng cảm vùn vụt lao di bất chấp những cơn mưa bom bão đạn rạch nát bầu trời. Mà dường như không cần một sự cốgắng toát mồ hôi nào, hết sức nhẹ nhàng, thanh thản, lại còn “huýt sáo vang” nữa chứ. Thật là thú vị hình ảnh so sánh của Tố Hữu:

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng

Chim chích, con chim thân thuộc của làng quê Việt Nam, con chim bé nhỏ, lanh lợi mà người ta hầu như chỉ nhận biết sự có mặt của nó qua chùm âm thanh chiu chít vang lên sau luỹ tre làng, giờ sẽ trở thành bất tử trong hình ảnh Lượm. Và con đường đồng kia trong phút chốc trở thành “đường vàng”. Vàng bởi rơm rạ phơi ra? Bởi ánh nắng trời? Hay bởi chính vầng hào quang tỏa ra từ những bước chân thoăn thoắt của vị “chiến thần” tí hon? Nếu cắt riêng khổ thơ ra thì đây chỉ là những '“vần thơ tươi xanh” chứ không còn “lửa cháy” nữa. Ai bảo đây không phải là chú bé trên đường đi học? Ai không cảm nhận được âm hưởng thanh bình của cuộc sống? Nhưng không, chiến tranh là chiến tranh. Cánh chim mảnh mai bé nhỏ kia đang đối đầu với cái chết rình rập quanh đây, vậy mà nó vẫn hồn nhiên, vui nhộn lạ thường. Sức mạnh Việt Nam là thế đó:

Việt Nam, người là ai có sức mạnh thần kì

Với cái chết không bao giờ chịu chết.

Lượm đâu đã “thôi rồi” sau cái phút “bỗng loè chớp đỏ” kia!

Không phải là vô tình mà hai khổ thơ trên lại được lặp lại để kết thúc bài thơ. Với hàng loạt từ láy giàu sức biểu cảm, với nghệ thuật so sánh độc đáo, Tố Hữu đã thành công khi khắc hoạ hình tượng chú bé liên lạc dũng cảm. Lượm sống với chúng ta, sống giữa chúng ta, sống trong chúng ta là vì vậy!

0