31/05/2017, 13:11

Em hãy kể tóm tắt cuộc đời Kiều Nguyệt Nga

Đề bài: Dựa vào chú thích sách giáo khoa và đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, em hãy kể tóm tắt cuộc đời Kiều Nguyệt Nga. Kiều Nguyệt Nga là con gái tri phủ Hà Khê. Càng lớn nàng càng xinh đẹp khiến cho bao vương tôn công tử đem lòng yêu mến và mong muốn cùng nàng kết nghĩa phu ...

Đề bài: Dựa vào chú thích sách giáo khoa và đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, em hãy kể tóm tắt cuộc đời Kiều Nguyệt Nga.

Kiều Nguyệt Nga là con gái tri phủ Hà Khê. Càng lớn nàng càng xinh đẹp khiến cho bao vương tôn công tử đem lòng yêu mến và mong muốn cùng nàng kết nghĩa phu thê.

Nhựng cha nàng vì muốn con được sống trong giàu sang phú quý nên đã ép nàng lấy một người mà nàng chưa hề biết mặt. Vâng mệnh đấng sinh thành, Nguyệt Nga cùng cô hầu đến nơi cha làm việc. Giữa đường, nàng gặp toán cướp Phong Lai uy hiếp. May thay, Lục Vân Tiên vừa đi tới đã ra tay cứu giúp. Nàng đem lòng mến thương chàng từ đó.

Kiều Nguyệt Nga lòng nhủ lòng tự nguyện gắn bó suốt đời với Vân Tiên. Tự tay nàng vẽ một bức hình chàng và luôn giữ bên mình. Khi nghe tin Lục Vân Tiên chết trận, nàng thề sẽ thủ tiết suốt đời và phụng dưỡng cha chàng.

Thái sư thấy nàng vốn là người thuỳ mị nết na, hiếu nghĩa vẹn toàn muốn dành cho con trai mình, nhưng bị nàng từ chối. Thái sư tức giận bèn tâu với vua bắt nàng đi cống giặc ô Quan buồn bã, chán nản, khi thuyền đi tới biên giới, nàng liền nhảy xuống sông tự vẫn mang theo tấm hình Vân Tiên.

Phật Bà Quan Âm cảm thương tấm lòng thơm thảo của nàng đã cứu vớt, rồi đưa nàng vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Công thấy nàng đẹp người, tốt nết bèn nhận làm con nuôi. Nhưng Bùi Kiệm, con trai Bùi Công lại muốn lấy nàng làm vợ.

Không còn cách nào khác, nàng bỏ trốn vào rừng nương tựa một bà lão dệt vải. May sao sau đó ít lâu nàng gặp lại Lục Vân Tiên. Hai người được đoàn tụ, cùng xây dựng hạnh phúc.

ĐỀ: Phân tích giá trị nghệ thuật của 14 câu thơ sau đây của Nguyễn Đình Chiểu dưới tiêu đề Những câu thơ "giàu cảm xúc, khoáng đạt, bình dị, dân dã.

Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ,

Dốc lòng nhơn nghĩa, hả chờ trả ơn?

Nước trong rửa ruột sạch trơn,

Một câu danh lợi chi sờn lòng đây.

Rày doi mai vịnh vui vầy,

Ngày kia hứng gió, đêm nầy chơi trăng.

Một mình thong thả làm ăn,

Khoẻ quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm.

Nghêu ngao nay chích mai đầm,

Một bầu trời đất vui thầm ai hay.

Kinh luân đã sẵn trong tay,

Thung dung dưới thế, vui say trong trời.

Thuyền nan một chiếc ở đời,

Tắm mưa trải gió trong vời Hàn Giang.

                                                                              (Lục Vân Tiên)

BÀI LÀM

Những câu thơ "giàu cảm xúc, khoáng đạt, bình dị, dân dã"

Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ,

Dốc lòng nhơn nghĩa, há chờ trả ơn?

Nước trong rửa ruột sạch trơn,

Một câu danh lợi chi sờn lòng đây.

Rày doi mai vịnh vui vầy,

Ngày kia hứng gió, đêm này chơi trăng.

Một mình thong thả làm ăn,

Khoẻ quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm.

Nghêu ngao nay chích mai đầm,

Một bầu trời đất vui thầm ai hay.

Kinh luân đã sẵn trong tay,

Thung dung dưới thế, vui say trong trời.

Thuyền nan một chiếc ở đời,

Tắm mưa trải gió trong vời Hàn Giang.

Đoạn thơ trên trích trong truyện thơ Lục Vân Tiên, tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu.

Lục Vân Tiên bị Trịnh Hâm làm hại, sau được gia đình ông Ngư dốc lòng cứu chữa. Đây là lời nói của ông Ngư, khi thấy Lục Vân Tiên tỏ ra băn khoăn vì không biết lấy gì báo đáp ơn cứu mạng.

Điều dễ nhận thấy trong đoạn thơ này là cách sử dụng từ ngữ rất giản dị và dân dã. Ra đời cách đây hơn một trăm năm, nghĩa là khi chữ Hán vân còn chiếm một vị trí quan trọng trong văn chương và đời sống, nhưng đoạn thơ hâu như chỉ sử dụng từ thuần Việt. 14 câu lục bát, 196 chữ mà chỉ có khoảng chục chữ là từ Hán-Việt: ngư, nhơn nghĩa, danh lợi, kinh luân, thê, Hàn Giang... Với thực trạng từ Hán-Việt chiếm tỉ lệ khoảng 70% trong kho từ ngự nước ta thì quả là Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt từ rất sớm.

Những câu thơ này cũng rất tiêu biểu chophong cách thơ Nguyễn Đình Chiểu: mộc mạc, giản dị, tự nhiên như lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân lao động. Thơ như thoát ra từ cửa miệng:

... Lòng lão chẳng mơ...

...Nước trong rửa ruột sạch trơn

Chẳng hề có dấu hiệu gia công, chẳng cần cầu kì: "...Khoẻ quơ chài lưới, mệt quăng câu dầm/Nghêu ngao nay chích, mai đầm', nhưng đây là loại thơ có sức thuyết phục cao bời sự chân thành của tấm lòng. Chỉ với hình thức thơ tự nhiên như khí trời và sông nước như thế mới có thể hiện được dấu ấn rõ nét về nghề nghiệp, thành phần xuất thân, tâm lí của nhân vật.

Một điểm nữa dễ nhận thấy ở đây là thể thơ lục bát được sử dụng hết sức thuần thục. Lục bát dễ làm, nhưng khó hay; rất dễ phân biệt đâu là những vần thơ của thi nhân thực sự và đâu là những câu vần vè của thi sĩ mới vào nghề. Người ta cũng thường dẫn ra chữ này câu kia để khen chê thơ Lục Vân Tiên. Tuy nhiên, với 14 câu thơ lục bát đang nói đây, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng được xếp vào hàng ngũ của những nhà thơ phát huy được được thể thơ truyền thống của dân tộc. Truyền thống trong cách ngắt nhịp: cả 14 câu đều chọn cách ngắt nhịp chẵn:

Kinh luân / đã sẵn / trong tay

Thung dung dưới thế / vui say trong trời

Thuyền nan / một chiếc / ở đời

Tắm mưa / trải gió / trong vời / Hàn Giang

Truyền thống và chuẩn mực trong cách hiệp vần:

mơ/chờ; ơn/trơn/sờn; đây/vầy/này; trăng/quăng/dầm; hay/tay/say; trời/đời/vời

Tuy nhiên điều đáng nói là những câu thơ lục bát này giản dị về hình thức mà rất giàu cảm xúc, khoáng đạt mà sâu sắc về nội dung. Một đoạn thơ ngắn mà nhà thơ đã khắc hoạ khá rõ nét hình tượng ông Ngư với tất cả lí tưởng sống, cách sống, bản lĩnh sống... cao đẹp:

Dốc lòng nhơn nghĩa, há chờ trả ơn?

Đối với ông nhân nghĩa là trên hết, tất cả tinh thần và sức lực, tất cả suy nghĩ và hành động đều hướng tới cái đích ấy. Chữ dốc lòng rất hay, nó cho thấycuộc đời ông Ngư có một định hướng duy nhất: nhân nghĩa. Chính vì thế, ông có đủ sức mạnh để chiến thắng danh lợi, một thế lực khủng khiếp khiến cho không ít người phải gục ngã.

Nước trong rửa ruột sạch trơn

Một câu danh lợi chi sờn lòng đây?

Có bản lĩnh sắt thép như vậy, nhưng tâm hồn ông Ngư lại rất phong phú, rất gắn bó với cuộc đời. ông vui thú với thiên nhiên:

Rày roi mai vịnh vui vầy

Ngày kia hứng gió, đêm nầy chơi trăng

Ông yêu lao động, có tinh thần tự lực cánh sinh:

Một mình thong thả làm ăn Khoẻ quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm.Đó là một tâm hồn lạc quan của con người luôn luôn tự tìm thấy niềm vui trong cuộc sống:

Nghêu ngao nay chích, mai đầm,

Một bầu trời đất vui thầm ai hay

Lối sống ấy được nâng đỡ từ một nền móng vững chắc là ý thức về tài năng và tình yêu tự do mạnh mẽ:

Kinh luân đã sẵn trong tay

Thung dung dưới thế, vui say trong trời

Thuyền nan một chiếc ở đời

Tắm mưa trải gió trong vời Hàn Giang

Giữa vũ trụ bao la (dưới thệ, trện trời, trong vời Hàn Giang), lồng lộng hiện lên một con người kinh luân tế thế (người có tài lãnh đạo đất nước), lướt đi cùng con thuyền bất chấp gió mưa.

Lời thơ nôm nhưng chứa đầy khí phách, đạo lí, tình cảm của người dân Nam Bộ. Nhờ vậy, ta hiểu vì sao Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được nhân dân lao động đón nhận một cách nhiệt thành và đầy yêu mến đến thế.

Nguồn: Những Bài Văn Hay
0