20/06/2018, 09:09

Dinh dưỡng năng lượng của bò sữa

Hệ thống đánh giá giá trị năng lượng của thức ăn Gia súc lấy năng lượng từ thức ăn để đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể. Toàn bộ năng lượng hoá học có trong thức ăn được gọi là năng lượng thô (GE) của thức ăn đó. Tuy nhiên không phải toàn bộ GE thu nhận được từ thức ăn đều được con vật sử ...

Hệ thống đánh giá giá trị năng lượng của thức ăn

Gia súc lấy năng lượng từ thức ăn để đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể. Toàn bộ năng lượng hoá học có trong thức ăn được gọi là năng lượng thô (GE) của thức ăn đó. Tuy nhiên không phải toàn bộ GE thu nhận được từ thức ăn đều được con vật sử dụng. Một số bị mất đi qua phân, qua nước tiểu và qua khí mêtan. Năng lượng thô trừ đi năng lượng ở trong phân được gọi là năng lượng tiêu hoá (DE).

Sau khi trừ tiếp phần năng lượng mất qua nước tiểu và qua khí mê tan, phần năng lượng còn lại được gọi là năng lượng trao đổi (ME). Năng lượng trao đổi được cơ thể hấp thu và trải qua các quá trình trao đổi trung gian để cung cấp ATP cho các mục đích duy trì cơ thể và sản xuất khác nhau của con vật như co cơ, duy trì gradient nồng độ, phục hồi mô bào và chuyển hoá vào các sản phẩm sinh học như glycogen, protein, mỡ và lactoza của sữa.

Bản thân việc sử dụng ME để duy trì cơ thể và sản xuất cũng đòi hỏi tiêu tốn năng lượng. Phần năng lượng tiêu tốn này cuối cùng bị mất dưới dạng nhiệt và được gọi là năng lượng gia nhiệt (HI). Mức độ HI cao hay thấp phụ thuộc vào bản chất của thức ăn sử dụng và mục đích sử dụng ME. Giá trị năng lượng của thức ăn còn lại sau khi trừ đi HI được gọi là năng lượng thuần (NE). Đó chính là năng lượng hữu ích được con vật sử dụng cho duy trì cơ thể và sản xuất.

Hệ số k = (ME-HI)/ME = NE/ME được gọi là hiệu suất sử dụng năng lượng trao đổi.

Hệ số q= ME/GE được goi là hàm lượng năng lượng trao đổi và là một chỉ tiêu chất lượng quan trọng của thức ăn và có ảnh hưởng lớn đến hệ số k.

Toàn bộ HI và NE sử dụng cho duy trì cuối cùng được cơ thể thải ra ngoài dưới dạng nhiệt. Hầu hết NE sử dụng cho lao tác (nếu có) cuối cùng cũng thải ra khỏi cơ thể dưới dạng nhiệt. Trong khi đó NE cho tăng trọng (kể cả bào thai) và sản xuất sữa chính là giá trị năng lượng thô của các sản phẩm này. Chuyển hóa năng lượng ở gia súc nhai lạiChuyển hóa năng lượng ở gia súc nhai lại

Hiện nay một số nước trên thế giới dùng năng lượng trao đổi (ME) để biểu thị giá trị năng lượng của thức ăn, trong khi đó những nước khác lại dùng năng lượng thuần (NE). Sử dụng ME có tiện lợi là một loại thức ăn chỉ cần dùng một giá trị. Tuy nhiên, năng lượng ME này của thức ăn được sử dụng với hiệu suất sử dụng (hệ số k) rất khác nhau phụ thuộc vào các mục đích sử dụng năng lượng khác nhau (cho duy trì, sinh trưởng, sản xuất sữa, nuôi thai) và còn phụ thuộc vào chất lượng thức ăn ăn vào (hệ số q). Việc sử dụng hệ thống năng lượng NE sẽ thể hiện chính xác hơn nhu cầu năng lượng của con vật, nhưng lại phải thể hiện giá trị năng lượng của thức ăn theo các mục đích sử dụng khác nhau, tức là có nhiều giá trị NE cho một loại thức ăn.

Đọc thêm  Nuôi thích nghi bò sữa

Giá trị năng lượng trao đổi của thức ăn có thể được biểu diễn dưới dạng đơn vị thức ăn. Hiện tại ở Việt Nam đang sử dụng đơn vị thức ăn với giá trị bằng 2500 Kcal ME. Cũng như ME, năng lượng thuần cũng có thể biểu diễn dưới dạng đơn vị thức ăn. Ví dụ, theo hệ thống đánh giá giá trị thức ăn của Pháp, đơn vị thức ăn tạo sữa (UFL) của thức ăn được tính bằng 1700 Kcal NE.

Nhu cầu năng lượng của gia súc nhai lại

Nhu cầu năng lượng của bò sữa bao gồm nhu cầu duy trì, nhu cầu tiết sữa, nhu cầu sinh trưởng, nhu cầu nuôi thai và nhu cầu lao tác (nếu có). Trong phần này chúng tôi giới thiệu các công thức tính nhu cầu năng lượng đang được áp dụng ở Việt Nam và các công thức tính tương ứng theo hệ thống đơn vị năng lượng tạo sữa (UFL) của Pháp. Đây là hệ thống mới được giới thiệu vào chăn nuôi bò sữa ở miền Bắc Việt Nam trong thời gian gần đây (Pozy và Vũ Chí Cương, 2002).

Nhu cầu duy trì

Nhu cầu năng lượng duy trì là lượng năng lượng cần thiết để giữ cho con vật có khối lượng và thành phần mô bào không đổi, không sinh trưởng, không mang sinh sản và không sản xuất sữa. Nhu cầu này thay đổi chủ yếu phụ thuộc vào thể trọng của bò. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đên nhu cầu duy trì như trạng thái sinh lý, thời tiết khí hậu, phương thức chăn nuôi, v.v.

Nhu cầu năng lượng duy trì ở bò sữa trung bình là 118 Kcal/kg W0,75 cho bò cái không tiết sữa, hay 132 Kcal/kg W0,75 cho bò cái đang tiết sữa.

Theo hệ thống của Pháp, nhu cầu năng lượng (UFL) cho duy trì có thể tính theo thể trọng (W) của bò theo công thức sau:

UFL/ngày =1,4 + 0,6W/100

Nhu cầu năng lượng cho duy trì sau khi tính như trên cần phải tăng 10% cho những bò nuôi nhốt không hoàn toàn. Nếu bò nuôi nhốt không có nhiều khoảng trống để di chuyển trong chuồng, nhu cầu năng lượng cho duy trì chỉ cần tăng lên 5% là đủ. Trong trường hợp bò có nhiều diện tích để di chuyển nhu cầu năng lượng cho duy trì phải tăng thêm từ 15 – 20%. Nhu cầu năng lượng cho duy trì cần phải tăng từ 20 – 60% ở những bò chăn thả tuỳ theo giai đoạn phát triển của cỏ và loài cỏ có mặt trên thảm cỏ. Khi cỏ ngắn và thưa nhu cầu này cần tăng thêm 60%. Trong điều kiện mùa đông giá lạnh nhu cầu tính toán cho duy trì cần tăng thêm 8%.

Theo Pozy và Vũ Chí Cương (2002) ở miền Bắc Việt Nam trong mùa đông (tháng 1 – 3) bò Lai Sind thường được nuôi theo phương thức bán quảng canh, chăn thả cả ngày trên bờ đường, bờ đê, nhu cầu năng lượng cho duy trì (UFL/ngày) cần phải tăng thêm 30% (60% x 12 giờ/24 giờ). Nhu cầu năng lượng cho duy trì ở các tháng còn lại phải tăng thêm 10%. Với những hệ thống nuôi dưỡng bán thâm canh, bò Lai Sind được chăn thả 4 giờ một ngày, nhu cầu năng lượng cho duy trì cần phải tăng lên khoảng 3,3%. Bò sữa lai chăn thả 2 – 3 giờ ngày, nhu cầu năng lượng cho duy trì cần phải tăng lên 2,1%. Khi bò cái được buộc vào một cọc và chỉ có thể gặm cỏ hạn chế xung quanh cọc, nhu cầu năng lượng cho duy trì cần phải tăng lên 20%. Với bê và cái tơ chửa trước tháng thứ 7 được chăn thả khoảng 8 giờ/ngày, 16 giờ còn lại nhốt tại chuồng, nhu cậu năng lượng cho duy trì cần phải tăng 10%.

Đọc thêm  Đặc điểm sinh lý sinh sản của bò cái sữa

Nhu cầu sinh trưởng

Nhu cầu năng lượng cho sinh trưởng phụ thuộc vào mức tăng trọng hàng ngày và thành phần của phần tăng trọng tích luỹ. Do vậy, nhu cầu năng lượng cho tăng trọng được tính toán dựa vào thể trọng (W) và mức tăng trọng dự kiến (G):

UFL/ngày = W0,75(0,00732 + 0,0218 G1,4)

Nhu cầu mang thai

Trong những tháng đầu của thời kỳ mang thai nhu cầu năng lượng cho nuôi thai rất thấp nên có thể bỏ qua. Nhu cầu năng lượng cho mang thai cần được tăng thêm 20,35 và 55% so với nhu cầu duy trì tương ứng cho các tháng chửa thứ 7, 8 và 9. Nhu cầu này không phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc quản lý.

Nhu cầu tiết sữa

Nhu cầu năng lượng cho tiết sữa phụ thuộc vào năng suất sữa hàng ngày và thành phần của sữa. Vì tỷ lệ mỡ sữa có tương quan chặt chẽ với giá trị năng lượng của sữa nên việc tính toán nhu cầu tiết sữa thường được dựa vào tỷ lệ mỡ sữa thực tế của bò. Nhu cầu năng lượng để sản xuất 1 kg sữa tiêu chuẩn (4% mỡ) là 1144 Kcal ME hay 0,44 UFL. Như vậy nhu cầu năng lượng cho 1 kg sữa thực tế có hàm lượng mỡ bất kỳ là:

UFL/kg sữa thực tế = 0,44 X (0,4 + 0,15 X % mỡ thực tế)

Nhu cầu lao tác

Đối với một số bò sữa kiêm dụng có thể vừa khai thác sữa vừa sử dụng vào mục đích lao tác (cày, kéo). Trong trường hợp đó có thể tính 240 Kcal ME/100kg thể trọng/giờ lao tác. Mức này tương đương vói 0,1 UFL/100kg thể trọng/giờ lao tác.

0