18/06/2018, 11:02

Đề thi thử THPT Quốc Gia năm 2018 môn Ngữ văn (Đề 44)

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu: “(1) Cuộc sống vốn đã đủ phức tạp rồi, không cần phải trầm trọng hóa mọi thứ thêm nữa. Nếu bạn có thể làm điều gì đó để đơn giản nó, hãy làm. Nếu không, hãy để mọi thứ được tự nhiên! Nếu bạn thèm hamburger, hãy ăn ...

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“(1) Cuộc sống vốn đã đủ phức tạp rồi, không cần phải trầm trọng hóa mọi thứ thêm nữa. Nếu bạn có thể làm điều gì đó để đơn giản nó, hãy làm. Nếu không, hãy để mọi thứ được tự nhiên! Nếu bạn thèm hamburger, hãy ăn hamburger. Nếu bạn thấy mình quá béo, hãy giảm béo. Nếu bạn yêu ai đó, nói với họ. Nếu bạn chưa tìm thấy đam mê thực sự, hãy thử nhiều công việc khác nhau cho đến khi tìm thấy nó. Nếu bạn thích làm nhiều việc, hãy làm tất cả, lần lượt từng việc một. Bạn thấy chứ? Mọi thứ không nghiêm trọng như chúng ta nghĩ. Chỉ có những ý nghĩ phức tạp mới khiến ta lo lắng. Hãy suy nghĩ đơn giản, làm những gì mình muốn (miễn là hợp pháp và không phương hại ai) và tận hưởng cuộc sống!
(2) Niềm vui khi nhận được điểm 9 sẽ sớm phai đi, nhưng lòng đố kị với kẻ được điểm 10 sẽ còn vương lại mãi trong tâm trí. Đó là chuyện muôn thuở. Ta thường thèm muốn nhiều hơn nhưng hiếm khi dừng lại để nhận ra những gì chúng ta thực sự có. Chúng ta so sánh mình với người khác chỉ để thấy rằng hiện tại của ta không đủ tốt. Và bằng cách đó, ta gây áp lực không cần thiết lên chính mình. Và đó là khởi nguồn của mọi bi kịch.
Khao khát chinh phục những điều tốt hơn là việc đáng hoan nghênh, bởi lẽ nó là nguồn động lực để ta hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, cũng cần phải trân trọng cái nền tảng nơi ta đang đứng, những gì ta đang có trong tay. Đôi khi ta dồn sức chiến đấu vì những điều to tát, mà bỏ qua những niềm vui hàng ngày: tiếng cười của con trẻ, sự quan tâm chăm sóc của người thân, một cuốn sách hay, hay một mái nhà che chở ta khỏi sương gió nắng mưa. Đừng bao giờ quên những điều nhỏ bé mà quý giá vô cùng đó!”.
(Bình an nội tâm - Cân bằng cuộc sống, dẫn theo wallstreetenglish.edu.vn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2. Nêu nội dung chính và thông điệp tác giả muốn gửi gắm ở đoạn (1) của văn bản?
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao mọi người lại “thường thèm muốn nhiều hơn nhưng hiếm khi dừng lại để nhận ra những gì chúng ta thực sự có”?
Câu 4. Việc khao khát những điều tốt đẹp hơn và trân trọng những gì ta đang có trong tay có mâu thuẫn nhau hay không? Hãy bàn luận trong 5 - 7 dòng.

II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. (2 điểm)
Bằng đoạn văn khoảng 200 chữ, hãy bàn luận về ý kiến được gợi ra từ văn bản trên: So sánh mình với người khác là ta đang gây áp lực cho chính mình và đó là khởi nguồn cho mọi bi kịch.
Câu 2. (5 điểm)
Phân tích vẻ đẹp của bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người,
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
 
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Câu 1 Phương thức biểu đạt chính là phương thức nghị luận.
Câu 2 Trong đoạn (1), tác giả nêu ra những điều bạn có thể muốn làm và khuyên ta nên làm điều đó ngay khi có thể như ăn hămburger, giảm béo, tìm kiếm đam mê,...
Từ đó, gửi gắm thông điệp: hãy suy nghĩ đơn giản, làm những gì mình muốn (miễn là hợp pháp và không phương hại ai) và tận hưởng cuộc sống.
Câu 3 Mọi người“thường thèm muốn nhiều hơn nhưng hiếm khi dừng lại để nhận ra những gì chúng ta thực sự có”, bởi vì:
- Con người luôn muốn điều tốt hơn nữa, không biết đủ, không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn với hiện tại.
- Con người có bản chất so sánh, đứng núi này trông núi nọ.
Câu 4 - Về hình thức: 5-7 dòng, diễn dạt mạch lạc.
- Về nội dung:
+ Nêu quan điểm cá nhân
+ Bàn luận làm sáng rõ quan điểm
Sau đây là một gợi ý:
Việc khao khát những điều tốt đẹp hơn và trân trọng những gì ta đang có trong tay không hề mâu thuẫn nhau, mà bổ sung cho nhau, giúp con người trở nên hạnh phúc, thành đạt. Khao khát vươn lên là động lực hoàn thiện bản thân mình ở tương lai, còn trân trọng những thứ mình đang có là biết giá trị của những nỗ lực trong quá khứ và thành quả ở hiện tại. Một người biết cân bằng giữa việc thỏa mãn với cái đang có ở hiện tại và không ngừng tiếp tục phấn đấu trong tương lai mới là người khôn ngoan, giúp họ cân bằng được cuộc sống dù ở hoàn cảnh nào đi nữa.
 
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. (2 điểm)
v Yêu cầu chung về hình thức và kết cấu đoạn văn:
- Xác định đúng vấn đề nghị luận.
- Nêu được quan điểm cá nhân và bàn luận một cách thuyết phục, hợp lí.
- Đảm bảo bố cục: mở - thân - kết, độ dài 200 chữ.
- Lời văn mạch lạc, lôi cuốn, đảm bảo chính tả và quy tắc ngữ pháp.
v Yêu cầu nội dung:
- Giải thích, đánh giá: So sánh mình với người khác một cách tiêu cực, dù là so sánh hơn hay kém, bản chất chính là sự đố kị. Sự đố kị có thể khiến con người xa cách nhau, trở nên vị kỉ, nhỏ nhen và gây ra bi kịch không chỉ cho mình mà còn cho người khác.
- Chứng minh: HS lấy ví dụ vế tính đố kị trong tác phẩm văn chương, lịch sử, cuộc sống:
+ Chu Du trong Tam quốc chí là điển hình của sự so sánh mình với người khác, thấy bản thân thua kém, uất ức mà chết.
+ Đức Phật dạy: “Khổ tấm lớn nhất của đời người là ganh ghét, đố kị. Sai lầm lớn nhất của đời người là tự đánh mất mình”.
+ “Đừng để cho con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim” (Ét-môn-đô A-mi-xi).
- Bàn luận:
+ Mỗi người là một cá thể độc lập, so sánh mình với bất kì ai đều là khập khiễng.
+ Nguyên nhân của sự so bì có thể là: thói quen so sánh; sự mặc cảm, tự ti về bản thân; hay thất bại trong cuộc sống và nhìn thấy nhiều người may mắn hơn mình…
+ So sánh mình với người khác có nhiều tác hại:
§ Người hay đố kị, so sánh thường căng thẳng tinh thần, tổn hại sức khỏe, khó thành công do tâm trí chỉ để ý đến so bì (áp lực cho bản thân).
§ Tập thể có những người hay so sánh không đoàn kết, dễ nảy sinh mâu thuẫn nên không thể vững mạnh, thậm chí mạt sát, hãm hại nhau (gây nhiều bi kịch).
+ Tuy vậy, so sánh mình với người khác một cách tích cực lại có nhiều mặt tốt: Giúp chúng ta biết thi đua, phấn đấu, cạnh tranh lành mạnh.
+ Biện pháp: Để từ đó bỏ được thói đố kị, so bì, có thể rèn luyện câu:
§ Tìm hiểu lí do người khác hơn/kém mình, từ đó, có cái nhìn khách quan hơn.
§ Bình tĩnh trước ưu điểm, thành công của người khác; học hỏi những thế mạnh của họ.
§ Tự nhìn nhận những ưu điểm/ nhược điểm của bản thân để hoàn thiện mình.
- Liên hệ: Rút ra bài học cho bản thân.

Câu 2. (5 điểm)
Sẽ bổ sung sau!!
 
0