18/06/2018, 16:31

Đấu tranh của các chí sĩ yêu nước tại nhà tù Côn Đảo (1862-1930)

“Chuồng cọp” là một kiểu trại giam đặc biệt do người Pháp xây dựng ở Côn Đảo từ năm 1940 để giam giữ những người Việt Nam yêu nước Khổng Đức Thiêm Ngày 1-9-1858, hạm đội của liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công rồi đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng, mở đầu ...

nha-tu-con-dao “Chuồng cọp” là một kiểu trại giam đặc biệt do người Pháp xây dựng ở Côn Đảo từ năm 1940 để giam giữ những người Việt Nam yêu nước

Khổng Đức Thiêm

Ngày 1-9-1858, hạm đội của liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công rồi đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam.

Từ tháng 2-1859 đến đầu năm 1861, dưới sự chỉ huy của các viên tướng De Jenu, Page và Phó thủy sư Đô đốc Charne, quân Pháp đã tiếp tục đánh chiếm nhiều nơi. Ngày 12-4-1861, chúng chiếm được Định Tường. Ngày 28-11-1861, chúng cho Thông báo hạm Nordagaray chở quân đổ bộ lên Vũng Đầm rồi ra Tuyên bố đã hoàn thành việc chiếm lĩnh toàn bộ quần đảo Côn Lôn.

Vào ngày hôm sau, Thiếu tướng Tổng chỉ huy lực lượng hải quân Pháp trên biển Đông Bonard được giao kiêm giữ chức Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp tại Việt Nam. Ngày 16-12-1861, viên Thiếu tướng này cho quân đánh chiếm Biên Hòa. Cũng viên tướng này, ngày 14-1-1851 đã ra lệnh cho Trung úy hải quân Félix Roussel đáp tàu Nièvre ra Côn Lôn chuẩn bị cho bước thực thi âm mưu biến quần đảo này thành địa ngục trần gian ở Đông Dương thông qua việc chọn địa điểm đặt ngọn hải đăng và tìm mặt bằng để có thể xây dựng nhà tù có sức chứa khoảng 200 tù nhân lưu đày.

Ngày 1-2-1862 trở thành thời điểm mở đầu trang sử lao tù dưới chế độ thực dân tại quần đảo bốn mùa xanh tươi, thanh bình đứng trấn giữa biển Đông. Qua kết quả khảo sát và đề xuất của Roussel, Thiếu tướng Tổng tư lệnh lực lượng viên chức chinh Pháp ở Việt Nam đã ký quyết định cho phép xây dựng tại Côn Đảo một nhà tù để giam giữ các phần tử nguy hiểm, tù nhân và những người bị gọi là trộm cướp. Bonard đã ấn định chia tù nhân Việt Nam tại Côn Đảo ra làm hai loại:

1. Tù nhân phạm tội nổi loạn, làm phản và các trọng tội thông thường (người Việt Nam coi tội làm phản giống như tội giết cha mẹ).

2. Tù nhân chiến tranh (tù nhân chiến tranh cấp dưới vì chỉ làm theo lệnh cấp trên nên sẽ không bị xếp vào loại phản loạn).

Hai loại tù nhân trên phải được giam giữ tách rời nhau.

Tù nhân chiến tranh sẽ được làm doanh điền.

Tù nhân phạm tội phản loạn và mắc trọng tội sẽ phải đi làm việc công ích và trồng trọt.
Việc canh giữ, giám sát tù nhân sẽ được giao phó cho các quan viên và binh lính Việt Nam phục vụ tại Côn Đảo dưới sự chỉ huy của Quản đốc nhà tù.

Tiền lương, trang phục, khẩu phần ăn của họ theo quy định hiện hành.

Trang phục, khẩu phần ăn và chế độ thưởng phạt đối với tù nhân cũng theo quy định hiện hành.

Các quan viên và binh lính Việt Nam được giao nhiệm vụ canh gác tù nhân sẽ phải thực hiện đầy đủ cam kết của mình. Thông thường những người Việt Nam đảm nhận các chức vụ này được thăng một bậc.

Các quan viên và binh lính Việt Nam được phép gặp gỡ gia đình.

Một Ủy ban hành pháp sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra các tài khoản, tiền lương, trang phục, lương thực. Quản đốc nhà tù Côn Đảo sẽ phải trình sổ sách lên Ủy ban và người có quyền duy nhất cho phép thực hiện các khoản chi(1).

Để thực thi Quyết định trên, ngày 1-3-1862, Bonard soạn thảo quy chế, đệ trình lên Bộ trưởng Hải quân và thuộc địa Pháp nêu rõ, nhà tù Côn Đảo sẽ do Thanh tra công việc bản xứ (Inspecteur des Affaires Indigènes), Trung úy Roussel, Phó hạm trưởng Hải quân Pháp làm Quản đốc với nhiều quyền hành pháp, tư pháp trên quần đảo. Tàu Écho sau khi hoàn thành việc chuyên chở toán tù nhân đầu tiên ra Côn Đảo giam giữ sẽ ở lại làm nhiệm vụ tuần tra, canh phòng mặt biển.

Trên đất liền, Bonard tiếp tục tiến hành đánh chiếm tỉnh thứ ba của miền Đông Nam Kỳ. Bằng một lực lượng 10 tàu chiến chở đầy quân, ngày 23-3-1862, quân Pháp chiếm được Vĩnh Long.

Sau khi để mất 4 tỉnh Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long) vào tay quân Pháp một cách dễ dàng, ngày 5-6-1862 (ngày 9 tháng 5 năm Nhâm Tuất) triều đình Huế buộc phải ký Hiệp ước hòa bình và hữu nghị tại Sài Gòn với Pháp và Tây Ban Nha gồm 12 điều khoản, thừa nhận ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và quần đảo Côn Lôn hoàn toàn thuộc chủ quyền của Pháp; phải bồi thường chiến phí tương đương 288 vạn lạng bạc trong 10 năm; có trách nhiệm truy lùng, bắt giữ và giao nộp cho Pháp những người chống đối ẩn náu tại các vùng triều đình còn kiểm soát.

Ngày 25-6-1862, Bonard được cất nhắc lên chức Phó thủy sư Đô đốc, trở thành viên Thống đốc đầu tiên tại các vùng đất Nam Kỳ mà chúng chiếm được theo Hòa ước Nhâm Tuất, mở đầu thời kỳ Đô đốc – võ quan cai trị Nam Kỳ kéo dài 17 năm (1862-1879)(2). Dưới thời Bonard, hàng ngũ tổng lý được sử dụng vào bộ máy cai quản cơ sở. Nhiều sĩ quan Pháp như Gougeard, Brière de l’ Isle, Aubaret, Philastre, Rieunier, Paulin Vial, Harmand, Luro được chọn làm Thanh tra công việc bản xứ. Đầu năm 1863, sau khi có thêm viện quân, Bonard tấn công căn cứ Gò Công của nghĩa quân Trương Định. Thắng lợi về quân sự cộng với sự thỏa thuận của phái đoàn triều đình Huế tại Paris hồi tháng 6-1863 khiến cho Bonard yên tâm trong việc cho phép xây dựng lại nhà tù Côn Đảo bị cuộc nổi dậy của tù nhân tàn phá trước đó một năm. Trung úy hải quân Bizot trở thành viên Quản đốc thứ hai của nhà tù Côn Đảo tiếp nhận chuyến tù tiếp theo gồm 45 người do tàu Écho mới chở ra.

Cùng với việc xây dựng nhà tù, nhà cầm quyền Pháp còn chăm lo đến việc tổ chức bộ máy tư pháp. Ngày 25-7-1864, Thống đốc Nam Kỳ ban hành Sắc lệnh đầu tiên về tổ chức hệ thống tòa Tây án và tòa Nam án. Ngày 9-11-1864, Nha Nội chính (Direction de l’ Intérieur) ra đời để chuyên tâm vào việc nghiên cứu, theo dõi và giải quyết mọi công việc liên quan đến vùng đất Nam Kỳ thuộc Pháp. Paulin Vial được cử làm Giám đốc Nha nội chính(3).

Gần như tức thì, Nha Nội chính đã đệ trình nhiều phương án và giải pháp tiến tới việc mở rộng thuộc địa ở Nam Kỳ cho Nhà nước Pháp. Căn cứ vào các đề xuất tháng 2-1865, Thống đốc Nam Kỳ phái người ra Huế yêu cầu triều đình hạ lệnh cấm việc chiêu mộ nghĩa binh, giao cho quan lại cấp tỉnh, phủ, huyện trách nhiệm bắt giữ những người vi phạm lệnh này. Trong việc đền bù chiến phí, nếu không đủ bạc thì triều đình có thể gán nợ bằng các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Yêu sách kể trên đã khiến Tự Đức phải đốc thúc Bộ Hộ và Nội vụ phủ hối hả kiểm xét, thu thập tất cả các đồ dùng bằng bạc, bạc khối, bạc đĩnh tổng cộng được 72 ngàn lạng đem nộp thêm nhưng vẫn không đủ. Do đó, đến tháng 4-1866 Thống sứ Nam Kỳ lại cử phái viên đáp tàu ra Huế đưa thư yêu cầu giao lại các tỉnh trên để trừ vào số bạc còn thiếu. Phan Thanh Giản được cử vào Sài Gòn thương thuyết nhưng vẫn không làm vợi đi tham vọng của quân xâm lược.

Tháng 10-1866, Paulin Vial lại được cử ra Huế đe dọa chiến tranh. Các thân phiên, đình thần và Viện Cơ mật không tìm được lối thoát buộc Tự Đức phải quyết định xin đổi 3 tỉnh miền Tây lấy 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Tại Côn Đảo, Đại úy Jean Baptiste Boubé thuộc Trung đoàn 4 thủy quân lục chiến được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng đặc biệt. Trong khi chờ đợi viên sĩ quan này ra nhận chức, Héral de Brises – Trung úy thuộc trung đoàn 3 thủy quân lục chiến tạm quyền(4).

Ngày 20-6-1867, thực dân Pháp đưa quân đánh chiếm Vĩnh Long lần thứ hai. Ngày 22-6-1867 chúng chiếm Châu Đốc (An Giang). Ngày 24-6-1867 tiến đánh Hà Tiên. Ngày 25-6-1867, Thiếu tướng hải quân De La Grandière ra tuyên bố Lục tỉnh Nam Kỳ hoàn toàn thuộc lãnh thổ của Pháp.

Tuy thành lập được vài năm, nhà tù Côn Đảo cho đến tận lúc này vẫn chưa có quy chế độc lập. Trong khi ngày 24-11-1869, Thống đốc Nam Kỳ G.Ohier cho ban hành quy định riêng về các hoạt động của Khám Lớn do Giám đốc Nha Nội chính soạn thảo nhưng mãi đến ngày 22-5-1871, Thống đốc Nam Kỳ Dupré mới ra quyết định trợ cấp cho toàn bộ lực lượng đồn trú tại Côn Đảo mỗi tháng 300fr để cải thiện bữa ăn trưa vì giá lương thực, thực phẩm so với đất liền quá cao; khoản tiền này do ngân sách địa phương đài thọ(5). Gần hai tháng sau, ngày 8-7-1871, Thống đốc Nam Kỳ quyết định bổ sung một số điều:

1) Kể từ ngày 1-7-1871, nhà tù Côn Đảo được đặt dưới quyền kiểm soát của Giám đốc Nha Nội chính, mọi khoản chi tiêu do ngân sách địa phương cung cấp.

2) Lương cho đội ngũ nhân sự được trả như sau:

– Quản đốc nhà tù 12.000 fr/năm kể cả phụ cấp độc hại và các khoản trợ cấp khác.
– Mỗi giám ngục từ 2.100-2.400fr/năm tùy theo cấp bậc.
– Tám thủy quân lục chiến, mỗi người 1.080fr/năm.
– Giám thị trưởng và Thư ký được hưởng thêm 400fr/năm tiền phụ cấp lương thực.
– Đội lính gác đảm nhận việc canh giữ khu vực ngoài nhà tù, được trợ cấp thêm 100fr/năm để may trang phục, ngoài ra còn được nhận khẩu phần lương thực trả bằng hiện vật.
– Theo Quyết định ngày 22-5-1871, hàng tháng ngân sách địa phương có trách nhiệm trợ cấp 300fr để thủy quân lục chiến cải thiện bữa ăn trưa.

3) Quản đốc nhà tù Côn Đảo được quyền xử phạt tù nhân và các nhân viên làm việc tại nhà tù, thẩm quyền ngang với Thanh tra công việc bản xứ.

4) Các Nghị định ngày 14-7 và ngày 24-11-1869 quy định chế độ và nội quy của Khám Lớn (Sài Gòn) sẽ được áp dụng tại Côn Đảo sao cho phù hợp với tổ chức đặc biệt của nhà tù(6).
Quản đốc nhà tù Côn Đảo đã căn cứ vào chương 9 của bản quy định ngày 24-11-1869 của Khám Lớn (Sài Gòn) áp dụng:

1) Chỉ có các nghi phạm, tù nhân thường mới được giam giữ trong các phòng thoáng khí. Các tù nhân trung chuyển bị đưa vào các phòng giam đặc biệt. Tù nhân bị kết án lao động khổ sai bị nhốt trong các phòng giam tách biệt. Bị cáo do tòa Nam xét xử không được giam chung với bị cáo do tòa Tây xét xử. Tù nhân vị thành niên giam riêng. Tuyệt đối cấm sự tiếp xúc, trò chuyện giữa các tù nhân ở các khu vực khác nhau, các loại tù khác nhau. Quản đốc nhà tù sẽ lên danh sách những tù nhân không chấp hành kỷ luật để buộc phải chịu hình thức dọn phân ở các nhà tiêu. Các trò chơi dưới mọi hình thức đều bị cấm. Không một tù nhân nào được phép cất giấu các loại dao và vật sắc nhọn. Khi ăn uống, làm việc phải giữ trật tự. Cấm hát hò, la hét, nói chuyện to, tụ tập để thỉnh cầu tập thể. Nếu làm mất, làm hỏng công cụ lao động do mình quản lý hoặc gây thiệt hại cho cơ sở vật chất của nhà tù, tù nhân phải chịu trách nhiệm; các tù nhân khác cùng phòng, cùng phân xưởng cũng bị liên đới. Cấm vẽ bậy, bôi bẩn, đóng đinh hoặc vật cứng lên tường. Cấm hút thuốc lá, ăn trầu đối với tù nhân. Các nghi phạm và bị cáo có thể được dùng trầu, thuốc nhưng dưới dạng nghiền nát.

2) Quy định về tín ngưỡng và tôn giáo: Những tù nhân theo đạo Thiên chúa sẽ được dự các buổi cầu nguyện và giảng giáo lý. Theo sự thỏa thuận và đề xuất của Quản đốc nhà tù và mục sư, Giám đốc Nha Nội chính chịu trách nhiệm sắp xếp giờ cầu nguyện và giảng đạo nhưng không được trùng với giờ tù nhân lao động(7).

Do việc tăng thêm nhân viên, binh lính và tù nhân, ngày 5-10-1871, Thống đốc Nam Kỳ ra quyết định nâng quỹ dự trữ cho nhà tù Côn Đảo từ 5.000fr lên 8.000fr.

Sau một thời gian áp dụng quy chế Khám Lớn (Sài Gòn) và bắt tay soạn thảo, ngày 31-1-1873, Thống đốc Nam Kỳ Dupére ký Nghị định ban hành Quy chế riêng cho nhà tù Côn Đảo gồm 43 điều, không có gì khác nhiều so với quy chế Khám Lớn, chỉ gia giảm những đối tượng tù nhân không liên quan, đưa thêm sự hà khắc đối với lao động khổ sai và các biện pháp trừng phạt tù nhân.

Một trong những quy chế mà thực dân Pháp hết sức lúng túng khi thực thi tại Côn Đảo là do quy định không rõ trách nhiệm của Chỉ huy trưởng đặc biệt và Quản đốc nhà tù, giới hạn về mặt dân sự và quân sự của mỗi bên đến đâu rất khó phân định. Trước sức ép ngày càng gia tăng, ngày 8-7-1871, Thống đốc Nam Kỳ đã phải ra Nghị định bãi bỏ chức vụ Chỉ huy trưởng đặc biệt ở Côn Đảo nhưng không nhận được sự đồng tình của Tổng biện lý và Giám đốc Nha Nội chính(8), vì lý do khuyết người quản lý hồ sơ nhân sự của các công dân Pháp và người nước ngoài khác cư trú tại Côn Đảo. Để dung hòa một phần, ngày 29-7-1871, Thống đốc Nam Kỳ giao cho Quản đốc nhà tù tạm thời đảm nhiệm thêm phần công việc trên. Trước sự phản đối ngày càng mạnh, Thống đốc Nam Kỳ phải cho công bố Sắc lệnh ngày 14-5-1876 của Tổng thống Pháp về việc bổ nhiệm trở lại chức Chỉ huy trưởng đặc biệt và giao cho Giám đốc Nha Nội chính có trách nhiệm thi hành, kể cả việc công bố trên tờ Thư tín Sài Gòn và Công báo Nam Kỳ thuộc Pháp(9).

Nhằm thực hiện các thay đổi trên, ngày 11-4-1877 Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định giao các thẩm quyền Tổng biện lý phụ trách các vấn đề pháp lý bản xứ và việc quản lý hồ sơ người Pháp và người nước ngoài cho Chỉ huy trưởng đặc biệt tại Côn Đảo. Trong trường hợp có sự cố hoặc do Chỉ huy trưởng đặc biệt vắng mặt, Quản đốc nhà tù được phép giải quyết theo phạm vi quyền hạn được quy định(10).

Mọi mối quan hệ đang diễn ra theo chiều hướng suôn sẻ thì ngày 13-1-1878, Thống đốc Nam Kỳ lại ra Nghị định điều Trung tá hải quân Dosnematin Dorat đang giữ chức Chỉ huy trưởng đặc biệt để nhận nhiệm vụ trợ lý cho Đại tướng Chỉ huy tối cao lực lượng viễn chinh Pháp ở Việt Nam(11). Chức vụ chỉ huy trưởng đặc biệt tại Côn Đảo thực sự chấm dứt bởi Sắc lệnh ngày 16-5-1882 của Tổng thống Pháp, theo đó Sắc lệnh ngày 14-5-1876 bị bãi bỏ, Côn Đảo chính thức trở thành đơn vị hành chính dân sự cấp quận của Nam Kỳ thuộc Pháp và đặt dưới quyền điều khiển của Tổng tham biện phụ trách các vấn đề bản xứ(12).

Cho đến lúc này, nhà cầm quyền Pháp vẫn thực sự bối rối trong việc lựa chọn mô hình tổ chức cho Côn Đảo. Ngày 1-6-1884, theo đề xuất của Giám đốc Nha Nội chính, Thống đốc Nam Kỳ cho thành lập Ủy ban nghiên cứu phương án thay đổi cơ cấu tổ chức hiện tại của Côn Đảo do Giám đốc Nha Nội chính làm Chủ tịch, Sertier làm Thư ký và một số thành viên bao gồm Jouvet, Jourdan (Cố vấn Hội đồng Quản hạt), 1 quan tòa (Tổng biện lý chỉ định), 1 bác sĩ (Giám đốc Sở Y chính chỉ định), Chánh Văn phòng Văn phòng 3, Courteaud (nhân viên), Bocquet (nhân viên hành chính tập sự). Ủy ban này có nhiệm vụ nghiên cứu những phương án thay đổi cả về mặt hành chính cũng như tổ chức của nhà tù(13).

Suốt trong 5 năm tồn tại, Ủy ban không làm được gì nhiều, ngoại trừ việc đề nghị bổ nhiệm Charles Berre – Phó phòng cấp 1 thuộc Nha Nội chính tạm thời liêm nhiệm chức vụ quyền Quản đốc nhà tù Côn Đảo từ ngày 26-5-1886. Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ trong phiên họp ngày 9-2-1887 đã ra quyết nghị thay đổi chức danh Quản đốc nhà tù Côn Đảo thành người đại diện cho chính quyền tức là chức danh Giám đốc. Chấp hành sự chỉ đạo trên, ngày 22-6-1887, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định bổ nhiệm Charles Berre vào chức Giám đốc Côn Đảo(14). Ngày 22-12-1888, theo đề nghị của Ủy ban và căn cứ vào chi phí cho việc xây dựng ngọn hải đăng ở hòn Bảy Cạnh, Toàn quyền Đông Dương đã cho phép trao quyền quản lý quỹ dự trữ cho kế toán nhà tù Côn Đảo, quỹ này giảm xuống mức 7.000fr(15).

Những cải cách đơn lẻ và nhỏ giọt tại Côn Đảo làm cho giới cầm quyền Pháp thiếu an tâm, do đó đến ngày 14-7-1889, Phó Thống đốc Nam Kỳ lại phải thành lập Ủy ban nghiên cứu – khảo sát thực trạng nhà tù Côn Đảo do Vilard đứng đầu cùng với các thành viên là Réne, Brousmichi, Igonel. Ngoài nhiệm vụ chính được giao như tên gọi, Ủy ban này còn có trách nhiệm đề xuất các phương án và giải pháp cần thiết về cơ cấu, tổ chức của nhà tù(16).

Các thành viên đã tập trung rà soát lại toàn bộ văn bản có liên quan như Nghị định ngày 8-7-1871 về tổ chức lại nhà tù Côn Đảo, Nghị định ngày 31-1-1873 về tổ chức hoạt động nội bộ của nhà tù Côn Đảo, Sắc lệnh ngày 23-5-1889 về bổ nhiệm Giám đốc Côn Đảo, Sắc lệnh ngày 17-6-1889 về tổ chức hệ thống tòa án ở Đông Dương, Thông tư ngày 13-7-1889 về nội quy các nhà tù ở Nam Kỳ. Ngoài ra, các thành viên còn tiến hành khảo sát thực địa, lập báo cáo, đề xuất các giải pháp(17).

Theo đề xuất của Ủy ban khảo sát – nghiên cứu thực trạng nhà tù Côn Đảo, ngày 11-12-1889, Phó Thống đốc Nam Kỳ đã ký Nghị định về quy định nhà tù Côn Đảo gồm 24 chương, 122 điều. Bản quy chế quy định rõ ràng, chi tiết các chức danh, số lượng của mỗi chức danh làm việc tại nhà tù, mức lương và trách nhiệm của từng chức danh. Ngoài ra, còn nêu rõ các vấn đề về tài chính của nhà tù, việc khám chữa bệnh, trang phục, vũ khí và thiết bị.
Đối với tù nhân, quy chế quy định:

– Về thực phẩm: khẩu phần ăn hàng ngày: 800g gạo, 250g cá muối hoặc 750g gạo và 400g cá tươi. Nếu có điều kiện, mỗi tuần 2 lần sẽ được 750g gạo, 250g thịt lợn, 100g rau xanh. Tù nhân làm trong trang trại hoặc hầu việc được nhận lương thực, thực phẩm chưa nấu.
Giám lại ngục được phép buộc mỗi tù nhân nộp tối đa 50kg củi trong một ngày.

– Về trang phục: mỗi năm phát hai bộ quần áo vải nhuộm xanh. Tù nhân chạy giấy hay hầu việc được mang trang phục bằng vải trắng. Nữ tù nhân được phát một váy, 2 quần dài.

– Đồ dùng để ngủ: mỗi tù nhân có 1 giường lính, 1 chiếu. Mùa lạnh thêm 1 chiếu.

– Về lao động: tù nhân phải làm việc liên tục không được nghỉ ngơi, có lính canh gác và áp tải.

– Về chế độ kỷ luật: cấm mang theo các loại dao và vật sắc nhọn vào nhà tù; cấm ồn ào, huyên náo; cấm nói to, la hét, tụ tập, kiến nghị tập thể; không được giữ tiền; tất cả tù nhân phải cạo trọc đầu, trừ nữ tù nhân và một vài trường hợp được phép.

Bản quy chế còn nêu rõ: Côn Đảo là khu vực đóng kín; người châu Âu, người châu Á đều không được cư trú trên đảo, ngoại trừ số người được phép đến làm nông nghiệp… Có chế độ khen thưởng cho việc bắt được tù nhân trốn trại.

Như vậy, cho đến hết năm 1889 tại nhà tù Côn Đảo có tới 87 giám lại ngục, giám thị, nhân viên và binh lính. Theo quy định, còn có một đại đội chính quy thuộc Binh đoàn thuộc địa để bảo đảm thực thi các điều khoản của Nghị định trên.

Tuy nhiên, chữ ký trên bản Nghị định ngày 11-12-1889 chưa ráo mực thì Hội đồng y tế cấp cao đã đòi rút bớt một bác sĩ tại Côn Đảo. Đúng vào ngày ban hành Nghị định trên, Hội đồng Tư mật Nam Kỳ đã phải họp khẩn cấp đề nghị được giữ lại cả hai bác sĩ và cho rằng đây là việc làm cần thiết không phải số người trên đảo quá đông mà là vì cho đến tận thời điểm ấy, Côn Đảo vẫn không hề có đường dây liên lạc điện thoại nào nối với Sài Gòn. Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, quân đội có thể sẽ không được cứu chữa vì biết đâu bác sĩ duy nhất ấy cũng là nạn nhân đầu tiên. Để đề phòng mọi tình huống xấu nhất, cần phải tăng gấp đôi số bác sĩ làm việc tại bệnh xá của nơi xa nhất trong vùng thuộc địa. Hội đồng y tế cấp cao họp vào ngày 20-2-1890 đã bác bỏ lời đề nghị này do điều kiện vệ sinh ở Côn Đảo đã được cải thiện đáng kể(18).
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Jules Roche gửi báo cáo Tổng thống Pháp: “Theo Sắc lệnh ngày 25-5-1881 về quyền và nghĩa vụ của người bản xứ, các tù chính trị Việt Nam hiện đang bị giam giữ ở Côn Đảo. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp việc giam giữ đơn thuần các phần tử phiến loạn này tại Đông Dương chưa chắc đã là một giải pháp tốt cho an ninh trật tự. Thật vậy, nhiều lãnh tụ của các phe phái đối lập với chính quyền Pháp ở Đông Dương được dân chúng ủng hộ nên sau khi bị bắt vẫn tiếp tục giữ được uy tín và tiếng tăm của mình. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Trước tình hình này, việc cần thiết phải làm là tiến hành giam giữ các bị cáo trên vào một nhà tù khác tại thuộc địa nhưng với điều kiện nhà tù đó phải ở cách xa những nơi đông đúc, như thế mới có thể tách các bị cáo ra khỏi dân chúng. Có thể qua đó mà việc áp dụng các hình phạt được quy định tại Sắc lệnh ngày 25-5-1881 mới có hiệu quả; mặt khác, nó còn có tác dụng răn đe đối với dân bản xứ”(19).

Những đề nghị trên đã có tác động không nhỏ đến việc thay đổi phương thức quản lý ở nhà tù Côn Đảo.

Trước hết là, chi phí cho nhà tù Côn Đảo quá lớn, trong khi các địa phương đã bắt đầu có nhiều ngục thất, nhiều nơi cần đến sức lao động của tù khổ sai trong việc xây dựng dinh thự, đường sá, cầu cống. Các xứ thuộc địa khác như Guane, Tân Calédoni, Tahiti có nhu cầu cấp bách đến mức Bộ Hải quân và Thuộc địa kêu cầu khắp nơi. Để đáp ứng phần nào các loại đòi hỏi khác nhau, ngày 12-7-1891, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định cho phép các tội phạm có án sẽ được đưa đi bất cứ nơi nào ở Đông Dương dùng cho công ích. Nhà tù Côn Đảo có chỉ tiêu đưa 200 tù nhân lên tàu Annamit ra Bắc Kỳ để làm con đường chiến lược Tiên Yên – Lạng Sơn. Một số tù nhân khác của nhà tù Côn Đảo cùng tù nhân Khám Lớn (Sài Gòn) được đưa đi xây dựng thành phố Vũng Tàu khiến cho số tù ở Côn Đảo vợi hẳn. Tình hình này làm xuất hiện các ý kiến về sự tồn tại của nhà tù Côn Đảo, về ngân sách đài thọ cho nhà tù và có nên phân tán tù nhân ở đây về cho các tỉnh quản lý hay không? Trong bối cảnh đó, ngày 10-1-1892, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định quy định, tất cả tù chính trị, tù khổ sai bị án 2 năm tù giam trở lên đều phải giam giữ ở Côn Đảo. Các tranh luận chính quyền vấn đề này chấm dứt.

Mặt khác, để mị dân, ngày 29-10-1891, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định bãi bỏ chế độ chém đầu bằng gươm, đặt mua từ Pháp một máy chém (guillotine), giao cho một người phụ trách việc hành quyết cho cả Nam Kỳ. Mỗi khi Côn Đảo cần, máy chém này lại được đưa từ Sài Gòn ra bằng tàu thủy, đặt ở ngay trước bệnh xá của đảo.

Về mặt nhân sự, ngày 4-1-1892, Thống đốc Nam Kỳ ấn định việc tổ chức lại vấn đề này ở các đảo và nhà tù Côn Đảo; bổ nhiệm Jacquet – quan chức chính phụ trách các vấn đề văn hóa giữ chức Quản lý hành chính nhà tù Côn Đảo. Đến ngày 1-12-1893, Jacquet còn được giao thêm nhiều thẩm quyền và đặc quyền với mức lương 9000fr/năm(20) (4.500fr từ nhà nước Pháp, số còn lại do quỹ thuộc địa chi). Ngày 25-6-1894, Phó Thống đốc Nam Kỳ Navelle cho phép tăng số lượng nhân viên bản xứ tại nhà tù Côn Đảo từ 2 Giám thị cấp 3 lên 8 Giám thị cấp 4 và đến này 4-10-1894 lại bổ sung 1 Giám thị bản xứ cấp 3 và 4 Giám thị bản xứ cấp 4(21).

Để bù đắp sự thiếu hụt về kinh phí, ngày 1-6-1895, Phó Thống đốc Nam Kỳ J.Fourès đã căn cứ vào các điều khoản đặc biệt tại Nghị định ngày 11-12-1889 và dựa vào đề xuất của Quản lý hành chính nhà tù Côn Đảo, ấn định cho các quan chức và nhân viên có sử dụng tù (ngoại trừ những người được quy định ở điều 100) đều phải nộp 3fr/năm coi như khoản thu về hoa lợi(22).

Tình hình nhà tù Côn Đảo thực sự nóng lên khi Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp nghiên cứu báo cáo về hoạt động của các nhà tù Đông Dương của Chánh thanh tra Verrier và ngày 31-3-1896 đã có Thông tư gửi tới Toàn quyền Đông Dương. Theo Thông tư này, nhà tù Côn Đảo vẫn giam giữ cùng một lúc nhiều loại tù nhân (đi đày, cấm cố, khổ sai, câu lưu) là điều bất hợp lý, tạo ra cho tù nhân hình phạt nặng hơn mức bị xử ở tòa án. Đó là chưa kể hình phạt đánh bằng roi mây – một hình phạt đã bị loại ra khỏi khung hình phạt của nước Pháp và bị nhân loại lên án. Thông tư còn yêu cầu đưa các loại tù nhân kể trên ra Tân Đảo, Guane và tại các xứ thuộc địa này, phải giam giữ người Việt Nam vào một nhà tù đặc biệt bởi kinh nghiệm cho thấy tù nhân Việt Nam thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh, và kết quả lao động của họ thực sự là một bảo đảm chắc chắn đối với các nhà tù mà họ đã xây dựng nhằm phục vụ cho chính sách đô hộ ở Nam Kỳ. Để thành công hơn, cần đưa nữ tù nhân Việt Nam bị kết án khổ sai ra Guane để cùng với đàn ông Việt Nam bị lưu đày thành lập những trung tâm thuộc địa(23).

Ngày 14-8-1896, nhà cầm quyền Pháp đã ra Nghị định như sau:

“Phó Thống đốc Nam Kỳ tạm quyền
Chiểu Thông tư ngày 31-3-1896 của Bộ trưởng Bộ thuộc địa,
Chiểu Nghị định ngày 11-12-1889 về cơ cấu tổ chức nhà tù Côn Đảo,
Vì đã có nhiều nơi bãi bỏ hình phạt đánh bằng roi mây,
Sau khi được sự thỏa thuận của Cơ mật viện,
Ra Nghị định:

Điều 1- Nay bãi bỏ hình phạt đánh bằng roi mây được quy định tại điều 7 Nghị định ngày 11-12-1889.

Điều 2- Nghị định này sẽ được công bố và tống đạt đến những nơi cần thiết”(24).

Đồng thời, căn cứ vào báo cáo của các Thanh tra thuộc địa tham gia vào chuyến thị sát năm 1895 và đề xuất của Phó Thống đốc Nam Kỳ, ngày 30-10-1896, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định hủy bỏ những điều khoản có liên quan đến người đại diện hành chính được quy định tại Nghị định ngày 4-1-1892 để bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc nhà tù Côn Đảo với mức lương và phụ cấp 8.000fr (3.500fr do nhà nước Pháp trả, 3.500fr do chính quyền thuộc địa chi, 1.000fr chi phí dịch vụ và văn phòng phẩm), được hưởng các chế độ về quyền nghỉ phép, tiền lộ phí và các khoản khác như Phó ban Tổng Thư ký Chính phủ Đông Dương. Viên Trung tá hải lục quân đã về hưu Colbert Turgis được bổ nhiệm giữ chức vụ này trong Nghị định được ký cùng ngày. Louis Jacquet, đại diện hành chính tại nhà tù Côn Đảo chuyển sang ngạch Thanh tra nông nghiệp Nam Kỳ(25).

Qua 10 năm thực hiện quy chế về nhà tù Côn Đảo, khẩu phần ăn của tù nhân ngày càng trở nên tồi tệ do nạn bớt xén, chi ít khai nhiều. Từ đầu năm 1897, số tù nhân bị phù thũng vì thường xuyên phải ăn loại gạo mốc ẩm, cá thối mục ngày một gia tăng. Ngày 10-11-1898, Giám đốc nhà tù Côn Đảo buộc phải báo cáo thực trạng trên và ngày 12-11-1898, Phó Thống sứ Nam Kỳ đã ra Nghị định sửa lại điều 55 Nghị định ngày 11-12-1889 về khẩu phần ăn hàng ngày của tù nhân. Theo đó, mỗi tù nhân sẽ được 750g gạo, 300g thịt lợn, 100g rau xanh (5 bữa rau xanh/tuần) hoặc 800g gạo, 100g đậu khô (1 bữa/tuần) hoặc 800g gạo, 80g dưa muối (1 bữa/tuần) cho một ngày. Sau mỗi lần đánh bắt, nếu sản lượng cá đủ cho nhu cầu thì tù nhân sẽ được 400g cá tươi thay cho đậu và dưa muối. Ngoài ra, khẩu phần ăn của tù nhân còn có 50g mỡ lợn, không kể nước mắm và gia vị khác(26). Ngày 17-12-1898, Phó Thống đốc Nam Kỳ lại ấn định thêm, kể từ thời điểm này, trong trường hợp bất trắc xảy ra, nếu viên quản lý ngọn hải đăng Bảy Cạnh không tự giải quyết được vấn đề lương thực, thực phẩm cho mình thì nhà tù Côn Đảo mới phải chuyển đồ tiếp tế tươi sống đến đó.

Ngày 8-11-1902, Phó Thống đốc Nam Kỳ cho thành lập Ủy ban kiểm tra điều kiện vật chất và tinh thần tại nhà tù Côn Đảo do Chesne – Tham biện cấp I Sở Dân chính làm Chủ tịch; bác sĩ trưởng thuộc địa cấp I Métin, thanh tra quân đội thuộc địa cấp I Morange là thành viên. Ủy ban này sau khi hoàn thành công vụ sẽ đề xuất các giải pháp một cách toàn diện, kể cả vấn đề nhân sự và sinh hoạt vật chất tại nhà tù.

Đầu năm 1903, Ủy ban này hoàn thành công việc được giao. Căn cứ vào các văn bản và giải pháp, ngày 8-4-1903, Phó Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định đặc biệt cho nhà tù Côn Đảo. Trên cơ sở Nghị định, Giám đốc nhà tù Côn Đảo và Giám đốc các Sở Y chính Nam Kỳ, Cao Miên, Lào đã có nhiều đề xuất. Ngày 28-5-1904, Phó Thống đốc Nam Kỳ cho phép điều chỉnh khẩu phần ăn của tù nhân như sau:

– Các ngày chủ nhật, thứ 3, thứ 5: 600g gạo, 200g thịt lợn, 100g rau tươi, 100g chuối, 30g nước mắm, 10g muối, 3g hạt tiêu, 10g mỡ lợn, 15g chè.
– Các ngày khác trong tuần: 600g gạo, 250g cá muối hoặc 300g cá tươi, 100g chuối, 30g nước mắm, 10g muối, 3g hạt tiêu, 30g mỡ lợn, 15g chè(27).
Ngày 5-11-1909, Phó Thống đốc Nam Kỳ lại ra Nghị định hủy bỏ và thay thế đoạn 2 điều 94 trong Nghị định ngày 8-4-1903 về lượng củi sử dụng cho 1 ngày/người và giá mua 100 kg củi(28).

Quy chế về khẩu phần ăn và các chế độ khác đến với tù nhân được nêu ra trong các Nghị định do chính quyền thuộc địa ban hành trên đây chỉ tồn tại trên giấy, thực chất chỉ là những thủ đoạn nhằm đối phó với dư luận lên án việc đày ải, giết dần giết mòn tù nhân tại nhà tù Côn Đảo. Mặt khác, nó cũng biểu hiện sự lúng túng thực sự của nhà cầm quyền về quy mô của Côn Đảo này nên như thế nào và tên gọi chính xác của nó.

Chính vì những tốn kém và khó khăn kể trên mà ngay từ cuối thế kỷ XIX, đã xuất hiện nhiều ý kiến nên dỡ bỏ nhà tù Côn Đảo. Viên Phó Thống sứ Nam Kỳ Bocquét ngày 10-11-1899 đã ra Thông tư về một số vấn đề với các lý lẽ sau:

– Trong cuộc họp ngày 28-9-1899, sau khi đã nhất trí với chính quyền, Hội đồng Quản hạt đã quyết định dỡ bỏ nhà tù Côn Đảo vì nhà tù hiện nay không có khả năng đáp ứng chi phí giam giữ cho số tù nhân hiện có.

– Theo luật hiện hành, kể từ nay trở đi, tù nhân thụ án tại Côn Đảo sẽ được đưa đi làm việc công ích tại các địa phương hoặc thực thi các loại công việc yêu cầu tốc độ thực hiện nhanh nhưng thường bị trở ngại do quá trình tuyển mộ nhân công, nhất là vào thời điểm cấy gặt. Như vậy khu vực Côn Đảo sẽ có thể trở thành vùng thuộc địa tự do.

– Theo Nghị định ngày 10-1-1893, các nhà tù tại các địa phương chỉ được giam giữ tù nhân phạm trọng tội hoặc những tội có mức độ nguy hiểm tương đương xảy ra tại khu vực đó cho đến ngày bản án có hiệu lực và cả những tù nhân có hình phạt dưới 1 năm. Do đó nếu nhà tù Côn Đảo bị dỡ bỏ thì các nhà tù khác phải có đủ khả năng tiếp nhận cả những phạm nhân bị kết án 2, 3, 4 thậm chí là 15 năm tù và thêm vào đó, mọi điều kiện vệ sinh và an ninh cũng phải bảo đảm(29).

Quyết định dỡ bỏ nhà tù Côn Đảo rút cục bị xếp lại dù vào tháng 11-1904 tại đây, nhà cầm quyền Pháp cho thiết lập trạm quan sát khí hậu, thời tiết nằm trong hệ thống quan sát khí tượng Đông Dương. Ngày 17-8-1909, Phó Thống đốc Nam Kỳ cho thành lập một Ủy ban do Teulet, Chánh án tòa án đệ nghị cấp làm Chủ tịch, cùng một số thành viên khác (thư ký của Ủy ban do Thư ký Sở Dân chính đảm nhiệm, cố vấn thuộc địa, nhân viên tòa án, viên chức công chính, Chánh án văn phòng Văn phòng 1) có nhiệm vụ nghiên cứu các phương án chuyển nhà tù Côn Đảo thành một banh (le bagne)(30) ở Đông Dương, phục vụ cho mục đích giam giữ tất cả những người bị kết án lưu đày biệt xứ và tù khổ sai châu Á tại Đông Dương. Ủy ban này phải đưa ra các kiến nghị về việc xây mới nhà tù Côn Đảo và tổ chức hành chính, đi kèm với nó là chế độ kỷ luật. Trong trường hợp cần thiết, Giám đốc nhà tù Côn Đảo có trách nhiệm tiếp thu các ý kiến đề xuất của Ủy ban.

Chuẩn bị xong cơ sở vật chất cho địa ngục trần gian tại Côn Đảo, ngày 19-12-1915, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh liên quan đến những tội phạm bị kết án phát lưu ở Đông Dương với các quy định dưới đây:

– Chế độ phát lưu có hai loại: phát lưu tập thể (relégation collective) và phát lưu cá nhân (relégation individuelle).

– Địa điểm dành cho phát lưu tập thể là Côn Đảo (đối với những người Việt Nam và châu Á có nguồn gốc là người Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Thượng Lào, Quảng Châu Loan) và các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang (đối với những người Việt Nam và châu Á có nguồn gốc là người Nam Kỳ, Khơme, Hạ Lào và Battambang).

– Số người bị phát lưu tập thể sẽ do chính quyền sở tại bố trí công việc để họ lao động. Cơ sở lao động có thể là những cơ sở thuộc chính quyền hoặc của tư nhân sở tại. Nếu là của tư nhân thì phải được sự đồng ý của Toàn quyền Đông Dương (sau khi đã tham khảo ý kiến của Thống đốc Nam Kỳ hoặc Thống sứ Bắc Kỳ và Giám đốc Sở Tư pháp Đông Dương). Số tù phạm này được trả lương nhưng chính quyền phải giữ phần lớn số lương đó để trừ vào chi phí cấp dưỡng tù nhân. Mức lương và mức trừ các khoản chi phí đó sẽ do Toàn quyền quyết định.

– Người bị kết án phát lưu tập thể có thể làm đơn xin chuyển sang chế độ phát lưu cá nhân. Chính quyền địa phương kết hợp với tòa án sẽ xem xét trên cơ sở thái độ của đương sự trong thời gian còn ở chế độ phát lưu tập thể và xem xét đương sự đó đã có nghề chuyên môn tự kiếm sống không. Toàn bộ hồ sơ phải chuyển cho Giám đốc Sở Tư pháp, Toàn quyền Đông Dương mới ra quyết định chính thức cho người đó được chuyển sang chế độ phát lưu cá nhân. Trường hợp đơn bị bác bỏ thì 6 tháng sau mới được làm đơn lại.

– Người được hưởng chế độ phát lưu cá nhân có thể được tự do hành nghề của mình để tự kiếm sống hoặc có thể tự do ký giao kèo lao động với các cơ sở lao động của chính quyền hoặc của tư nhân, song vẫn phải ở nơi khác với nơi quê hương bản quán của mình hay khác với nơi mình đã gây án. Ngoài ra, chính quyền sẽ phát cho mỗi người một số riêng, trong đó ghi rõ tên gọi, bí danh, nhận dạng, hộ tịch, trạng thái pháp lý, thời hạn và nơi phải đến trình diện theo định kỳ. Trường hợp tái phạm một tội nào đó thì Toàn quyền Đông Dương sẽ ra quyết định hủy bỏ quyền được hưởng chế độ phát lưu cá nhân.

– Người bị kết án phát lưu tập thể cũng như phát lưu cá nhân đều có thể được chính quyền xét và tạm cấp cho một mảnh đất để tự canh tác thêm. Nếu không có vi phạm gì thì người đó có thể trở thành người sở hữu mảnh đất với hai điều kiện sau: một là, phải là người đang được hưởng chế độ phát lưu cá nhân; hai là, mảnh đất tạm cấp đã được canh tác liên tục 7 năm liền kể từ ngày tạm cấp(31).

Song song với việc ban hành các văn bản pháp quy, ngày 22-4-1916, Toàn quyền Đông Dương còn ban hành Nghị định cho củng cố, mở rộng và xây dựng thêm một số nhà tù ở các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu và đảo Cái Bàu. Giới thực dân cho rằng, nhà tù Cao Bằng giáp biên giới, tù nhân dễ vượt ngục; nhà tù Thái Nguyên chưa xây dựng xong; nhà tù ở đảo Cái Bàu đang xây dựng thì bỏ dở còn nhà tù Sơn La và Lai Châu chỉ là nơi giam giữ đơn sơ, chưa thích hợp với việc giam giữ các tù nhân nguy hiểm. Do đó phải củng cố vững chắc các nhà tù Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng; tiếp tục xây dựng cho thật kiên cố nhà tù đảo Cái Bàu, cần phải tập trung đầu tư cho nhà tù Thái Nguyên giống như nhà tù ở Côn Đảo.
Ngày 17-5-1916, Toàn quyền Đông Dương đã ra ba Nghị định:

1) Nghị định về chế độ tù phát lưu ở Đông Dương. Nghị định có các nội dung: địa điểm ấn định cho tù phát lưu, điều kiện yêu cầu và đề đạt, việc xin làm công tại các cơ sở lao động, vấn đề tạm cấp đất đai để canh tác, việc chuyển thành sở hữu, trường hợp tù nhân ở với gia đình, trường hợp tù nhân lấy vợ, trường hợp tù nhân chết. Đây là văn bản triển khai Sắc lệnh 19-12-1915 của Tổng thống Pháp.

2) Nghị định về chế độ tại các nhà tù ở Nam Kỳ gồm 3 chương, 24 điều khoản.

3) Nghị định về quy chế mới cho nhà tù Côn Đảo gồm 20 chương, 109 điều, hoàn chỉnh hơn, nghiệt ngã hơn, nhất là các vấn đề quy định tại:

– Chương 19. Phân loại tù nhân. 92) Tù khổ sai tại nhà tù Côn Đảo được chia làm 3 loại dựa vào tội trạng, thái độ và sự mẫn cán trong công việc. 93) Tù loại 1 có nhiều tiến bộ, được phép nhận doanh điền hoặc làm công cho dân trong vùng. 94) Tù loại 1 không nhận doanh điền được đi học hoặc đi làm trong phân xưởng, công trường. 95) Chỉ riêng tù loại 1 mới được Toàn quyền Đông Dương xét xá tội, giảm tội; tù loại 2 và loại 3 nếu tỏ ra dũng cảm, trung thành có thể được xem xét. 96) Tù loại 2 được đưa đi làm việc công ích phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích thuộc địa. 97) Tù loại 3 phải làm việc nặng nhọc nhất và có thể bị cách ly với các loại tù khác. 98) Việc phân loại tù căn cứ theo tội trạng, năng lực. 99) Chính quyền ra quyết định chuyển loại tù nhân, nhưng buộc tù nhân phải trải qua một thời gian chịu án theo quy định. 100) Chính quyền có quyền đề nghị đưa tù nhân xuống loại thấp và đưa vào phòng biệt giam hoặc ngục thất. 101) Tù nhân lưu đày bị giam trong xà lim, bị câu lưu do gây trọng tội hoặc các tội khác tương đương đều bị xếp loại 3. 102) Nếu không hoàn thành công việc, tù nhân chỉ được ăn cơm nhạt và uống nước lã.

Chương 20. Những khu trại trừng giới dùng để cầm cố những tù nhân không chịu hối cải: 103) Tù loại 3 được xếp vào loại này phải cách ly hoàn toàn với các loại tù khác và phải tuân theo chế độ đặc biệt. 104) Tù nhân không chịu cải tạo bị đưa vào nhà hoặc trại trừng giới. 105) Giám đốc nhà tù Côn Đảo sẽ đề xuất ý kiến lên Toàn quyền Đông Dương quyết định cần phải đưa ai vào nhà, trại trừng giới. 106) Thời gian bị giam trong nhà, trại trừng giới là vô hạn định, tối thiểu là 6 tháng, nó hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ lao động cũng như lỗi lầm mắc phải. 107) Tù nhân trong nhà, trại trừng giới phải làm những công việc nặng nhọc nhất trên công trường đặc biệt, không được phép tiếp xúc với tù nhân khác. 108) Thống đốc Nam Kỳ có thể nâng cấp các vùng trở thành khu vực giam giữ mà trong đó tù khổ sai sẽ được đưa vào làm việc. 109) Thống đốc Nam Kỳ, Tổng biện lý, Giám đốc Sở Tư pháp Đông Dương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Theo ông Trần Huy Liệu, nhà tù Côn Đảo gồm có những tù ở có các án khác nhau như sau:

1. Án cấm cố (détention).
2. Án phát lưu (déportation)
3. Án phóng trục (bannissement).
4. Án khổ sai (travaux forcés).
5. Án giam (prison)
6. Án lưu (relégation).
7. Án đồ và án đồ bị giam luôn luôn ở trong phòng (réclusion et téclusion cellutalre).
8. Những người chống án về tòa án bên Pháp (cour de cassation).

Trong các án trên đây lại phân biệt chính trị phạm và thường sự phạm. Những người bị kết án vào những án cấm cố, phát lưu và phóng trục thì toàn là những chính trị phạm, vì những án ấy là án chính trị; ngoài ra lại có một số đông chính trị phạm mà kết án khổ sai và án giam: theo án thì những người này không có gì khác với những người thường sự phạm cũng bị kết vào án ấy, nhưng nguyên nhân của nó vẫn là nguyên nhân chính trị. Người ta nói: những án chính trị nào mà có tính chất nguy hiểm hơn như bạo động, án mạng, lưu huyết, v.v. thường bị kết vào án khổ sai, còn những án nào có tính chất nhẹ nhàng hơn và biểu tình, làm rối loạn cuộc trị an, v.v. thì thường chỉ kết vào án giam. Án khổ sai là án nặng hơn những án chính trị kia, nhưng án giam thì lại nhẹ hơn. Tuy vậy, theo chỗ tôi thấy, thì nhiều chính trị phạm có những trường hợp (cas) rất thường mà cũng bị kết vào án khổ sai, nên không rõ trong đó còn có những nguyên nhân gì khác nữa.

Số chính trị phạm ở Côn Lôn hiện nay, người ta ước cả thảy độ non một nghìn người; còn thì là những thường sự phạm, theo danh từ mới trong nhà tù, người ta quen gọi là tù kinh tế. Các danh từ “tù kinh tế” không biết do đâu đặt ra, là có ý đối lập với “tù chính trị” mà nói.
Hai chữ “kinh tế” không bao quát được các trường hợp khác nhau. Ví dụ: tội nhân bị vào những tội như ăn cướp, ăn cắp v.v.. thì cắt nghĩa là vấn đề kinh tế đã đành; thế nhưng những tội phạm như tức khí đánh nhau, cưỡng gian, v.v.. thì cắt nghĩa thế nào cho xuôi được là vì vấn đề kinh tế? Tuy vậy cái danh từ ấy đã lưu hành nhiều và phổ thông lắm rồi; từ mấy nơi nhà tù trong đất như Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La; Khám Lớn (Sài Gòn), cho tới Côn Lôn đều thấy dùng cái danh từ ấy cả.

Theo chế độ nhà tù và sự giam giữ, người ta chia những án tù ra từng khu vực (catégorie) riêng, những tù khác án nhau không được ăn chung ở lộn và tiếp xúc với nhau. Nhất là tù chính trị và tù thường càng phải cách biệt nhau; mà ngay đến trong đám tù chính trị nếu khác án thì cũng không được gần nhau, nên nhiều khi đôi bên cách nhau chỉ một bức tường mà đã như ở vào một thế giới riêng(32).

4) Nghị định thay đổi khẩu phần gạo hàng ngày cho tù nhân, theo đó, mức 800g theo điều 27 Nghị định ngày 8-4-1903 được nâng lên 1kg(33). Tuy nhiên, đến ngày 22-1-1917, Thống đốc Nam Kỳ lại cho rút từ 1kg xuống còn 900g(34). Toàn quyền Đông Dương cũng ra Nghị định sửa đổi lại điều 82 Nghị định ngày 17-5-1916, theo đó Giám đốc nhà tù Côn Đảo có trách nhiệm bảo quản các tòa nhà, cơ sở vật chất và đồ đạc cũng như bảo đảm đủ ánh sáng cho toàn bộ khu vực nhà tù.

Ngày 6-7-1917, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định quy định địa điểm tập trung những người bị kết án phát lưu tập thể để tiếp tục triển khai việc thực thi Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ngày 19-12-1915:

Đối với người Việt Nam và châu Á khác mà nguồn gốc là người Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Thượng Lào, Quảng Châu Loan phải đưa ra tập trung tại Côn Đảo. Địa điểm này trực tiếp đặt dưới quyền của Giám đốc nhà tù Côn Đảo và đặt dưới quyền kiểm soát tối cao của Thống đốc Nam Kỳ.
Đối với người Việt Nam và châu Á khác mà nguồn gốc là người Nam Kỳ, Khơme, Hạ Lào, Battambang thì phải đưa đi tại những khu vực nhất định nằm trong tỉnh Cao Bằng và Hà Giang. Những địa điểm này đặt trực tiếp dưới quyền Công sứ Cao Bằng, Hà Giang và đặt dưới quyền kiểm soát tối cao của Thống sứ Bắc Kỳ.

Một nghị định khác cũng do Toàn quyền Đông Dương ký trong ngày 17-5-1916, quy định việc sử dụng những nhân công bị kết án phát lưu tập thể(35).

Từ thời gian này cho đến năm 1930, các luật lệ dành cho Côn Đảo nhìn chung đi vào ổn định, ngoại trừ một số thay đổi nhỏ vào các năm 1926 và 1928(36).

Qua sơ đồ dưới đây(37), nhà tù Côn Đảo duy nhất thuộc cấp liên bang tuy nó trực tiếp thuộc quyền của Thống đốc Nam Kỳ. Cũng như vậy, nhà tù Hà Giang, Cao Bằng thuộc cấp kỳ nhưng vẫn do Công sứ hàng tỉnh quản lý. Đây có lẽ là một đặc trưng của hệ thống nhà tù do thực dân Pháp dựng lên ở Việt Nam trước năm 1930. Chính nét đặc trưng này đã tạo cho nhà tù Côn Đảo có đẳng cấp trong hệ thống nhà tù ở các nước thuộc địa, làm cho nó ngang tầm cỡ với hệ thống nhà tù ở Guane, Tân Calédoni và trở nên đáng sợ nhất ở trong nước(38), được mệnh danh là có lợi ích chung cho các xứ thuộc Liên bang Đông Dương như Quyết định ngày 8-1-1904, các tù nhân sẽ được đưa đi bất cứ nơi nào thuộc Pháp quốc hải ngoại (France d’ Outremer), để dùng vào các việc công ích như Quyết định ngày 12-7-1891.

Lúc mới xây dựng, nhà tù Côn Đảo chỉ là những lán trại đơn sơ, mái tranh vách nứa nhưng do số lượng tù nhân đưa đến đây ngày một đông, trong số đó có nhiều quốc sự phạm nguy hiểm nên nhà cầm quyền Pháp đã nhanh chóng tận dụng những vật liệu xây dựng sẵn có để dùng cho việc kiên cố hóa hệ thống các nhà giam bằng các loại gỗ tốt, đá vôi, san hô.

Thông thường, các nhà giam được thiết kế và cấu trúc giống nhau. Tường được xây bằng đá hộc, đá tảng. Ở các góc tường đều có tháp canh và hệ thống chiếu sáng.

Phòng giam có nhiều loại. Phòng tập thế có thể chứa đến hàng chục và khi cần chúng nhồi nhét đến hàng trăm tù nhân. Phòng cá nhân gọi là nhà hầm hoặc xà lim không có hố xí, tù nhân ngủ ngay trên bục xi măng, hoàn toàn không có bóng dáng của giường lính và chiếu như quy định. Cửa ra vào làm bằng sắt, ngăn ánh sáng hoàn toàn không cho tù nhân được hưởng một chút không khí và ánh sáng tự nhiên.

Nhìn trên tổng thể, đến năm 1930 hệ thống giam giữ và quản lý tù nhân ở Côn Đảo gồm nhiều phòng giam (tức là các banh) và các sở chuyên môn – gọi tắt là sở tù.

Banh I được khởi dựng từ một 1862 nhưng phải đến năm 1889 mới được xây dựng kiên cố và năm 1896 hoàn thành. Vào khoảng 1876, tại đây đã có 5 phòng giam ở dãy bên phải, 2 trạm gác của lính, 9 gian nhà kho và 1 kho gạo ở bên trái sát với cổng. Đến cuối năm 1885, có thêm 4 gian cấm cố và 16 xà lim ở phía cuối; mỗi xà lim có kích thước 1,3m x 1,9m (xà lim đơn) và 4 xà lim đôi có kích thước 2,6m x 1,9m; giữa trại có một dãy nhà tranh kích thước 10m x 35m. Sau khi hoàn chỉnh, Banh I là một khu nhà được xây dựng kiên cố bằng gạch ngói, nằm khuất trong bốn bức tường đá cao hơn 3m, trên cắm nhiều mảnh thủy tinh sắc nhọn; bốn góc đều có tháp canh. Tuy đã được gia cố nhiều nhưng trong khuôn viên của Banh I vẫn còn một số phòng giam nhỏ sơ sài, tường đất mái tranh hoặc vách gỗ, mái ngói.

Banh I nằm ở trung tâm thị trấn Côn Đảo có tổng mặt bằng 12.015m2 bao gồm 10 khám lớn, trong đó có 1 khám tử hình, 20 xà lim biệt giam bằng đá, 1 khám đặc biệt, 1 hầm xay lúa đồng thời là nhà trừng giới.

Trước cửa Banh I là Văn phòng Giám lại ngục – còn gọi là Giám thị trưởng hoặc Sếp chánh. Sau Banh I là văn phòng của Giám thị Tây, bên trái là trại lính Tây. Giữa hai dãy khám là một khoảng sân trồng hai dãy bàng. Phía cuối là giếng nước, khu nhà bếp, có tường đá ngăn cách với nơi giam giữ tù nhân khổ sai loại 1.

Mỗi một khám lớn rộng chừng 150m2, tường xây bằng đá dày 50-60cm, mở 4 ô cửa sổ hẹp đặt cao giáp mái ngói, một tấm tôn dày có đục nhiều lỗ nhỏ bịt kín ô cửa sổ thay cho trấn song. Cửa ra vào khám rất hẹ

0