04/06/2017, 00:27

Chứng minh Nguyễn Khuyến là một nhà thơ dân tộc.

Trong Văn Học Việt Nam, những nhà thơ lớn đều là những nhà thơ dân tộc. Nhưng nơi Nguyễn Khuyến, chữ "dân tộc" thật gần gũi, thích hợp, và sáng chói hơn cả. Dù ông không có bản văn hùng tráng như ''Bình Ngô Đại Cáo '' của Nguyễn Trãi, những bài thơ trau chuốt như Bà ...

Trong Văn Học Việt Nam, những nhà thơ lớn đều là những nhà thơ dân tộc. Nhưng nơi Nguyễn Khuyến, chữ "dân tộc" thật gần gũi, thích hợp, và sáng chói hơn cả. Dù ông không có bản văn hùng tráng như ''Bình Ngô Đại Cáo '' của Nguyễn Trãi, những bài thơ trau chuốt như Bà Huyện Thanh Quan, hay nhiều bài thơ đạo lý răn đời như Nguyễn bỉnh Khiêm. Nhưng nơi Nguyễn Khuyến, có một tấm lòng lai láng với cảnh vật non sông, chan chứa sự thông cảm với dân lành, đề cao ...

I. NHÀ THƠ CỦA NÔNG THÔN
 
Nguyễn Khuyến sinh năm 1835 và mất năm 1909, thọ 74 tuổi . Trừ thời gian làm quan và lên Hà Nội dạy học, ông đã sống ở quê nhà hơn 40 năm. Do đó, ông thật hiểu biết từ bụi tre, ao cá, ruộng vườn. đến làng xóm, dân tình, phong tục.Dưới ngòi bút của ông, nông thôn Việt nam trở thành thật đẹp, thật gần, với những hình ảnh rõ ràng, sinh động :
 
Trâu già góc bụi phì hơi nắng
Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người
Với những tiếng thật Việt Nam
Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe
 
Đặc biệt là khi tả cảnh thu, rõ ràng là mùa thu của quê hương . Nguyễn Khuyến trở thành thi sĩ của mùa thu với ba bài thơ bất hủ : Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh . Tuy rằng trước kia cũng có những nhà thơ tả cảnh thu, nhưng có vẻ như mượn cảnh sắc Trung Hoa và đầy khuôn sáo như thơ thời Hồng Đức
 
Lác đác ngô đồng mấy lá bay
Tin thu heo hắt lọt hơi may.
(Hồng Đức quốc âm thi tập)
 
So với những câu thơ của Nguyễn Khuyến, thật không tạo ấn tượng bằng :
 
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
(Thu điếu)
 
Ngay cả khi tả cảnh ngôi chùa cũ kỹ cùng với một nhà sư đơn độc, ông cũng dùng những hình ảnh thật đẹp :
 
Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây
(Nhớ cảnh Chùa Đọi)
 
Nhưng đó là hình ảnh "sương khói" rất ít gặp nơi thơ Nguyễn Khuyến, còn phần nhiều là những hình ảnh quen thuộc, chất phác, gắn liền với dân quê như : con trâu, con gà, ngõ trúc, đường làng, khúc sông, bãi chợ, vườn cà, cây cải, ao cá, bờ tre.
 
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khác vắng teo.
(Thu điếu)
 
Tuy nhiên, cái làm cho Nguyễn Khuyến thực sự là nhà thơ của nông thôn, không phải chỉ là những bài thơ tả cảnh, mà là tình cảm của ông đối với những người chân lấm tay bùn. Ông thật thông cảm với đời sống cực nhọc của dân, một nắng hai sương, lại thêm cảnh vỡ đê lụt lội, nghèo túng, làm ăn thất bát, nợ nần 'lãi mẹ đẻ lãi con ". Có thể nói rằng : với Nguyễn Khuyến, thơ văn Việt Nam "lội xuống ruộng đồng " và cảm thông sâu sắc với đời sống dân quê, để nghe :
 
Ình ịch đêm qua trống các làng
Ai ai mà chẳng rước xuân sang
(Khai bút )
 
Vui với tiếng trống xuân đấy, nhưng rồi cũng để thấy :
 
Năm nay cày cấy vẫn chân thua
Chiêm mất đàng chiêm, mùa mất mùa
(chốn quê)
 
Ông đã cùng sống với cảnh khổ của dân:
 
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa
Chợ búa trầu chè chẳng dám mua
( Chốn quê)
 
Và ngậm ngùi với dân : 
 
Quai mễ Thanh Liêm đã lở rồi
Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi
(Nước lụt Hà Nam)
 
Hai chữ "Vùng ta" của Nguyễn Khuyến thật gần gũi, chí tình ; như chính ông với quê hương, làng nước.
 
Tuy nghèo khổ, lam lũ, nhưng tình cảm con người với nhau ở thôn quê thật thân thiện :
 
Chú Đáo bên làng lên với tớ
Ông từ xóm chợ lại cùng ta.
(Lên lão)
 
Và :  
Cổng reo trẻ đón, ông về đó
Gậy chống già chào : bác đấy a ?
(Hoàn gia tác )
 
Nguyễn Khuyến sống chan hoà với nông dân, người ta kể : khi ông đi dạo trong làng, gặp những cụ già, ông đã dừng lại mở cơi trầu, mời họ ăn và chuyện trò thật đằm thắm. Điều đó chứng tỏ Nguyễn Khuyến có 1 tâm hồn thật bình dân. Và Văn học sử cho ta thấy : chưa có 1 quan lớn tổng đốc nào lại đi làm câu đối, câu phúng điếu cho người láng giềng, bà thông gia, anh thợ rèn, chị thợ nhuộm, chị hàng thịt. Những câu thật đẹp, thật hay, và cũng chứa đầy tình cảm, đôi khi có chút hài hước bên trong, như câu đối cho chị vợ anh hàng thịt để treo trong nhà :
 
Tứ thời bát tiết canh chung thuỷ
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang
 
(bốn mùa, tám tiết bền chung thuỷ
Dặm liễu, gò bồ, muốn điểm trang)
 
Hai câu thơ nói lên sự thông cảm với nỗi lòng người goá phụ, nhưng cũng có những hình ảnh phù hợp với nghề nghiệp của cặp vợ chồng :" bát tiết canh, đôi bồ dục". Thật là hóm hỉnh, sâu sa.
 
Quả thật, trước kia cũng có những nhà thơ tả cảnh nông thôn, nhưng vẫn còn ít nhiều xa lạ với phong cảnh Việt Nam. Sau này, tuy có những thi sĩ như Đoàn văn Cừ, Bàng bá Lân, Nguyễn Bính, Anh Thơ đã vẽ ra nhiều nét đẹp làng quê và tâm tình người nông thôn; nhưng tấm lòng họ dành cho làng xóm và thân phận tối tăm của người dân quê, thật không bằng Nguyễn Khuyến . Chỉ có ít nhà văn sau này như Ngô tất Tố với "Tắt Đèn", Nguyễn công Hoan với "Bước đường cùng", là có thể thấy và mô tả được như ông, nhưng đó là văn xuôi và là cái nhìn của mấy chục năm sau. Có thể nói rằng : trước và sau đó, chưa có nhà thơ nào có bức tranh sinh động về làng nước và chan chứa với mối cảm thông với đời sống cực nhọc của dân, qua đó để lại ấn tượng sâu đậm cho đời, bằng nhà thơ Nguyễn Khuyến .
 
II. NHÀ THƠ CỦA TÌNH BẠN
 
Dân tộc chúng ta luôn yêu chuộng hòa bình và có tính hiếu khách, từ đó dễ thân quen và coi trọng tình bạn. "Lưu Bình Dương Lễ"ã là câu chuyện thật cảm động, nói lên truyền thống ngàn đời "trọng tình bạn" của dân tộc chúng ta.
 
Là 1 nhà thơ giầu tình cảm, Nguyễn Khuyến cũng không ngoại lệ khi nói về tình bạn, những bài thơ bất hủ của ông khi đề cập đến bạn là những minh chứng hùng hồn sâu sắc , quả thật là những tình bạn nên thơ :
 
Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu
Lụt lội năm nay bác ở đâu
(Nước lụt thăm bạn)
 
Hai câu đầu của bài thơ "Nước lụt hỏi thăm bạn" thật tự nhiên, thân tình. Rồi sau đó hỏi cả ổ lợn con, gian nhà chứa lúa nếp; với đôi chút hóm hỉnh pha trò về tính keo kiệt của bạn, cùng lời khuyên thật nhẹ nhàng với những thú chơi thanh tao :
 
Phận thua suy tính càng thêm thiệt
Tuổi cả chơi bời hoạ sống lâu
Và sau cùng là chút tin tức của mình :
Em cũng chẳng no mà chẳng đói
Thung thăng chiếc lá, rượu lưng bầu
 
Đối với bác Châu Cầu là vậy, còn khi Cụ Tam nguyên tiếp khách thì sao ? Nhà thơ của chúng ta tuy không keo kiệt, nhưng nhà nghèo, chả có gì đãi khách, bèn hài hước viện cớ từ đầu :
 
Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
 
Rồi thì thịt cá chẳng có, rau cỏ cũng không. Sau khi bóc trần hết các nghi thức xã giao : cái gì cũng không có, chỉ còn lại là :" Bác đến chơi đây, ta với ta ". Thật ngộ nghĩnh buồn cười cho 1 tình bạn dễ thương, vì chứa đầy lòng chân thật. Một tình bạn đằm thắm, vui tươi.
 
Nhưng cảm động nhất khi nói về tình bạn của Nguyễn Khuyến, phải kể đến bài thơ "Khóc Dương Khuê" â, 1 bài thơ để đời và là mẫu mực của tình bạn, qua đó chúng ta thấy nhà thơ thương bạn, quý bạn đến mức nào :
 
Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây tan tác ngậm ngùi lòng ta
 
Hai câu mở đầu thật ngỡ nàng, chua xót trước tin bạn mất; Rồi những câu kế tiếp mở ra 1 ký ức thâm giao từ thuở đăng khoa, đến "sớm hôm tôi bác cùng nhau "đèn sách, khi thì vui ngoài thiên nhiên với "suối reo róc rách lưng đèo",khi thì vui nơi "tầng gác cheo leo" với bài ca chén rượu ; nhớ những ngày "cùng nhau hoạn nạn", sớm tối có nhau như "duyên trời" cho gặp gỡ. Thế mà bác đã vội về ngay để" lên tiên", còn lại trên đời người bạn ngậm ngùi chua xót :
 
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa
Giường kia treo những hữ hờ
Đàn kia thôi gảy, ngẩn ngơ tiếng đàn.
 
Và cảm động nhất là 4 câu thơ cuối, với tâm tình níu kéo, nhớ thương, của người bạn già cô độc, khi những người thân ngày càng vắng bóng, làm cho nước mắt như cũng không còn trong nỗi đau vô tận :
 
Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.
 
III. NHÀ THƠ TRÀO PHÚNG
 
Khôi hài là 1 đặc tính của dân tộc Việt nam, nói lên tinh thần lạc quan đối với con người và cuộc sống. Nguyễn Khuyến đã thừa hưởng và góp phần phát huy đặc tính đó. Với thơ ca, ông đã thực sự là 1 nhà thơ trào phúng : cười người và cười mình .
 
Với cớ đau mắt, Nguyễn Khuyến đã từ quan về hưu, sống với dân làng. Nhưng lý do chính là : ông không muốn cộng tác với thực dân Pháp và triều đình bù nhìn để bóc lột dân. Vì ông thấy rằng : trong 1 xã hội mà Vua quan đều như "phường chèo", thì ông chả làm được gì, dù có danh vị tiến sĩ như ông thì cũng chỉ như là "tiến sĩ giấy" :
 
Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật, hoá đồ chơi.
(Vịnh tiến sĩ giấy)
 
Dưới ách đô hộ của thực dân và phong kiến, cái nghèo khổ như 1 màn đêm bao trùm đất nước, trừ 1 ít người ngay chính, chỉ có những kẻ ăn mảnh, đi đêm với thực dân như quan kinh lược Bắc Kỳ Hoàng cao Khải, Tổng đốc Vũ văn Báo, quan tuần Tiên Khoán, quan huyện Thanh Liêm, ông tổng Cóc.mới trở nên giầu nhờ vơ vét của dân. Thương dân, Nguyễn Khuyến bênh họ bằng cái cười để các quan lại bỏ thói bợ đỡ các quan Tây, bớt hà hiếp dân lành :    Có tiền việc ấy mà xong nhỉ
 
Ngày trước làm quan cũng thế a ?
(Vịnh Kiều bán mình)
 
Hoặc :        
 
Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt
Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen
(Tặng Đốc Học Hà Nam)
 
Nhà thơ đã cười và khuyên quan tuần , người màsau khi bị mất cướp, lại còn ê ẩm bộ xương già da cóc giữa đồng :   
 
Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông
(Thăm quan Tuần mất cướp)
 
ngay cả kinh lược đại thần Hoàng cao Khải, tay sai số 1 của thực dân Pháp trên đất Bắc, ông cũng chẳng nể nang khi ứng khẩu đọc 4 câu thơ tả "Ông phỗng đá" mà chính quan ra đề :
 
Ông đứng làm chi đó hỡi ông
Trơ trơ như đá vững như đồng
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó
Non nước đầy vơi có biết không?
 
Đây là ông Phỗng hay chính là quan phụ mẫu chi dân ?
 
Nhưng cái cười hay nhất và đẹp nhất của Nguyễn Khuyến, là tự cười mình. Đây là cả 1 nghệ thuật mà nếu không có tâm hồn như ông, khó có thể làm được. Khác với nhà thơ Tú Xương có cái cười chửi đời, ngông nghênh; Nguyễn Khuyến thường mượn cái cười để bộc bạch tâm sự.
 
Là 1 nho sĩ thành đạt, Nguyễn Khuyến đã bước vào hoạn lộ với tấm lòng yêu nước thương dân. Ông tin tưởng vào tài năng, chức vụ, và nhất là lòng chân thành của mình, có thể giúp triều đình tế thế an dân, đem lại ấm no cho trăm họ. Thế nhưng với sự sáng suốt, ông cũng đã nhìn ra rất sớm 1 triều đình nhu nhược, bù nhìn trước sức mạnh của người Pháp, và sự đổ vỡ chua cay của nền Hán học :
 
Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già .
(Ngày xuân dặn các con)
 
Với tâm sự u uất :
 
Nghĩ đến bút nghiên trào nước mắt
Ngước nhìn sông núi xiết buồn đau.
 
Thế rồi ông xoay ra cười mình, với nụ cười chua chát :
 
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng
(Tự trào )
 
Ông đã can đảm từ quan để về làm 1 người dân :
 
Cũng chẳng giầu mà cũng chẳng sang
Chẳng gầy chẳng béo chỉ làng nhàng
Lúc hứng đánh thêm ba chén rượu
Khi buồn ngâm láo mấy vần thơ
(Tự Trào )
 
Và để hiểu sâu hơn cái cười và tâm hồn của nhà thơ, chúng ta cùng nhìn sang 1 khía cạnh khác của ông : đó là lòng yêu nước chân thành, sâu sắc .
 
IV. NHÀ THƠ YÊU NƯỚC
 
Năm 1883, với hoà ước Harmand, triều đình nhà Nguyễn đã đặt nước Nam dưới sự bảo hộ của Thực dân Pháp. Vì muốn dùng thanh danh của Nguyễn Khuyến để lung lạc các sĩ phu trong nước, triều đình cử ông làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên . Ông đã lấy cớ đau mắt để từ quan về hưu, cho đây là hành động "dũng thoái", năm đó ông mới 50 tuổi; và bài thơ "Trở về vườn Bùi" là 1 minh định lập trường của ông : không cộng tác với Pháp, rời bỏ triều đình nhu nhược để trở về với dân.
 
Thế nhưng chỉ ít lâu sau, ông cảm thấy hành động của mình như 1 trốn tránh trách nhiệm, tiêu cực cầu an. Và tâm trạng day dứt buồn đau này đã theo ông cho tới cuối đời. Một đàng vì sức khoẻ yếu kém, nên ông không thể cùng các bạn đồng liêu như Ngự sử Phan đình Phùng , Tán lý quân vụ Nguyễn thiện Thuật cầm vũ khí chống Tây, đàng khác thấy cảnh nước mất nhà tan mà mình lại rút lui, bất lực . Hành động từ quan mà ông cho là "dũng thoái" lúc ban đầu, nay ông lại đem ra để chế diễu chính mình, cho rằng mình đã chạy làng lúc đất nước điêu linh :
 
Cờ đương dở cuộc không còn nước
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng .
(Tự thán)
 
Trong lòng ông chứa đựng 1 mâu thuẫn lớn lao : có 1 Nguyễn Khuyến thanh cao luôn muốn làm những điều ích quốc lợi dân ; lại như có l Nguyễn Khuyến khác cam chịu, "chạy làng", dấn thân vào "hội lạc".Và nơi ông, con người thứ 2 như thắng thế, nên ông luôn thán phục những người dũng cảm như ông nghè Dao Cù đã khởi nghĩa chống Pháp và bị tử hình : "con thiêu thân" chết khi thân hình vẫn luôn cháy sáng ; ông chế diễu những quan lại tay sai, và mượn hình ảnh "chuột ăn lúa" để chỉ trích chính Thực dân . Thế nhưng điểm chính, vẫn là nói về thái độ sống của mình; khi thì cười mình như 1 người đứng ngoài cuộc; khi thì coi mình như Mẹ Mốc, 1 gái goá thủ tiết thờ chồng như 1 sĩ phu trung thành với xã tắc non sông :
 
Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết
Mảnh gương trong vằng vặc quyết không nhơ.
(Mẹ Mốc)
 
Ông mượn chén rượu và cơn say để giãi bày tâm sự :
 
Ba phần tóc bạc càng thêm tủi
Một tấm lòng son vẫn có thừa
Chớ trách bên song say khướt mãi
Không say thì tỉnh với ai kia ?
 
Và rõ hơn nữa là :
 
Tuý ông ý chẳng say vì rượu
Say vì nước thẳm với non cao .
(Uống rượu ở Vườn Bùi )
 
Rồi như Bà Huyện Thanh Quan, ông đã mượn hình ảnh tiếng chim cuốc kêu để tỏ bày lòng yêu nước :
 
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ .
(Cuốc kêu cảm hứng )
 
Nhưng có lẽ đẹp nhất, vẫn là hình ảnh "Ông phỗng đá" mà ông mượn để khoác cho mình, một ông phỗng mà :
 
Hễ ngước mắt nhìn, chỉ thấy non sông ảm đạm
Đành tự dung thân nơi ngòi lạch tầm thường .
(Tặng Thạch Lão ông )
 
Thương thay cho 1 pho tượng mà vì gặp khói lửa loạn ly , nên phải đắm chìm trong cỏ dại, để như điếc, như ngây :
 
Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây
Trơ trơ như đá, vững như đồng .
(Vịnh Thạch Lão )
 
Ở đây, chúng ta không thấy 1 Nguyễn Khuyến tiêu cực, chán đời như ông khiêm tốn vẽ qua thơ ca của mình. Ngược lại, là hình ảnh của l người thiết tha yêu đời, yêu nước. Giữa một xã hội mà Vua Quan như "hề chèo", thì nhân cách của ông thật rực rỡ biết bao. Và điều quý hơn cả, là sự thành thực nội tâm của nhà thơ : ông không tự vẽ mình như 1 mẫu mực phải theo, nhưng như 1 cụ già cố giữ gìn phẩm chất, luôn gắng sức vươn lên để sống thanh cao. Cái cười của Nguyễn Khuyến là cái cười phảng phất nỗi buồn, vì đó là cái cười đạo đức của 1 người đầy tâm huyết, tài năng trước hiện tình đất nước thời bấy giờ, thật đáng cho chúng ta khâm phục.
 
V. KẾT LUẬN : TỪ GIỌT LỆ ĐẾN NIỀM VUI .
 
Bà cụ Đà, là cháu nội của nhà thơ Nguyễn Khuyến, đã kể rằng : Vào cuối đời, cụ Tam Nguyên sống âm thầm, buồn tủi. Mỗi lúc hoàng hôn sắp xuống, cụ ngồi trầm ngâm ngoài sân với hai ông phỗng đá, rót rượu vào ba ly, nâng chén mời, và tự uống phần mình; Rồi buồn rầu xoa đầu 2 pho tượng và uống hộ cho cả hai. Sau đó cụ ngồi thừ người một lúc, rồi cúi đầu, lặng lẽ bưng mặt khóc .
 
Giọt lệ chí tình của nhà thơ đã để lại cho chúng ta nhiều xúc động và suy nghĩ, cũng như chính cuộc đời và những thi phẩm của ông . Chúng ta cảm thông với những băn khoăn day dứt, với nước mắt và nụ cười của nhà thơ. Và hôm nay, chúng ta có thể nở nụ cười vui mừng vì Văn Học Việt Nam đã có 1 nhà thơ như thế. Nguyễn Khuyến đã "dân tộc hoá "ù phong cảnh nông thôn, "cụ thể hoá" cuộc sống lam lũ nhưng không kém phần thơ mộng của dân lành, "thi vị hoá" tình bạn, cười cái đáng cười và khóc điều đáng khóc trong xã hội, và nhất là đã yêu mến quê hương với 1 tấm lòng chân thật, khiêm nhường. Chúng ta hân hoan vì Văn Học Việt nam có Nguyễn Khuyến, 1 nhà thơ tài năng, đạo đức, một gương mẫu để chúng ta noi theo. Nhà thơ Nguyễn Khuyến, với lòng yêu nước và thương dân, đã đi vào Văn Học Sử và sẽ mãi mãi để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người .

0