24/06/2018, 16:50

Câu hỏi ôn tập bài 22: Cao trào cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 ( Phần 1) – Lịch sử 9

CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 1 Câu hỏi 1: Hoàn cảnh nào dẫn đến thành lập Mặt trận Việt Minh? Trả lời câu hỏi: -Tình hình thế giới: có sự biến chuyển, tháng 6-1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô, thế giới đã hình thành hai trận tuyến: một bên là các lực lượng dân chủ, do Liên Xô đứng đầu và một bên ...

CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 1

Câu hỏi 1: Hoàn cảnh nào dẫn đến thành lập Mặt trận Việt Minh?

Trả lời câu hỏi:

-Tình hình thế giới: có sự biến chuyển, tháng 6-1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô, thế giới đã hình thành hai trận tuyến: một bên là các lực lượng dân chủ, do Liên Xô đứng đầu và một bên là khối phát xít Đức, Ý, Nhật.

– Ngay từ đầu, cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã là một bộ phận trong cuộc đấu tranh của các lực lượng dân chủ do Liên Xô đứng đầu.

– Trong nước, nhân dân ta rên xiết dưới hai tầng áp bức Pháp – Nhật, mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với đế quốc phát xít Pháp — Nhật vô cùng sâu sắc, vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng.

– Trước tình hình đó ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo nhân dân đánh Pháp đuổi Nhật. Người đã triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941 và đề ra chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh.

Câu hỏi 2: Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã có những chủ trương gì?

Trả lời câu hỏi:

Những chủ trương mới của Đảng được quyết định ở Hội nghị Trung ương lần thứ 8:

–   Đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đánh đuổi Nhật – Pháp. Tạm gác khẩu hiệu “Đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày” thay bằng các khẩu hiệu “Tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho dân cày nghèo, giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công”, tiến tới thực hiện “Người cày có ruộng”.

– Thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) bao gồm các tổ chức quần chúng, lấy tên là Hội Cứu quốc.

Câu hỏi 3: Vì sao đến lúc này, Đảng ta lại thành lập Mặt trận Việt minh?

Trả lời câu hỏi:

Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, đặc biệt là tình hình trong nước:

– Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng ta đã chủ trương trước hết phải giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách Pháp – Nhật và coi đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.

– Để hoàn thành nhiệm vụ trên, Đảng chủ trương thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) bao gồm các tổ chức quần chúng, lấy tên là Hội Cứu quốc nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, để cùng nhau đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của Pháp – Nhật.

Câu hỏi 4: Ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị Trung ương lần  thứ 8, tháng 5 năm 1941?

Trả lời câu hỏi:

* Ý nghĩa:

– Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) có ý nghĩa lịch sử to lớn – đã hoàn chỉnh việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng đề ra từ Hội nghị Trung ương lần thứ 6.

– Kiên quyết giương cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và cấp thiết hơn bao giờ hết.

-Giải quyết đúng đắn và kịp thời mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và phong kiến.

-Đề ra phương pháp đấu tranh: tích cực chuẩn bị tiến tới Cách mạng tháng Tám. Với chủ trương của Hội nghị, Mặt trận Việt Minh ra đời, qua đó Đảng đã xây dựng được khối đoàn kết toàn dân vững chắc. Tiếp đó lực lượng vũ trang lần lượt ra đời, căn cứ địa cách mạng thành lập, phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa toàn quốc.

Câu hỏi 5: Từ khi Mặt trận Việt Minh ra đời các phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta phát triển như thế nào ?

Trả lời câu hỏi:

– Tổ chức Việt Minh (các Hội cứu quốc, đoàn thể cứu quốc) được thành lập ở khắp nơi trong nước, đặc biệt Cao Bằng được coi là nơi thí điểm của cuộc vận động xây dựng các Hội Cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh.

– Bên cạnh lực lượng quần chúng cơ bản ở nông thôn và thành thị, các tầng lớp nhân dân khác như sinh viên, học sinh, trí thức, tư sản dân tộc cũng được vận động vào mặt trận cứu quốc.

-Lực lượng vũ trang lớn mạnh dần, đội du kích Bắc Sơn phát triển thành trung đội Cứu quốc quân, tiến hành công tác vũ trang tuyên truyền, gây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng. Ngày 22-12-1944, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Cuối tháng 12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phay Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng).

– Báo chí của Đảng và của Mặt trận Việt Minh phát triển rất phong phú, đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, đấu tranh chống mọi thủ đoạn chính trị, văn hóa của địch, thu hút đông đảo quần chúng vào hàng ngũ cách mạng.

Một số chuyên mục của lịch sử lớp 9

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 9
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 9
  • Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9

Xem thêm: Câu hỏi ôn tập bài 21: Việt Nam trong những năm 1939-1945 – Lịch sử 9

0