13/01/2018, 10:46

Cảm xúc về một người thân trong gia đình – Văn hay lớp 7

Cảm xúc về một người thân trong gia đình – Văn hay lớp 7 Cảm xúc về một người thân trong gia đình – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi tỉnh Nghệ An Thế mà đã hai năm kể từ ngày ông ra đi, nhanh thật. Thời gian không thể xóa đi kỉ niệm về ông, về tình yêu ông dành cho cháu, ...

Cảm xúc về một người thân trong gia đình – Văn hay lớp 7

Cảm xúc về một người thân trong gia đình – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi tỉnh Nghệ An

Thế mà đã hai năm kể từ ngày ông ra đi, nhanh thật. Thời gian không thể xóa đi kỉ niệm về ông, về tình yêu ông dành cho cháu, những ngày tháng tươi đẹp khi mà cháu chưa mất ông nhưng nó cũng đã xóa đi phần nào nỗi đau, nỗi nhớ và lòng xót xa của cháu. Ôn đã ra đi thật nhẹ nhàng và thanh thản, tưởng như chỉ là một giấc mơ, nhưng nào có phải và nỗi đau lại quặn thắt trong lòng.

Nhưng thôi, khi nhắc về ông, không nên nói đến những nỗi buồn, bởi nhắc đến ông là nhắc đến một tấm gương sáng ngời về nghị lực, ý chí vượt lên trên khó khăn và thêm vào đó là một tài năng và những phẩm chất tuyệt vời.

Cuộc đời ông luôn gặp nhiều khó khăn, bất trắc, nhiều trở ngại to lớn nhưng không gì có thể ngăn cản ông vượt lên. Lên bốn tuổi, cái tuổi mà con người ta mới bập bẹ nói, lững chững tập đi, ông đã không còn bố nữa. Vài năm sau,  mẹ ông cũng ra đi và nằm lại nơi nào ông cũng không biết. Người ta nói:

“Mồ côi cha ăn cơm với cá

Mồ côi má lót lá mà nằm”

Thế mà chỉ mười năm đầu đời, ông đã không còn cả cha lẫn mẹ. Đau khổ là thế, nhưng đến năm 20 tuổi ông vẫn là một trong những học sinh xuất sắc của thành phố Huế. Hoạt động cách mạng, bị giặc bắt, tra tấn dã man, hành hạ đánh đập tàn bạo để đến mấy chục năm sau ông vẫn chịu di chứng: đó là căn bệnh suyễn. Và chắc chắn rằng nếu ông có những trận đòn ác liệt ấy thì đến hôm nay, lúc cháu đang viết những dòng này, có thể ông vẫn ngồi bên và mỉm cười với cháu, một nụ cười chất phác, hiền hậu mà cháu đã mất… Giữ vững những phẩm chất của một Đảng viên Cách mạng, ông được ra tù, thế nhưng không được đền đáp mà ông còn bị nghi ngờ, bị coi là lí lịch không rõ ràng. Bất công đến như thế nhưng ông vẫn sống, sống cho đời, làm việc cho đất nước và đã khẳng định được mình, ông làm nghề nhà giáo, trở thành Hiệu trường của trường Đại học sư phạm Huế và những học trò của ông hiện nay không thiếu những người thành đạt, trở thành hiệu trưởng của trường này, thứ trường kia. Ông không chỉ là tình yêu, là người ông mà còn là niềm tự hào lớn lao của cháu, còn nhứ khi cháu mới bốn, năm tuổi gặp bạn bè cháu khoe rằng: “Tao không biết ba tao làm nghề gì, nhưng  ông tao là một nhà khoa học”. Đối với cháu lúc áy, ông là to lớn nhất, giỏi giang nhất, vì đại nhất, ông là “một nhà khoa học” cơ đấy. Rồi thì lớn lên, hiểu rõ về ông hơn, cháu lại càng tự hào hơn khi cháu học lớp bảy, lớp của cháu có sử dụng cuốn sách mà ông viết. Cháu vẫn không sao quên được niềm sung sướng khi chỉ tay vào cuốn sách và hỏi: “Chúng mày có biết cuốn sách này của ai viết không? Ông tao đấy, ông tao chính là người viết cuốn sách này”. Và nhìn những đứa bạn trố mắt, trầm trồ đọc ba chữ “Lê Đình Phi” cháu cảm thấy lòng mình lâng lâng. Ôi thật tự hào và hạnh phúc biết bao! Nay, ông không còn nữa, những niềm tự hào ấy vẫn sẽ theo cháu suốt cuộc đời.

Nhưng có tự hào bao nhiêu cháu vẫn ước gì mình được như xưa, được có ông bên cạnh, chỉ bảo ân cần. Nhớ sao những ngày xưa ấy, ông dắt tay cháu đi bộ trên đài Nam giao, chỉ cho cháu xem những ông Phật đứng, Phật nằm, kể cho cháu nghe những câu chuyện thật hấp dẫn. Hay chỉ cách đây vài năm, ông vẫn ngồi trên ghế nhựa, phe phẩy chiếc quạt, hỏi han, trò chuyện cùng cháu, cười với cháu và đố cháu những bài toán nho nhỏ. Ở nơi ông cháu luôn tìm thấy chốn yên bình nhất, thanh thản nhất. Ba mẹ có đôi khi giận dữ la mắng, đánh đập khi cháu hư. Những lúc ấy, cháu lại chạy đến với ông, lại ngồi cạnh ông, cười với ông, gần ông cháu lại thấy quên đi tất cả nỗi buồn.

Nhưng nay! Cháu đã mất ông rồi! Hụt hẫng làm sao, đau đớn làm sao! Cháu không còn chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Lấy ai an ủi cháu và để cháu tâm sự? Buồn quá! Biết làm sao đây.

Ông ơi! Ở trên ấy ông có nghe những lời cháu không ông? Chắc chắn ông sẽ nghe được rằng cháu thật lòng yêu ông! Yêu ông nhiều lắm!

Cảm xúc về một người thân trong gia đình – Bài làm số 2

Gia đình em có ba thế hệ sống cùng nhau, gồm ông bà, bố mẹ và hai chị em chúng em. Gia đình em sống rất hòa thuận và yêu thương nhau, không bao giờ xảy ra xích mích hay tranh cãi. Em yêu quý tất cả những người thân của mình, vì họ là người luôn gắn bó, quan tâm, yêu thương, chăm sóc cho em. Nhưng nếu phải chọn ra một người mà em yêu quý nhất thì có lẽ đó chính là mẹ của em. Mẹ là người thầm lặng chăm lo từng li từng tí cho công việc gia đình, cho cuộc sống của hai chị em em. Dù cuộc sống có những khó khăn, hoàn cảnh gia đình em không bằng nhà của các bạn khác nhưng mẹ lại luôn cố gắng làm những điều tốt nhất và mang lại cho chúng em những thứ tốt nhất có thể, để chúng em có thể bằng bạn, bằng bè.

Mẹ em không phải là những người làm công việc cao quý hay công nhân viên chức như bố mẹ của các bạn khác, mẹ em đơn giản chỉ là một người nông dân, hàng ngày bận bịu với công việc đồng áng, khi hoa màu được mùa, mẹ em lại gánh những gánh rau nặng đi khắp nẻo đường để bán, cuộc sống của mẹ em rất lam lũ, vất vả nhưng em rất tôn trọng nghề nghiệp của mẹ, vì những giọt của mẹ đổ xuống, nhờ những gánh rau nặng của mẹ thì em mới được lớn khôn như ngày hôm nay. Và mẹ của em là một người mẹ tuyệt vời, hàng ngày đầu tắp mặt tối với công việc ruộng nương, bán buôn, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng không bao giờ mẹ em than thở, hay trách móc điều gì, mẹ em lúc nào cũng lặng thầm, cũng lặng lẽ hi sinh như thế. Mẹ hi sinh cả tuổi xuân, cả cuộc đời, mẹ đổ xuống những giọt mồ hôi vất vả, đôi khi là cả những giọt nước mắt, chỉ mong chúng em có thể lớn khôn thành người.

Mẹ em có dáng người cao và gầy, nhìn vào vóc dáng mỏng manh của mẹ em thì không ai có thể hình dung khối lượng công việc mà mẹ em làm hàng ngày, một ngày với mẹ em đầy vất vả, không hề có khoảng thời gian rảnh rỗi. Tuy vất vả là vậy, cực nhọc là vậy nhưng mẹ em lúc nào cũng lo chu toàn việc nhà, việc cửa rồi miếng ăn thức uống của chúng em thì không bao giờ thiếu. Mẹ em tuyệt vời thế đấy, mẹ có thể làm trăm công nghìn việc nhưng việc gì cũng hoàn hảo, chu toàn. Mẹ em không bao giờ tỏ ra mệt mỏi trước mặt bọn em, nhưng em biết chứ, mẹ cố nén những mệt mỏi, những cực nhọc để không muốn chúng em phải lo nghĩ nhiều. Mẹ luôn nói với chúng em, việc của chúng em bây giờ chỉ là ăn thật nhiều, lớn thật nhanh và học hành thật giỏi. Vì theo mẹ, chỉ có học thì mới có cuộc sống tốt đẹp, chỉ có học mới không phải sống cuộc sống lam lũ, cực nhọc nữa. Vâng lời mẹ, cũng là thương mẹ khó nhọc mà hai chị em em luôn tự hứa với mình là phải học hành thật chăm chỉ, trở thành những người “con ngoan, trò giỏi”, trở thành những người con có thể khiến mẹ tự hào.

Em rất yêu mẹ, yêu cái hương thơm thoang thoảng, dịu mát mỗi khi em ôm mẹ, yêu cái ấm áp, cái tình yêu vĩ đại mà mẹ dành cho chúng em. Cũng như bao bạn học khác, em thích được nũng nịu với mẹ, muốn cùng mẹ đi chợ, nấu ăn, nuôi gà. Em muốn làm mọi thứ cùng mẹ. Vì cuộc sống bận rộn nên chỉ thỉnh thoảng mẹ mới có thể dẫn em đi chơi, mà đa số là cùng đi chợ với mẹ. Những lúc như vậy em cảm thấy rất vui và hạnh phúc, bàn tay em sẽ nắm chặt lấy tay mẹ, sau đó em và mẹ sẽ đi mua những thức ăn tươi ngon để về nấu một bữa cơm thật ngon cho cả gia đình, cùng mẹ mua những chú gà con để về nuôi trong vườn. Lần nào đi chợ cũng vậy, mẹ đều mua cho em rất nhiều quà và rất nhiều quần áo đẹp, vì vậy em rất vui khi được đi chợ cùng mẹ.

Mẹ em nấu ăn rất ngon, mẹ em có thể nấu bất cứ món nào, hương vị của món ăn thì không thể ngon hơn được nữa. Những bữa cơm gia đình đều do một tay mẹ em chế biến, những nguyên liệu, thức ăn dù đơn giản, mộc mạc, dân dã nhất nhưng chỉ cần qua bàn tay khéo léo của mẹ em thì mọi thứ thwucs ăn bình thường đó chợt trở thành các món sơn hào hải vị, không chỉ hương vị món ăn tươi ngon mà màu sắc rất bắt mắt. Mẹ em không chỉ tài giỏi mà còn rất đảm đang, tháo vát. Cũng vì sự đảm đang này mà mỗi khi trong họ có công việc hay tổ chức ăn uống, liên hoan thì mẹ em luôn được các bác, các bà tin tưởng giao cho chức đầu bếp. Mỗi lúc như vậy em thấy yêu và tự hào về mẹ em rất nhiều.

Mẹ em còn là một người vô cùng chu đáo, ân cần. Điều này được thể hiện ran gay trong các hành động, cử chỉ mà mẹ chăm sóc, quan tâm chúng em. Mẹ em là một người rất bình tĩnh trong cuộc sống cũng như trong công việc.Nhưng những việc liên quan đến sức khỏe chủa chị em em thì mẹ em đặc biệt quan tâm, đôi khi còn mất bình tĩnh vì quá lo lắng. Nhiều khi em và em trai của em bị ốm, dù là nhẹ nhưng mẹ em lại hối hả làm mọi việc để chúng em có thể khỏe mạnh trở lại. Mẹ đun nước, luộc trứng để đánh cảm cho tụi em, rồi lại cẩn thận đi nấu những tô cháo nóng thơm phức giúp chúng em giải cảm. Vì lo lắng mà cả đêm mẹ không ngủ, mẹ ngồi bên giường liên tục thay nước, đắp khăn lên trán cho chúng em. Chỉ khi nhiệt độ cơ thể giảm, cơn sốt đi qua thì mẹ em mới có thể yên tâm. Mẹ vẫn nói với chúng em: “ hãy biết giữ gìn sức khỏe. Ốm đau làm mẹ rất lo lắng, mẹ như thế nào cũng được nhưng chúng mày phải khỏe mạnh thì mẹ mới yên tâm được”.

Mẹ là người quan tâm đến các con hơn chính bản thân của mình, mẹ em luôn lặng lẽ chăm sóc, quan tâm, không ồn ào nhưng tình cảm mẹ dành cho chúng em, em đều có thể cảm nhận được cả. Mẹ em là một người phụ nữ vĩ đại nhất, tuyệt vời nhất trên đời. Mẹ cũng là người mà em yêu quý và tôn trọng nhất trên đời. Điều em muốn nói với mẹ nhất lúc này, đó là câu nói: “Con yêu mẹ!”

Cảm xúc về một người thân trong gia đình – Bài làm số 3

Đã biết bao bài thơ, bài văn nói về mẹ, nói về những tình cảm thân thiết nhất của mẹ dành cho con. Ôi! Mẹ kính yêu của con! Không có một nhà văn nào, lời bài hát nào có thể sánh được tình cảm của mẹ. Nếu có một ông Tiên hiện ra và ban cho con một điều ước, con sẽ ước rằng: Mẹ sẽ sống mãi mãi trên cõi đời này, luôn đi bên con và sát cánh mãi mãi bên con. Giá như điều đó trở thành sự thật, dù có phải chờ đợi thật lâu thì con vẫn hi vọng mong ước đó sẽ trở thành sự thật.

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.

Con không biết hết được những câu thơ, bài hát nói về mẹ, nhưng con vẫn hiểu rằng, mẹ là cất cả. Tình mẹ được so sánh với biển Thái Bình nhưng trong tâm trí mỗi người, mẹ còn hơn cả biển rộng lớn, bao la, ngút ngàn ấy. Con yêu mẹ nhiều lắm, nhiều hơn cả chân trời vô tận không biết đâu là bến bờ. Và tình cảm của con sẽ không bao giờ thay đổi, mãi mãi sẽ như vậy.

Mẹ tần tảo nuôi con từng ngày từng giờ. Nhớ dáng hôm nào mẹ lặng lẽ đưa theo con ra chợ bán rau, rồi đến tối mịt mới đưa con về nhà. Hay cả những lần mẹ chơi với con vui vẻ, sung sướng biết nhường nào,… giờ đây chỉ còn là kí ức. Khi con đã lớn khôn, con đã hiểu được trong niềm vui sướng ấy, mẹ có biêt bao nhiêu nhọc nhằn, vất vả hằn trên vầng trán cao. Và mẹ đã kìm nén nước mắt để cho con được nở nụ cười ngây thơ, tinh nghịch như bao đứa trẻ khác. Mẹ đã che chở cho con đến khi trưởng thành, nuôi con lớn khôn để mong một ngày con sẽ có ích cho xã hội. Mẹ ơi! Ngày đó không còn xa nữa đâu! Con hứa sẽ không phụ công sinh dưỡng của mẹ.

Con biết mẹ tưởng rằng con đã quên kí ức xa xưa vì con còn bé, nhưng con không hề quên. Người dạy con nói tiếng đầu tiên là mẹ, người dắt con chập chững bước những bước đi đầu tiên cũng là mẹ. Mẹ sưởi ấm cho con khi gió mùa đông bắc tràn về, quạt mát cho con khi mùa hè nóng nực tràn đến. Tất cà những điều đó con đều khắc ghi từng kỉ niệm trong lòng. Lời ru của mẹ êm đềm như dòng suôi chảy, thướt tha như gió mùa thu, đưa con đi đến những miền cổ tích xa xưa. Ngay cả đến khi con lớn, mẹ vẫn luôn sát cánh bên con, cùng con đi trên những chặng đường học gian nan. Mẹ là ánh nắng mặt trời lấp lánh rọi sáng cho con trên con đường đầy khoảng trống phía trước, sưởi ấm cho con qua con đường khó khăn ấy.

Con hiểu mỗi bước đi của con đều khắc ghi những tình cảm thiết tha, êm đềm của mẹ.

Cảm xúc về một người thân trong gia đình – Bài làm số 4

“Kí ức” là hai từ nhằm diễn tả sự hoài niệm của con người về những gì đã qua. Có những kí ức vui sướng, buồn khổ, chúng đan xen và hòa quyện vào nhau để tạo nên một bản hòa tấu với các cung bậc khác nhau về tình cảm của mỗi cá nhân trong cuộc đời.

Đối với tôi, chiếc đèn “xếp” là một hình ảnh đẹp luôn ngự trị trong kí ức tuổi thơ, ở đó ẩn hiện tình thương yêu bao la của một người bà, cuộc sống bình dị nơi thôn dã mang dáng vẻ thuần khiết của một làng quê Việt Nam với những cánh đồng lúa mênh mông, đàn trâu nối đuôi nhau thủng thẳng trên con đê quai, những nong tằm đầy nhộng, hàng cau cao chót vót bên những “đụn” rơm, những đứa trẻ đùa nghịch, những đàn én lượn lập lờ trên không trung và con sông xanh trong vắt…

Một mùa hè cách đây hơn hai mươi năm, tôi được một người chú đưa về quê nội. Nếu có những chuyên đi dài thì đối với tôi luôn là niềm hân hoan, háo hức tột cùng. Ngồi trên xe, tôi được ngắm nhìn khung cảnh làng quê thỏa thích. Con đường đất đỏ rộng thênh thang hằn lên những vết bánh xe đạp, xe trâu của khách lữ hành chằng chịt. Cánh đồng lạc (đậu phộng) xanhrờn chia thành những ô vuông thẳng tắp như tấm thảm nhung cứ lùi dần về phía sau. Xa xa, hàng cọ chĩa thẳng tàn lá lên bầu trời cao chót vót như những chiếc quạt đang che chắn hàng ngàn tia nắng chói chang của mặt trời.

Mải mê ngắm cảnh cho đến khi về tới nhà lúc nào không hay, xuống xe rồi nhưng tôi không thể nhấc nổi hai chân, dường như chúng bị tê liệt toàn bộ, tôi ngồi thụp xuống đầu ngõ. Bà từ trong nhà đi ra, dáng vẻ bận rộn, quần xăn ông thấp ống cao, bồng tôi vào trong đặt xuống chiếc ghế giữa nhà. Tôi chưa kịp ngồi, bà đã lấy nước và bê ra một nồi cháo khoai tây như thể đã chờ sẵn từ bao giờ. Vừa đói vừa khát, tôi ăn uống ngấu nghiến, ngon lành, mặc đù cái món này tôi chưa bao giờ ăn cả. Bà ngồi cạnh quạt liên hồi, hỏi thăm đủ thứ về gia đình, nhất là về bố (vì bố là con nuôi của bà). Bây giờ mới có thời gian để ngắm bà kĩ hơn, tôi thấy khuôn mặt bà nhỏ nhắn sạm đen, sống mũi cao, mắt sâu, tóc lốm đốm bạc, răng đen nhánh. Bà mặc chiếc áo bà ba nâu cộc tay, cổ tròn, sờn vai, thân áo loang lổ mồ hôi, Bà rót thêm nước trà xanh để nguội ra chén, nước sánh đóng thành váng trên bề mặt, bảo tôi uống và nghỉ một lát rồi đi tắm.

Không hiểu sao, mặc dù chỉ mới gặp bà lần đầu tiên nhưng tôi cảm thấy gần gũi và thân thiết từ khi nào. Ngay ngày hôm đó tôi đã trở thành “cái đuôi” của bà, theo bà vào bếp nấu cơm. Cái bếp chật chội, thấp lè tè đầy mạng nhện và bồ hóng. Bà tới chỗ cái “nấm” rơm moi ở phía trong ra một mớ đem vào trước cửa bếp. Có lần phụ bà làm bếp, một mình nhét đầy rơm vào cửa bếp, không có ôxi, rơm không cháy, bếp khói mịt mù, mồ hôi vã ra như tắm, mắt cay xè chảy nước đỏ hoe. Nắp vung đen thui đầy tro bụi, cái nồi đất kho cá cơm trộn dưa cải muôi khét lẹt. Bà chỉ tôi cách nồng rơm bằng chiếc que sắt dài nhọn hoắc, dùng que này lùa tro ra hai bên để cho bếp thoáng, rồi khẩy vài cọng rơm vào. Thật là hữu hiệu, lần sau tôi có thể tự nấu ngon lành. Bữa cơm, tôi thích nhất là món cá cơm kho dưa, ăn vừa bùi vừa chua, có vị gừng và đặc biệt không thấy mùi tanh của cá. Vào những buổi trưa, tôi thường đòi bà cho món “bã hèm” (bã rượu) sau khi đã cất rượu xong, cái này dùng để cho heo ăn thì lớn nhanh lắm.

Ngay từ đêm đầu tiên, bà kể tôi nghe chuyện về bố tôi. Ngày ấy, bố học trung cấp thủy sản ở trọ nhà bà. Qua hai năm ăn học trong nhà, bố luôn thể hiện mình là một người anh cả trong gia đình, mặc dù không nói nhận làm con nuôi, nhưng bố gọi bà là mẹ và bà gọi bố là con. Bà còn kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện cổ tích, có các hoàng tử, công chúa, ác quỷ… Những câu chuyện đó theo tôi đi vào trong giấc ngủ. Bà hứa, hôm nào tới phiên chợ sẽ mua cho tôi chiếc “đèn xếp”. Tôi chưa biết đèn xếp là gì, chỉ nghe bà tả lại là nó có nhiều hình dáng (tròn, vuông, bầu dục…) có nếp xếp, khi nào muôn thắp sáng thì mở nó ra. Mãi sau này, tôi mới biết được nó chính là chiếc đèn lồng. Kể từ hôm bà hứa mua cho tôi, hễ bà đi chợ là tôi đòi theo cho bằng được. Nhưng lần nào đi cũng đều thất vọng. Có hôm,lợi dụng cơ hội bà dang mua hàng, tôi chạy một mình lùng sục khắp chợ, bà phải đi tìm bở cả hơi tai. Do không mua được đèn xếp, nên sự tò mò của tôi đối với nó càng tăng lên gấp bội.

Những tháng ngày tươi đẹp trôi đi thật nhanh, mới ngày nào mà đã hết ba tháng hè rồi. Tôi không muốn về nhà, tuy nhiên ngày đi học đã cận kề, chú tôi cương quyết đưa tôi trở lại nhà bằng được, tôi nằm lăn xuống nền đất ăn vạ. Bà vỗ về và hứa sang năm sẽ đón tôi trở lại, sẽ mua sẵn đèn xếp cho tôi. Tôi tạm biệt bà, tạm biệt những kỉ niệm không thể nào quên.

Sau này, do đi học xa nhà, bà mất tôi không thể theo bốvề được. Nhưng tình cờ, người chú ra chơi, khi ấy chú đã có gia đình và có con, tôi đã theo chú về lại. Tôi không tin vào mắt mình nữa, ngôi nhà đã khác, chỉ còn lại cái bếp xưa, hàng rào xây bằng tường gạch.

Bà không còn nữa, trong góc bếp tôi đưa mắt tìm một hình bóng quen thuộc, cái lưng còng, đôi chân trần với những chiếc ngón “trạng” ra. Màu áo nâu thơm mùi khói bếp mà hằng đêm tôi thường rúc đầu vào nghe bà kể chuyện. Vậy là cháu vẫn chưa biết được hình hài của chiếc đèn xếp như thế nào. Sao bà lại không mua gửi về cho cháu?

Bà đã ra di thật xa mang theo cả lời hứa chưa thực hiện của mình. Cho dù tôi chưa trông thấy chiếc đèn ấy, nhưng thật sự nó đã tồn tại trong kí ức của tôi từ những tháng ngày thơ dại, chiếc đèn của tình thương yêu, chiếc đèn thắp sáng trong trái tim non dại của tôi hơn cả tình máu mủ. Hơn hai mươi năm trôi qua, tôi cứ để chiếc đèn xếp ấytrong hoài niệm của mình, mỗi khi buồn, khi cô đơn tôi lại thắp nó lên để sưởi ấm tâm hồn.

Cảm xúc về một người thân trong gia đình – Bài làm số 5

Chắc các bạn đã từng nghe câu nói: “Trong tất cả các kì quan trên thế giới thì trái tim người mẹ là kì quan vĩ đại nhất”. Mẹ suốt đời tận tụy vì gia đình và các con và hình ảnh mẹ luôn khắc sâu dấu ấn trong trái tim mỗi người con và em cũng vậy, mẹ luôn đẹp và cao cả trong trái tim em.

Mẹ mang nặng đẻ đau, rồi hết mình chăm sóc chúng con. Từ khi lọt lòng sinh ra chúng con lớn lên bằng bầu sữa nóng của mẹ, bằng những lời ru ngọt ngào mẹ đưa chúng con vào những giấc ngủ say nồng.

Rồi đến những đêm chúng con ốm, quấy khóc mẹ thức trắng suốt đêm để trông con, những lần như thế sau này khi lớn lên con mới được bà kể lại cho nghe. Con thấy mình có lỗi lắm nhưng lúc đó con còn bé quá mà con đã biết gì đâu, một đứa bé chỉ biết đói thì khóc, buồn ngủ cũng khóc mà đau cũng khóc. Rồi khi con bắt đầu đi học mẫu giáo, con không chịu đi mẹ lại dỗ dành con, động viên khích lệ con để con can đảm hơn, bây giờ trong tâm trí con lúc nào cũng vang lên câu hát: “Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường. Em vừa đi vừa khóc mẹ dỗ dành yêu thương”, thế rồi con cảm thấy việc đi học trở nên bình thường chứ không nặng nề như mấy hôm đầu nữa.

Cứ thế con bước vào lớp Một, trước hôm đi học mẹ chuẩn bị mọi thứ cho con từ quần áo, cặp sách, sách vở…rồi chuẩn bị tinh thần cho con bước vào một môi trường học tập mới với bạn bè và thầy cô mới. Con cứ lớn dần còn mẹ thì già đi theo thời gian, trên da mẹ đã bắt đầu xuất hiện những nếp nhăn vì dãi dầu mưa nắng nuôi chúng con khôn lớn, sức khỏe cũng không còn được như trước nữa nhưng mẹ vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của con, những truyện vui buồn trên lớp con đều kể hết với mẹ, những lần con được điểm cao mẹ khen con còn những lần con được điểm kém con khóc, mẹ biết nhưng mẹ không mắng con mà động viên con cố gắng trong những lần sau. Biết mẹ thương con, con cũng ngoan lắm, luôn nghe lời mẹ, chăm chỉ học tập và còn giúp mẹ một số việc nhà phù hợp với sức của con.

Nhưng cũng có những lần con không nghe lời mẹ vì mải chơi, con nhớ lần đó con học lớp Năm, khi tan giờ học con tự ý vào nhà bạn chơi mà không xin phép mẹ vì mải chơi nên quên mất là đã muộn, muộn rồi mà không thấy con về mẹ lo lắng đi tìm nhưng không thấy, rồi khi con về nhà mẹ có mắng con, con khóc và giận mẹ mấy ngày liền nhưng rồi con nhận ra mình đã sai, mẹ mắng con cũng chỉ vì mẹ lo cho con thôi vậy mà con không hiểu lại còn giận mẹ, con xin lỗi mẹ mẹ ôm con vào lòng, mẹ rất vui vì con đã biết nhận lỗi của mình. Sau lần đó con tự hứa với bản thân sẽ không làm mẹ buồn thêm một lần nào nữa, con chăm chỉ học tập và kết quả học tập của con không phụ lòng của mẹ, con luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, con vui và con biết mẹ còn vui nhiều hơn con. Ước mơ của con là sẽ trở thành một cô giáo dạy Văn, mẹ hãy kèm cặp chỉ bảo con để ước mơ của con thành hiện thực mẹ nhé.

Mẹ – tiếng thiêng liêng ấy sẽ mãi khắc ghi trong lòng con và tình cảm, sự tận tụy, yêu thương của mẹ dành cho con con sẽ mãi không quên:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”

Hồng Loan tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm:

  • cam xuc ve nguoi than trong gia dinh lop 7
  • Cảm ngõ về người mẹ lớp 7
  • ta cam xuc ve nguoi than trong gia đinh

Bài viết liên quan

  • Kể về tâm tình cây lúa – Văn hay lớp 6
  • Người bạn ấy sống mãi trong lòng tôi – Văn hay lớp 8
  • Kể chuyện tưởng tượng về Cô Tấm – Văn hay lớp 6
  • Phân tích tác phẩm Bố của Xi-mông – Văn hay lớp 9
  • Kể về người mẹ của em – Văn hay lớp 7
  • Nghị luận xã hội về câu nói: Cái gì cũng nhàm chán cả trừ học hỏi – Văn hay lớp 12
  • Viết một đoạn văn tả cảnh biển – Văn hay lớp 2
  • Phát biểu cảm nghĩ về bài Bài học đường đời đầu tiên – Văn hay lớp 6
0