04/06/2017, 23:28

Cảm nhận về nhân vật lão Hạc.

“Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế!...”. Đấy là lời độc thoại của ông giáo khi nghe đi nghe lại mãi cái dự định bán “cậu Vàng” của lão Hạc. Đọc truyện ngắn này, cái khiến người đọc bàng hoàng thông cảm chắc hẳn là cái chết bi thảm của lão. Tuy thế, sự kiện có sức ám ảnh, nhai ...

“Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế!...”. Đấy là lời độc thoại của ông giáo khi nghe đi nghe lại mãi cái dự định bán “cậu Vàng” của lão Hạc. Đọc truyện ngắn này, cái khiến người đọc bàng hoàng thông cảm chắc hẳn là cái chết bi thảm của lão.

Tuy thế, sự kiện có sức ám ảnh, nhai cứa tâm can người đọc thì lại là nỗi khổ tâm của lão Hạc khi phải bán “cậu Vàng”. Xét trong hành vi kể, thì đây là một sự kiện có ý nghĩa như là một biểu trưng cho cấu tứ của tác phẩm. Nó là điểm bắt đầu để tác giả kể về cuộc đời lão Hạc, cũng là lúc để tác giả khắc họa rõ nét chân dung tinh thần của nhân vật này. Mở đầu truyện, lão Hạc than thở với ông giáo về dự định bán chó. 

Từ đấy mà ông giáo liên tưởng đến chuyện bán sách của mình và tự nghiệm rằng: “Không! Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu?”. Ông giáo, một trí thức, thấy bất lực trước sự khắc nghiệt của hoàn cảnh. Cũng từ chuyện bán chó mà ông giáo -  người kể chuyện (và cả chúng ta) - mới vỡ lẽ ra rằng: thì ra cái trĩu nặng trong tâm trí lão Hạc là chuyện đứa con trai phẫn chí bỏ đi biền biệt, là chuyện mảnh vườn... Rồi đến khi lão bán “cậu Vàng” thì trước mắt ta là một lão Hạc nhân hậu, giàu tình cảm, một lão Hạc cô độc đã mất đi người bạn, niềm an ủi, khuây khỏa sớm hôm. Rồi thật chua xót khi lão ví thân mình, kiếp mình chỉ hơn con chó một chút: “Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!...”. Và rồi đắng cay hơn khi kết chuyện là cái chết bằng bả chó của một người cứ day dứt mãi khi đã trót lừa một con chó, là cảnh hai người đàn ông lực lưỡng đè lên người lão cũng giống như cảnh thằng Mục với thằng Xiên đang đè trói “cậu Vàng” của lão...Lão Hạc phải bán “cậu Vàng” vì sự nghèo khó, túng quẫn cứ ngày càng đe dọa, lăm le dồn lão đến đường cùng: “Sau trận ốm, lão yếu người đi ghê lắm. Những công việc nặng không làm được nữa. Làng mất vé sợi, nghề vải đành phải bỏ. Đàn bà rỗi rãi nhiều. Còn tí việc nhẹ nào, họ tranh nhau làm mất cả. Lão Hạc không có việc. Rồi lại bão. Hoa màu bị phá sạch sành sanh. Từ ngày bão đến nay, vườn lão chưa có một tí gì bán. Gạo thì cứ kém mãi đi. Một lão với một con chó, mỗi ngày ba hào gạo, mà ra sự vẫn còn đói deo đói dắt”.
 
Lão Hạc là một nông dân chính cống, ắt phải tính toán chi li theo kiểu của lão. Lão sợ con chó mà phải ăn ít thì sẽ bị gầy, “bán hụt tiền, có phải hoài không”. Nhưng không chỉ có thế, “cậu Vàng” (lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự!) còn là bạn, là kỉ vật lưu hiện hình bóng con trai lão: “Con chó là của cháu nó mua đấy chứ!.. Nó mua về nuôi, định để đến lúc cưới vợ thì giết thịt...”. Cho nên, ta mới hiểu tại sao lão Hạc khổ tâm đến thế khi phải bán “cậu Vàng”. Nam Cao đã chứng tỏ tài năng xuất sắc bậc thầy khi khắc họa trạng thái tâm lí của lão Hạc sau khi bán chó:
 
- “Trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước...”.
 
- “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...”.
 
Những giọt nước mắt mới thánh thiện làm sao! vẻ đẹp thánh thiện ẩn trong cái bề ngoài khắc khổ, già nua của một lão nông! Đằng sau những giọt nước mắt ấy là một tấm lòng nhân hậu, là nỗi giằng xé, đau đớn của một người cha suốt đời com cóp, chắt chiu cho đứa con biệt tích. Lão sống với “cậu Vàng”, sống với sự chờ đợi, mong mỏi đứa con trở về. Bán “cậu Vàng”, lão Hạc bước sang một chặng sống khác. Hóa ra lão đang chuẩn bị để chết. Lão chết vì tự trọng, vì để giữ bằng được nguyên vẹn mảnh vườn cho con.
 
Người tự trọng phải là người tự ý thức cao về mình. Tâm lão Hạc sáng quá nên lão nhận rõ hơn ai hết tình cảnh của mình, nguy cơ của mình (cái nguy cơ đánh mất tự trọng; giữ mảnh vườn cho con cũng là tự trọng của lão). Cho nên tất yếu lão tự tìm đến cái chết như một hành động tự giải thoát. Nếu cái nghèo khó đến túng quẫn không bao vây, dồn ép lão, nếu tâm lão không quá sáng như thế thì lão đã không phải chết. Lão Hạc ơi!...
 
Đừng vội xem cái chết của lão Hạc là manh động, là tiêu cực. Lão đã rất bền bỉ, đã gắng để sống: “Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món ăn gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai, bữa ốc” mà không được. Bi kịch là thế đấy. Nếu không muốn sống thì lão đã không phải cố duy trì sự sống bằng mọi cách như thế. Lão có thể tự sát ngay sau khi ủy thác cho ông giáo mảnh vườn và tiền làm tang. Dường như, trong mòn mỏi, lão vẫn cố chờ điều gì... Chờ con trai trở về. Biết đâu trong những ngày gắng sống ấy nó trở về! Không thể chờ thêm được nữa, cuối cùng (tận đến cuối cùng) thì lão Hạc phải chấp nhận một sự thật của chính mình, để lão không vi phạm lẽ sống của lão: muốn sống mà vẫn tự chết. Tại sao lão tự trọng đến “hách dịch” như thế cơ chứ? Lão có thể cậy nhờ để sống qua ngày cơ mà, dân gian chẳng đã từng nói “hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau” là gì! Đến ngay tiền làm ma cho mình lão còn không động đến nữa là cậy nhờ! Thế mới là lão Hạc. Cậu Vàng chết để có thêm 5 đồng vào 25 đồng thành 30 đồng lão gửi ông giáo làm tang nếu lão có mệnh hệ nào. “Đâu vào đấy” là cay đắng thế ư? Khi con chó phải chết, lão Hạc mong hóa kiếp cho nó; đến khi lão chết, con chó chỉ còn là 5 đồng để tiễn đưa hương hồn lão. Cơ cực đến thế là cùng! Chẳng gì khác, xã hội thực dân nửa phong kiến đen tối đã đẩy cuộc sống người nông dân đến đường cùng; cái nghèo khó, cùng cực đã đẩy lão Hạc đến một lựa chọn đau đớn.
 
Ngòi bút của Nam Cao thật tinh tế, điêu luyện khi để ông giáo, nhân vật người kể chuyện, nói hộ lòng mình. Những diễn biến tâm trạng của lão Hạc cứ đan xen với độc thoại nội tâm của ông giáo làm cho mạch kể của chuyện uyển chuyên, linh hoạt. Trong cái làng ấy, chẳng ai gần gũi với lão Hạc hơn ông giáo (“tôi”). “ Tôi” chứng kiến, “tôi” cảm thông, “tôi” than thở, và “tôi” cứ mỗi lúc bừng ngộ ra cái ánh sáng từ lương tri lão Hạc, và cuối cùng “tôi” vỡ lẽ và thốt lên: “ Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”.
 
Trước đó, khi nghe Binh Tư cho biết lão Hạc xin hắn bả chó để bắt “con chó nhà nào cứ đến vườn nhà lão”..., ông giáo đã cảm thấy “cuộc đời quả thật đáng buồn”. Cái ngỡ ngàng về phẩm hạnh lão Hạc khi ấy là khoảng hẫng hụt để dẫn tới cái ngỡ ngàng cuối kết: chứng kiến cảnh lão Hạc chết. Khi nỗi nghi ngờ được giải tỏa thì đã muộn mất rồi. Hóa ra, vẻ đẹp nhân phẩm của lão Hạc vượt quá sự suy xét của ông giáo, vượt cả những đoán định của người đọc. Ông giáo đã không còn phải buồn vì nhân cách của lão Hạc. Nhưng một nỗi buồn cho thế sự lại dấy lên trong ngẫm ngợi của con người trí thức này. Cuộc đời vẫn thật buồn nhưng không phải vì nó mất đi tính người mà vì những con người cao quý như lão Hạc chẳng được sống, chẳng sống được trong nó. Nếu tất cả những người như lão Hạc chết hết đi thì cuộc đời quả là đáng sợ.
 
Lão Hạc có thể không chết đau đớn thê thảm như thế. Nếu buộc phải chết thì thiếu gì cách chết cho nhẹ nhàng hơn. Có lẽ ngay cả chết như thế nào cũng đã được lão Hạc tính toán và lựa chọn cả rồi. Ta chợt thấy ớn lạnh khi nhớ lại lão Hạc đã từng rất đau khổ khi phải lừa “cậu Vàng”. Lão tự trừng phạt mình chăng? Sao chẳng phải bả chuột mà lại là bả chó. Con người này trung thực, tự trọng đến dữ dội đến tận cùng...
 
Tác giả dường như đứng ngoài mọi chuyện mọi việc cứ thế diễn ra như chính nó phải thế. Khoảng cách khách quan ấy có được là bởi vì nhà văn đã sử dụng phương thức kể ở ngôi thứ nhất: “tôi”; hơn nửa, “tôi” ở đây cũng là một nhân vật trong truyện ông giáo, người hàng xóm của lão Hạc. Với cách kể này, tác giả linh hoạt biến hóa lời kể: lúc là lời của ông giáo kể về chính mình, lúc ông giáo kể về những suy nghĩ của lão Hạc, lúc lại chính là lời trực tiếp của lão Hạc, có lúc như là lời của chính tác giả chen vào... Nhờ thế, giọng điệu của truyện trở nên đa dạng hấp dẫn, không đơn điệu.
 
Truyện ngắn Lão Hạc giản dị, chân thật mà cảm động. Nam Cao đã thâm nhập vào những cuộc đời, những thân phận đau thương để từ đấy cất lên tiếng nói yêu thương, trân trọng. Với một bút lực dồi dào, chỉ là những chuyện đời thường, rất nhỏ lẽ, nhà văn đã khái quát thành những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Tấm lòng nhân đạo cao cả của ông đã khơi dậy tình yêu thương của con người trong mỗi chúng ta.

0