05/10/2018, 23:21

Cảm nhận về nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù tuyệt hay

Cảm nhận về nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù Bài làm Nguyễn Tuân được biết đến là một trong những cây bút đại thụ của nền văn chương Việt Nam hiện đại với những tác phẩm thấm đẫm tinh thần dân tộc. Ông rất thích chủ ...

Cảm nhận về nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù

Bài làm

Nguyễn Tuân được biết đến là một trong những cây bút đại thụ của nền văn chương Việt Nam hiện đại với những tác phẩm thấm đẫm tinh thần dân tộc. Ông rất thích chủ nghĩa xê dịch đồng thời rất có hứng thú với những đề tài mang đậm hơi hướng truyền thống, ông luôn muốn lưu giữ lại các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chữ người tử tù là một trong những tác phẩm thành công theo hướng khai thác chủ đề, đề tài đó. Trong tác phẩm, nhân vật chính là Huấn Cao – một người anh hùng đội trời đạp đất nhưng lại có một dấu chấm hết cho cuộc đời gây nhiều tiếc nuối.

Huấn Cao được biết đến là kẻ cầm đầu của phong trào phản loạn chống lại triều đình nhưng lại bị đàn áp lại một cách dã man, cuộc nổi loạn thất bại, ông bị bắt, bị liệt vào thành phần trọng tội, bị tống giam trong ngục tối chờ ngày hành quyết. Tưởng chừng những điều đáng biết về nhân vật này chỉ có thế, nhưng không, ông ta khiến cho mọi người phải đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Huấn Cao là một tử từ – nhưng con đường ông bước đi trước đó lại đầy vinh quang của một bậc đại trí nhân hết lòng vì nước vì dân. Ông đứng lên cầm đầu phong trào phản chiến triều đình cũng vì thương cho cảnh lầm than của dân chúng, không chịu đựng được thói ngang ngược áp bức bóc lột của bọn cường quyền.

Không những là một tướng võ giỏi, ông còn là người hay chữ, đầy tài năng. Cũng chính vì cái tài ấy mà có cuộc hội ngộ kỳ duyên của nghệ thuật và những con người yêu nghệ thuật. Trong tác phẩm, dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, Huấn Cao hiện lên là một nhân vật lý tưởng, xuất chúng vô cùng. Là một  người văn võ song toàn, tiếng tăm vang xa khắp muôn nơi: " Tôi nghe ngờ ngợ. Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và đẹp đó không?" là người mà thiên hạ đồn thổi rằng: "Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời". Qua đây, người đọc phần nào cảm nhận được thái độ trân trọng của tác giả với con người tài hoa ấy.

Nhưng thật nhiều điều đáng tiếc khi con người tài hoa ấy lại phải chấm dứt cuộc đời với cảnh "sa ca lỡ vận" như vậy. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lời đồn đoán, vì thực chất biết về con người ông, hiểu về con người ông và thấy được ông trong đúng hoàn cảnh ấy mới thấy được khí chất, khí phách của ông tuyệt vời đến dường nào. Tưởng chừng cuộc đời đã đến đường cùng nhưng ông vẫn giữ được sự hiên ngang, kiên cường cho bản thân mình. Tuy bị giam cầm ông vẫn không mảy may sợ hãi “dỡ cái gông nặng tám tạ xuống nền đá tảng đánh thuỳnh một cái” và “lãnh đạm” không thèm chấp sự đe dọa của tên lính áp giải. Dưới mắt ông, bọn kia chỉ là “một lũ tiểu nhân thị oai” cho nên, mặc dù chịu sự giam giữ “khinh bạc” thói đời. Mặc dù ở trong tù, ông vẫn thản nhiên “ăn thịt, uống rượu như một việc vẫn làm trong hứng bình sinh”. Khi viên cai ngục hỏi Huấn Cao cần gì thì ông trả lời: “Ngươi hỏi ta cần gì à? Ta chỉ muốn một điều là ngươi đừng bước chân vào đây ”. Dù bị giam cầm thân xác nhưng tinh thần của ông hoàn toàn tự do.

Cảm nhận về nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù tuyệt hay

Cảm nhận về nhân vật Huấn Cao

Cách trả lời ngang tàng, ngạo mạn đầy trịch thượng như vậy là bởi vì Huấn Cao vốn hiên ngang, kiên cường; “đến cái chết chém cũng còn chẳng sợ …”. Ông không thèm đếm xỉa đến sự trả thù của kẻ đã bị mình xúc phạm. Huấn Cao rất có ý thức được vị trí của mình trong xã hội, ông biết đặt vị trí của mình lên trên những loại dơ bẩn “cặn bã” của xã hội. “Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Huấn Cao là người có “thiên lương” trong sáng, cao đẹp . Theo ông, chỉ có “thiên lương”, bản chất tốt đẹp của con người mới là đáng quý. Thế nhưng khi biết được nỗi lòng của viên quản ngục, Huấn những vui vẻ nhận lời cho chữ mà còn thốt rằng: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có sở thích cao quý đến như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Huấn Cao cho chữ là một việc rất hiếm bởi vì “tính ông vốn khoảnh. Ta không vì vàng bạc hay uy quyền mà ép cho chữ bao giờ”.

Hành động cho chữ viên quản ngục chứng tỏ Huấn Cao là một con người biết quý trọng cái tài, cái đẹp, biết nâng niu những kẻ tầm thường lên ngang hàng với mình.

Cảnh “cho chữ” diễn ra thật lạ, quả là cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”. Kẻ tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” đang “đậm tô từng nét chữ trên vuông lụa bạch trắng tinh” với tư thế ung dung tự tại, Huấn Cao đang dồn hết tinh hoa vào từng nét chữ. Đó là những nét chữ cuối cùng của con người tài hoa ấy. Những nét chữ chứa chan tấm lòng của Huấn Cao và thấm đẫm nước mắt thương cảm của người đọc. Con người tài hoa vô tội kia chỉ mới cho chữ ba lần trong đời đã vội vã ra đi, để lại biết bao tiếc nuối cho người đọc. Qua đó, Nguyễn Tuân cũng gián tiếp lên án xã hội đương thời đã vùi dập tài hoa con người. Và người tù kia bỗng trở nên có quyền uy trước những người đang chịu tránh nhiệm giam giữ mình. Ông Huấn đã khuyên viên quản ngục như một người cha khuyên bảo con: “Tôi bảo thực thầy quản nên về quê ở đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững rồi cũng có ngày nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.

Theo Huấn Cao, cái đẹp không thể nào ở chung với cái xấu được. Con người chỉ thưởng thức cái đẹp khi có bản chất trong sáng, nhân cách cao thượng mà thôi. Những nét chữ cuối cùng đã cho rồi, những lời nói cuối cùng đã nói rồi. Huấn Cao, người anh hùng tài hoa kia dù đã ra đi mãi mãi nhưng để lại ấn tượng sâu sắ cho những ai đã thấy, đã nghe, đã từng được thưởng thức nét chữ của ông. Sống trên cõi đời này, Huấn Cao đã đứng lên đấu tranh vì lẽ phải; đã xóa tan bóng tối hắc ám của cuộc đời này. Chính vì vậy, hình tượng Huấn Cao đã trở nên bất tử. Huấn Cao sẽ không chết mà bước sang một cõi khác để xua tan bóng tối nơi đó, đem lại hạnh phúc cho mọi người ở mọi nơi.

 Ở Huấn Cao ánh lên vẻ đẹp của cái “tài” và cái “tâm”. Trong cái “tài” có cái “tâm” và cái “tâm” ở đây chính là nhân cách cao thượng sáng ngời của một con người tài hoa. Cái đẹp luôn song song “tâm” và “tài” thì cái đẹp đó mới trở nên có ý nghĩa thực sự. Xây dựng hình tượng Huấn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân đã thành công trong việc xây dựng nên chân dung nghệ thuật điển hình lí tưởng trong văn học thẩm mĩ. Dù cho Huấn Cao đã đi đến cõi nào chăng nữa thì ông vẫn sẽ mãi trong lòng người đọc thế hệ hôm nay và mai sau.

Nhân vật Huấn Cao là nhân vật điển hình nhất cho mẫu nhân vật anh hùng hết lòng vì nước vì dân, sự hy sinh của ông là không hề uổng phí, dân tộc mãi luôn ghi nhớ tài năng và tấm lòng của ông.

Minh Tuệ

0