25/05/2017, 01:08

Cảm nhận về bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu – Văn mẫu lớp 11

Đánh giá bài viết Cảm nhận về bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nam Định "Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thư rộng lớn như Thế Lữ. mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng trúng như Huy Thông, trong sáng như Nquyền Nhược Pháp, ...

Đánh giá bài viết Cảm nhận về bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nam Định "Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thư rộng lớn như Thế Lữ. mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng trúng như Huy Thông, trong sáng như Nquyền Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên…. và thiết tha, rạo rực, ...

Cảm nhận về bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nam Định

"Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thư rộng lớn như Thế Lữ. mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng trúng như Huy Thông, trong sáng như Nquyền Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên…. và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” (Thi nhân Việt Nam).

Khi đọc những câu văn này ta sẽ không hiểu tại sao Xuân Diệu lại được ưu ái như vậy. Giờ thì đã rõ! Đơn giản chỉ vì ông là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới’’. Xuân Diệu đã thể hiện đầy đủ nhất ý thức cá nhân của cái tôi mới và cũng mang đậm bản sắc riêng. Trong số những bài thơ của ông, chúng ta không thể không nhắc đến Vội Vàng. Bài thơ tiêu biểu cho sự bùng nổ mãnh liệt của cái tôi Xuân Diệu, in dấu khá đậm cho hồn thơ yêu đời, ham sống, “thiết tha, rạo rực, băn khoăn”. Và quan trọng hơn thế nữa, qua Vội vàng chúng ta nhận ra một quan niệm sống rất mới mẻ – bức thông điệp mà nhà thơ muốn gửi đến cho người đọc.

Vội vàng? Cái tên đã rất Xuân Diệu! Đây là một triết lí sống và cũng là tâm thế sống của nhà thơ: sống nhanh chóng, khẩn trương, mở rộng lòng mình đế ôm ghì, thâu tóm tất cả. Đã hơn một lần ta bắt gặp Xuân Diệu hối hả, cuống quýt, giục giã:

Mau với chứ, vội vàng lên chứ

Em, em ơi, tình non sắp già rồi!

Thời gian, mùa xuân, tình yêu tuổi trẻ luôn thường trực, trở đi trở lại trong nhiều trang thơ của Xuân Diệu. Ở Vội vàng ông đã nhận ra một thiên đường ngay trên mặt đất, nhà thơ yêu cuộc sống trần thế xung quanh và tìm thấy trong cuộc sống đó biết bao điều hấp dẫn, đáng sống và biết tận hưởng những gì mà cuộc sống ban tặng. Đây là một quan niệm sống rất người, mang ý nghĩa tích cực và có giá trị nhân văn sâu sắc. Nhà thơ muốn nhắn nhủ đến người đọc hãy sống hết mình khi đang còn trẻ tuổi, đừng để thời gian trôi đi phí hoài. Hãy sống gấp gáp để tận hưởng cuộc sống tươi đẹp. Hãy luôn giữ cho mình mùa xuân tình yêu của tuổi trẻ.

Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.

Bức thông điệp mà Xuân Diệu gửi đến cho người đọc được triển khai qua từng phần của bài thơ, theo mạch cảm xúc trong tâm hồn thi sĩ. Ngay từ đầu chúng ta đã bắt gặp một thái độ sống rất ngông, rất lạ:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

Ý tưởng tắt nắng, buộc gió quả thật táo bạo, độc đáo mà chỉ Xuân Diệu mới nghĩ ra, xuất phát từ lòng yêu cuộc sống, thèm sống. Xuân Diệu muốn tắt, buộc nắng và gió cũng là để giữ lại cái đẹp, cái tươi thắm của sự vật, của màu, của hương. Xuân Diệu muốn thời gian là tĩnh tại mặc dù ông không nhìn đời với con mắt tĩnh. Cái vô lí đó chính là sự khao khát đến vô biên và tột cùng. Nhà thơ muốn níu giữ thời gian, cuộc sống ấy cho riêng mình.

Mọi chuyện đều có nguyên do của nó! Xuân Diệu thiết tha với cuộc sống như thế bởi ông đã tìm ra một thiên đường trên mặt đất. Cuộc sống đẹp nhất của cuộc sống trần thế. Với Thế Lữ thi nhân ta còn nuôi giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa. Xuân Diệu đốt cảnh Bồng Lai và xua ai nấy về hạ giới (Thi nhân Việt Nam). Cuộc sống xung quanh ta đẹp nhất, vậy thì dại gì mà không hưởng. Nhà thơ nhìn mùa xuân với tất cả sự say mê, cuồng nhiệt vồ vập:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây là cửa cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si.

Vày đây… Này đây…Này đây… Tất cả như đang phơi bày ra trước mắt nhà thơ Bức tranh thiên nhiên đang độ viên mãn, tràn đầy, chứa chan xuân tình, vừa gần gũi thân quen lại vừa mượt mà đầy sức sống. Xuân Diệu như vồ vập. Ngấu nghiến, thâu tóm tất cả. Nhà thơ như con ong hút mật lạc vào vườn hoa đầy hương sắc. Với ông cái gì cũng hấp dẫn mới lạ. Và bằng cặp mắt xanh non của cái tôi cá nhân Xuân Diệu còn phát hiện ra thế giới này đẹp nhất, mê hồn nhất vẫn là vì có con người. Con người giữa tuổi trẻ và tình yêu. Nhà thơ lấy con người làm thước đo của cái đẹp. Cuộc sống trần thế đẹp nhất vào lúc xuân. Và con người chỉ tận hưởng được lúc đang còn trẻ. Song tuổi trẻ thì tàn phai theo thời gian, vì thế mà ông phải sống vội vàng, gấp gáp.

Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Nhà thơ tận hưởng cuộc sống một cách gấp gáp, vồ vập bởi một phút giây ra đi vĩnh viễn không trở lại. Mất mát sẽ đến nếu ta không chớp thời cơ. Có lẽ thế mà Xuân Diệu không chờ mùa hạ đến mới nhớ xuân mà ôm riết mùa xuân lúc tràn đầy, tươi non.

Ham sống, khát sống, Xuân Diệu càng băn khoăn hơn trước cuộc đời, thời gian. Ông đã nhận ra quy luật tuyến tính của thời gian, chống lại quy luật tuần hoàn của các cụ ngày xưa. Mỗi phút giây qua đi sẽ không bao giờ trở lại, tuổi trẻ cũng chỉ đến một lần. Nhà thơ mở lòng ra để yêu đời, yêu cuộc sống nhưng không được đời bù đắp, vì thế mà ông băn khoăn buồn chán cho thân phận của mình. Cảnh vật thiên nhiên giờ đây cũng mang đầy tâm trạng buồn bã, băn khoăn, lo sợ..

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Cơn gió xinh thì thào trong lác biếc

Phải chăng sợ đổ tàn phai sắp sửa?

Nhận thức ra quy luật của thời gian, khát khao sống đến mãnh liệt. Xuân Diệu đã ôm ghì lấy cuộc sống, tận hưởng cuộc sống để không phí hoài đi thời gian, tuổi trẻ. Tình yêu cuộc sống lại bùng lên cuồng nhiệt hối hả.

Ta muốm ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn biết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Hỡi xuân hồngg, ta muốn cắn vào người.

Lòng yêu đời tràn lên như một cao trào tình cảm. Hình ảnh thơ tươi mới, sức sống. Và có lẽ tình yêu cuộc sống của nhà thơ tăng dần theo từng từ muốn ôm đến riết là đã ghì chặt hơn. Và đã say – sự ngây ngất đến bất tỉnh vẫn chưa thỏa lòng – còn muốn thâu nghĩa là muốn thu hết tất cả để có sự hòa nhập một. Và cuối cùng là tiếng kêu của sự cuồng nhiệt chưa bao giờ có trong thơ:

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi.

Hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu của đoạn thơ đã bộc lộ rõ lòng yêu đời cuồng nhiệt khiến nhà thơ phải hối hả, vội vàng đến với cuộc sống.

Bài thơ là một quan niệm sống mới mẻ và táo bạo mà trước đó chưa từng có . Lối sống ở đây biết hưởng thụ một cách chính đáng, biết khẩn trương sống cho ra sống. Tuy nhiên ở Vội vàng, tác giả chỉ đề cập đến lối sống thiên về hưởng thụ chạy theo thời gian. Ông kêu gọi mọi người hãy biết yêu và tận hưởng những thứ cuộc sống ban tặng, hãy tranh thủ thời gian, tuổi trẻ để sống đủ đầy nhất. Ông đã quên đi nghĩa vụ kêu mọi người phải cống hiến cho cuộc đời. Và trong cuộc đời nhà ông, ông vội vàng cống hiến chứ không phải vội vàng hưởng thụ.

Đọc thơ Xuân Diệu, đặc biệt là qua bài thơ Vội vàng, ta càng thêm yêu cuộc sống hôm nay và càng góp phần làm cho cuộc sống đó thêm tươi đẹp, không chỉ vì cuộc sống hôm nay đã đổi mới, đã đẹp hơn nhiều lần so với cuộc sông ngày xưa của Xuân Diệu mà chủ yếu là không còn những bi kịch để thành những băn khoăn trước cuộc đời. Bức thông điệp nhà thơ gửi đến người đọc vẫn cònnguyên giá trị, được bồi đắp thêm qua thời gian và trường tồn vĩnh cửu.

Hãy sống hết mình, cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc nhân dân, đừng phí hoài thời gian, hãy mở rộng lòng mình để đón nhận tất cả những vang động của cuộc đời. Đó là những gì mà Xuân Diệu còn giữ lại, nhắn gửi đến với người đọc của mình bức thông điệp xuyên qua thời gian, không gian, ngự trị muôn đời trong tâm hồn con người Việt Nam.

Cảm nhận về bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu – Bài làm 2

Xuân Diệu là ông hoàng của tình yêu, dù đó là tình yêu gì đi chăng nữa thì nó vẫn ngọt ngào đầy xúc cảm. Ông còn được đánh giá là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới. Những sáng tác ,những bài thơ của ông đem đến cho người đọc một sự yêu đời, niềm vui về cuộc sống và một niềm khao khát cuộc sống đến mãnh liệt cùng với đó là một hồn thơ mới lạ,mang đến cho độc giả cái nhìn mới mẻ. Trong số đó, tiêu biểu có bài thơ Vội vàng là một trong những bài thơ hay thê hiện tư tưởng đáng quý đó của tác giả, và 13 câu đầu đã để lại những ấn tượng khó quên cho người đọc. Những tư tưởng triết lí cũng thế mà được gửi gắm chân thành tự nhiên.

Để mang niềm yêu cuộc sống đến trào dâng, nhà thơ luôn có cảm xúc vội vàng trước cuộc sống ngắn ngủi. Mọi thứ trên đời mang vị ngọt tới nhưng chỉ một lần rồi thôi,ta đâu có đủ thời gian cho những quả ngọt đó được nếm một lần nữa. Không vội vàng, không chạy tới để ôm trọn những gì đang có thì làm sao mà cảm nhận hết vẻ đẹp của đời. Khổ thơ năm chữ duy nhất trong bài thơ khiến giọng điệu gấp gáp giống như một hơi thở hối hả của một con người đang tràn đầy cảm xúc. Đại từ mà tác giả Xuân Diệu đã đặt ở đầu tiên là tôi, chứ không phải “ta” hay chúng ta và cùng với đó là động từ “ muốn”- “ tôi muốn. Nhà thơ đang thể hiện cái tôi công khai, ngang nhiên không lẩn tránh hay giấu giếm, cái tôi đầy thách thức, đi ngược lại với thơ ca trung đại, rất ít dám thể hiện cái Tôi của bản thân mình. Đây cũng chinh là một điểm mới của nhà thơ trong nền văn thơ hiện lúc bấy giờ.qua đó thể hiện khát khao mãnh liệt về cuộc sống .

khi đọc những câu thơ của bài thơ Vội vàng ta bất giác nghĩ tới tuổi trẻ,niềm ham sống nhiệt thành của tuổi trẻ không bao giờ được đốt cháy như bây giờ. Vội vàng là bài thơ tiêu biểu cho sự bùng nổ mãnh liệt của cái tôi Xuân Diệu,khá đậm nét cho hồn thơ yêu đời, ham sống, “thiết tha, rạo rực, băn khoăn”. Qua vội vàng chúng ta cũng thấy được một cái tôi mạnh mẽ , cuống nhiệt ưu ái cho xuân thì , và cũng là quan niệm sống mới mẻ và táo bạo. Vội vàng để màu đừng nhạt mất, để hương đừng bay đi, bởi tháng giêng ngon như một cặp môi gần và vội vàng vì thời gian không chờ đợi một ai “ xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua” và “ xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”. Một lối sống tích cực được tác giả gửi gắm qua bài thơ.với nhịp thơ nhịp nhàng nhưng nối tiếp nhau, đã tạo đà cho bài thơ thêm khởi sắc và đẹp đẽ.Xuân đấy, thức quý mà đất trời ban cho đấy, đâu còn nhiều thời gian mà con người ta có thể hưởng hết. Vậy nên nếu không mau chóng ôm trọn nó thì quả thật là đáng tiếc. Tôi muốn ôm tất cả vào lòng nhưng có phải muốn là được bởi vì

“Lòng tôi rộng mà lượng trời cứ chật

Không cho dài ngày tháng của nhân gian”

Đấy, những khát khao cháy bỏng ấy , với phép đối rất chỉnh càng tạo ra khí thế dồn dập hối thúc moi người hãy nhanh nữa lên nếu không còn đâu thức trời đẹp mà chiêm ngưỡng mà hưởng thụ. Lòng thiết tha yêu cuộc sống đã đưa tác giả đi đến một quyết Ham sống, khát sống, Xuân Diệu càng băn khoăn hơn trước cuộc đời, thời gian. Xuân Diệu đã nhận ra quy luật tuyến tính của thời gian, chống lại quy luật tuần hoàn của các cụ ngày xưa. Mỗi phút giây trôi qua đi sẽ không bao giờ trở lại, tuổi trẻ cũng chỉ đến một lần. Nhà thơ mở lòng ra để yêu đời, yêu cuộc sống nhưng không được đời bù đắp, vì thế mà ông băn khoăn buồn chán cho thân phận của mình. Cảnh vật thiên nhiên giờ đây cũng mang đầy tâm trạng buồn bã, băn khoăn, lo sợ..Chính vì thế cho nên:

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn biết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu một cái hôn nhiều

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào người.

Được nhắc tới trong khổ thơ là hình ảnh thơ tươi mới, sức sống. Và có lẽ tình yêu cuộc sống của nhà thơ tăng dần theo từng từ muốn ôm đến riết là đã ghì chặt hơn. Những đọng từ mạnh được khai thác một cách triệt để. Và đã say – sự ngây ngất đến bất tỉnh vẫn chưa thỏa lòng – còn muốn thâu nghĩa là muốn thu hết tất cả để có sự hòa nhập một. Cường độ của sự mong muốn khát khao dần tăng lên và câu thơ cuối chính là một sự cuồng nhiệt nhất.

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi.

Không phải xuân xanh, không phải xuân chín, mà là xuân hồng. Màu hồng gợi cho ta màu của sự chín vừa đủ và non vừa tới.màu hồng màu của muôn hoa cỏ sắc trời màu của hạnh phúc và tình yêu lứa đôi.Hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu của đoạn thơ đã bộc lộ rõ lòng yêu đời cuồng nhiệt khiến nhà thơ phải hối hả, vội vàng đến với cuộc sống. Động từ cắn cũng trở nên táo bạo hơn bao giờ hết, không chỉ là chạm là nhìn mà phải “cắn” để cảm nhận được sự non tơ ngon lành mà cuộc sống ban tặng.

Bài thơ Vội vàng mang đến quan niệm sống mới mẻ và táo bạo mà trước đó chưa từng có .Ở Vội vàng, tác giả chỉ đề cập đến lối sống thiên về hưởng thụ chạy theo thời gian. Ông kêu gọi mọi người hãy biết yêu và tận hưởng những thứ cuộc sống ban tặng, hãy tranh thủ thời gian, tuổi trẻ để sống đủ đầy nhất.  Nhưng ông đã quên đi nghĩa vụ kêu mọi người phải cống hiến cho cuộc đời. Dẫu sao đây vẫn là một quan niệm tích cực, hối thúc mọi người không nê phí hoài tuổi trẻ và sự non tơ của cuộc sống ban tặng.

Những ý nghĩa mà bài thơ mang lại còn vượt ra ngoài ý nghĩa gốc của nó. Không chỉ là sống một cuộc sống hối hả, sống không phí hoài tuổi trẻ mà còn là đừng bao giờ để tuổi trẻ trôi qua một cách phí phạm. Vì tuổi trẻ không bao giờ quay trở lại lần nữa để ta có thể hiểu ra giá trị của nó.

Cảm nhận về bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu – Bài làm 3

Trong thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh coi “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ Mới”. Với những sáng tác của mình, Xuân Diệu không chỉ đem đến cho thơ ca dân tộc nghệ thuật thể hiện, kĩ thuật viết thơ đặc sắc mà cả trên nội dung tư tưởng cũng có những khám phá độc đáo. Nhận xét về “Vội vàng”- một trong số những bài thơ thể hiện rõ nhất phong cách Xuân Diệu, có ý kiến cho rằng “Vội vàng là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời yêu sống cuồng nhiệt. Đằng sau những cảm xúc ấy là quan niệm nhân sinh chưa từng thấy”.

Hồn thơ Xuân Diệu đắm đuối trước cuộc đời, ao ước sống trọn vẹn từng ngày có thể, tất cả đều được gửi gắm vào thơ. “Vội vàng” tiêu biểu nhất cho những cách tân của thơ ông từ cách thể hiện cảm xúc cuồng nhiệt cho đến nhận thức sâu sắc về thời gian, đời người. Bài thơ góp phần quan trọng vào sự phát triển của phong trào thơ Mới, phát huy cao độ sức mạnh của cái “tôi” để làm vận động một tứ thơ khỏe khoắn, tiếp thu và sử dụng sáng tạo ngôn ngữ thơ ca Tiếng Việt. Thật khó nói hết cảm giác mới mẻ khi đọc thơ Xuân Diệu, nhất là ý nghĩa to lớn của “Vội vàng” vào thời điểm nó ra đời. Thế nhưng, có thể khẳng định rằng đây là một thi phẩm thật sự có giá trị, nó dẫn người đọc say mê bước vào thế giới của “tâm hồn yêu đời yêu sống cuồng nhiệt”, nó sâu lắng thiết tha với “quan niệm nhân sinh chưa từng thấy”. Những điều đó tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của bài thơ.

Trước hết, thi phẩm sâu lắng đầy chất thơ bởi niềm say mê giao cảm mãnh liệt với cuộc đời. Điều đó được thể hiện qua khao khát níu kéo, giữ gìn vẻ đẹp của thiên nhiên trời đất. Bài thơ mở đầu bằng bốn câu ngắn, cách diễn đạt rất đơn giản, rõ ràng. Mỗi câu thơ được viết ra là một gợi mở về vẻ đẹp tâm hồn nhân vật trữ tình:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi

Ở đây thế giới phản chiếu trong suy nghĩ của “tôi” gồm hai phần, một là cái đẹp, có màu và hương, một là nắng gió, góp thêm phần rực rỡ, nhưng lại có thể làm phai tàn cái đẹp. Đó là một quy luật bất biến của thiên nhiên tạo vật. Xuân Diệu nhận ra điều đó, nhận ra cả sự tàn phai tất yếu của hương sắc mà ông hằng trân trọng, ngợi ca. Bởi thế cho nên, khao khát “tắt nắng buộc gió” vừa mãnh liệt vừa yếu đuối bất lực. Điệp từ “cho” và “đừng” dồn nén cảm xúc, ngân dài ra giọng điệu thiết tha của dòng thơ. Câu thứ tư toàn thanh bằng nhẹ nhàng bay bổng nhưng diễn tả sự nuối tiếc ngậm ngùi. Ta thấy tâm hồn đa sầu đa cảm của thi nhân dường như đang nhìn đời bằng con mắt xót xa khi nhận ra mọi thứ đều có thể “nhạt mất” và “bay đi”. Khổ thơ thể hiện ý tưởng, chủ đề của toàn bài. Muốn giữ lại vẻ đẹp là bởi vì yêu cái đẹp, vì thật sự thiết tha một cuộc sống với đầy đủ hương vị của nó. Hãy xem nhà thơ đã yêu đời đến thế nào:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây gió của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si

Đó là những gì mà cuộc đời bày ra ngập tràn trước mắt thi nhân: cả một bữa tiệc hội ngộ của nhân gian, một thiên đường xốn xang niềm vui tái hợp. Cách dùng điệp từ “của” và “này đây” bốn lần rất đặc biệt. Các câu thơ tự nó tách ra làm hai vế, một vế có “ong bướm”, “đồng nội xanh rì”, “cành tơ phơ phất”, “yến anh”, nguyên vẹn tròn đầy như thế, được gắn với từ “của”, tức vế kia bao gồm những gì thuộc về nó, làm cho nó đẹp hơn. Cuộc sống ban cho cảnh vật những khoảnh khắc không thể quên: hoa trên đồng nội xanh rì mộc mạc dịu dàng, cành tơ bâng khuâng đung đưa trước gió. Nhưng ý thơ không dừng lại ở đấy. Người đọc sẽ nhận ra điều gì khiến cho Xuân Diệu vẫn được gọi là “Ông hoàng của thơ tình”. Đấy là tình yêu, tình yêu trải rộng trên từng tứ thơ: “tuần tháng mật” tình tứ cho ong bướm và “khúc tình si” đắm đuối của yến anh. Thi sĩ ẩn hiện một nụ cười hồn hậu sau mỗi câu thơ này: ông ghép mọi thứ thành có đôi có cặp, mà cặp đôi ấy lại không thể tách rời nhau. Cũng không phải ngẫu nhiên mà cấu trúc “Của… Này đây” được hoán đổi vị trí ở mỗi câu thơ như vậy. Cái gì đã thành đôi thì được cho thời gian và tình yêu, cái gì tách biệt thì đặt về đúng vị trí. Thơ Xuân Diệu mới lạ ở chỗ ông nhìn ra cuộc đời trong trạng thái rực rỡ và sung mãn nhất. Cuộc sống vốn kì diệu và đẹp đẽ song không phải ai cũng có thể cảm nhận sâu sắc như ông. Và rồi ta lại được quay trở về với cái tôi thi sĩ:

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng, nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân

Thêm một từ “này đây” nữa cho chính nhà thơ. Lần này, sau “này đây” là những câu thơ dồn dập reo vui. “ánh sáng chớp hàng mi”, “thần Vui hằng gõ cửa”, “ngon”, đó hình ảnh, từ ngữ để miêu tả thế giới thần tiên, đẹp ngây ngất, nhưng vẹn toàn hơn muôn phần bởi niềm vui trần thế. Câu thơ cũng bay bổng thoát li song vẫn khiến người đọc cảm thông, xúc động là bởi sự chân thành trong cảm xúc. Tính từ “Sung sướng”, “vội vàng” trực tiếp nói về niềm vui náo nức, cuồng nhiệt của thi nhân. Vào lúc đó, một tuyên ngôn sống đã được khẳng định: vội vàng. Mùa xuân đẹp nhất trên đời vẫn còn đó, và tâm trạng nhân vật trữ tình được diễn tả rất thật:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Ngôn ngữ thơ âu yếm, giục giã, câu thơ dài liền mạch nhưng khẩn trương, nhịp nhàng, như thể ào ra bao nhiêu tâm sự còn lắng đọng trong lòng. “mới”, “riết”, “say”, “thâu” nhấn mạnh ở giữa câu, từng đợt sóng tình cảm cứ xô mạnh, rồi tỏa ra mênh mông. Dư vị lan ra trong lòng người đọc là cảm giác say mê đắm đuối trong dòng tâm trạng của thi sĩ. Hoài Thanh trong “Ý nghĩa văn chương” có viết rằng: “Có kẻ nói từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới đẹp, từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay.” Thơ Xuân Diệu đúng như thế. Vẫn là cảnh ấy, tình ấy, mà sao qua thơ ông nó lại ánh lên màu sắc huy hoàng rực rỡ. Qua cảm nhận tinh tế “chếnh choáng mùi hương, đã đầy ánh sáng”, qua khao khát vô cùng muốn tận hưởng trọn vẹn hạnh phút trần gian, người đọc bỗng nhận ra rằng cuộc đời vẫn đẹp thế, vẫn tràn ngập sức sống của niềm tin và hy vọng. Với Xuân Diệu, sống là cả một hạnh phúc lớn lao, và quả thật ông đã say mê tận hưởng và cảm nhận cuộc sống đó.

Thơ Xuân Diệu không chỉ thể hiện niềm vui sống, mà nó còn mang những “quan niệm nhân sinh chưa từng thấy”. Trong vẻ đẹp của trần gian, ông coi con người là trung tâm, con người hưởng thụ cuộc đời và luôn đẹp nhất. Đó là lí do mà những câu sáng tạo nhất, hay nhất bài đều là một so sánh về vẻ đẹp thiên thần của con người:

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Rồi
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi.

Nếu như trước kia, các nhà thơ lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp để ví con người với thiên nhiên thì giờ đây, Xuân Diệu đưa vẻ đẹp của con người vào thơ để khắc họa rõ nét thiên nhiên. Vì thế mà thiên nhiên ngập tràn hồn người tình người, sống động, gần gũi. Cả hai lần nhà thơ đều sử dụng lối nói ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, tức là, sử dụng tối đa tất cả các giác quan để thấy được cuộc sống ở nhiều góc độ. Các nhà thơ xưa chỉ cảm nhận thiên nhiên ở bề ngoài, ở quy luật vốn có của nó, Xuân Diệu nay lại lấy lòng mình ra để gán vào thiên nhiên. Điều đó không giống như bút pháp tả cảnh ngụ tình của thơ Trung đại, bởi một đằng là tình người ẩn đằng sau thiên nhiên, Xuân Diệu thì biến thiên nhiên thành một sinh thể sống riêng, chứa trong nó đầy đủ nhịp thở, nhịp sống của con người. Thi nhân gọi mùa xuân là “hỡi xuân hồng”, khao khát giao cảm với thiên nhiên là “ta muốn cắn vào ngươi”, là cách diễn tả tưởng như vụng về, vồ vập, nhưng chứa đựng khát vọng vô cùng bởi vì chẳng còn cách nào có khả năng thể hiện đầy đủ hơn niềm vui sướng vô tận của ông. Cảnh vật mang hình bóng tươi trẻ của người đẹp, lối nghĩ đó mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thả hồn theo từng con chữ, thi nhân cũng nhận ra quy luật khắc nghiệt của thời gian, nguyên nhân thôi thúc người sống vội, sống gấp:

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi

Xuân của đất trời là khoảnh khắc viên mãn, khi lá hoa đua sắc, vạn vật tốt tươi, xuân của lòng người là thời trẻ sôi nổi đầy khát vọng hoài bão. Hai mùa xuân ấy song hành bên nhau, song cũng báo trước một tương lai, cùng “hết” và “mất”. Cũng đúng khi ông gắn xuân với nhan sắc, xuân qua, nhan sắc không còn, quan niệm có phần bồng bột nhưng có lí riêng của nó. Sự đối lập giữa lòng người rộng mở và “lượng trời cứ chật” trong lí lẽ của nhà thơ thật khéo léo. Ông dành phần đúng cho mình, đặt cái lẽ của lòng người lên trên tất cả. Phản bác lại sự tuần hoàn của vũ trụ, tạo vật không phải là phủ nhận cái đẹp của thiên nhiên mà bởi ý thức về giá trị sự sống, quyền sống của cá nhân mình. “Chẳng còn tôi mãi”, thời gian của tôi là tuyến tính, biện chứng, thì mùa xuân kia có quay vòng tôi cũng chẳng thể nào sống nữa mà hưởng thụ. “Không ai đứng hai lần trên cùng một dòng sông”, một khoảnh khắc trôi đi là mãi mãi không trở lại:

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than mầm tiễn biệt
Con gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ tàn phai sắp sửa
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa

Mặc cảm về đời người ngắn ngủi, mỗi phút trôi qua là mỗi phút chia tay với một phần của cuộc sống đè nặng trĩu. Tâm sự ấy góp vào nỗi buồn chung của thơ Mới thêm một cung bậc nữa. Ta từng choáng ngợp trong vần thơ nuối đời, níu đời của Hàn Mặc Tử, nay lại hiểu hơn tâm niệm của một con người hết mình trong cuộc sống. Thi nhân tự đặt ra cho mình một quan niệm về thời gian, rồi tự thế mà gấp gáp, vội vàng, đó là cách nghĩ, cách sống tích cực lành mạnh, tận hưởng và tận hiến để góp thêm hương sắc cho đời.

Bài thơ dài trong thể hiện cảm xúc nhưng cách dùng từ chắt lọc tái hiện một cách sinh động những quan niệm, triết lí sâu sắc. Thơ Xuân Diệu phản ánh rõ nét cá tính riêng biệt của ông, con người thì sống trọn vẹn từng phút giây, còn thơ thì trau chuốt từng câu từng từ để phô diễn cái đẹp, khắc họa tinh tế mọi xao động của tâm hồn. Suy nghĩ liền mạch, quan điểm nhất quán, “Vội vàng” là vần thơ hay, kết tinh phẩm chất đáng quý của Xuân Diệu, đúng như quan niệm của Nguyễn Đình Thi: “Những nghệ sĩ lớn đem tới được cho cả thời đại họ một cách sống của tâm hồn”…

Cảm nhận về bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu – Bài làm 4

“Yêu là chết ở trong lòng một ít”… (“Yêu- Xuân Diệu).

Hơn ai hết, Xuân Diệu- thi sĩ tiêu biểu của dòng thơ mới, thi sĩ hết lòng yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống mới hiểu được ý nghĩa của cái “chết trong lòng một ít” của tình yêu. Bởi vậy, càng say mê yêu ông lại càng lo sợ, càng lo sợ ông lại càng muốn tham lam chiếm hữu, muốn sống vội, sống hết mình, yêu hết mình. Đó là tư tưởng xuyên suốt các tác phẩm ông viết trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ví dụ tiêu biểu nhất là bài thơ “Vội vàng”.

Hồn thơ Xuân Diệu hồn nhiên yêu đời, yêu cuộc sống, say mê với cái đẹp, nhạy cảm với sự trôi chảy của thời gian. Nhưng càng yêu say, càng sống say, Xuân Diệu lại càng sợ cuộc sống, sợ tình yêu và những gì tươi đẹp sẽ bỏ mình và bay đi mất. Cũng vì vậy mà ông tham lam  muốn làm mọi cách để gìn giữ, chiếm đoạt những điều tốt đẹp, thậm chí là muốn điều khiển cả thiên nhiên:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”

Nhà thơ sử dụng các động từ mạnh như “tắt” “buộc” cùng với điệp ngữ “tôi muốn” thể hiện khao khát mạnh mẽ, mãnh liệt đến điên cuồng. Nói là khao khát nhưng lại cũng giống như đang ra lệnh vậy.  Những từ ngữ ấy thể hiện một cái tôi cá nhân đầy tham vọng, khao khát đạt quyền của tạo hóa, cưỡng lại quy luật của tự nhiên, những vận động của đất trời. Ông muốn “tắt nắng” muốn “buộc gió”, đó là những ước muốn không tưởng!  Bởi ông hiểu rằng, sắc thắm nào rồi cũng nhạt, hương nồng nào rồi cũng phai. Thi sĩ yêu thiên nhiên, yêu sự trẻ trung, yêu cuộc đời tươi đẹp, vì vậy càng không muốn những vẻ đẹp tự nhiên của đất trời mất đi. Bởi nó quá đẹp nên nhà thơ càng muốn lưu giữ nó bên mình để được thưởng thức một cách trọn vẹn, mãi mãi: 

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa"

Dưới đôi mắt của người thi sĩ, mọi sự sống quen thuộc quanh 66 bỗng trở nên vô cùng hấp dẫn, mới lạ. Cảnh thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu hiện ra như một khu vườn ngập tràn hương sắc thần tiên, như là ở một cõi nào xa lạ, chứ không phải là của cõi trời trần tục này. Cũng vẫn là thiên nhiên non nước ngàn năm ấy thôi nhưng Xuân Diệu phát hiện ra bao vẻ đẹp bất ngờ, đáng yêu say đắm. Bởi trong mắt của kẻ si tình, bất cứ thứ gì cũng trở nên đẹp đẽ khác thường. Trong đôi mắt tình yêu ấy, cảnh sắc mùa xuân càng thêm tươi đẹp khi khoác lên mình cái “xanh rờn” của cây lá, cái ngọt ngào của “ tuần tháng mật” ong bướm quấn quýt, cái lãng mạn “lơ phơ” mơn mởn, non nớt của “cành tơ phơ phất”; lại được điểm thêm tiếng ríu rít của yến anh vui tươi, nhộn nhịp. Đặc biệt, cảnh xuân, tình xuân lại càng thêm đượm sắc, nên thơ khi hòa quyện với vẻ đẹp của con người. Hình ảnh con người không xuất hiện trực tiếp nhưng qua câu thơ:

“Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa”

Mùa xuân vốn đã đẹp, đã thơ mộng rồi, nay còn được tô điểm bằng ánh sáng “chớp hàng mi”, phải chăng đây là ánh sáng bình minh buổi sớm, khiến hàng mi khẽ giật mình, thức tỉnh trong  tiếng gõ cửa của thần vui, báo hiệu một ngày mới ngập tràn hạnh phúc? Cách sử dụng những từ  "này đây" san sát nhau đã phô diễn sự phong phú dường như bất tận của thiên nhiên, nhà thơ như thể đang bày ra từng thứ một, bày ra một khu vườn địa đàng ngay giữa chốn trần gian , một thiên đường vô thực nằm ngay trên trần thế, khiến thi sĩ phải thốt lên:

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Có người nói tháng giêng đẹp, tháng giêng vui, còn Xuân Diệu lại thấy "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần". Thường thấy văn học trung đại lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của con người, còn Xuân Diệu thì lại lấy vẻ đẹp của con người ở giữa tuổi xuân và tình yêu làm chuẩn mực cho cái đẹp. Thơ xưa ngụ cảnh tả tình, hiếm khi nói đến những biểu tượng của các vị giác,  còn Xuân Diệu đã không ngần ngại trộn lẫn và huy động tất cả mọi giác quan của mình để thưởng thức được trọn vẹn những vẻ đẹp của thiên nhiên. Có thể khẳng định rằng, cách so sánh của Xuân Diệu là “mới nhất trong các nhà thơ mới” , độc đáo nhất, táo bạo nhất mà trước Xuân Diệu chưa nhà thơ nào tìm ra, sau Xuân Diệu cũng chưa ai sánh kịp!

Vì mùa xuân quá đẹp, quá “ngon”, quá hấp dẫn nên mới khiến nhà thơ “sung sướng” tận hưởng:

“Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

Tận hưởng đấy, sung sướng đấy, nhưng cũng lo âu đấy. Ông “vội vàng một nửa” vì nhận ra mình càng phải nên tận hưởng, không muốn để lỡ dù chỉ một phút giây, bởi ông hiểu rằng:

"Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua

Xuân còn non nghĩa là xuân đã già"

Lần đầu tiên xuất hiện một nhà thơ dám khẳng định cái tôi, nhận định của bản thân bằng những câu thơ định danh như vậy! Điệp ngữ "nghĩa là"vang lên khô khốc diễn tả một bi kịch trong tâm hồn con người không cách gì níu giữ được thời gian đang trôi qua. Nỗi nối tiếc vì ngày vui ngắn ngủi qua mau đó, với Xuân Diệu là đau đớn đến tột cùng. Bởi vì nhà thơ cho rằng mình sẽ chết đi cùng với mùa xuân khi mà vẻ đẹp của cuộc đời không còn nữa:

"Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất"

Chính cái ý thức thời gian xuôi chảy một dòng, một đi không trở lại, thời gian là tuyến tính chứ không phải tuần hoàn, định lượng chứ không phải định tính đã chi phối cái nhìn cuộc đời của Xuân Diệu. Do chưa có cái nhìn biện chứng về thời gian nên Xuân Diệu thấy thời gian là một dòng suy biến và tàn phai, ở cuối con đường là sự già nua và chết chóc. Thời gian lấy đi của con người tuổi trẻ và tình yêu mang trả con người tuổi già và cái chết. Ý nghĩ đó khiến nhà thơ có cảm nhận như thể đất trời như cũng đối kháng với con người.

"Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian"

Nhà thơ chua xót thừa nhânn rằng, đời người thì hữu hạn mà thời gian thì lại vô cùng. Tâm hồn con người ta cứ mãi trẻ trung, cứ đầy khao khát nhưng thể xác thì phải già nua theo ngày tháng, không thể nào cứ qua đi rồi lại vòng trở lại như mùa xuân. Thế nên:

"Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi"

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”

Kẻ si tình buồn biết bao nhiêu khi bắt buộc phải thừa nhận cái bi kịch khủng khiếp ấy của kiếp người. Chính vì sợ ngày vui ngắn ngủi qua mau, sợ vẻ đẹp sẽ tàn phai nên toàn bộ thiên nhiên tươi sáng ở trên kia đến đây cũng mất dần tính tự nhiên, vô tư của nó. Xuân Diệu dường như cảm nhận được mùi vị của tháng năm, nhưng đó là mùa vị đem đến cho nhà thơ sự nuối tiếc xót xa "vị chia phôi". Những hợp âm rì rào nghe như lời than thầm vang lên khắp sông núi. Cả đến cơn gió xinh cũng dỗi hờn, chim chóc cũng "đứt tiếng reo thi" vì sợ "độ tàn phai sắp sửa" :

“ Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi

Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt

Con gió xinh thì thào trong lá biếc

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa”

Thật đúng như đại hào Nguyễn Du từng viết:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo tình

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Khi tâm hồn thi sĩ buồn bã, lo sợ phải chia ly, đến cả cảnh vật xung quanh cũng bị phủ lên màu thê lương, day dứt. Đến cả chim muông đang cất tiếng xuân rộn ràng cũng đột nhiên “đứt” tiếng, con gió xinh cũng hờn giận vì phải xa lìa, vấn vương cành lá biếc chẳng muốn bay đi. Hồn thơ buồn trải rộng ra cảnh vật, cảnh vật buồn lại tác động ngược trở lại khiến tâm hồn thêm bâng khuâng, sầu thảm. Bởi thế kẻ si tình mới thốt lên một tiếng thở dài ngao ngán:

"Chẳng bao giờ,  ôi! chẳng bao giờ nữa"

Vì nhận thấy sự nghiệt ngã của thời gian nên nhà thơ lại dậy lên một nỗi khát khao sống hết mình, trọn vẹn. Chính trái tim trẻ tuổi, yêu đời, tràn đầy nhiệt huyết đã không cho phép nhà thơ buông xuôi, phó mặc. Nhà thơ như giục giã chính mình 

"Mau đi thôi ! mùa chưa ngã chiều hôm".

Nhà thơ muốn tận hưởng cuộc sống, tận hưởng những vẻ đẹp của đất trời khi nó còn đang trong độ xanh tươi mơn mởn:

"Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước và cây và cỏ rạng”

Điệp ngữ "ta muốn" một lần nữa được láy lại dồn dập để bày tỏ một khát khao lớn lao muốn ôm cả sự sống vào lòng. Nhưng ở đoạn thơ này, khao khát của nhà thơ đã trở nên mãnh liệt đến cháy bỏng, đến cuồng dại. Không còn chỉ là muốn chiếm đoạt đơn thuần, mà là muốn nhiều, muốn sâu, muốn say, muốn hòa mình vào bất diệt. Để:

"Cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi"

Đó là một tình yêu nồng nhiệt tới tột độ đối với cuộc sống. Tình yêu ấy đã xua tan đi cái ủ rũ u sầu, làm sống lại cái sinh khí vốn có của một chàng trai trẻ. Càng lo sợ bao nhiêu, lại càng khao khát bấy nhiêu; càng buồn sầu bao nhiêu, càng vội vàng muốn sống, muốn hưởng thụ cho nhanh, cho no nê, cho thỏa thích. Càng say đắm thì lại càng sợ đánh mất, càng sợ đánh mất thù lại càng khát khao chiếm đoạt, thậm chí muốn tham lam mà ngấu nghiến:

"Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Sắc hồng trong tâm hồn thi sĩ không chỉ là màu thơ mộng của mùa xuân, mà còn là sắc tươi đẹp của tuổi trẻ. Mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đời người đẹp đến mức, hấp dẫn đến mức không chỉ khiến nhà thơ cảm thấy “ngon” mà còn ngọt “như một cặp môi gần” người thiếu nữ, thúc giục kẻ si tình khát khao được chạm, được cắn, được thỏa thuê chiếm đoạt.  

“Vội vàng” là một trong những kiệt tác của “nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới” Xuân Diệu. Cái mới của ông thể hiện ở cái khát khao được làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống; khát khao được sống mãi, sống hết mình với tuổi trẻ; khát khao thể hiện cái tôi cá nhân mãnh liệt, cái tôi tha thiết yêu đời yêu người. Đồng thời, tác phẩm cũng truyền đạt tư tưởng sống đầy nhiệt huyết, cháy hết mình đáng để thế hệ trẻ ngày nay học hỏi và phát huy!

Cảm nhận về bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu – Bài làm 5

  1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

Xuân Diệu là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Bài thơ Vội vàng được rút ra từ tập Thơ thơ (1938) là sáng tác tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám. Thơ Xuân Diệu luôn chứa đựng một niềm khát khao giao cảm với đời.

Vội vàng thể hiện giá trị nhân sinh mới mẻ của Xuân Diệu: cảm thức về thời gian chảy trôi của đời người. Nhà thơ kêu gọi mọi người hãy biết tận hưởng cuộc sống, phải sống “vội vàng”, cuống quýt để chạy đua với thời gian bằng tốc độ sống.

Đoạn thơ trên là phần mở đầu trong bài thơ Vội vàng, thể hiện tình yêu cuộc sống trần thế thiết tha của nhà thơ.

  1. Cái “tôi” tha thiết với cuộc đời trần thế

Đại từ nhân xưng tôi bắt đầu bài thơ biểu hiện một tư thế đĩnh đạc của cá nhân giữa đất trời. Đây cũng chính là đặc điểm khác biệt của nhà thơ mới so với thơ ca trung đại. Cái “tôi” xuất hiện và đòi được tự khẳng định mình, đồng thời nó cũng mang đến những cảm xúc mới mẻ chưa từng có trong thơ ca trước đó. Động từ muốn đi sau đại từ tôi diễn tả ước vọng mãnh liệt muốn đoạt quyền năng của thiên nhiên để níu giữ những thời khắc đẹp nhất của đời người.

Các động từ mạnh như tắt, buộc cho thấy xúc cảm mạnh mẽ đang dâng trào trong lòng nhà thơ: muốn tắt nắng, buộc gió vì nắng, gió sẽ làm phai tàn thanh sắc. Hương thơm, ánh sáng và màu sắc là những vật thể vô hình của tạo vật nhưng thông qua các giác quan, con người có thể cảm nhận được. Phải chăng tình yêu cuộc sống thiết tha, say đắm vô vàn đã thôi thúc nhà thơ bày tỏ ước muốn “ngông” đó? Người nghệ sĩ muốn giành quyền tạo hóa để lưu giữ mãi cái đẹp, để cái đẹp còn sống mãi muôn đời.

  1. Cái “tôi” hân hoan trước khu vườn mùa xuân tràn đầy hương hoa, sắc màu, âm thanh và ánh sáng.

Các đại từ này đây xuất hiện đầu khổ thơ thứ hai là lời mời gọi hấp dẫn đưa du khách bước vào khu vườn trần thế của người “chủ nhân” quyền uy. Động từ sở hữu “của” điệp đi điệp lại, luyến láy như gọi mời thi nhân. Sai. phút ngỡ ngàng của cảm xúc là khoảnh khắc sáng bừng của nhãn quan. Con mắt nhà thơ tham lam ngắm nhìn và cảm nhận từng mùi hương, sắc nắng. Mỗi câu thơ như một tiếng hoan ca diễn tả sự sinh sôi đang trỗi dậy trong từng thớ cây, ngọn cỏ. Mọi vật đang ở độ căng tràn nhựa sống: đó là mật ngọt; của mùa xuân đang giục giã ong bướm bay đi hút nhụy, đó là hoa của đồng nộ xanh tốt, mỡ màng, là lá của cành tơ mơn mởn phơ phất tinh khôi, đó là khúc nhạc si mê, quyến rũ, là ánh nắng ban mai tinh khiết.

Bức tranh mùa xuân hiện ra bằng vẻ đẹp của tháng giêng. Có lẽ đây 11 câu thơ hay nhất của bài thơ: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Vẻ đẹp của thiên nhiên được so sánh với con người. Đó là một đặc trưng của nhà thơ lấy vẻ đẹp của con người làm thước đo cho thiên nhiên. Hình ảnh so sánh táo bạo này chưa từng xuất hiện ở một nhà thơ nào trước Xuân Diệu. Tháng giêng tinh khiết với mật ngọt đắm say, với cành tơ mơn mởn, với khúc nhạc tình tứ, với bình minh diễm lệ đã hóa thành “cặp mới gần” của người thiếu nữ.

Ý nghĩa nhân sinh mới lạ thông qua việc sử dụng các biểu tượng:

  • Hình ảnh biểu tượng: mùa xuân – tuổi trẻ. Dùng các hình ảnh biếu tượng thủ pháp nghệ thuật quan trọng của văn học lãng mạn để biểu đạt những ý nghĩa vô tận trong cảm nhận của thi nhãn. Mùa xuân là biểu tượng của hạnh phúc, tình yêu và tuổi trẻ. Nhựa sống muôn loài của mùa xuân gợi liên tưởng sức sống mãnh liệt trong cơ thể con người, vì vậy mùa xuân luôn gắn liền với tuổi trẻ. Thiên nhiên đẹp nhất khi vào xuân, đời người dẹp nhất là tuổi trẻ. Chỉ có mùa xuân, tuổi trẻ mới đón nhận được đầy đủ vẻ đẹp ấy.

  • Tình yêu là biểu tượng cho hạnh phúc thế gian. Con đường không phải tìm kiếm hạnh phúc ở cõi Niết bàn của Phật hay nơi thiên đường của Chúa mà hạnh phúc khởi phát từ trong lòng người và tồn tại trên mặt đất. Quan niệm nhân sinh thể hiện tư tưởng tiến bộ tiêu biểu trong nhận thức của thế hệ các nhà thơ mới: “Xuân Diệu đã đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới” (Hoài Thanh).

  1. Tổng kết

Con người khi nhận ra được vẻ đẹp có thực nơi trần gian thì phải biết nắm giữ, hưởng thụ cuộc đời vì từng giây, từng phút đi qua, con người không lấy lại được. Chính trong lúc say mê với khu vườn tình yêu, nhà thơ bàng hoàng nhận ra cái đẹp mong manh, cuộc đời ngắn ngủi nên phải sống gấp gáp, phải vội vàng chạy đua cùng thời gian. Nhận xét về hồn thơ Xuân Diệu, nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng: “Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình”. Người nghệ sĩ đứng trước cuộc đời chỉ muốn níu giữ thời tươi của mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu sẽ còn ở lại mãi mãi với con người, mặt khác nhà thơ là người thấu hiểu quy luật của tự nhiên không khỏi đượm chút nuối tiếc, u buồn.

Nhà thơ, bằng giác quan nhạy bén, các biện pháp láy, trùng điệp nhịp nhàng, linh hoạt, đã phát hiện ra vẻ đẹp của cuộc sống trần thế và phô bày nó như một bữa tiệc trần gian. Thời gian của đất trời không bao giờ ngừng trôi nhưng tuổi trẻ của con người không bao giờ trở lại. Vậy nên con người phải sống với hiện tại, phải “Sống trào sinh lực bốc men say”, phải “Sống toàn tâm, toàn ý, sống toàn hồn”. Đó cũng là triết lí sống, chất lượng sống của một nhà thơ luôn thiết tha giao cảm với đời.

Từ khóa tìm kiếm

  • cảm nhận bài vội vàng
  • các nhà thơ mới như hàn mặc tử huy cận xuân diệu luôn sống vội sống gấp để tận hưởng tận hiến cuôc sống nêu suy nghĩ
  • cam nghi ve bai voi vang
  • Nêu cảm nhận của e về vẻ đẹp trần thế và nỗi băn khoăn trước thời gian và cuộc đời

Bài viết liên quan

0