25/05/2017, 09:59

Cách học văn để biết cách viết văn hay

Đánh giá bài viết Học văn quan trọng là hiểu và biết cách viết văn sao cho thật hay và hấp dẫn bạn đọc. Dưới đây là một số điểm lưu ý giúp các bạn có thể học và viết văn một cách hay nhất có thể. 1. Trước hết là đọc nhiều Đọc nhiều loại sách: sách văn học đã đành, còn phải đọc nhiều loại sách, báo, ...

Đánh giá bài viết Học văn quan trọng là hiểu và biết cách viết văn sao cho thật hay và hấp dẫn bạn đọc. Dưới đây là một số điểm lưu ý giúp các bạn có thể học và viết văn một cách hay nhất có thể. 1. Trước hết là đọc nhiều Đọc nhiều loại sách: sách văn học đã đành, còn phải đọc nhiều loại sách, báo, tạp chí khác. Nhiều khi ta có cảm giác như ...

Học văn quan trọng là hiểu và biết cách viết văn sao cho thật hay và hấp dẫn bạn đọc. Dưới đây là một số điểm lưu ý giúp các bạn có thể học và viết văn một cách hay nhất có thể.

1. Trước hết là đọc nhiều

Đọc nhiều loại sách: sách văn học đã đành, còn phải đọc nhiều loại sách, báo, tạp chí khác. Nhiều khi ta có cảm giác như không cảm nhận được điều gì cụ thể thế nhưng nó đã thẩm thấu vào ta một cách tự nhiên như việc ta ăn uống hằng ngày, và kiến thức đó cũng sẽ hiện về một cách tự nhiên để giúp ta có được những bài văn hay. Các bạn cần nhớ rằng: “Sự thông minh sáng tạo, chẳng qua là dựa trên bệ phóng của kiến thức”. Để trở thành nhà văn, các nhà văn hồi nhỏ đọc rất nhiều (tất nhiên là sau này họ vẫn đọc như thế). Tôi trích ít mẫu tâm sự của các nhà văn, của các giáo sư văn học, nói về hồi nhỏ học văn để các bạn tin hơn.

Nhà văn Nguyễn Thành Long: “Một đặc điểm của tôi là chịu đọc… tôi đọc cả trong khi ăn, cả những khi vừa ngủ dậy. Tôi đọc các tác phẩm trong chương trình, đọc các tác phẩm ngoài chương trình, đọc rộng ra nữa những sách cao hơn trình độ của tôi. Tất nhiên là đọc có phương pháp, nếu không có phương pháp đi nữa, thì nguyên việc đọc nhiều cũng để lại cho mình cái gì đó. Đọc là cách học văn rất là quan trọng” (Nói về việc chuẩn bị hành trang).

Có lẽ chỉ cần đọc những lời tâm sự trên, các bạn cũng tự rút ra cho mình một bài học bổ ích.

2. Đồng thời với việc đọc là ghi chép

Ghi là để nối dài trí nhớ, để tích lũy vốn tư liệu phong phú và chính xác cho bản thân mình. Ghi lời đẹp, ý hay, một từ ngộ nghĩnh, một câu thơ chợt đến… “Mỗi người là một mảnh thiên tài nhân loại”, ai cũng có lời hay ý đẹp cho ta ghi và học tập… đó chính là “kho hậu cần” của sáng tạo.

Có lẽ cái cần ghi nhiều nhất là ca dao tục ngữ – một kho tàng vô tận của ý đẹp lời hay. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã kể lại kinh nghiệm này: “Những câu ca là những viên ngọc. Chúng ta có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi, ở quanh nhà ta ở. Từ khi học cấp II tôi đã có một cuốn sổ tay để sưu tầm những câu ca dao, tục ngữ mà tôi ưa thích. Người đọc cho tôi có thể là cô tôi, một người sắm vai chèo được cả làng xuýt xoa khen ngợi; có thể là bác tôi, từng nổi tiếng về đan lát; cũng có thể là bà bán bánh đa trong chiếc quán xiêu vẹo ở đầu làng… nhưng nhiều nhất vẫn là mẹ tôi” (Bài học quanh nhà).

Ngoài việc góp nhặt “những mảnh thiên tài” quanh nhà, ở thế giới xung quanh, các bạn cần ghi lại cái của chính mình, ghi lại cảm nghĩ của riêng mình về chủ đề, về những tình huống hoặc chi tiết trong các bài thơ, câu chuyện mình đọc.

Ghi chép phải cần cù tập thành thói quen, như con ong cần cù hút mật, như con tằm ăn lá nhả tơ, như người thợ nhặt từng đinh ốc rơi vãi để sử dụng đúng chỗ khi cần thiết. Muốn cần một bữa tiệc ngon cần nhiều thứ, muốn làm một bài văn hay – một bữa tiệc ngôn ngữ, cần nhiều lắm những lời đẹp ý hay.

3. Thuộc lòng là một phẩm chất của người học văn

Ghi là quan trọng, nhưng quan trọng nữa là thuộc. Học thuộc lòng là một phẩm chất của người học văn. Học thuộc càng nhiều càng tốt, chỉ nên thuộc những cái thật hay, thật giá trị, nên thuộc cả văn chứ không chỉ có thơ. Học thuộc lòng thơ của người khác, nó sẽ biến thành một mảng kiến thức của mình. Kiến thức đó sẽ tự nhiên biến hóa khi phù hợp khi mình viết một bài văn nào đó, giải quyết một vấn đề nào đó.

Mỗi ngày, phải tự đặt cho mình thuộc một bài thơ hoặc vài câu văn. Cũng như đọc, hễ có điều kiện là nhẩm để thuộc, phải tập thành kỹ năng thì thuộc rất nhanh, thuộc càng nhiều thứ càng yêu văn học.

Tôi mách các bạn vài biện pháp học thuộc: khi đang nghe ai nói, hoặc thầy giáo giảng, thấy câu nào hay tranh thủ nhẩm đi nhẩm lại để “nuốt” lấy ngay. Trên đường đi học về vừa đi vừa nhẩm cái vừa học tươi nguyên để mà nhớ. Tại góc học tập, những vấn đề cần nhớ, những vấn đề cần thuộc thì viết lên bảng hoặc lên giấy găm trước mặt bàn học, nó đập vào mắt liên tục. Thị giác đó có tác dụng tự khắc sâu vào trí nhớ. Hoặc trước khi đi ngủ, đọc qua một lượt, rồi nhắm mắt lại nhẩm qua vài lần, sáng dậy nhớ y nguyên và mãi mãi.

4. Song song với việc đọc, ghi, nhớ, cần chú ý đến cách nhìn, cách nghĩ

Nhìn cũng là một cách thu lượm vốn sống, kiến thức thực tế, không nên hờ hững với những gì diễn ra trước mắt hàng ngày. Bạn phải nhìn với một nhu cầu cần hiểu biết thực tế, nhìn với con mắt tinh tế, phát hiện. Nhìn sự vật, sự việc, hiện tượng chú ý rút ra những vấn đề có ý nghĩa, vấn đề có tính quy luật. Muốn vậy, phải biết nhận xét, so sánh, liên tưởng. Ví như nhìn cái đèn dầu, có người nghĩ ngay đến hình ảnh chị Dậu trong “Tắt đèn”. Tiềm năng phản kháng của chị Dậu như cái bầu dầu tràn trề, chỉ chờ Đảng về để thắp lên một ngọn lửa… hoặc có người nhìn bếp lửa đã liên tưởng, so sánh trong bài làm của mình: “Em sẽ không làm thanh củi xấu trong lò lửa, mà nguyện làm hòn than rực cháy trong lò luyện thép”.

Tuổi nhỏ của Trần Đăng Khoa rất hay, chính là nhờ có cách nhìn tinh tế ấy. Bài thơ Mưa chẳng hạn: nhìn những hình ảnh cụ thể như vườn mía, đàn kiến, nhà thơ đã so sánh, ví von bằng những hình ảnh đẹp:“Muôn nghìn cây mía/ Múa gươm/ Kiến/ Hành quân/ Đầy đường…”. Hoặc hình ảnh của người bố trong cơn mưa đã gợi được một hình ảnh rất có ý nghĩa: "Bố em đi làm về/ Đội sấm/ Đội chớp/ Đội cả cơn mưa”.

Người nông dân chịu tầng tầng lớp lớp cái khắc nghiệt của thiên nhiên – họ luôn luôn chịu nhiều gian khổ để làm ra hạt gạo, nuôi sống xã hội, làm cho xã hội tồn tại và phát triển.

Thế đấy! để viết văn hay, không thể không luyện cho mình một cách nhìn, một cách nghĩ giàu chất liên tưởng thẩm mỹ.

5. Nhìn và nghĩ phải đi đôi với cách nói, cách viết hàng ngày

Về cách nói, trong dân gian đã từng có câu: “Học ăn, học nói, học gói học mở”. Nhưng người xưa lại nói: “Ngàn vàng dễ được, lời tốt khó tìm” (Tuân Tử). Với tác phẩm Truyện Kiều cũng có câu: “Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ”. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ thì viết: “Dở dang với rượu khôn từ chén/ Trót nợ văn chương phải chuốt lời”… Tất cả đều nói lên một điều: nói hay không dễ, cần phải học để nói hay. Thông thường biết nói hay thì sẽ viết hay.

Hàng ngày, có khi ta nói hàng ngàn câu, nếu ta có ý thức rèn luyện sẽ có nhiều câu nói hay. Muốn nói hay, biện pháp tốt nhất là học tập cách nói trong dân gian, cách nói của các lãnh tụ, các nhà văn .v.v…

Cũng như nói, ta vẫn thường viết: viết thư, viết đơn, viết nhật kí, sáng tác v.v… muốn làm văn tốt, phải có ý thức luyện tập từ việc viết những cái đơn giản hàng ngày. Hãy tập thói quen hằng ngày ngồi vào bàn làm việc như một người lao động bình thường viết – cố viết. Không nghĩ ra cũng phải nghĩ cho ra, cũng phải viết. Đừng có chán nản. Viết một chữ, câu bất chợt đến. Rồi chữa. Rồi phát triển. Rồi xóa sạch nếu cần. Nhưng nhất định phải viết – dầu công cốc, dầu tốn giấy mực và thời gian. Hãy đi tận cùng chán nản để vật ngã nó. Việc viết, xóa, sửa chữa, viết đi viết lại tưởng như là vô ích này là những yếu tố tích lũy và kích thích cảm hứng rất tốt….

Để viết văn hay cần nhiều yếu tố, trăm việc phải làm. Trên đây, tôi chỉ gợi một số biện pháp học văn để tạo vốn, tạo kỹ năng viết văn hay. Nhà thơ Mai-a-cốp-xki nói rằng: “Để có một chữ cần có cả một tấn quặng chữ”. Các bạn đừng lãng phí thời gian để có nhiều tấn quặng chữ, thì tất yếu sẽ có nhiều chữ hay, nhiều bài văn hay. Các bạn hãy chịu khó với thơ văn, thơ văn sẽ trả ơn”.

0