Các giai đoạn tố tụng hình sự

a, Khởi tố vụ án hình sự Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn mở đầu của tố tụng hình sự trong đó có cơ quan thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Hoạt động này do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử hoặc đơn vị ...

a, Khởi tố vụ án hình sự
Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn mở đầu của tố tụng hình sự trong đó có cơ quan thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Hoạt động này do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử hoặc đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm hoặc các cơ quan khác thuộc lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện theo quy định của pháp luật.
b, Điều tra vụ án hình sự
Là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người phạm tội làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án.
* Khi đủ chứng cứ xác định tội phạm và người phạm tội thì Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố. Đối với vụ án được áp dụng theo thủ tục rút gọn thì chỉ làm đề nghị truy tố, nếu vụ án do đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển điều tra thì sau khi tiến hành điều tra, các cơ quan này chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát có thẩm quyền mà không làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố.
* Sau khi nhận hồ sơ ở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:
Quyết định truy tố bị can ra trước Tòa án có thẩm quyền bằng bản cáo trạng;
Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án.
c, Giai đoạn xét xử sơ thẩm
* Thẩm quyền xét xử của Tòa các cấp.
Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự cấp khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng trừ những tội phạm sau đây: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;  các tội phạm quy định tại các Điều 92, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 223, 224, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322, 323 của BLHS.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự cấp khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.
* Phiên tòa hình sự sơ thẩm bao các giai đoạn.
Giai đoạn bắt đầu phiên tòa: ở giai đoạn này Thẩm phán chủ tọa phiên tòa làm các thủ tục cần thiết trước khi xét hỏi như: kiểm tra sự có mặt của những người tham gia tố tụng, giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng,…
Giai đoạn xét hỏi
Trước khi bắt đầu xét hỏi, Kiểm sát viên đọc bản cáo trạng, sau đó Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, trực tiếp xem xét vật chứng, tài liệu tại phiên tòa. Khi xét hỏi, Thẩm phán hỏi trước sau đó đến Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa. Bị cáo, người tham gia tố tụng khác có quyền yêu cầu xét hỏi thêm về những vấn đề chưa được làm rõ.
Giai đoạn tranh luận
Mở đầu giai đoạn tranh luận Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, sau đó người bào chữa (nếu có), bị cáo trình bày lời bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Kiểm sát viên phải tham gia đối đáp về những vấn đề còn mâu thuẫn giữa lời luận tội, quan điểm xử lý vụ án của Kiểm sát viên với lời trình bày của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Trong trường hợp qua tranh luận mà phát hiện thêm những vấn đề chưa được làm rõ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc xét hỏi, sau khi xét hỏi xong lại trở lại phần tranh luận. Kết thúc phần tranh luân bị cáo được trình bày “lời nói sau cùng”.
 Giai đoạn nghị án và tuyên án 
Khi nghị án chỉ có thành viên Hội đồng xét xử (Thẩm phán, Hội thẩm) mới có quyền này. Hội đồng xét xử phải lần lượt thảo luận và biểu quyết từng vấn đề của vụ án; các thành viên của Hội đồng xét xử đều phải trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ án, Hội thẩm phát biểu trước, Thẩm phán phát biểu sau và là người biểu quyết sau cùng. Bản án, các quyết định của Hội đồng xét xử phải được đa số thành viên của Hội đồng xét xử biểu quyết thông qua, người có ý kiến thiểu số được bảo lưu ý kiến trong hồ sơ; việc nghị án phải được lập thành biên bản, bản án, các quyết định của Hội đồng xét xử và biên bản nghị án phải được thông qua tại phòng nghị án.
Sau khi nghị án xong Thư ký Tòa án yêu cầu các bị cáo và người tham gia tố tụng vào phòng xử án, sau đó Chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử đọc bản án, trong trường hợp bản án dài thì các Thẩm phán, Hội thẩm thay nhau đọc.
d, Xét xử phúc thẩm
Tính chất phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét lại vụ án hoặc quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
e, Thi hành án hình sự 
Là giai đoạn tố tụng hình sự nhằm thực hiện bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
g, Giai đoạn tố tụng đặc biệt: gồm giám đốc thẩm và tái thẩm
Giám đốc thẩm là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó Toà án có thẩm quyền xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án.
Tái thẩm là giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó Toà án có thẩm quyền xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.

0