24/02/2018, 19:39

Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử thật đẹp nhưng lại thấm đượm nỗi buồn da diết, bâng khuâng của nhà thơ. Anh (chị) hãy phân tích bài thơ để làm sáng tỏ điều đó.

I. MỞ BÀI – Hàn Mặc Tử là một hồn thơ mãnh liệt và có sức sáng tạo đặc biệt nhưng luôn luôn quằn quại đau đớn. Ông là tác giả tiêu biểu cho “trường phái thơ loạn” xa lạ với đời thực. Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử cũng có những bài thơ thật tuyệt mĩ ...

 

I.  MỞ BÀI

–   Hàn Mặc Tử là một hồn thơ mãnh liệt và có sức sáng tạo đặc biệt nhưng luôn luôn quằn quại đau đớn. Ông là tác giả tiêu biểu cho “trường phái thơ loạn” xa lạ với đời thực. Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử cũng có những bài thơ thật tuyệt mĩ và trong trẻo lạ thường viết về thiên nhiên, đất nước và con người như Đây thôn Vĩ Dạ, Mùa xuân chín…

–   Cũng như các nhà thơ mới khác, thơ Hàn Mặc Tử thể hiện niềm khao khát cuộc sống, tình yêu và nỗi buồn với nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau. Căn bệnh hiểm nghèo và sự thất vọng trong tình yêu cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên âm hưởng buồn trong thơ ông.

–   Đây thôn Vĩ Dạ được in trong tập Thơ Điên. Lúc này ông đã biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy bài thơ là một bức tranh đẹp về thiên nhiên xứ Huế nhưng cũng thấm đẫm nỗi buồn da diết bâng khuâng.

II.  THÂN BÀI    .

A. VƯỜN CÂY XỨ HUẾ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

 Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

–   Cảnh vườn thôn Vĩ Dạ lúc hừng đông và tâm trạng nuối tiếc, đượm buồn có pha chút ân hận.

Câu hỏi Sao anh không về chơi thôn Vĩ? là một lời trách móc thân tình. Nhưng cũng có thể là câu tự vấn của chính bản thân. Câu hỏi mang tính chất giãi bày thể hiện sự nuôi tiếc: nhân vật trữ tình đã tự trách mình sao lại không về chơi thôn Vĩ. Giọng thơ đượm buồn có pha chút ân hận.

–   Cảnh vườn cây đẹp trong nắng ban mai: Cành lá mơn mởn, ướt đẫm sương đêm, ánh lên như ngọc. Tác giả miêu tả trực tiếp, qua những hình ảnh cụ thể, sinh động:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

–   Con người xuất hiện:

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Điều đó khiến thiên nhiên bỗng trở nên sinh động hẳn lên. Thiên nhiên như dược thổi thêm một luồng sinh khí, tạo nên nét đẹp hài hòa trong giá trị tạo hình. Ở đây, câu thơ vừa như miêu tả khuôn mặt chữ điền vuông vức đầy đặn, ẩn chứa bên trong cái bản chất hiền lành đã bị lá trúc trong vườn che khuất (cảnh thực), vừa như nói đến một trở lực ngăn cách tình người.

B.  SÔNG, NƯỚC, MÂY TRỜI XỨ HUẾ

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

–   Cảnh trời, mây, sông, nước ở đây cũng thật là đẹp, nhất là cảnh một dòng sông đẫm ánh trăng và con thuyền cũng đầy ắp ánh trăng. Nhưng tất cả đều thấm đẫm một nỗi buồn. Cách miêu tả thể hiện trạng thái mộng ảo của tâm hồn nhà thơ. Nếu như ở khổ thơ đầu, nỗi buồn chỉ lộ rõ ở câu một thì ở khổ này, dường như nỗi buồn giăng trải ra khắp cả khổ thơ.

–   Gió theo lối gió, mây đường mây: Câu thơ như xẻ ra làm hai, diễn tả sự phân cách, li tán của thiên nhiên nhưng lại như gợi ra sự chia li của lòng người, như lưỡi dao rạch vào nỗi đau của thân phận kẻ bị chia lìa.

–   Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay: Cái buồn của thi nhân đã lan trải ra khắp không gian, Buồn thiu như đẩy nỗi buồn lên đến tột đỉnh.

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Ánh trăng huyền ảo tràn đầy vũ trụ, tạo nên không khí hư ảo. Tâm trạng mộng ảo của thi nhân dường như đã cảm nhận được tất cả: sông trăng, bến trăng, thuyền chở trăng. Tâm trạng nhà thơ rất đơn côi, dang khao khát được ai đó chia sẻ, tâm sự. Có chở trăng về kịp tối nay là một câu hỏi dường như khắc khoải bồn chồn, vừa như phấp phỏng, hi vọng chờ đợi một cái gì đang rời đi, chẳng biết khi nào quay trở lại.

C. THIẾU NỮ XỨ HUẾ

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

 Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

–   Vẫn tiếp tục nối mạch thơ khổ hai, đoạn thơ thể hiện nỗi niềm canh cánh của thi nhân trong không gian bao la của trời mây sống nước đã thấm đẫm ánh trăng. Đó là hi vọng, chờ đợi, mong mỏi và nỗi khắc khoải không nguôi, vẫn là trong mộng ảo, vì vậy cảnh và người ở đây đều như là hư hư, thực thực. Đối với thi nhân tất cả chỉ là sự cảm nhận.

Nhà thơ mơ thấy một khách đường xa, cảm nhận rõ một bóng hình người con gái của Huế thơ mộng nhưng không thể nào nắm bắt được:

Áo em trắng quá nhìn không ra

Sự hụt hẫng lên cao độ: tất cả như sượng khói, nhuốm màu hư ảo:

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Bóng hình của giai nhân mờ ảo trong sương, nhưng cũng có thể đó là ẩn ý của người viết. Phải chăng đây là biểu tượng của cái “không đi đến đâu” trong tình yêu của Hàn Mặc Tử.

Ai biết tình ai có đậm đà?

Một câu hỏi không rõ ngôi thứ, không cần trả lời. Đây là một tâm trạng: mong mỏi, khao khát bao nhiêu thì sự day dứt, buồn đau cũng tăng lên bấy nhiêu. Và đằng sau nỗi niềm ấy của thi nhân là một khát vọng mạnh mẽ về cuộc sống đầy tình yêu mến hơn, hoàn thiện hơn.

III.    KẾT BÀI

Bài thơ thể hiện một tâm trạng rất thật của nhà thơ. Những chi tiết, hình ảnh, thủ pháp nghệ thuật, cấu tứ của bài thơ đều được Hàn Mặc Tử chuyên chở bằng chính tình cảm của mình, nên người ta đọc không có cảm giác gượng ép. Đây là một lí do khiến bài thơ sống mãi trong lòng người đọc bao thế hệ.

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

0