25/05/2017, 09:37

Bình luận câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn – Văn mẫu lớp 7

Bình luận câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn – Văn mẫu lớp 7 1 (20%) 1 vote Bình luận câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nam Định Ân tình ân nghĩa, thuỷ chung một lòng là nét đẹp mang tính truyền thống của đạo lí dân tộc, thể hiện lối ứng xử mang ...

Bình luận câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn – Văn mẫu lớp 7 1 (20%) 1 vote Bình luận câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nam Định Ân tình ân nghĩa, thuỷ chung một lòng là nét đẹp mang tính truyền thống của đạo lí dân tộc, thể hiện lối ứng xử mang vẻ đẹp nhân văn của con người Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. ...

Bình luận câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nam Định

Ân tình ân nghĩa, thuỷ chung một lòng là nét đẹp mang tính truyền thống của đạo lí dân tộc, thể hiện lối ứng xử mang vẻ đẹp nhân văn của con người Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Bài học đạo lí Uống nước nhớ nguồn đã thành tục ngữ, hoá thân trong lời hát câu ca, đã thấm sâu vào tâm hồn hàng triệu triệu con người Việt Nam xưa nay.

Câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn có hình tượng đẹp, hàm chứa một tư tưởng, tình cảm đẹp, một lối ứng xử đẹp.

Chỉ có 4 chữ ngắn gọn mà ý nghĩa sâu xa. Uống nước là điều kiện, nhớ nguồn là hệ quả. Nguồn là nơi phát nguyên những nguồn nước. Nước đầu nguồn thì trong mát ngọt lành. Nguồn nước có bao giờ vơi cạn? Nhờ nguồn mà sông suối, ao hồ, biển cả có nước quanh năm, sự sống được nở hoa kết trái. Uống nước là được hưởng thụ; nhờ có nguồn mà ta được uống nước. Chữ nhớ trong câu tục ngữ thể hiện tấm lòng nhớ ơn, biết ơn.

Câu Uống nước nhớ nguồn nêu lên mối quan hệ lịch sử, xã hội. Đó là hưởng thụ và nghĩa vụ. Câu tục ngữ nhắc nhở mỗi chúng ta bài học đạo đức: Phải nhớ ơn, biết ơn những người đã đem lại ấm no, hạnh phúc và yên vui cho mình.

Câu tục ngữ đã nói lên mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giữa bốn nghìn lớp người trong xã hội ta. Nó nêu lên một quan niệm nhân sinh đầy tình người, đúc kết một nét đẹp về đạo lí, nhắc nhở mỗi người sống có tình có nghĩa, trọn vẹn thuỷ chung.

Lòng nhớ ơn, biết ơn là một tình cảm rất đẹp. Câu tục ngữ giáo dục chúng ta lòng biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nó nhắc nhở chúng ta biết ơn nhân dân vĩ đại đã đem mồ hôi xương máu xây dựng và bảo vệ đất nước. Bát cơm ta ăn, mái nhà ta ở, trang sách, ngọn đèn, ngôi trường soi sáng tâm hồn ta… đã thấm sâu công ơn hàng triệu người dân cày, người thợ, thầy giáo, cô giáo… Lá quốc kì đỏ thắm, đất nước độc lập thanh bình… là do xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ. Giang sơn gấm vóc hôm nay là do nguồn thiêng ông cha, như một nhà thơ đã ca ngợi:

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Hằng năm ăn đâu làm đâu

 Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ…

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm.)

Lòng biết ơn không chỉ được khắc sâu trong tâm hồn mà còn phải được thể hiện bằng hành động cụ thể. Con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Tục cúng lễ giỗ tết với nén hương thơm toả khói trên bàn thờ gia tiên. Con cái chăm học chăm làm, sống tốt đẹp làm vẻ vang cho dòng họ, biết săn sóc ông bà cha mẹ khi già yếu. Ngày 27/7 và ngôi nhà tình nghĩa là sự thế hiện lòng biết ơn của toàn dân đối với thương binh liệt sĩ. Học sinh biết tôn sư trọng đạo… Đó là hành động biết “Uống nước nhớ nguồn”.

Để giáo dục lòng biết ơn, nhân dân ta đã sáng tạo nên những câu tục ngữ, bài ca dao đậm đà, ý đẹp lời hay đã thấm sâu vào máu thịt và hồn người:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?.

Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn.

Ở đời, người nhân hậu làm ơn không bao giờ nghĩ tới chuyện trả ơn. Họ coi việc cứu giúp mọi người là nghĩa vụ của lương tâm. Lòng biết ơn luôn nhắc nhở chúng ta vừa nhớ tới cội nguồn, nhớ tới thế hệ đi trước, đồng thời phải nghĩ tới những lớp người mai sau. Biết nhớ nguồn còn phải biết khơi nguồn là vậy.

Câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn là bài học lớn dạy ta biết làm người. Nó gợi nhớ trong lòng ta món nợ đời sâu nặng:

Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy

 Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao

Bình luận câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn – Bài làm 2

Uống nước nhớ nguồn.

Đó là bài học giáo dục về nhân cách làm người của cha ông ta, thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lí của người Việt Nam: luôn trân trọng, biết ơn người đi trước.

“Uống nước” ở đây được hiểu theo nghĩa bóng là sự thừa hưởng thành quả lao động hoặc thành quả đấu tranh của người đi trước, thế hệ trước. “Nguồn” nếu hiểu theo nghĩa đen là nơi xuất phát dòng nước; hiểu theo nghĩa bóng, chỉ những người đi trước, những người làm ra thành quả nào đó, người ta phải nhớ ơn và đền ơn xứng đáng những người đã đem lại thành quả cho mình đang hưởng.

Như một quy luật, trong tự nhiên hay xã hội, không có hiện tượng nào mà không có nguồn gốc. Đất nước Việt Nam hôm nay có được là nhờ tổ tiên từ mấy ngàn năm trước dựng nước và giữ nước. Cha mẹ sinh ra ta. Thầy cô giáo dạy ta học hành. Ta trưởng thành lớn khôn nhờ có nguồn gốc là thầy cô cha mẹ. Thế cho nên tục ngữ mới có câu: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” và “Không thầy đố mày làm nên”. Khi cầm bát cơm, ta nhớ tới công sức của người lao động đã “một nắng hai sương” làm ra hạt gạo củ khoai:

Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Tấm áo ta mặc, cuốn sách ta đọc và bao thứ cần thiết khác, là thành quả lao động của bao cô chú công nhân, trí thức… ngày đêm miệt mài trong xưởng máy, nơi làm việc. Hôm nay ta sống trong hòa bình, độc lập là sự thừa hưởng thành quả đấu tranh của thế hệ đi trước đả đổi bằng xương máu.

Như vậy, trong cuộc sống, không có thành quả nào mà không có công lao của một ai đó tạo nên.

Những người hưởng thụ những thành quả của người đi trước phải biết ơn, quý mến, kính trọng công lao của người đi trước, thế hệ đi trước. Biết ơn các vua Hùng dựng nước, dân ta có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Biết ơn cha mẹ sinh thành, thầy cô dạy dỗ, chúng ta cố gắng phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi. Lòng biết ơn giúp con người đoàn kết với nhau hơn, sống thân ái với nhau hơn. Thiếu lòng biết ơn và hành động đền ơn, con người sẽ trở nên ích kỉ, vô trách nhiệm. Trong thực tế, không phải không có những kẻ vô ơn, thậm chí quay lưng phản bội lại những người đã có công lao với mình. Đó là những kẻ tự cắt đứt với nguồn cội, tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Những kẻ đó bao giờ cùng bị xã hội lên án và sớm muộn sẽ bị nghiêm trị.

“Uống nước” thì phải “nhớ nguồn”. Phải có những hành động cụ thể nào để thể hiện sự “nhớ nguồn”? Bác Hồ nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói ấy đã thể hiện cao nhất hành động “nhớ nguồn” của tất cả chúng ta. “Nhớ nguồn”, nghĩa là phải giữ gìn, bảo vệ thành quả của những người đi trước đã tạo ra. “Nhớ nguồn” cũng có nghĩa là phải biết sử dụng thành quả lao động một cách hợp lí, đúng đắn, tiết kiệm. Chẳng hạn, nhớ công lao cha mẹ, thầy cô và bao người khác, ta hết sức giữ gìn bàn ghế, sách giáo khoa… để các bạn học sau ta vẫn còn sử dụng tốt các thứ đó. Một điều rất quan trọng nữa là ta đã hưởng thành quả của những người đi trước, do vậy ta còn phải biết tạo ra thành quả để lại cho những người đi sau, thế hệ sau ta. Có như vậy, ta mới xứng đáng với người đi trước, thế hệ đi trước.

“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lí làm người của dân tộc ta. Một người có lòng biết ơn và có hành động đền ơn là một người có nhân cách đẹp. Đối với học sinh chúng ta, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi là cách đền ơn thiết thực nhất với công lao của cha mẹ, thầy cô và xã hội. 

Bình luận câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn – Bài làm 3

Kho tàng văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị to lớn. Đi vào kho tàng văn hóa dân tộc, chúng ta có thể tìm thấy một trang sử hào hùng, một câu chuyện li kì, một câu ca dao, tục ngữ ngắn gọn mà mang nhiều ý nghĩa. Những câu tục ngữ, ca dao đó từ cuộc sống lao động bình dị hàng ngày của nhân dân. Nó ngắn gọn nhưng chứa đựng những chân lí hết sức sáng ngời, những phẩm chất cao quý, lưu truyền trong nhân dân ta từ đời này sang đời khác. Câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn đã biểu hiện sinh động lòng biết ơn đối với người mang lại cho ta hạnh phúc. Câu tục ngữ được chúng ta nhớ đến không chỉ vì nó ngắn gọn, dễ thuộc mà vì nó chứa đựng một ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Vậy ta hiểu câu tục ngữ đó thế nào cho đúng?

Lẽ bình thường, nước rất cần cho sự sống, không những cho con người mà còn cho tất cả mọi sinh vật tồn tại trên trái đất này. Có nước thì mới có những bãi mía nương dâu, những mùa màng bội thu trên khắp miền quê. Cuộc sống của con người vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn cũng là nhờ những dòng nước đó. Dùng những giọt nước mát, chúng ta cần phải nhớ đến nơi sinh ra nó, đó chính là nguồn đã tạo ra nước và mang đi khắp nơi. Đó là nghĩa đen, còn nghĩa bóng của câu tục ngữ là gì?

Nước ở đây không chỉ là dòng nước chảy ra từ nguồn mà còn là những thành quả mà chúng ta được hưởng hôm nay. Khi hưởng những thành quả ấy, chúng ta cần phải nhớ những người đã tạo ra nó, đó chính là nhớ nguồn.

Uống nước nhớ nguồn, đó chính là tâm niệm, khát vọng muôn đời của con người Việt Nam ân nghĩa, thuỷ chung. Có thể nói lời nhắn nhủ của cha ông ta gửi vào câu tục ngữ rất nhiều ý nghĩa. Câu tục ngữ khuyên chúng ta phải biết nhớ ơn những người đã làm nên thành quả cho chúng ta hôm nay. Công ơn của những người đi trước không thể không kể đến ơn sinh thành của cha mẹ:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Công cha nghĩa mẹ được so sánh với tất cả những gì cao cả và lớn lao nhất. Cha mẹ đã mang nặng đẻ đau sinh ra ta, nuôi nấng dạy dỗ ta nên người, tất cả hi sinh cho chúng ta. Những gì cha mẹ dành cho ta biết lấy gì so sánh cho vừa và ta làm gì để đền đáp lại công ơn đó? Câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn nhắc chúng ta phải biết ơn và kính yêu cha mẹ, ông bà, sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh và tấm lòng bao la như trời biển của cha mẹ, ông bà.

Phải biết rằng, ta khôn lớn, hiểu biết như ngày hôm nay là nhờ vào công lao dạy dỗ của những người thầy, họ đã không quản ngại khó khăn dạy dỗ ta nên người. Ngoài ra, ta được sống trong một đất nước hòa bình, tự do như thế này là nhờ những người đã hi sinh xương máu của mình, những người đã cống hiến của tuổi thanh xuân và cuộc đời cho sự ngniệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc. Biết ơn, ghi khắc công lao của những người thương binh, liệt sĩ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng chính là những gì câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn muốn nhắn nhủ chúng ta.

Nước ta đang thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa những người có công với Tổ quốc, phong trào này thể hiện qua những việc làm như tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thương binh, ghi công liệt sĩ, tặng nhà tình nghĩa cho những người có công với cách mạng, chăm sóc những người neo đơn, quy tập mộ liệt sĩ… Chúng ta, người được hưởng những thành quả to lớn cần phải hướng về nguồn và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã xả thân vì nước, đồng thời tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta được êm ấm, an vui, hưởng một cuộc sống bình yên chính là nhờ vào những chiến sĩ công an, biên phòng ngày đêm canh giữ biên cương đất nước. Chính vì vậy, chúng ta an vui cần phải nhớ đến sự hi sinh không kém phần cao cả của những chiến sĩ công an, những anh bộ đội cụ Hồ.

Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, cũng có một số người vô ơn, không biết kính trọng những người đã làm nên những thành quả cho mình được hưởng, có những kẻ chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình. Những kẻ có lối sông và suy nghĩ như vậy thật đáng lên án. Những đối tượng như vậy hơn ai hết cần phải đọc lại nhiều lần và nghiền ngẫm câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn.

Câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn là một bài học sâu sắc, bổ ích cho mỗi chúng ta, là một lời khuyên chân thành, nhắc nhở chúng ta sống có đạo đức, biết cống hiến cho đất nước, biết nhớ về nguồn cội của dân tộc, nhớ về công lao của tất cả những người đã nuôi nấng và dạy bảo ta nên người.

Với tất cả những giá trị ấy, câu tục ngữ không chỉ được mọi người biết đến mà còn sống mãi với tất cả mọi người hôm nay và mai sau.

Từ khóa tìm kiếm

  • bình luận về câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn

Bài viết liên quan

0