10/08/2018, 01:00

Bình giảng đoạn thơ mở đầu bài thơ Đây mùa thu tới

(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy Bình giảng đoạn thơ mở đầu bài thơ Đây mùa thu tới của nhà thơ Xuân Diệu. ( Bài bình giảng hay của học sinh giỏi lớp 11). Đề bài: Bình giảng đoạn thơ mở đầu bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu Bài làm Mùa thu là một đề tài bất tận ...

(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy Bình giảng đoạn thơ mở đầu bài thơ Đây mùa thu tới của nhà thơ Xuân Diệu. ( Bài bình giảng hay của học sinh giỏi lớp 11).

Đề bài: Bình giảng đoạn thơ mở đầu bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu

Bài làm

Mùa thu là một đề tài bất tận trong thơ ca dù là ở thời đại nào. Dường như cái không khí mát mẻ, làn gió hiu hiu và bầu trời mùa thu luôn khiến cho cảm xúc của con người dạt dào hơn bao giờ hết. Miêu tả mùa thu có biết bao nhà thơ đều đã có những tác phẩm rất xuất sắc: Tiếng thu (Lưu Trọng Lư), Thu điếu (Nguyễn Khuyến), Sang thu (Hữu Thỉnh) hay Đây mùa thu tới của nhà thơ Xuân Diệu.

Trong bài thơ Đây mùa thu tới, tác giả đã bắt đầu những hình ảnh mùa thu vô cùng đặc sắc ngay từ khổ thơ đầu tiên:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Đây mùa thu tới mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng”.

Câu thơ đầu tiên với hình ảnh “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang” tác giả đưa cây liễu vào thơ thu không có gì là mới mẻ. Điều đáng nói ở đây là cái dáng đứng chịu tang của nó. Cây liễu bỗng dưng trở nên có hồn, nó như dáng dấp một người con gái đang đứng chịu tang người thương: “Cây liễu tự nhiên có hồn, nó buồn và đứng im lìm như mặc niệm cái mùa hè rạo rực vừa qua đi” –  (Vũ Quần Phương). Cũng từ hình ảnh cây liễu nhà thơ lại có sự khám phá mới, nhìn những cành liễu rủ mà liên tưởng tới mái tóc buông (ngày xưa khi nhà có tang, phụ nữ thường phải xõa tóc), đồng thời đẩy lên cao hơn, nó giống như ngàn hàng lệ đang tuôn rơi.

Về ngôn ngữ, ta bắt gặp sự láy âm rất kì diệu đìu – hiu – chịu, buồn – buông – xuống, tang – ngàn – hàng. Sự láy âm với vần bằng đọc lên nghe nặng nề rất phù hợp với không khí trong bài và nỗi niềm thi nhân.

binh-giang-doan-tho-mo-dau-bai-day-mua-thu-toibinh-giang-doan-tho-mo-dau-bai-day-mua-thu-toi

Trong hai câu thơ sau, thực chất là một câu văn xuôi được nối với nhau bằng từ “với”: “Đây mùa thu tới mùa thu tới – Với áo mơ phai dệt lá vàng”. Câu thơ đầu với nghệ thuật điệp từ vừa như một tiếng reo vui, vừa là lời cảnh báo. Vui vì mùa thu đẹp đã tới rồi song cũng muốn nhắc nhở cái màu phai tàn đã khoác lên thiên nhiên rồi, một năm nữa lại sắp qua đi. Cách nhấn mạnh sự xâm lấn của mùa thu khiến cho cả đất trời, cảnh vật đều chìm trong sắc thu. Câu thơ cuối ta thấy tài quan sát và miêu tả khi Xuân Diệu dùng đúng gam màu mơ phai. “Mơ” là vàng nhạt nhưng mơ phai lại là màu còn nhạt hơn nữa. Nhà thơ đã chớp đúng cái giây phút chớm thu bởi Xuân Diệu rất nhạy cảm khi thời tiết chuyển mùa. Cái màu vàng kia còn ở dạng tươi sáng, thanh nhẹ nhưng đã là mở đầu cho sự phai tàn rồi. Một chữ “dệt” lại khiến cho những sắc lá mơ phai như có hành động đang rướn mình đan xen vào nhau tạo nên một thảm lá vàng lớn lay động trong nắng thu.

Qua khổ thơ đầu bài, ta có thể thấy được một bầu trời mùa thu ngập tràn trên cảnh vật, cây cối nhưng mùa thu ấy lại đượm sắc thái buồn thương, lưu luyến. “Đây mùa thu tới” là một tiếng reo vui nhưng từng hình ảnh và cảnh vật thu lại đượm một nối buồn thương tiếc xót xa.

Nhà thơ Xuân Diệu quả thật đã tả cảnh thu theo một cách rất riêng, rất độc. Từ đây hàng loạt những hình ảnh chia lìa, chết chóc cũng dần hiện ra, báo hiệu một mùa đông, mùa tàn sắp đến với cây cỏ (hoa rụng cành, sắc đỏ rũa màu xanh, đôi nhánh khô gầy). Khí lạnh sắp về và một năm lại sắp qua đi. Trước sự xoay chuyển tuần hoàn ấy, một người có triết lí sống vội vàng, lưu luyến thời gian và tuổi trẻ quả thực không khỏi buồn thương.

0