24/09/2018, 14:20

Bàn về thân thế của Trần Bình Trọng

Danh tướng Trần Bình Trọng – tranh của Tú Duyên Đặng Thanh Bình (1) Bài Bàn thêm về sự nghiệp cứu nước và hậu duệ của Lê Hoàn do PGS. TS Trần Bá Chí viết: “Theo Lê triều miêu duệ và Cổ Mai bi ký thì Khâm là ông nội Trần Bình Trọng. Lê Khâm đã có công giúp Trần Thừa và ...

tranbinhtrong TUDUYEN

Danh tướng Trần Bình Trọng – tranh của Tú Duyên

Đặng Thanh Bình

(1) Bài Bàn thêm về sự nghiệp cứu nước và hậu duệ của Lê Hoàn do PGS. TS Trần Bá Chí viết:

“Theo Lê triều miêu duệ và Cổ Mai bi ký thì Khâm là ông nội Trần Bình Trọng. Lê Khâm đã có công giúp Trần Thừa và Trần Thủ Độ đánh dẹp Nguyễn Nộn đem lại ngôi báu cho họ Trần, được Trần Thái Tông phong tước Khuông quốc thượng tướng quân, thượng vị hầu (…) Hai tài liệu trên không nói rõ Lê Khâm là cháu mấy đời của Lê Đại Hành. Con trai Lê Khâm là Lê Tần (tên tự là Lê Kính). Lê Tần có tài thao lược, có công giúp vua Trần chống giặc Nguyên Mông lần thứ nhất [1257] Vua Trần thường cùng Lê Tần bàn những điều cơ mật để chống giặc. Đến ngày giặc Nguyên thua, Lê Tần cùng Hà Bổng được vua thưởng công. Lê Tần được vua phong tước hầu, cho quốc tính họ Trần và gả công cho công chúa Chiêu Thánh họ Lý, lại tăng chức cho Lê Tần từ Ngự sử trung tướng tam ty viện sự lên chức Ngự sử đại phu (…) Rất có thể [Lê] Tông cũng là Trần Bình Trọng vì Cổ Mai bi ký và ngọc phả chép “Trần Bình Trọng là con Lê Kính, tức Lê Tần” không ghi thêm con trai nào khác (…) Suy đoán theo tài liệu hiện có, thì Trần Bình Trọng là con Lê Tần, tức Lê Phụ Trần, Bình Trọng ra đời năm Kỷ Mùi [1259] năm mà Lý Chiêu Hoàng đã 42 tuổi, mới được vua gả lại cho Lê Phụ Trần được một năm. Sở dĩ nêu lại vấn đề này, là vì đã có người nhầm lẫn sử liệu, tưởng Lê Phụ Trần là Trần Bình Trọng, hoặc nhầm Chiêu Thánh công chúa và Thuỵ Bảo công chúa là một (…) Nếu Lê Phụ Trần chỉ lấy Lý Chiêu Thánh thôi như sử chép và chỉ có một con trai thôi, thì Trần Bình Trọng là con Lý Chiêu Hoàng (sau đổi Chiêu Thánh). Chiêu Hoàng lấy Phụ Trần một năm thì sinh Trần Bình Trọng, Bình Trọng có mấy con trai không rõ. Cổ Mai bi ký, Lê Trần miêu duệ chỉ chép: Trần Bình Trọng sinh Trần Bình Nguyên”.

Toàn thư chép: “Đinh Tị [1257] Tháng 12 ngày 12, tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Đải xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần (tức Lê Tần) một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không (…) Bấy giờ, vua mới lui quân đóng ở sông Lô. Phụ Trần giữ phía sau. Quân giặc bắn loạn xạ, Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc. Thế giặc rất mạnh [vua] lại phải lui giữ sông Thiên Mạc. Phụ Trần theo vua bàn những việc cơ mật, rất ít người biết được đều đó (…) Mậu Ngọ [1258] Mùa xuân tháng giêng (…) Định công phong tước cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu; lại đem công chúa Chiêu Thánh gả cho (…) Mậu Dần [1278] Mùa xuân tháng 2, dân chết nhiều vì bệnh đậu mùa (…) Tháng 3, phu nhân Lê Phụ Trần là công chúa Chiêu Thánh Lý thị mất. Công chúa lấy Phụ Trần hơn 20 năm, sinh con trai là thượng vị hầu Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Đến nay 61 tuổi thì mất (…) Mùa hạ, lúa mất mùa (…) Mùa thu tháng 8, động đất 3 lần, nhiều súc vật chết (…) Ất Dậu [1285] Tháng 2 (…) Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng (Vương là dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thuỵ Bảo, ông cha làm quan đời Thái Tông, được ban quốc tính) đánh nhau với giặc ở bãi Đà Mạc, nay là bãi Mạn Trù) bị chết”.

– Tác giả Trần Bá Chí dựa vào Lê triều miêu duệ và Cổ Mai bi ký để cho rằng: Trần Bình Trọng rất có thể là Lê Tông, con trai của Lê Phụ Trần [có tên khác là Lê Tần] với Chiêu Thánh Lý thị, đồng thời là cháu của Khuông quốc thượng tướng quân Lê Khâm, hậu duệ của Lê Đại Hành hoàng đế. Tôi cho rằng chưa chắc vì:

– Thứ nhất Toàn thư có chép về việc Lê Phụ Trần cùng Thái Tông chống giặc năm 1257, Ngô sử gia còn cẩn thận chú thêm tên khác của Phụ Trần là Lê Tần, họ tên này Lê Tắc cũng có chép đến trong An Nam chí lược như sau “Lê Tần người Ái châu, Thái vương dùng làm hàn trưởng, từng lấy ván thuyền che cho vương chạy khỏi, nên được phong làm Bảo Văn hầu, Nhập nội phán thủ”. Lại theo Toàn thư năm 1258, định công phong thưởng cho Lê Phụ Trần rất hậu: chức ngự sử đại phu, ban cho Chiêu Thánh phu nhân. Rõ ràng là sau cuộc chiến năm 1257, Lê Tần được ban cho người vợ là Chiêu Thánh hoàng hậu, được giữ chức Nhập nội phán thủ [Ngự sử đại phu] và tước hiệu Bảo Văn hầu. Qua nội hàm của cái tên Phụ Trần thì rất có thể Trần Thái Tông còn ban thêm tên cho Lê Tần, nếu thế vào thời điểm năm 1258, Tần mới chỉ được ban tên chứ chưa được mang họ Trần [quốc tính] Toàn Thư mục năm 1278 vẫn chép Phụ Trần họ Lê, lại chép thêm con trai là thượng vị hầu tên Tông nhưng không chép rõ họ, mà theo thông lệ của lối chép thì khả năng rất cao là Tông mang họ Lê. Nguyên sử chép “bắt được Kiến Đức hầu Trần Trọng” như vậy rõ ràng vào năm 1285 Bình Trọng có mang quốc tính.

– Thứ hai qua ghi chép của Ngô sử gia về Phụ Trần thì có vẻ như ngài biết rất rõ về Lê Tần, nhưng khi ghi chép về Trần Bình Trọng thì ngài chỉ viết rằng “ông cha làm quan dưới thời Thái Tông” mà không viết rõ cha của Trần Bình Trọng là Lê Phụ Trần nên tôi cho rằng Lê Tần không phải là Lê Tông như giả thuyết của tác giả Trần Bá Chí.

– Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ viết rằng “Bà Chiêu Thánh mất, khi đã 61 tuổi. Tỉnh Bắc Giang có đầm Minh Châu, giữa đầm có phiến đá to, người ta truyền lại rằng bà Chiêu Thánh ôm hòn đá nhảy xuống đầm mà chết, trên bờ đầm có miếu Chiêu Hoàng”. Toàn thư chép năm 1278, Chiêu Hoàng mất nhưng không nói rõ nguyên nhân, lại thêm lúc này Lý thị cũng đã 61 tuổi, do đó cách hiểu thông thường phải là bà chết do tuổi già, tuy nhiên vẫn xuất hiện những thuyết, bà mất là do tự vẫn. Xem các sự kiện năm 1278 thì thấy rằng tháng 2 có dịch bệnh đậu mùa dân chết nhiều, mùa hạ bị mất mùa có lẽ do hạn hán, tháng 8 nhiều súc vật chết, trong khi bà Chiêu Hoàng mất vào tháng 3, liền kề với tháng có dịch đậu mùa, nên tôi đặt giả thuyết: Chiêu Thánh mất do bệnh.

(2) Toàn thư chép:

“Canh Thìn [980] Mùa thu tháng 7 (…) Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế (…) Truy phong cha của vua [Hoàn] làm Trường Hưng Vương, mẹ họ Đặng làm Hoàng thái hậu (…) Đại Hành hoàng đế, họ Lê tên huý là Hoàn, người Ái Châu, làm quan nhà Đinh đến chức Thập đạo tướng quân (…) Trước kia cha vua là Mịch, mẹ là Đặng thị, khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn [941] là năm Tân Sửu, mùa thu tháng bảy ngày 15, sinh ra vua (…) Bính Tý [1216] Mùa xuân, sách phong ngự nữ làm Thuận Trinh phu nhân. Thái hậu cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, thường chỉ phu nhân mà nói là bè đảng của giặc, bảo vua đuổi bỏ đi; lại sai người nói với phu nhân bảo phải tự sát. Vua biết mới ngăn lại. Thái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn uống của phu nhân. Mỗi bữa ăn vua chia cho phu nhân một nữa và không lúc nào cho rời bên cạnh. Thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc bắt phu nhân phải chết. Vua lại ngăn không cho, rồi đêm ấy cùng với phu nhân lẻn đi đến chổ quân của Tự Khánh; gặp khi trời đã sáng, phải nghĩ lại ở nhà tướng quân Lê Mịch ở huyện Yên Duyên, gặp tướng của Tự Khánh là Vương Lê đem binh thuyền đến đón. Vua mới đỗ lại ở bãi Cửu Liên. Truyền cho Tự Khánh đến chầu (…) Ất Dậu [1125] Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế (…) Thái Tông hoàng đế, họ Trần tên húy là Cảnh, trước tên húy là Bồ, làm Chi hậu chính triều Lý, được Chiêu Hoàng nhường ngôi, ở ngôi 33 năm [1226-1258] nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi [1218-1277] băng ở cung Vạn Thọ, táng ở Chiêu Lăng (…) Vua là con thứ của Thừa, mẹ họ Lê, sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần, Kiến Gia thứ 8 triều Lý (…) Bính Tuất [1226] Mùa đông tháng 10, tôn cha là Thừa làm Thượng hoàng, ở cung Phụ Thiên, phường Hạc Kiều phía bên tả. Hễ khi nước có việc lớn, thì ở trong đó xem xét, quyết định. Tôn mẹ là Lê thị làm Quốc Thánh hoàng thái hậu [có sách chép là Bảo Thánh Quốc mẫu] Canh Dần [1230 ] Tháng 9, Quốc Thánh hoàng thái hậu băng, truy tôn làm Thuận Từ hoàng thái hậu”.

– Theo như Toàn thư mục năm 1285 thì Ngô sử gia biết rằng: Bình Trọng vốn người họ Lê được ban quốc tính, ông và cha của Bảo Nghĩa vương làm quan dưới triều Trần Thái Tông, nhưng có vẻ như Ngô Sĩ Liên không biết tên ông và cha của Trần Bình Trọng. Toàn thư chép năm 1216, vua Lý Huệ Tông cùng phu nhân Trần thị, nhân ban đêm trốn từ cầu Tây Dương [Cầu Giấy] đến Thuận Lưu, giữa đường có nghỉ lại nhà tướng quân Lê Mịch ở huyện Yên Duyên [Hoàng Mai]

– Thứ nhất vợ chồng Huệ Tông nghỉ lại nhà tướng quân Lê Mịch, cho thấy Trần thị rất tin tưởng vị tướng quân ở huyện Yên Duyên. Thứ hai thuộc hạ của Trần Tự Khánh là Vương Lê biết vợ chồng Huệ Tông ở nhà Lê Mịch nên đã đem thuyền đến đón, như thế đã có người thông báo cho Tự Khánh biết để đến đón. Thứ ba vợ của Trần Thừa, cũng đồng thời là chị dâu của Kiến Quốc vương là người họ Lê. Do đó, tôi đặt giả thuyết: tướng quân Lê Mịch có mối quan hệ thân tộc với Quốc Thánh hoàng thái hậu.

– Theo như Toàn thư mục năm 980 thì thân phụ của Lê Đại Hành có họ tên là Lê Mịch, có họ tên trùng với tướng quân ở huyện Yên Duyên. Vì thế tôi đặt ra một kịch bản như sau: Bình Trọng vốn là người họ Lê, hậu duệ của tướng quân Lê Mịch ở huyện Yên Duyên, do vị tướng quân này có mối quan hệ thân tộc với Quốc Thánh hoàng thái hậu nên được phong vương hầu, ban quốc tính. Do tục kiêng húy và khoảng thời gian dài nên người đời đã đồng nhất hai ngài Lê Mịch với nhau, thành ra Trần Bình Trọng được kết nối với Lê Đại Hành hoàng đế, sau khi thao tác kết nối đã hoàn thành thì yếu tố Lê Mịch cũng biến mất, thành ra cuối cùng chúng ta có như Ngô sử gia chép: Bảo Nghĩa vương là hậu duệ của Lê Hoàn.

– Bảo Nghĩa vương lấy công chúa Thụy Bảo, là con gái của Thái Tông, như thế thân phụ của Bình Trọng rất có thể cùng hàng với Trần Cảnh và tổ phụ của Kiến Đức hầu cùng hàng với Thái Tổ và Quốc Thánh hoàng thái hậu. Toàn thư cho biết ông và cha của Trần Bình Trọng làm quan dưới triều Thái Tông [1225-1258] trong khi đó Lê Mịch tướng quân xuất hiện vào thời Lý Huệ Tông. Trần Thừa sinh năm 1184 nên vào năm 1216 ngài 32 tuổi. Nếu Lê Mịch là thân phụ của Quốc Thánh phu nhân thì ngài khoảng 45 tuổi, vào năm 1225 ngài khoảng 55 tuổi. Lịch triều hiến chương loại chí chép rõ hơn rằng “Ông nội của ông xưa ở triều Trần được ban họ vua. Thời Trần Nhân Tông ông được phong Bảo Nghĩa vương”. Như thế rõ là từ đời ông nội của ngài đã được ban họ Trần nhưng vị tướng quân tên Mịch lại được sách sử chép họ Lê. Nên rất có thể tướng quân Lê Mịch là thân phụ của Quốc Thánh phu nhân, con trai của ông cũng là anh em với bà Quốc Thánh phu nhân cũng đồng thời là ông nội của Bình Trọng được ban họ Trần và làm quan dưới thời Thái Tông Trần Cảnh.

– Theo như ghi chép của Toàn thư năm 1236 “Gia phong Hưng Nhân Vương Phùng Tá Chu làm Đại Vương; Quan nội hầu Phạm Kính Ân làm Thái úy, ban cho mũ áo đại vương”. Tá Chu và Kính Ân là những lão thần có công rất lớn trong việc dựng nên triều Trần, tuy đã được ban tới cùng cực chức tước mà vẫn không được ban quốc tính, thế mà ông nội của Trần Bình Trọng được ban quốc tính thì hẳn là phải xuất phát từ quan hệ thân tộc hoặc hôn nhân.

(3) Khóa hư lục chép:

“Năm mười sáu tuổi, Thái hậu đã chán cõi đời, Trẫm nằm rơm gối đất, khóc ra máu mắt, đau đớn nát lòng; ngoài nỗi đau buồn này, đâu rảnh nghĩ việc khác. Chỉ vài năm sau, Thái Tổ Hoàng đế cũng băng hà (…) Ta lòng riêng tự bảo trên đã không còn cha mẹ để tựa nương, dưới ngại chẳng xứng lòng dân mong đợi. Phải làm sao đây? Ta suy đi nghĩ lại, chi bằng lui về ở chốn núi rừng, tìm học Phật pháp để hiểu rõ việc lớn sanh tử, lấy đó đền đáp công ơn cha mẹ, chẳng hay hơn sao ? Thế là chí Trẫm đã quyết định. Đêm mùng ba tháng tư năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm [1236] Trẫm đổi y phục đi ra khỏi cửa cung (…) tới sườn núi Yên Tử (…) tham kiến vị Đại Sa-môn Quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư vừa thấy Trẫm mừng rỡ (…) Bấy giờ ông chú Trần Công – người em họ mà tiên quân gởi gắm đứa con côi, sau khi tiên quân bỏ thế gian và quần thần, Trẫm phong làm Thái sư tham dự quốc chánh – nghe tin Trẫm trốn đi, ông liền sai tả hữu đi mọi nơi dò tìm tung tích, rồi cùng người trong nước lên đến núi này. Gặp Trẫm, ông thống thiết nói: Thần nhận sự ủy thác của tiên quân, tôn Bệ hạ làm chúa thần dân. Lòng dân trông đợi ở Bệ hạ như con nhỏ mong đợi cha mẹ. Huống nữa, ngày nay các cố lão trong triều đều là bề tôi thân thuộc, dân chúng sĩ thứ ai cũng vui vẻ phục tùng. Cho đến đứa bé lên bảy cũng biết Bệ hạ là cha mẹ dân. Vả Thái Tổ bỏ thần mà đi, nắm đất trên mồ chưa khô, lời dặn dò còn vẳng bên tai. Mà nay Bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa mãn chí mình. Như thần nghĩ, Bệ hạ tính kế tự tu thì có thể được, còn quốc gia xã tắc thì sao ? Chỉ để lời dạy suông cho đời sau, chi bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về. Trẫm thấy Thái sư cùng các cố lão quần thần không có ý bỏ Trẫm, liền đem lời này tỏ bày với Quốc sư. Quốc sư cầm tay Trẫm bảo: Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng. Vì thế, Trẫm cùng mọi người trở về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi, Trẫm tập họp các vị kỳ đức để tham cứu thiền (…) Trẫm (…) sai thợ viết chữ chân phương, ra lệnh khắc bản in. Chẳng những để chỉ đường mê cho hậu thế, mà còn muốn tiếp nối công lớn các bậc Thánh nhân đời trước. Vì thế tự làm lời tựa này” [Bản dịch của Thích Thanh Từ]

Toàn thư chép: “Giáp Ngọ [1234] Mùa xuân tháng giêng ngày 18, thượng hoàng băng ở cung Phụ Thiên, thọ 51 tuổi (…) Mùa thu tháng 8, Lấy thái úy [Trần] Liễu làm phụ chính, sách phong làm Hiển Hoàng. Phong Trần Thủ Độ làm Thống quốc thái sư, tri Thanh Hóa phủ sự. Gia phong thái phó triều Lý là Phùng Tá Chu làm Hưng Nhân Vương; Quan nội hầu Phạm Kính Ân làm Thái phó, tước Bảo Trung quan nội hầu (…) Bính Thân [1236] Mùa xuân tháng giêng, định lệ cấp lương bổng cho các quan văn võ trong ngoài và các quan ở cung điện, năng miếu, chia tiền thuế, ban cấp theo thứ bậc. Tháng 2, định quan hàm cho các đại thần. Phàm người tôn thất vào chính phủ, hoặc là Thái sư, Thái phó, Thái bảo, Thái uý hoặc là Tư đồ, Tả Hữu tướng quốc, đều kiêm hàm Kiểm hiệu đặc tiến nghi đồng tam ty bình chương sự (…) Mùa hạ tháng 6, nước to vỡ tràn vào cung Lệ Thiên. Bấy giờ Hiển Hoàng [Trần] Liễu làm tri Thánh Từ cung, nhân nước to, đi thuyền vào chầu, thấy người phi cũ của triều Lý liền cưỡng dâm ở cung Lệ Thiên. Đình thân hặc tâu, vì thế mới đổi tên cung Thưởng Xuân, giáng Hiển làm Hoài Vương (…) Mùa đông tháng 10, Gia phong Hưng Nhân Vương Phùng Tá Chu làm Đại Vương; Quan nội hầu Phạm Kính Ân làm Thái úy, ban cho mũ áo đại vương (…) Đinh Dậu [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 6 [1237] Mùa xuân tháng giêng, lập công chúa Thuận Thiên họ Lý, là vợ của Hoài Vương Liễu, anh vua, làm hoàng hậu Thuận Thiên. Giáng Chiêu Thánh làm công chúa. Bấy giờ Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực bàn kính với vua là nên mạo nhận lấy để làm chổ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy. Vì thế, Liễu họp quân ra sông Cái làm loạn. Vua trong lòng áy náy, ban đêm, ra khỏi kinh thành đến chỗ quốc sư Phù Vân (quốc sư là bạn cũ của Thái Tông) trên núi Yên Tử rồi ở lại đó”.

Thánh Đăng lục chép: “Vua Trần Thái Tông. là vua thứ hai đời Trần, con của Thái Tổ. Lên ngôi ngày mùng 10 tháng 12 năm Ất Dậu [1225] đổi niên hiệu Kiến Trung, thiên tư khác thường, thánh học cao minh, lại thêm rất lưu tâm nơi Phật giáo (…) Qua niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm [1236] tức tháng tư năm Bính Thân, nửa đêm Thái Tông vượt thành sang sông đi về hướng đông, thẳng lên chùa Vân Yên núi Yên Tử, vào tham kiến quốc sư Trúc Lâm Viên Chứng. Do đây vua càng dốc chí nơi Thiền học. Khi muôn việc rảnh rỗi thì nhóm họp các bậc kỳ túc thưa hỏi” [Đời Trần. Theo hòa thượng Thích Thanh Từ]

– Rõ ràng có điểm rất giống nhau về sự kiện “ban đêm, Thái Tông đến tham bái quốc sư ở núi Yên Tử”. Toàn thư cho biết vị quốc sư đó tên là Phù Vân, trong khi Thánh Đăng lục cho biết vị quốc sư ấy tên là Viên Chứng. Giáo sư Nguyễn Lang trong Việt Nam phật giáo sử luận cho rằng rất có thể sách đã chép sai vì Phù Vân là hiệu của thiền sư Tĩnh Lự, thuộc thế hệ thứ 10 của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền sư Viên Chứng được nhiều nhà nghiên cứu đồng nhất với thiền sư Đạo Viên.

Thiền uyển tập anh chép:

“Thiền sư Huyền Quang [???-1221] núi Yên Tử, người kinh sư, họ Lê tên Thuần (…) năm vừa 11 tuổi Thường Chiếu chùa Lục Tổ thấy đem về nuôi, cho làm đệ tử (…) sau vì nhận sự cúng dường của công chúa Hoa Dương [Việt sử lược chép: “Trinh Phù năm thứ 5 [1180] mùa đông, cho thủ lĩnh châu Vị Long là Hà Công Phụ cưới công chúa Hoa Dương] mà tiếng đời phỉ báng nổi lên như ong (…) Rồi sư vào thẳng trong núi Uyên Trừng, phủ Nghệ An, theo thiền sư Pháp Giới thọ giới cụ túc (…) Lý Huệ Tông khâm phục đời sống cao thượng của sư, đã nhiều lần sắm lễ đi đón, sư lánh mặt (…) Mùa xuân năm Kiến Gia thứ 11 [1221] sư an nhiên mà tịch, môn đồ Đại Viên sắm đủ lễ an táng sư trong núi”.

– Môn đồ Đại Viên chính là thiền sư Đạo Viên, là bạn cũ của Thái Tổ Trần Thừa và cũng chính là vị quốc sư ở núi Yên Tử mà ban đêm Trần Cảnh bỏ thành, vượt sông đến tham bái. Rõ ràng việc “bỏ thành, vượt sông” không đơn giản chỉ là “tham bái”. Như Toàn thư cho biết trước áp lực từ việc Trần Thủ Độ bàn kín chuyện cướp vợ, buộc người anh là Trần Liễu làm loạn đã khiến Thái Tông bỏ ngôi mà tham bái phật học. Toàn thư và Thánh Đăng lục còn chép sai khác vào thời điểm mà Trần Cảnh bỏ thành, vượt sông. Trong trường hợp này, tôi cho rằng sách gần với sự kiện hơn thì có giá trị hơn, do đó sự kiện Thái Tông nửa đêm, bỏ thành, vượt sông, cũng có nghĩa việc Trần Liễu làm loạn phải xảy ra vào tháng 4/1236.

– Theo Toàn thư thì Thái Tông Trần Cảnh sinh năm 1218, khi 16 tuổi mẹ của ngài là Lê thị mất, như thế Quốc Thánh hoàng thái hậu phải mất vào năm 1233, chứ không phải năm 1230. Theo Thiền uyển tập anh thì thiền sư Huyền Quang họ Lê người kinh sư, có môn đồ là Đại Viên, vốn là bạn cũ của Trần Thừa, trong khi vợ của Thái Tổ cũng người họ Lê và rất có thể có mối quan hệ thân tộc với vị tướng quân người kinh sư là Lê Mịch.

– Sách Khóa hư lục có chép chi tiết “em họ tiên quân được gửi gắm con côi (…) trẫm đã phong làm thái sư, tham dự quốc chính (…) Thần nhận sự ủy thác của Tiên quân, tôn phong bệ hạ làm chúa tể dân thần”. Rõ ràng là khi Trần Thừa còn sống, quyền lực trong triều do Thái Tổ nắm cả, tới khi mất thì có gửi gắm Trần Cảnh cho Trần Thủ Độ, Trung Vũ vương lúc này được phong Thống quốc thái sư, tham dự triều chính. Nhưng Trần Thái Tông cũng đồng thời phong cho anh trai Trần Liễu làm Hiển hoàng, các lão thần như Phùng Tá Chu làm Hưng Nhân vương, Phạm Kính Ân làm thái phó, tước Bảo Trung hầu. Thời điểm sau khi Thái Tổ băng, Trần Cảnh liên tục có những động thái vỗ về quan lại, mục đích hẳn là tìm kiếm sự trung thành.

– Trần Cảnh thì hẳn là hoàng đế từ khi Thái Tông còn sống, vậy thì sao Trần Thủ Độ lại còn nhận sự ủy thác, mà tôn phong bệ hạ làm chúa tể ? Phải chăng vào thời điểm đó, Trần Cảnh không có thực quyền và chịu lép vế trước Trần Liễu, do đó việc “tôn phong làm chúa tể” của Trần Thủ Độ như là một động thái khẳng định quyền thống trị của Thái Tông. Rõ ràng là với tước Hiển hoàng, Trần Liễu chỉ đứng sau hoàng đế về mặt danh nghĩa. Tôi cho rằng Trần Cảnh đứng trước tình trạng tiến thoài lưỡng nam, người có thể tin tưởng nhất là người anh trai Trần Liễu, người mà Thái Tông có thể cùng hợp sức chống lại các lão thần trong đó có cả Trần Thủ Độ, thế nhưng Trần Cảnh lại không có sự tin tưởng tuyệt đối với Hiển hoàng, để rồi vào năm 1237 khi Liễu tự lượng thế cô, đến chỗ vua xin hàng, Thủ Độ toan giết thì Thái Tông đã lấy người che cho Hiển hoàng, khiến Trung Vũ vương phải thốt lên “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào”. Đúng là như vậy, tình thế của Trần Thái Tông là không thể tin hẳn, nhưng nếu không tin thì chẳng còn biết tin ai.

– Lại nói về việc Trần Liễu cưỡng dâm người phi cũ của triều Lý ở cung Lệ Thiên, khiến các đình thân hặc tấu nên buộc phải giáng Hiển hoàng làm Hoài vương. Với tước Hiển hoàng thì hẳn người tấu kể tội Trần Liễu mà buộc Trần Thái Tông phải giáng Liễu làm Hoài vương thì người đó cũng không phải tầm thường. Chúng ta biết rằng nhánh An Quốc vương và Trung Vũ vương có mối quan hệ với rất nhiều người là tôn thất họ Lý cũ, do đó mà tôi ngờ rằng người phi cũ này có mối quan hệ với nhánh Trần Thẩm, Trần Thủ Độ nhưng chính xác mối quan hệ đó như thế nào thì chúng ta sẽ bàn sau. Tôi cho rằng sự biến những năm 1236 mà các sự kiện như Trần Liễu cưỡng dâm người phi cũ của triều Lý hoặc Trần Thủ Độ bàn với Trần Cảnh cướp vợ của Hiển hoàng, chẳng qua là những nút thắt mà thôi, chứ ẩn đằng sau là việc quyền lực tập trung [khi Trần Thừa còn sống] bị phân tách cho từng thế lực [Trần Liễu, Trần Thủ Độ]

– Sau khi Thái Tổ mất, quyền điều hành được trao lại cho Trần Cảnh, nhưng Thái Tông còn trẻ nên muốn liên kết với anh trai Trần Liễu, sau xung đột quyền lực giữa Thủ Độ và Trần Liễu, An Ninh vương thất thế, Trần Cảnh đành dựa vào bên ngoại và sau này là thêm người em trai Trần Nhật Hiệu. Về mối quan hệ giữa Thái Tổ Trần Thừa và thiền sư Đạo Viên vốn là bạn cũ theo như Toàn thư chép không phải là không có cơ sở vì nếu không có nguyên cớ thì không dưng Trần Cảnh trong lúc tiến thoái lưỡng nan lại chạy về Yên Tử nơi thiền sư tu tập.

(4) Toàn thư chép:

“Bính Ngọ [1186] Mùa thu tháng 7, bắt được voi trắng đặt cho tên là Thiên Tư. Xuống chiếu đổi niên hiệu là Thiên Tư Gia Thụy năm thứ 1. Sai Lê Hòe Khanh sang nhà Tống đáp lễ”.

Việt sử lược: “Đinh Mùi [1187] Vua sai tên Chỉ hầu phụng ngự Lê Năng Trường đem sư [người Tây Vực] về nhà công quán ở, sai người bắt hổ để thử phép thuật của sư (…) Kỷ Dậu [1189] Vua sai thái phó Ngô Lý Tín, đô quan lang trung Lê Năng Trường xét việc kiện thiếu sư Mạc Hiển Tích (…) Canh Tuất [1190] Thái phó Ngô Lý Tín chết. Thái phó Đàm Dĩ Mông làm phụ chính (…) Tân Hợi [1191] Lấy đô quan lang trung Lê Năng Trường làm chức tả phụ, Đặng Tú Phụ làm tham tri chính sự (…) Nhâm Tí [1192] Mùa xuân tháng giêng, giáp Cổ Hoành ở Thanh Hóa làm phản, mùa hè vua xuống chiếu sai Đàm Dĩ Mông đem phủ binh Thanh Hóa đi đánh giáp Cổ Hoành, bắt được bọn cầm đầu là Lê Vãn, đóng cũi đưa về kinh”.

Toàn thư chép: “Nhâm Tý [1192] Mùa thu tháng 7, sét đánh vào điện Vĩnh Ninh hai chỗ. Người giáp Cổ Hoằng ở Thanh Hóa [là Lê Văn] làm phản, sai tướng đi đánh, dẹp được”.

Việt sử lược chép: “Giáp Tí [1204] Tháng 5, rồng vàng hiện ở gác Thánh Nhật. Tháng 8, lại hiện ra ở điện Thánh Thọ, bay vòng quanh cửa Ngự Tẩm, để lại vết móng rồng ở chỗ ngự tọa tại điện Thiên Thụy đến hơn một trăm nơi, lại hiện ra ở hậu cung ba lần, đem cung nữ là Lê nương đặt lên nóc điện”.

– Tổng quan có 2 dòng họ Lê rất thế lực, dòng họ Lê phía bắc vốn là dòng dõi Lê Đại Hành, những người có thể thuộc dòng này như Ỷ Lan phu nhân, thái sư Lê Văn Thịnh, thái sư Trương Bá Ngọc, Linh Chiếu hoàng hậu, Thiền sư Trí Nhàn. Dòng họ Lê phía nam vốn là dòng dõi trấn quốc bộc xạ Lê công, những người có thể thuộc dòng này như Lê Phụng Hiểu, Lưu Khánh Đàm, Thiền sư Đạo Dung.

– Người viết hiện chưa có chứng cớ về mối quan hệ giữa 2 dòng họ Lê này, cả 2 dòng họ Lê này đều có những người làm chức quan trong triều đình và cũng có thể có người lưu sống tại kinh sư, nên người viết chưa xác định được tả phụ Lê Năng Trường thuộc dòng nào, người viết chỉ phỏng đoán rằng sau khi liên minh Linh Đạo thái hậu và Mạc Hiển Tích thất thế, phe phái Đàm Dĩ Mông giành quyền bính thì Năng Trường được thăng chức, cho thấy rất có thể Trường thuộc phe phái Dĩ Mông, vị họ Đàm có mối quan hệ với các thế lực miền phía đông như Đoàn Thượng, Trần Lý, Tô Trung Từ nên có thể Năng Trường thuộc gia tộc họ Lê với Quốc Thánh phu nhân và Lê Mịch.

Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Pháp Dung. Chùa Hương Nghiêm, núi Ma Ni, phủ Thanh Hóa. Người Bối Lý, họ Lê là hậu duệ của châu mục Ái Châu Lê Lương đời Đường, trải qua 15 đời là một danh tộc của châu đó, cha là Huyền Ngưng, đạo hiệu Tăng Phán” [Xin xem thêm bài Trần triều nghi vấn: Gia thế các lệnh tộc của cùng tác giả để rõ hơn về dòng họ Lê phía nam]

(5) Toàn thư chép:

“Bính Ngọ [1246] Mùa đông tháng 12, cho Trương Mông làm Ngự sử đại phu (Mông người Thanh Hóa, có hùng tài) (…) Bính Thìn [1256] Mùa xuân tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Trần Quốc Lặc đỗ kinh trạng nguyên; Trương Xán đỗ trại trạng nguyên; Chu Hinh đỗ bảng nhãn; Trần Uyên đỗ thám hoa lang. Lấy đỗ thái học sinh 43 người (kinh 42 người, trại 1 người) xuất thân có thứ bậc khác nhau”.

Cương mục chép: “Lời chua. Trương Xán người ở Hoành Sơn thuộc Bố Chính”

An Nam chí lược: “Tự sự. Tắc người An Nam, dòng dõi của Nguyễn Phu, thứ sử Giao Châu đời Đông Tấn. Đã nhiều đời ở Ái Châu, tằng tổ tên Khôn, khoảng cuối đời nhà Lý làm chức Đông thượng các môn sứ, ông nội tên Trưng, đầu đời Trần làm chức Ngoại lang, cha tên Viễn Vọng làm Lệnh thư xá, cưới con gái của Hứa Thúc Tôn ở Chư Vệ, sanh ra Tắc, cho ông cậu [ngoại tổ cữu – anh em với bà nội] là Lê Bổng [Phụng] người Chư Vệ làm con nuôi. Tắc được dạy cho học, chín tuổi thi khoa thần đồng. Trần Thái Vương lưu Tắc ở hầu cận tả hữu để đọc thơ, lớn lên cưới con gái của Trương Xán ở Chư Vệ. Làm quan đến chức thị lang, đổi qua giúp việc dưới trướng Tĩnh Hải quân tiết sứ, Chương Hiến thượng hầu”.

– Theo như Cương mục thì Trương Xán người Hoành Sơn thuộc Bố Chính, nhưng theo như Lê Tắc thì cha vợ của ông cũng có tên Trương Xán nhưng người Chư Vệ [Thanh Hóa] Theo Toàn thư thì từ Thanh Hóa trở vào đã được gọi là Trại rồi. Trước khi Trương Xán đỗ trại trạng nguyên 10 năm cũng có vị họ Trương có tài hùng biện được ban chức ngự sử đại phu, vị Trương ngự sử cũng quê Thanh Hóa, như thế rất có thể vị trại trạng nguyên Trương Xán chính là cha vợ của Tắc.

– Theo lời tự sự của Tắc thì 9 tuổi đã thi thần đồng, được Trần Thái Tông lưu trong cung để đọc thơ cho ngài nghe trong khi ông và cha của Tắc không phải là những vị quan trong triều nên nhiều khả năng Tắc được hầu thơ cho Thái Tông là thông qua người cha nuôi Lê Bổng. Sau này Tắc đổi qua giúp việc cho Chương Hiến hầu Trần Kiện hẳn là có nguyên cớ từ dòng họ Lê bởi vì: thứ nhất An Nam chí lược khi chép về Trần Kiện có nhắc tới “quốc mẫu cô Lê thị” của Chương Hiếu hầu và thứ hai Trần Kiện chống quân Nguyên Mông tại Thanh Hóa.

– Qua sách sử chúng ta biết rằng thời Lý Trần, thường có tục hôn nhân giữa các gia tộc, người cô Lê thị của Trần Kiện được làm Quốc mẫu (có khả năng là phu nhân của Trần Thánh Tông) thì hẳn vị quốc mẫu này cũng gia tộc với Quốc Thánh hoàng thái hậu.

Toàn thư chép:

“Canh Tuất [1250] Mùa xuân, tháng 3 động đất. Xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là quan gia. Đổi Đô vệ phủ làm Tam ty viện, gồm các viện Phụng tuyên, Thanh túc, Hiến chính. Mùa hạ, tháng 5, xuống chiếu các việc kiện tụng đã thành án, phải cùng quan thẩm hình viện xem xét định tội. Cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử trung tướng, tri Tam ty viện sự (…) Đinh Tỵ [1257] Tháng 12 ngày 12, tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Đải xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần (tức Lê Tần) một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không. Lúc ấy, có người khuyên vua dừng lại để chỉ huy chiến đấu. Phụ Trần cố sức can vua: “Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế”. Bấy giờ, vua mới lui quân đóng ở sông Lô. Phụ Trần giữ phía sau. Quân giặc bắn loạn xạ, Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc. Thế giặc rất mạnh [vua] lại phải lui giữ sông Thiên Mạc. Phụ Trần theo vua bàn những việc cơ mật, rất ít người biết được điều đó (…) Mậu Ngọ [1258] Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng một, vua ngự chínnh điện, cho trăm quan vào chầu. Trăm họ yên nghiệp như cũ. Định công phong tước: cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu; lại đem công chúa Chiêu Thánh gả cho. Vua nói: “Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùngđược trọn vẹn về sau”. Sai sứ sang thông hiếu với nhà Tống. Sai Lê Phụ Trần, Chu Bác Lãm sang Nguyên. Lúc này, sứ Nguyên sang đòi lễ vật hằng năm, đòi tăng thêm tiến cống, lung tung không định. Vua sai Lê Phụ Trần đi sứ, lấy Bác Lãm làm phó. Cuối cùng qui định 3 năm một lần tiến cống, coi là thường lệ (…) Kỷ Mùi [1259] Mùa hạ tháng 6, cho Nguyên Giới Huân làm Đại hành khiển, Thượng thư tả phụ, Lê Phụ Trần làm Thủy quân đại tướng quân (…) Quý Hợi [1263] Mùa hạ tháng 4, cho Lê Cư làm trại chủ Thanh Hoá (…) Kỷ Tị [1269] Tháng 12, sứ Nguyên Lung Hải Nha sang dụ về việc biên giới. Vua sai Lê Đà, Đinh Củng Viên sang Nguyên (…) Nhâm Thân [1272] Mùa hạ tháng 4, sứ Nguyên Ngột Lương sang dụ, hỏi giới hạn cột đồng cũ. Vua sai Viên ngoại lang Lê Kính Phu đi hội khám. [Phu] trở về nói rằng, cột đồng Mã Viện dựng lâu năm đã bị mai một, không còn tung tích gì nữa (…) Giáp Tuất [1274] Tháng 12, sách phong hoàng trưởng tử Khâm làm hoàng thái tử, lấy con gái trưởng của Hưng Đạo Vương làm phi cho thái tử (…) Chọn người nho học có đức hạnh trong thiên hạ vào hầu Đông Cung. Lấy Lê Phụ Trần làm Thiếu sư, kiêm Trừ cung giáo thụ. lấy bọn Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố sung Nội thị nội thị học sĩ (Phụ Trần người Ái Châu ). Vua tự làm thơ để dạy hoàng tử và viết Di hậu lục 2 quyển”.

An Nam chí lược chép:

“Danh nhân. Lê Tần người Ái Châu, tính hòa kính, học rộng, Thái Vương dùng làm hàn trưởng. Mùa đông năm Đinh Tị, theo vương chống Ngột Lương Hợp Thai, binh bại cùng vương chạy đến Phạm Gia Bảo, gặp Phạm Cụ Chích đem binh đến cứu, quan binh giết Cụ Chích, Thái Vương chạy tới bến Lãnh Mỹ, vừa lên thuyền kị binh đuổi theo kịp, nhằm Thái Vương bắn loạn xạ, Tần lấy ván thuyền che cho vương chạy khỏi. Thái Vương nhớ công, phong Tần làm Bảo Văn hầu, nhập nội phán thủ”.

– Theo như Toàn thư thì năm 1250 Trần Thái Tông đã đổi đô vệ phủ thành Tam ty viện và cho Lê Tần làm tri Tam ty viện sự, rõ ràng Lê Tần phải có được sự tin tưởng của Trần Cảnh thì mới được ban phong lớn như vậy và trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ năm 1257 thì “Phụ Trần theo vua bàn những việc cơ mật”. Không còn nghi ngờ gì nữa, Phụ Trần là người rất được Trần Cảnh tin tưởng.

– Trên chúng ta có bàn, sau khi việc liên kết với Trần Liễu thất bại, có khả năng Trần Cảnh dựa vào thế lực bên ngoại, là người họ Lê. Qua trường hợp Lê Bổng và Lê Tần chúng ta phỏng đoán có khả năng phu nhân của Thái Tổ Trần Thừa thuộc dòng họ Lê phía nam. Sau cuộc kháng chiến chống Mông Cổ năm 1257, Lê Tần mới được phong Bảo Văn hầu và chưa được ban quốc tính thì rất có thể Lê Tần là hậu duệ của anh em với tướng quân Lê Mịch.

– Xin xem thêm bài Trần triều nghi vấn: Gia thế cách lệnh tộc của cùng tác giả để nắm rõ hơn sự thay tên, đổi họ cũng như sự tản cư của dòng họ Lê phía nam sau binh biến năm 1035. Về vị trí địa lý thì giao thông giữa vùng Thanh Hóa với Nam – Thái cũng khá thuận lợi. Tuy nhiên sự tản cư của dòng họ Lê phía nam tới vùng Nam – Thái không nhất thiết từ năm 1035, sau thời điểm này dòng họ Lê vẫn tiếp tục tản cư, chẳng hạn như trường hợp mà Việt sử lược ghi nhận năm 1051 là “Sai tả kiêu vệ tướng quân Trần Nẫm đem người Ngũ Huyện đào cảng Cá Lẫm”.

Tiểu kết: Tôi giả thuyết rằng Bảo Nghĩ vương Trần Bình Trọng là hậu duệ của Tướng quân Lê Mịch huyện Yên Duyên, có mối quan hệ thân tộc với Quốc Thánh hoàng thái hậu và dòng họ Lê phía nam

0