21/02/2018, 08:52

Bạn sẽ chọn lối đi đã được người ta đi mãi mà thành đường, hay lối đi không có dấu chân người?

Đề bài: Nhà văn Lỗ Tấn từng khẳng định: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Nhà thơ Robert Frost viết: “Trong rừng có nhiều lối đi, và tôi chọn lối đi không có dấu chân ...

Đề bài: Nhà văn Lỗ Tấn từng khẳng định: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Nhà thơ Robert Frost viết: “Trong rừng có nhiều lối đi, và tôi chọn lối đi không có dấu chân người”.

Bài làm

Mức độ của hạnh phúc được đo lường bằng tình thương. Thành công ở tương lai do biết chọn con đường hôm nay. Đường đi vào cuộc sống lại có nhiều lối để chọn. Có những đường chỉ cần bước theo dấu chân trước mà đi, cũng có những lối phải khám phá bằng chính năng lực của bản thân. Đó có thể là con đường kinh tế, đường công danh, sự nghiệp, đường học hành, đường hạnh phúc…. Hơn nữa, quan niệm về con đường của mỗi người người lại khác nhau. Nếu nhà văn Lỗ Tấn từng khẳng định: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi” thì nhà thơ Robert Frost lại viết: “Trong rừng có nhiều lối đi, và tôi chọn lối đi không có dấu chân người”. Vậy ta sẽ chọn cho riêng mình lối đã có dấu chân hay đường đã có sẵn để bước đi trong cuộc sống?

Giả thuyết hiện hữu về trời đất của các nhà khoa học cho rằng: sự hình thành của vũ trụ khởi đầu bằng vụ nổ big bang. Trải qua hàng tỉ tháng trật tự trong trời đất mới có được, thời gian phải trôi vào quên lãng hàng triệu năm thì trái đất mới hình thành. Điều này cũng đồng nghĩa lúc mới hình thành nên quả đất thì “chưa có những con đường”, mặt đất đang ở trong tình trạng hỗn độn. Chỉ khi vạn vật được hiện hữu, đặc biệt sự phát triển của các động vật biết đi thì “những con đường bắt đầu hình thành”. Quả thật, một dấu chân đi qua thì chưa thể gọi là con đường. Con đường được mang ý nghĩa chính nó khi có vô số bước chân nối tiếp nhau. Nơi sa mạc hoang vu, một dấu chân đi qua thì không thể gọi là đường. Một lần đi qua chưa chắc khách bộ hành sẽ tới đích, biết đâu đó là dấu chân của kẻ lạc lối và sẽ bị chết khát nơi sa mạc khô khan. Còn muốn qua được bên kia của sa mạc, người lữ hành phải đi theo lối có nhiều bước chân đã đi qua. Tuân thủ điều này thì cơ hội tồn tại của khách bộ hành sẽ rất cao và có thể tránh được những bất trắc xảy đến.

Cuộc sống có nhiều lối đi, chẳng ai phủ nhận điều này. Tương lai được thành công mĩ mãn, không phải là ước mơ của riêng ai, nhưng là mơ ước chung của hết thảy mọi người. Cũng như “trong rừng có nhiều lối đi” thì ai cũng công nhận. Bởi rừng là tài nguyên để con người khai thác, là thức ăn cho muôn sinh vật, là “hũ thuốc” để con người lấy ra những “linh dược”, là “khẩu phần” mà Thượng Đế ban tặng để loài người rút ra những “bữa ăn”. Sự hình thành của những lối đi cũng từ đây mà có. Tuy nhiên, người đi tìm “linh dược” bước theo dấu chân người đi trước đôi khi về tay trắng. Kẻ đi kiếm “bữa ăn” đi theo đường có sẵn đôi lần về tay không. Tuy nhiên, lạc lối giữa rừng sâu thấy được một lối đi là cả “trời mơ ước”. Vì nhờ đó mà kiếm được đường về.

Còn “chọn một lối đi không có dấu chân người”, nghĩa là không dựa vào những con đường có sẵn, nhưng khám phá ra con đường mới. Đôi khi, đây là lựa chọn mạo hiểm, sẽ gặp nhiều bất trắc phía trước những bước chân. Nói đúng hơn, đây là một sự liều lĩnh, giống như “ngàn cân treo sợi tóc”, những thất bại luôn cận kề. Nhưng như thế không có nghĩa, sẽ chẳng bao giờ thành công. Bởi trong tận hang sâu vẫn tìm thấy thạch nhũ, hạt cát trong trái tim con trai biển cũng có thể thành ngọc châu. Hơn nữa thỏa mãn được ước mơ còn hơn cứ sống trong ân hận, tìm được niềm vui từ sự mạo hiểm còn hơn sống ủ rũ với tháng ngày.

Qua đó cho thấy, sự hình thành của con đường bao giờ cũng cần sự khai phá, có được những lối đi cần những bước khởi đầu. Cũng giống như có chén rượu nồng người thì rất cần người pha chế. Có được những bản tình ca du dương thì tài ba của nhạc sĩ rất cần thiết. Tuy nhiên, trong cuộc sống bản tình ca dù hay đến mấy thì nghe lắm cũng nhàn, rượu nồng uống mãi cũng say. Cứ bước mãi trên một con đường thì lối đi sẽ mau hư hoại và buồn chán biết mấy. Vì thế, chọn cho riêng mình con đường có sẵn hay khám phá cho bản thân một hành trình mới để đi là quyết định của mỗi người?

Trong cuộc sống, có những người bị người đời chê “ngây thơ trong ước mơ”, “dại khờ trong lý tưởng” vì đã chọn cho mình lối đi chưa có dấu chân. Nhưng đối với họ, cái “ngây thơ” đó sẽ thỏa mãn được những đam mê, khát vọng. Cái “khờ dại” nhưng lại được khẳng định giá trị của bản thân. Khẳng định được giá trị của bản thân cũng như thỏa mãn được những đam mê, khát vọng để bị người đời khinh chê là “ngây thơ, khờ dại” thì cũng chẳng đáng chi. Thiết nghĩ, trong thời đại công nghệ thông tin, kinh tế thị trường đang từng bước thay đổi từng giờ, thì chọn những ước mơ, lý tưởng bị cho là “ngây thơ, khờ dại” cũng là điều cần thiết. Bởi trong cuộc sống chẳng có ai đi thay cho nhau dù một bước trên đường đời. Con đường của ai thì người đó phải tự đi. Hơn nữa, đòi hỏi của cuộc sống là phải không ngừng sáng tạo cũng như đổi mới từ tư duy đến hành động, từ suy nghĩ đến việc làm.

Xét ở phạm vi kinh tế: nếu không có những bước đột phá trên thị trường, từ chất lượng cũng như số lượng của sản phẩm, hay những sáng tạo trong khâu quản lý và quảng cáo của mặt hàng, thì thử hỏi công ty liệu có đủ sức cạnh tranh một cách sòng phẳng với các công ty khác hay không? Ở lãnh vực học hành cũng vậy, một học sinh chỉ học những kiến thức cơ bản mà thầy cô truyền thụ ở lớp, về nhà không chịu nghiên cứu, tìm hiểu, đào sâu thêm những vấn đề liên quan thì học lực cũng chỉ mức bình thường. Còn trong đời sống gia đình, nếu chỉ xem cưới được nhau là đích điểm của hôn nhân, mà không chịu vun vén tình yêu sau ngày cưới, không còn cảm giác nhớ thương, hay những sáng tạo mới trong đời sống vợ chồng, thì hôn nhân sẽ trở thành gánh nặng. Trên những quốc lộ cũng vậy, không nới rộng, không làm thêm những xa lộ, những đường cao tốc thì nạn kẹt xe, cũng như nảy sinh nhiều vấn đề khác là lẽ đương nhiên. Tầm ảnh hưởng của việc sáng tạo nên những con đường mới trong mọi lãnh vực sẽ giúp cho đời sống của con người về tinh thần cũng như vật chất được văn minh, hiện đại hơn.

Nêu lên những ích lợi của việc sáng tạo nên những con đường mới không có nghĩa chúng ta sẽ phủ nhận hay phá hủy những lối đi cũ. Ngược lại, sự phát triển ở tương lai thì kế thừa những giá trị đã được công nhận ở quá khứ là điều cần thiết. Không thể biện minh cho việc phát triển những con đường hay những sáng tạo mới mà bỏ qua các ích lợi cũ. Bởi những thành tựu trong quá khứ có sức sống với thời gian, nhất là ở lãnh vực tri thức và khoa học. Cũng chính những thành tựu này là nền tảng để xây dựng nên cái mới. Tuy nhiên, điểm cốt yếu của việc khám phá nên những con đường mới đi đến đâu mới là điều quan trọng. Bỏ cả một đời làm nên những con đường mới kết quả đưa tới vực thẳm thì thật uổng công. Như hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời mọc để tìm sức sống thì hướng đi của những con đường mới phải hướng đến chân thiện mỹ là điểm cùng tận nhằm mang tới cho con người một cuộc sống hạnh phúc.

Nhạc sĩ Đức Huy đã viết: “tìm một con đường, tìm một lối đi, ngày qua ngày, đời nhiều vấn nghi….”. Đó không chỉ là lời khắc khoải của tác giả mà còn niềm thao thức cho hết thảy những ai đang sống trong kiếp bụi trần. Có thể là âu lo trên con đường công danh, trên hành trình đi tìm sự nghiệp, giữa lối kiếm hạnh phúc. Lựa cho riêng mình một lối đi là điều cần thiết, nhưng sẽ tốt hơn nếu trên con đường đã chọn biết khám phá ra những “chân trời” mới, để xây dựng không chỉ cho riêng mình mà còn cho những ai liên hệ với bản thân có một cuộc sống hạnh phúc. Hiểu cho được giá trị của những khám phá bằng sự kiên trì và nỗ lực của bản thân, ta hãy vạch ra cho mình một con đường mới, để khi kết thúc cuộc hành trình ta sẽ nhận được những thành công mĩ mãn, không thất vọng vì lựa chọn lối đi.

Viết Lan

0