06/02/2018, 10:17

Bài học đường đời đầu tiên

Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Tóm tắt đoạn trích Dế Mèn là một chàng dế thanh niên cường tráng, tính tình kiêu căng, xốc nổi. Hàng xóm có chàng Dế Choắt ốm yếu, gầy gò. Dế Mèn đã coi thường Dế Choắt, không giúp đỡ Dế Choắt, lại còn bày trò nghịch ranh trêu chị ...

Hướng dẫn

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Tóm tắt đoạn trích

Dế Mèn là một chàng dế thanh niên cường tráng, tính tình kiêu căng, xốc nổi.

Hàng xóm có chàng Dế Choắt ốm yếu, gầy gò. Dế Mèn đã coi thường Dế Choắt, không giúp đỡ Dế Choắt, lại còn bày trò nghịch ranh trêu chị Cốc. Dế Choắt bị chết oan vì trò nghịch đó. Trước khi chết, Dế Choắt khuyên nhủ Dế Mèn. Dế Mèn vô cùng ân hận và cảm kích, suy nghĩ về bài học đường đời đầu tiên.

2. Đoạn trích miêu tả Dế Mèn có vẻ đẹp cường tráng, hùng dũng của con nhà võ nhưng tính nết kiêu căng, xốc nổi. VI tính kiêu căng xốc nổi đó, Dế Mèn đã gây ra cái chết của Dế Choắt và ân hận suy ngẫm về bài học đường đời.

Đoạn trích cũng thể hiện tài quan sát và miêu tả tinh tế của nhà văn Tô Hoài. Lời kể ở ngôi thứ nhất nhưng biến hoá sinh động, hấp dẫn. Ngôn ngữ miêu tả và so sánh đặc sắc, diễn tả chính xác đối tượng miêu tả.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Có thể kể tóm tắt như gợi ý ở phần kiến thức cơ bản. Cũng có thể tóm tắt ở mức độ chi tiết hơn, có những nhận xét của Dế Mèn về chỗ ở của Dế Choắt, lời Dế Choắt xin giúp đỡ và sự từ chối của Dế Mèn, lời hát trêu chị Cốc…

a) Truyện được kể bằng lời của nhân vật Dế Mèn.

b) Bài văn có thể chia làm hai đoạn: Đoạn một từ đầu đến sắp đứng đầu thiên hạ rồi: Giới thiêu vẻ đẹp và tính tình của Dế Mèn. Đoạn hai tiếp theo đến hết: Câu chuyện về bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn.

2. a) Các chi tiết miêu tả ngoại hình và hành động của Dế Mèn:

Ngoại hình:

+ Đôi càng mẫm bóng.

+ Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt.

+ Đôi cánh…, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi.

+ Đầu… to ra và nổi từng tảng, rất bướng.

+ Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.

+ Sợi râu… dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng.

Hành động của Dế Mèn:

+ Muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ.

+ Chốc chốc lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.

+ Đi đứng oai vệ.

+ Cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm (quát các chị Cào Cào, đá anh Gọng Vó,…).

Cách miêu tả của tác giả là chọn lọc những chi tiết tiêu biểu làm nổi bật ngoại hình của một chú dế thanh niên cường tráng. Tác giả vừa miêu tả ngoại hình kết hợp với miêu tả hành động để làm bộc lộ tính cách của Dế Mèn: kiêu căng, xốc nổi, điệu đàng.

b) Một số tính từ miêu tả hình dáng và tính cách của Dế Mèn. Tính từ miêu tả hình dáng: cường tráng, mẫm bóng, nhọn hoắt, hủn hoẳn, giòn giã, bóng mỡ, đen nhánh, ngoàm ngoạp…

Tính từ miêu tả tính cách: bướng, hãnh diện, trịnh trọng, khoan thai, oai vệ, tợn, giỏi, ghê gớm... Có thể thay thế một số từ như: Đôi càng mẫm bóng: đôi càng mập bóng, đôi càng to bóng,…

Ngắn hủn hoẳn: ngắn củn, ngắn tủn, ngắn cũn cỡn,…

Đi đứng oai vệ : đi đứng chững chạc, đi đứng đàng hoàng, đi đứng oai lắm,…

Rõ ràng những lời thay thế không diễn tả được ý nghĩa như những từ tác giả đã dùng. Tác giả dùng từ rất chính xác và tinh tế.

c) Tính cách của Dế Mèn trong đoạn văn:

Qua những tính từ chỉ tính cách và một số hành động của Dế Mèn, có thể nói Dế Mèn là chàng dế cường tráng, trẻ trung nhưng điệu đàng, kiêu căng, xốc nổi, hung hăng, ngộ nhận về sức mạnh của mình.

3. Thái độ của Dế Mèn đối với Dế Choắt là thái độ kẻ cả, trịch thượng, coi thường. Điều đó thể hiện qua cách xưng hộ: đặt tên bạn là Dế Choắt, ví von so sánh như gã nghiện thuốc phiện, xưng hô chú mày, điệu bộ khinh khỉnh, giọng điệu bề trên, dạy bảo. Dế Mèn còn tỏ ra ích kỉ, không cho Dế Choắt thông ngách sang, lại còn mắng: “Đào tổ nông thì cho chết!”.

4. Khi trêu chị Cốc, Dế Mèn hung hăng, kiêu ngạo khồng hề biết sợ: Sợ gì? Mày bảo tao sợ cái gì? Mày bảo tao còn biết sợ ai hơn tao nữa! Hát trêu xong, Dế Mèn vẫn tự đắc, thách thức: Mày tức thì mày cứ tức, mày ghè vỡ đầu mày ra cho nhỏ đi, nhỏ đến đâu thì mày cũng không chui nổi vào tổ tao đâu! Nhưng chứng kiến chị Cốc đánh Choắt, Dế Mèn khiếp hãi “nằm im thin thít”. Biết chắc chị Cốc đi rồi, mới dám “mon men bò lên”. Từ hung hăng, kiêu ngạo, Dế Mèn trở nên sợ hãi, nhút nhát.

Dế Mèn rút ra chính là sự trả giá cho những hành động ngông cuồng thiếu suy nghĩ. Bài học ấy thể hiện qua lời khuyên chân tình của Dế Choắt: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.

5. Hình ảnh những con vật được miêu tả trong truyện ngắn rất giống với chúng trong thực tế. Dế Mèn và Dế Choắt, mỗi con vật một vẻ. Một bên cường tráng, khoẻ mạnh, một bên bệnh tật, ốm yếu. Những đặc điểm của con người như suy nghĩ, đi đứng, nói năng được gán cho những con vật.

Em hãy kể tên tác phẩm viết về loài vật có cách viết tương tự như Dế Mèn phiêu lưu kí.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Tâm trạng của Dế Mèn lúc này là thương cảm Dế Choắt. Nếu trước đó Dế Mèn coi thường, dửng dưng, không quan tâm gì đến Dế Choắt, thì lúc này Dế Mèn thương bạn vô cùng. Càng thương Dế Choắt, Dế Mèn càng ăn năn, hối hận về việc làm dại dột của mình. Chỉ vì muốn lên mặt, ra oai mà Dế Mèn đã bất chấp lời can ngăn của Dế Choắt, trêu chị Cốc dẫn đến cái chết thảm thương của Dế Choắt, và suýt nữa thiệt mạng: nếu không nhanh chân chạy vào hang thì tôi cũng chết toi rồi.

Đoạn văn của em cần thể hiện được những điều nêu trên. Chú ý đến ngôn ngữ của nhân vật Dế Mèn tự diễn tả tâm trạng của mình.

2. Khi đọc phân vai, cần chú ý đến tính cách và giọng điệu của mỗi nhân vật. Dế Mèn kiêu căng, giọng kẻ cả, có phần ngông nghênh. Khi hát trêu cần thể hiện sự khiêu khích…

Dế Choắt nhút nhát, sợ sệt, giọng nhún nhường, yếu ớt,…

Chị Cốc bực dọc, quát nạt, kiên quyết trừng phạt..’.

Cần chú ý phân biệt giọng dẫn chuyện của Dế Mèn và lời đối thoại của nhân vật.

Mai Thu

0